Hẹn hò khi bạn có một tuổi thơ tổn thương

hen-ho-khi-ban-co-mot-tuoi-tho-ton-thuong

Trong hành trình của mỗi người trưởng thành, sẽ có những giai đoạn chúng ta tham gia vào một hoạt động vừa kỳ lạ, vừa không đại diện hoàn toàn cho con người mình, và cũng đầy thử thách: tìm kiếm.

Trong hành trình của mỗi người trưởng thành, sẽ có những giai đoạn chúng ta tham gia vào một hoạt động vừa kỳ lạ, vừa không đại diện hoàn toàn cho con người mình, và cũng đầy thử thách: tìm kiếm. Những người xung quanh có thể không hề nhận ra, nhưng với cách này hay cách khác, chúng ta đang âm thầm quan sát, dò tìm. Chúng ta chủ động mời ai đó đi uống cà phê, đi ăn trưa, chấp nhận mọi lời mời gọi, trao đổi email, hay cân nhắc kỹ lưỡng về việc ngồi đâu trên một chuyến tàu. Có lúc, hành trình này sẽ mang lại niềm vui; nhưng đôi khi, nó lại trở thành một gánh nặng. Và với một số người trong chúng ta, có thể chiếm đến một phần tư, đây là một trong những điều khó khăn nhất mà chúng ta từng phải đối mặt. Niềm vui gần như không có chỗ trong câu chuyện này; thay vào đó, nó giống như một chấn thương.

Lý do cho điều đó, dù có vẻ thật đáng xấu hổ khi thừa nhận, chính là bởi vì từ rất lâu về trước, chúng ta đã trải qua một tuổi thơ không mấy êm đềm, một tuổi thơ để lại những vết thương sâu đậm mà đến giờ chúng ta vẫn chưa thực sự vượt qua.

Có thể không dễ nhận ra, nhưng trẻ sơ sinh cũng đi tìm kiếm tình yêu. Chúng không diện váy đẹp để đi dự tiệc, không trao số điện thoại cho người lạ. Chúng chỉ nằm bất động trong nôi, thỉnh thoảng nở nụ cười đáng yêu đến tan chảy lòng người. Nhưng từ những giây phút đầu đời, chúng đã tìm kiếm: tìm kiếm một vòng tay để cảm thấy an toàn, một người dỗ dành, vuốt ve và nói rằng mọi chuyện sẽ ổn khi cuộc sống trở nên ngột ngạt. Chúng cần một ai đó chăm sóc, che chở, một sự gắn bó mà các nhà tâm lý học gọi là attachment.

Nhưng tiếc thay, với khoảng một phần tư trong chúng ta, quá trình này lại diễn ra tồi tệ. Không có ai ở đó để chăm sóc đúng cách. Những tiếng khóc không được đáp lại, những cơn đói không được dỗ dành. Nụ cười không xuất hiện thường xuyên, những cái ôm trở nên lúng túng. Và thay vì ánh mắt dịu dàng tràn đầy yêu thương của người chăm sóc, điều ta nhận được lại là sự mệt mỏi, giận dữ, hoặc lạnh nhạt. Hệ quả là, một nỗi sợ hãi về sự tồn tại đã âm thầm cắm rễ, kéo dài đến tận khi trưởng thành, và khiến việc hẹn hò trở nên vô cùng khó khăn.

Với những ai từng chịu tổn thương từ sớm, trong thâm tâm, chúng ta gần như không tin rằng hành trình đi tìm tình yêu sẽ kết thúc tốt đẹp. Và vì vậy, chúng ta vô thức nỗ lực để biến điều đó thành sự thật. Việc hẹn hò trở thành dịp để chúng ta khẳng định nỗi nghi ngờ sâu thẳm nhất: rằng mình không xứng đáng được yêu thương.

Chúng ta có thể đeo bám một đối tượng mà, với người tinh ý hơn, sẽ dễ dàng nhận ra họ chẳng hề quan tâm. Chính sự lạnh nhạt, dửng dưng, hoặc những rào cản không thể vượt qua, như việc họ đã có gia đình, khác biệt hoàn toàn về nền tảng hay khoảng cách tuổi tác, lại trở thành điều khiến ta mê đắm. Đau khổ và bế tắc, đối với ta, dường như là điều tất yếu của tình yêu.

