Ham muốn có cần được chữa trị không?

ham-muon-co-can-duoc-chua-tri-khong

Chuốc lấy nhiều đau đớn vì đam mê, tổn thương vì tình đơn phương và ham muốn điều cấm kỵ có thể hành hạ tinh thần chúng ta. Có phải đã đến lúc khắc chế hẳn đời sống tình ái của chúng ta?

Chuốc lấy nhiều đau đớn vì đam mê, tổn thương vì tình đơn phương và ham muốn điều cấm kỵ có thể hành hạ tinh thần chúng ta. Có phải đã đến lúc cần khắc chế hẳn đời sống tình ái của chúng ta?

Omer Bonne có ý tốt; chắc chắn là như vậy. Là giám đốc Khoa tâm thần tại bệnh viện Đại học Hadassah ở Jerusalem, Bonne đã chứng kiến bệnh nhân–các chàng trai trẻ– đến đây nhiều lần để chữa trị cho vấn đề mà họ lấy làm xấu hổ, đó là ham muốn tình dục quá cao. Và Bonne có một giải pháp sẵn sàng: Prozac.

Prozac là một trong những thuốc chống trầm cảm mà Bonne và các giáo sĩ khác đã kê đơn cho các sinh viên Yeshiva (chủng viện Do Thái), không phải vì họ mắc trầm cảm, mà bởi những loại thuốc đó có tác dụng phụ mà ai cũng biết là làm giảm ham muốn tình dục. Bonne tin rằng, như tờ Haaretz của Israel đưa tin năm 2012, những ham muốn tình dục ấy khiến người Do Thái bảo thủ ‘mâu thuẫn với các giá trị của họ và khiến họ gặp các vấn đề về tâm lý, thậm chí đến mức bị trầm cảm’. Trước sự kỳ thị của xã hội và sự thất vọng bởi việc phản bội lại các giá trị tôn giáo của một người, ông ta tin rằng làm những việc cần thiết nhằm xoa dịu những thôi thúc đó và khiến cuộc sống trở nên dễ chịu hơn là một điều nhân đạo.

Bonne không phải là người duy nhất sử dụng thuốc để kiểm soát ham muốn và sự hấp dẫn nhục dục. Thuốc naltrexone, một loại thuốc điều trị nghiện bằng cách ức chế narcotics, cũng được dùng để ngăn chặn chứng nghiện xem phim khiêu dâm trên internet. Lupron, một liệu pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt giúp ức chế các hoc-mon giới tính, hiện tại đang được sử dụng để thiến hóa học những người đàn ông bị nghiện tình dục. Đó là những ví dụ ban đầu còn vụng về của việc một ngày nào đó chúng ta có thể sử dụng thuốc để trực tiếp điều chỉnh trải nghiệm yêu đương và ham muốn của bản thân. Có rất nhiều khả năng: một bình xịt giúp chúng ta không còn cảm thấy đau khổ sau khi chia tay; những viên thuốc cho phép một ai đó hết yêu và sau đó rời bỏ một người tình bạo hành; một liều vaccine để chủng ngừa chúng ta khỏi ham muốn, để lại nhiều chỗ hơn cho công việc sáng tạo và ít chỗ cho sự lừa dối bạn đời.

Chúng là một số kịch bản mà Brian Earp, một nhà đạo đức sinh học tại đại học Oxford mường tượng. Earp đặt ra thuật ngữ ‘công nghệ sinh học chống lại-tình yêu’ để mô tả về những liều thuốc tình yêu đó, và cùng với các đồng nghiệp, viết một loạt bài báo đã tạo thành cơ chế cho việc suy nghĩ về triển vọng và hiểm họa của chúng, trong khi đang đi đến việc ủng hộ sử dụng chúng trong một số trường hợp nhất định.

Ngạn ngữ có câu ‘“Yêu là khổ”—và đau khổ và khó khăn ở chừng mực nào đó trong các mối quan hệ thân mật là không thể tránh khỏi,’ Earp viết vào năm 2013, trong một bài báo trên tạp chí American Journal of Bioethics. ‘Thỉnh thoảng nó thậm chí còn có lợi, bởi như người ta thường bảo một số kiểu đau khổ có thể dẫn tới sự trưởng thành của cá nhân, tự khám phá bản thân, và một loạt các thành phần thiết yếu khác của một đời sống tốt lành. Nhưng vào những lúc khác, tình yêu có thể hết sức nguy hiểm. Nó có thể nhốt một người trong vòng bạo lực luẩn quẩn…hoặc có thể ngăn không cho một người tiếp tục sống tốt hoặc có những mối quan hệ lành mạnh hơn.’

