Hedgehog’s dilemma – Góc nhìn tâm lý học về mối quan hệ giữa con người với nhau

hedgehog-s-dilemma-go-c-nhi-n-tam-ly-ho-c-ve-mo-i-quan-he-giu-a-con-nguo-i-vo-i-nhau

Càng sống và trải nghiệm nhiều, con người càng nhận ra bản chất của các mối quan hệ xung quanh mình. Nhu cầu về tình cảm, sự gần gũi vẫn tồn tại thẳm sâu bên trong mỗi người nhưng chúng ta càng gần nhau lại càng nảy sinh

Càng sống và trải nghiệm nhiều, con người càng nhận ra bản chất của các mối quan hệ xung quanh mình. Nhu cầu về tình cảm, sự gần gũi vẫn tồn tại thẳm sâu bên trong mỗi người nhưng chúng ta càng gần nhau lại càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Mời các bạn cùng nhìn nhận sâu hơn về vấn đề này thông qua góc nhìn của tâm lý học và triết học.

Hedgehog's dilemma

Triết gia người Đức, Arthur Schopenhauer và nhà tâm lý học người Áo, Sigmund Freud đều sử dụng Hedgehog’s dilemma (tạm dịch: Tình huống khó xử của loài nhím) như một ẩn dụ nói về thách thức mà con người phải đối mặt trong những mối quan hệ của mình. Trong một bài luận, Schopenhauer viết:

Một nhóm những chú nhím tìm cách xích lại gần nhau để giữ ấm trong tiết trời lạnh giá nhưng những chiếc gai sắc nhọn trên lưng bắt đầu chích vào nhau khiến chúng phải tản ra. Tuy nhiên, cái lạnh buộc chúng phải tới gần nhau và tình thế tiến thoái lưỡng nan đó lại lặp lại. Sau nhiều lượt túm tụm và phân tán, chúng phát hiện ra rằng tốt nhất, chúng nên đứng cách xa nhau một chút. Tương tự như vậy, nhu cầu của xã hội thúc đẩy con người lại gần nhau rồi họ lại đẩy nhau ra xa bởi bản chất trong họ vốn là những bất đồng. Cuối cùng, họ phát hiện ra điều kiện duy nhất để cư xử tốt và giữ được quy tắc lịch sự với nhau là phải giữ khoảng cách. Từ đây, nhu cầu về “hơi ấm” sẽ được thỏa mãn ở mức vừa phải và không ai bị “châm chích” cả. Một người đàn ông có chút tính khí nóng nảy thường giữ mình đứng ngoài các cuộc chơi. Khi đó, anh ta sẽ không làm ảnh hưởng người khác và đồng thời không tự làm tổn thương chính mình.

Lại gần nhau, được sưởi ấm và bị châm chích… hay tách xa nhau, được an toàn và bị đóng băng? Nguồn ảnh: Craigdutch2

Vậy ẩn ý của Schopenhauer về Hedgehog's dilemma là gì?

Đó là nhu cầu về tình cảm và sự kết nối của con người. Tuy nhiên, các quy tắc xã hội và bản chất con người khiến chúng ta không thể thực sự kết thân được với người khác. Hedgehog’s dilemma là một ẩn dụ về việc con người không thể phá bỏ bức tường nội tâm của mình để mở lòng với người khác.

Schopenhauer cũng đưa ra chỉ trích về phép xã giao. Ông nghĩ rằng các quy tắc xã hội ngăn cản chúng ta kết nối với những người khác. Thông qua đây, chúng ta có thể giải thích về bản chất và nguồn gốc của các quy tắc xã giao: Chúng là kết quả của một quá trình dài đằng đẵng và đau đớn của con người khi cố gắng tìm ra khoảng cách lý tưởng mà ở đó, họ vẫn cảm nhận được sự ấm áp và gần gũi.

Đây cũng là mối bận tâm của Freud. Tại sao chúng ta lại phòng vệ trước những người thân yêu của mình? Tại sao chúng ta lại sợ bị tổn thương đến thế? Tại sao những người mắc chứng lo âu và trầm cảm lại khó tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác? Chúng ta có thể thấy tình huống khó xử này trong những mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, bạn bè, anh chị em và người yêu.

Schopenhauer và Freud có thể là những người bi quan về vấn đề này. Hai ông vốn được biết đến với những triết lý u sầu và bi quan. Phải chăng chúng ta không thể có được sự gần gũi với con người mà không bị tổn thương? Trong thời đại hiện đại này, bất kể chúng ta có đang bị cách ly hay không, những mối quan hệ của chúng ta rất yếu ớt và không còn an toàn như xưa. Trầm cảm và lo âu ngày càng tăng vọt.

Chúng ta thực sự đã thay đổi hay chỉ đơn thuần là đã dễ dàng đón nhận khi nói về sức khỏe tinh thần của một ai đó? Nhiều người trong chúng ta luôn mong muốn có những mối quan hệ gắn kết chặt chẽ hơn và có thể gỡ tấm màn cảnh giác của mình nhưng không thể chối bỏ rằng, chúng ta quá sợ bị tổn thương.

Đó chính là Hedgehog’s dilemma.

Theo Wikipedia, PsychologyToday

Theo Tinhte

menu
menu