Hoặc, khi gặp một người tử tế và thực sự sẵn lòng, chúng ta có thể trở nên vô cùng đòi hỏi, thiếu kiểm soát, và đưa ra những yêu cầu phi lý đến mức chẳng ai còn đủ kiên nhẫn để ở lại. Chúng ta vô tình trút cả một đời tự ti và cô đơn lên vai một người xa lạ chỉ vừa mới quen biết.

Ngược lại, không thể chịu đựng nổi sự lo lắng vì chưa biết rõ mối quan hệ sẽ đi đến đâu, chúng ta chọn cách kết thúc mọi thứ từ trước khi nó bắt đầu. Ta thà phá tan mọi hy vọng còn hơn phải đối mặt với sự bấp bênh. Một tin nhắn trả lời chậm trễ đồng nghĩa với việc họ đã tìm được người khác. Sự bận rộn của họ được ta diễn giải thành sự chán ghét. Một lời nhắn thiếu đi một biểu tượng cảm xúc trở thành bằng chứng rõ ràng rằng họ đã nhận ra ta chỉ là một kẻ giả tạo. Để tránh phải chịu thêm một lần tổn thương, ta tự đóng băng trái tim mình, mỉa mai những lời khen chân thành, và khăng khăng rằng họ không hề quan tâm, để rồi cuối cùng, họ thực sự không còn quan tâm nữa.

Để thoát khỏi những vòng lặp mệt mỏi này, ta cần chấp nhận một sự thật đau lòng: ta đang tìm kiếm tình yêu trong khi phải đối mặt với nỗi ngờ vực lớn nhất trong lòng mình: rằng ta không xứng đáng được yêu.

Chỉ khi ta thực sự đối diện và vượt qua những tổn thương của tuổi thơ, ta mới có thể tách biệt chúng khỏi thực tại. Nhờ đó, ta mới học được cách chấp nhận sự mơ hồ và những rủi ro không thể tránh khỏi trong chuyện tình cảm của người trưởng thành. Chẳng phải họ phủ nhận giá trị của ta; đơn giản là họ bận. Họ không ghét bỏ ta, mà chỉ tình cờ đã có gia đình, như biết bao người khác mà ta cố tình không để ý. Họ không có lỗi, và cũng chẳng kỳ lạ; chỉ là, thật bất công và quá sức để mong đợi một người vừa quen 12 tiếng bù đắp cho cả một đời cô đơn của ta.

Hẹn hò, trên thực tế, không phải là điều mới mẻ. Ta đã từng “hẹn hò” từ rất lâu rồi, khi còn là một đứa trẻ khao khát sự gắn bó. Chính những tổn thương trong quá khứ là chìa khóa giải mã những sai lầm ở hiện tại, sự khắc nghiệt, lạnh lùng và thiếu sáng suốt của ta. Thực ra, thảm kịch mà ta lo sợ nhất sẽ xảy ra thì đã xảy ra từ rất lâu. Những thử thách mà ta tự đặt ra chỉ là cách để ta tiếp xúc lại với vết thương mà ta chưa từng hiểu hết hoặc vượt qua.

Ta cần học cách mời ai đó đi chơi chỉ đơn thuần với một câu hỏi vô cùng giản dị: Thứ sáu này bạn có rảnh không?Chứ không phải câu hỏi đầy ám ảnh: Tôi có xứng đáng tồn tại không? Và ngay cả khi câu trả lời là “không,” ta vẫn có thể vượt qua. Bởi giờ đây, dù từng bị tổn thương đến tê tái trong những ngày thơ bé, ta đã trở thành một người trưởng thành và đó là điều mạnh mẽ nhất.

Ta không còn là đứa trẻ phải sống dựa vào tình yêu của người khác để tồn tại. Chúng ta còn nhiều lựa chọn khác, và sẽ không (như ta từng sợ) chết chìm trong cô độc nếu mối quan hệ không thành. Ta có thể cho mình thời gian, để mọi thứ diễn ra tự nhiên, để bản thân chịu đựng sự không chắc chắn. Và với sự vững vàng đó, ta có thể bắt đầu làm một điều phi thường: thử xem liệu ai đó mà ta thích, biết đâu, cũng muốn cùng ta đi chơi tối nay.

Nguồn: Dating When You've Had a Bad Childhood – The School Of Life

menu
menu