Song việc xáo trộn hóa chất của tình yêu–dù là làm giảm đi một nỗi ám ảnh đau khổ của tình đơn phương hay thay đổi thiên hướng tình dục của một người–bị xem là điều cấm kỵ bởi xã hội hiện nay đang đặt tình yêu vào một phạm trù cao quý riêng. Chúng ta xem người mà ta yêu và cách ta yêu thương như một trong những phần quan trọng nhất của bản sắc của chúng ta. Tình yêu đánh bại hầu hết những giá trị khác của chúng ta, thí dụ như tham vọng hay thậm chí mong muốn thoát khỏi khổ đau. Các bác sĩ dễ dàng kê đơn thuốc để chữa lành những vết thương cơ thể, nhờ đó mà chúng ta có thể kiểm soát được cơ thể của mình. Các nhà hoạt động thì đấu tranh chống lại sự kỳ thị đối với việc dùng thuốc để hỗ trợ cho những vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Còn riêng tình yêu thì không thể đụng tới, một trong những ranh giới cuối cùng, nơi khả năng điều chỉnh hoặc tránh xa một trải nghiệm có vẻ như là đang đòi hỏi quá nhiều–nhưng tại sao thế nhỉ? Như Earp đã chỉ ra, tình yêu về nhiều phương diện là một phản ứng hóa học, và khi tình yêu gây ra đau khổ cực độ hoặc xung đột sâu sắc với các giá trị khác, những ai muốn có một giải pháp về hóa học, miễn là họ đồng ý, nên nhận được một liều thuốc. Sử dụng những loại thuốc chống-tình yêu có thể mang một số người trong chúng ta lại gần hơn với một trong những giá trị cốt lõi của xã hội phương Tây: sự tự chủ cá nhân, và một tương lai nơi chúng ta kiểm soát được cuộc sống của mình và trở thành (kiểu) người mà ta mong muốn nhất.   

Bằng việc khẳng định rằng không ai có thể tránh được trải nghiệm yêu đương, đau khổ v.v., chúng ta thường lờ đi những tổn thương rất thực mà tình yêu có thể gây ra, đơn giản vì nguồn gây tổn thương lại được xem là điều cần thiết. Khi đề cập tới quyết định liệu có nên điều trị đau khổ hay không, chúng ta giữ chặt nỗi đau do tình yêu gây ra theo một tiêu chuẩn cao hơn nhiều so với nỗi đau từ nhiều chứng bệnh khác, ngay cả khi các nhà nhân chủng học và bác sĩ cho rằng trải nghiệm tình yêu có thể hoạt động giống như một chứng nghiện ngập, hay một căn bệnh tâm thần–và thậm chí có thể dẫn tới việc tự tử.

Tất cả mọi thứ xảy ra với tình yêu lãng mạn đều có một cơ sở về mặt hóa học, theo Helen Fisher, một nhà nhân chủng học-sinh học, hiện đang là một trong những nhà nghiên cứu dẫn đầu thế giới về tình yêu. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu biết rằng chất dẫn truyền thần kinh dopamine thúc đẩy sự kết đôi và chung thủy (một vợ một chồng). Trong một loạt nghiên cứu với chuột đồng bắt đầu từ năm 2003 cho đến nay, các nhà nghiên cứu tại đại học Michigan đã chỉ ra những con chuột đực bị tiêm một liều thuốc ức chế dopamine sẽ trở nên kém chung thủy hơn. Fisher đã nhiều lần tuyên bố rằng tình yêu cũng giống như một chứng nghiện bởi những người đang yêu không chỉ hành xử giống như người nghiện, mà các nghiên cứu fMRI cho thấy những cảm xúc của tình yêu lãng mạn kích hoạt những vùng não bộ tương tự như những vùng não bị kích hoạt bởi việc nghiện chất. Bà thường xuyên so sánh nỗi đau của một cuộc chia tay tuyệt vọng với nỗi đau của việc thiếu thuốc, nhưng các bác sĩ có xu hướng xem trường hợp sau xứng đáng nhận được một liệu pháp điều trị chẳng hạn bằng naltrexone hơn.

Và chuyện rằng, nhà lý luận văn hóa Laura Kipnis viết, ‘nói không với tình yêu … không chỉ là tà giáo; mà đó là bi kịch: chúng ta xếp điều đó là thất bại khi không có được điều thiết yếu nhất của con người.’ Kẻ nào từ chối trải nghiệm này hẳn phải là quái vật, một kẻ thất bại, một kẻ cần phải được chữa trị.

Điều này không phải lúc nào cũng đúng. Những câu chuyện cách đây hàng thế kỷ về Ngưu Lang Chức Nữ, có những chuyện tình đau lòng chẳng thể nào vượt qua được các chuẩn tắc trong thời đại của họ. Tình yêu lãng mạn có vị thế thấp hơn địa vị xã hội và sự đảm bảo về kinh tế, và hôn nhân vẫn là một sự sắp đặt thực dụng. Khi mọi người bắt đầu ‘kỳ vọng hôn nhân sẽ thỏa mãn những nhu cầu tâm lý và xã hội của họ nhiều hơn bao giờ hết’, nhà sử gia văn hóa Stephanie Coontz viết, thì tình yêu trở nên ràng buộc với hôn nhân và tầm quan trọng của nó khi ấy cũng được nâng lên.    

Nơi nào có mặt tình yêu, nơi đó có đau khổ, và đặc biệt là ở thời hiện đại, chúng ta tôn vinh đau khổ bởi sức mạnh sáng tạo nên nghệ thuật của nó. Việc không thể nào có được Beatrice của Dante được cho là trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm của ông. Một nhóm bằng chứng khoa học hiện tại chỉ ra sức mạnh của sự trưởng thành/phát triển sau sang chấn tâm lý–sự chuyển hóa tích cực đôi lúc xảy ra nhờ việc sống sót qua những khó khăn như bệnh ung thư và chiến tranh; nếu bạn vượt qua được sang chấn, ý nghĩa cuộc sống có thể được gia tăng.

Nhưng thường thì, đau khổ chỉ là đau khổ mà thôi, và nó có thể kéo dài bất tận mà không mang lại nguồn ý nghĩa hay cảm hứng mới mẻ hoặc bất kỳ sự trưởng thành nào. Trong cuốn sách của cô Unrequited: Women and Romantic Obsession (Tạm dịch: Tình đơn phương: Phụ nữ và Nỗi ám ảnh lãng mạn), nhà báo Lisa Phillips thuật lại, sau khi bị người yêu bỏ, cô đi kiểm tra ở một trung tâm y tế vì cô ‘không biết làm gì khác’. Khoa tâm thần đã cho cô một toa thuốc giảm đau, nói với cô rằng cô không phải là người duy nhất đi khám do gặp rắc rối trong chuyện tình cảm. Trong cuốn sách, cô kể lại những câu chuyện của hết phụ nữ này đến phụ nữ khác đợi chờ cuộc điện thoại, đầy tuyệt vọng, đôi khi bị buộc tội rình rập theo đuổi, đôi khi đau khổ trong suốt nhiều năm. Nhiều người có bạn bè dường như chẳng thể tiếp tục cuộc sống và internet thì đầy ắp những lời kêu van từ những người không hiểu tại sao tình đơn phương vẫn gây tổn thương. ‘Đã 10 năm rồi nhưng nỗi đau, sự tức giận và tổn thương, và đúng thế, tình yêu vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào,’ một phụ nữ viết. ‘Tôi thấy hình của anh ấy trên Facebook và rất đau lòng! Tôi không còn khóc nữa nhưng tôi vẫn thấy u uất vì nó.’

Từ thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, Homer đã hiểu được một điều mà con người thời hiện đại vẫn chưa chấp nhận– tình yêu có thể là một chứng nghiện, và nếu thế thì chúng ta cần đến sự giúp đỡ đáng kể từ bên ngoài   

Albert Wakin, một nhà tâm lý học tại đại học Sacred Heart ở Connecticut, đã vận động hành lang cho tình yêu ám ảnh, được gọi là limerence, để nó được đưa vào cuốn Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các chứng Rối loạn Tâm thần. Ông cho rằng 5 phần trăm dân số đang mắc limerence, với các triệu chứng bao gồm đau buồn dữ dội, mất ngủ, chán ăn và đau ngực. Wakin, người có một bệnh nhân mắc phải tình yêu ám ảnh suốt 60 năm trời, nói rằng limerence có nhiều điểm tương đồng với chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), một chứng bệnh mà ít người lại ngại ngần uống thuốc.

Có lẽ điểm giống nhau nhất chính là trầm cảm, một chứng bệnh mà một số người quả quyết rằng phản ánh xung đột diễn ra trong đời thực chúng ta mà cần phải vượt qua và hiểu được để tiếp tục sống. Có thể một số người bị trầm cảm có thể rút ra được ý nghĩa từ chứng trầm cảm của họ, nhưng những ai muốn thoát khỏi nó thì nên có khả năng ra tay hành động–và hầu hết các chuyên gia về sức khỏe tâm thần đều nhất trí rằng, trầm cảm nặng kéo dài liên tục là một nguyên nhân chính dẫn tới tự tử. Buộc con người phải nhượng bộ trước mọi ý thích nhất thời của tình yêu cũng thật là tàn nhẫn.

Khi Odysseus tự trói mình vào cột buồm để anh ta có thể nghe thấy tiếng hát của các nàng tiên (sirens) mà không rơi xuống biển, chúng ta ngưỡng mộ anh vì trí thông minh hơn là chỉ trích thói ngạo mạn của anh ta. Từ thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, Homer đã hiểu ra một điều mà con người thời hiện đại vẫn chưa chấp nhận– tình yêu có thể là một chứng nghiện, và nếu thế thì chúng ta cần đến sự giúp đỡ đáng kể từ bên ngoài   

Chữa trị cho những ai phải chịu đựng nỗi thống khổ của tình yêu ám ảnh không phải là liệu pháp tình yêu duy nhất trong tương lai gần; đối với những ai ở phía đối lập của quang phổ, với ham muốn tình dục thấp, một phương pháp điều trị cũng đã ra đời. Vào tháng Tám năm ngoái, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt một loại thuốc tăng cường ham muốn có tên là Addyi, hay flibanserin, được cho là làm tăng ham muốn tình dục của phụ nữ.

Mặc dù nó chỉ hứa hẹn về những lợi ích khiêm tốn nhất - và ngay cả khi những hứa hẹn đó còn đang gây tranh cãi - thì sự tồn tại của nó đặt ra những câu hỏi nghiêm túc cho những người, giống như tôi, là người asexual (vô tính: những người có khuynh hướng tình dục là không bị hấp dẫn tình dục trước bất kỳ giới tính nào). Một loại thuốc kích dục Flibanserin cải tiến cũng tương tự như liệu pháp chữa trị đồng tính đối với người vô tính, nhà đạo đức sinh học Kristina Gupta tại đại học Wake Forest cho biết, mặc dù bà ấy đã lưu ý rằng định kiến đối với dân số vô tính thường không mạnh bằng định kiến đối với các thành viên khác của cộng đồng LGBT.

Việc mở rộng thị trường thuốc-tình yêu từ việc chỉ đơn thuần là điều trị cho chứng ám ảnh tình yêu sang việc quản lý mọi dạng thức của sự khác biệt đòi hỏi một cuộc thảo luận về luân lý đạo đức ở phạm vi rộng hơn. Chẳng hạn, khi nói đến đồng tính luyến ái, cuộc chiến để được mọi người chấp nhận là rất khó khăn và lâu dài. Lịch sử của liệu pháp chữa trị đồng tính, một trong những ngược đãi đối với nhóm này, thật kinh khủng, và gần như không có bằng chứng nào cho thấy nó từng có hiệu quả hoặc tạo ra bất cứ điều gì khác ngoài những đau đớn và khó khăn. Nhưng điều gì xảy ra nếu công nghệ sinh học này một ngày nào đó tồn tại– nếu như nó an toàn và hiệu quả? Liệu người ta nên có quyền lựa chọn sử dụng nó để cải thiện hay chỉ thay đổi cuộc sống của họ, ngay cả khi việc sử dụng đó xúc phạm đến nhân quyền của cộng đồng và kéo lùi xã hội?

Có một nguy cơ rất thật rằng những công nghệ sinh học như thế có thể được sử dụng để ủng hộ, khuyến khích tình trạng hiện tại, Gupta bình luận. Một loại thuốc chống-tình yêu có thể giúp một người tránh lừa dối bạn đời của cô ấy, nhưng phải trả giá bằng việc thảo luận về sự khó khăn của việc chung thủy với người bạn đời đó, và khám phá những khả năng của một mối quan hệ đa ái (polyamorous). Một loại thuốc biến đổi (giới tính) có thể làm cuộc sống của một người dễ dàng hơn bằng cách biến anh/cô ấy trở thành trai/gái thằng hoặc muốn làm tình, với cái giá phải trả là buộc phải nói chuyện thẳng thắn với nhau về lý do tại sao những lối sống khác lại bị xem là sai trái.

Đối với những người bạn vô tính của tôi, phần lớn nói rằng họ sẽ uống flibanserin – hay một loại thuốc nào đó tương tự thế–trước đó trong cuộc đời, nhưng về sau thì chấp nhận khuynh hướng vô tính của họ như một lối sống chính đáng, và không phải là một dấu hiệu cho thấy họ bệnh hoạn. Tôi đã nghe rất nhiều lần rằng chính xã hội mới cần thay đổi, chứ không phải người vô tính, không phải người đồng tính, cũng không phải những người dám đối diện với những kỳ thị đó.

Có rất nhiều thế lực bên ngoài gây áp lực lên các lựa chọn của chúng ta, vì vậy ‘chúng ta cần nhìn vào sự bất bình đẳng xã hội và sự kỳ thị xã hội và [ít] tập trung vào việc ra quyết định cá nhân’, Gupta nói thêm.

Tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng sự thay đổi diễn ra rất chậm chạp, và tỷ lệ cao của bệnh trầm cảm và tự tử ở những người không phù hợp với chuẩn mực là bằng chứng chúng ta cần để biết rằng nỗi đau khổ này là có thật.

Nếu những loại thuốc tiềm năng này không có sẵn, nó có thể đảm bảo rằng người ta không bị cám dỗ ‘uống thuốc để biến bản thân họ trở thành trai/gái thẳng’, nhưng nó có thể không hứa hẹn cho họ cơ hội có được cuộc sống hạnh phúc nhất có thể. Đối với một số người, sẽ đến lúc mà việc giảm bớt đau khổ cá nhân phải được ưu tiên hơn chuyện chiến đấu vì lý tưởng, và vì vậy Gupta cuối cùng đã cho rằng những liệu pháp chuyển đổi nên được quy định và giáo dục cẩn thận, ‘nếu một ai đó quyết định rằng nó sẽ tốt cho sự phát triển của họ và nếu họ cảm thấy rằng điều đó là có lợi nhất cho họ’.

Đây là một cuộc chiến đang diễn ra ở nhiều đấu trường. Phụ nữ tuân theo những chế độ ăn kiêng khắc nghiệt và phẫu thuật độn ngực gần như chắc chắn vì những lý tưởng sắc đẹp không thể nào với tới, song nỗ lực tìm cách cấm ăn kiêng hay phẫu thuật thẩm mỹ sẽ dẫn đến những lời buộc tội gia trưởng. Những loại thuốc chuyển đổi không nên được đối xử khác biệt. Nếu một ai đó mong muốn tùy chọn này và nhận được những loại hỗ trợ khác và được biết đến tất cả các lựa chọn khác, thì sự tự chủ cá nhân và hạnh phúc cá nhân nên thắng thế. Vụ tử tử của người chuyển giới Leelah Alcorn đã thu hút sự chú ý rộng rãi đối với thái độ sợ hãi hoặc căm ghét người chuyển giới–nhưng, nếu cô ấy mong muốn, tôi sẽ không từ chối thực hiện một liệu pháp điều trị cho chứng rối loạn định dạng giới của cô ấy. Alcorn tự sát không phải vì cô là người chuyển giới; mà cô ấy tự sát vì thái độ căm ghét, sợ hãi người chuyển giới, nhưng tôi thà mong cho cô ấy còn sống và thoát khỏi đau khổ còn hơn làm một bù nhìn bi thương gây sốc cho mọi người thôi thúc hành động và thúc đẩy xã hội chúng ta tiến lên.

Đưa ra sự lựa chọn này không hẳn là một sự phản bội lại bản ngã ‘chân thực’ của một người, bởi vì cách chúng ta nhìn nhận về tính chân thực đã đầy rẫy mâu thuẫn. Nhà đạo đức sinh học Brian Earp trường đại học Oxford, người đã viết nhiều về công nghệ sinh học chống-tình yêu, đề xuất rằng một góc nhìn tương đối có thể là điều tốt nhất. ‘Tính chân thực được xem là một điều tốt– bạn biết đấy, “hãy là chính mình”–nhưng chuyện gì xảy ra nếu bản ngã là một kẻ thái nhân cách? Tôi cho rằng suy cho cùng thì chúng ta không quan tâm nhiều đến tính xác thực đâu, mà chúng ta quan tâm đến việc có một khuynh hướng phù hợp với những giá trị được cân nhắc kỹ lưỡng nhất của chúng ta,’ ông nói. Hầu như không có ai trong chúng ta lại cố tình chọn nỗi thống khổ của một tình yêu ám ảnh không nguôi, không được đền đáp, như phương cách tốt nhất để theo đuổi một cuộc sống viên mãn suốt mấy chục năm. Chúng ta cũng không thể nào cảm thấy mình đang sống thực con người mình bởi tình yêu dành cho một kẻ xúc phạm và khinh thường chúng ta như một phần của mối quan hệ, song chúng ta có thể bị mắc kẹt ở những chỗ đó. Thế thì tại sao lại không khai thác một phương pháp chữa bệnh tình yêu nhằm giải phóng những phần chân thực hơn của bản thân chúng ta khỏi những phần đang bị mắc kẹt? Liệu chúng ta có nên chịu đựng nhiều năm trị liệu tâm lý mà hiệu quả của nó thì có thể hoặc không đi đến đâu, hay là nên tìm kiếm một phương thuốc?

Earp đề xuất 4 điều kiện cần thỏa mãn trước khi dùng thuốc tình yêu để xoa dịu nỗi đau của một người. Đầu tiên, tình yêu đó rõ ràng phải có hại (chẳng hạn như tình yêu dành cho kẻ bạo hành); một người phải muốn dùng thuốc để giảm thiểu nguy cơ của sự cưỡng ép từ bên ngoài; thuốc phải giúp đạt được những mục tiêu lớn lao hơn; và người ta phải chứng minh được rằng gần như không thể khắc phục được vấn đề bằng những phương pháp không-dùng thuốc như trị liệu và tham vấn. Tôi nghĩ rằng điều kiện cuối cùng–một ai đó trước tiên phải thử những biện pháp khác và xem họ có thể học được gì–là một trong những điều quan trọng nhất. Rõ ràng cũng nên có giới hạn về độ tuổi.

Khi đề cập đến thuốc flibanserin, gần như không có ai mà tôi đã nói chuyện ủng hộ một lệnh cấm hoàn toàn. Tôi cũng thế. Đây là một câu hỏi về giáo dục và lựa chọn cá nhân. Một phụ nữ tìm đến bác sĩ với những quan ngại về ham muốn tình dục thấp nên tìm hiểu thêm về những lựa chọn điều trị, tham vấn mối quan hệ, khả năng là người vô tính, thừa nhận rằng vốn dĩ chẳng có gì sai khi không muốn chuyện tình dục – và sau đó, nếu cô ấy vẫn muốn chuyện ấy, thì đã có flibanserin. Chúng ta muốn mọi người, ngay cả khi họ là người vô tính, có lựa chọn này nếu đó là điều họ thật sự muốn. Điều quan trọng là chúng tôi muốn họ biết rằng vẫn còn có những cách sống khác.

Những người ủng hộ cho rằng chúng ta chịu trách nhiệm cho những vấn đề của con tim bằng cách lựa chọn người mà ta muốn ở bên cũng nên ủng hộ tác dụng tương tự này nếu chúng ta chọn tránh xa, không tham gia vào trận chiến. Nhiều thứ lý tưởng mà ta từng xem là quan trọng như - Chúa, đất nước, một tổ ấm và hai đứa trẻ – đã sụp đổ, và có rất ít lý do để tình yêu lãng mạn vẫn duy trì ở vị trí bất khả xâm phạm.

Cuối cùng, Earp cho rằng, việc sử dụng cá nhân và tự nguyện những công nghệ đó  ‘có thể chính đáng hay thậm chí là đòi hỏi về đạo đức …Trong một số trường hợp, từ chối sử dụng nó sẽ là vô nhân đạo…Cho dẫu người ta cảm thấy tuyệt vời như thế nào trong tình yêu, thứ nằm ở vị trí trung tâm nhất của cảm xúc con người cũng có thể là, như Shaw đã viết, một đam mê “điên cuồng” và “hoang tưởng”—và cũng là một đam mê nguy hiểm.’ Khi tình yêu trở nên nguy hiểm, chúng ta cần một con đường dẫn đến sự an toàn, ‘ngay cả khi điều này sẽ yêu cầu ta nuốt một viên thuốc.’

Cấm kỵ đối với việc chữa trị tình yêu và cấm kỵ đối với việc hóa giải những cấm kỵ - tất cả đều cần loại bỏ.  

 

Ảnh: Stop that! The Kiss by Francesco Hayez, 1859. Photo by Corbis


Nguồn: https://aeon.co/essays/how-far-should-medicine-go-to-cure-taboo-loves-and-desires

menu
menu