Hiểu lầm về “kẻ xấu”

hieu-lam-ve-ke-xau

Một kẻ xấu chính là bất kỳ ai khiến ta trở nên nhỏ bé hơn, kìm hãm sự trưởng thành và tước đi sức sống của ta; là người kéo ta xa khỏi phiên bản tốt đẹp nhất của bản thân, xa rời những khả năng cao quý nhất trong ta.

Cuộc sống của chúng ta đôi khi khó khăn hơn mức cần thiết bởi lẽ nhiều người trong chúng ta mang theo một định kiến sai lầm về hình ảnh của một “kẻ xấu”. Chúng ta hình dung những kẻ có thể làm hại mình dưới những khuôn mẫu hoạt hình: một gương mặt dữ tợn, một giọng gầm gừ đe dọa, một chiếc dùi cui trong tay và một chiếc áo choàng đen bay phấp phới. Ý định của họ thật rõ ràng: bạo lực và cưỡng đoạt. Họ là những kẻ hoàn toàn xa lạ, xuất hiện bất ngờ trong đêm tối, leo qua bức tường phòng ngủ hay phá tan cánh cửa chính. Họ như một sự kết hợp giữa Voldermort, Zorro và Darth Vader vậy.

Nhưng đã đến lúc chúng ta cần có một cái nhìn vừa thực tế hơn, vừa sâu sắc hơn về “kẻ xấu” thật sự có thể là ai. Chúng ta cần học cách nhận diện họ không phải qua bề ngoài, mà qua những ảnh hưởng của họ đối với chúng ta: một kẻ xấu chính là bất kỳ ai khiến ta trở nên nhỏ bé hơn, kìm hãm sự trưởng thành và tước đi sức sống của ta; là người kéo ta xa khỏi phiên bản tốt đẹp nhất của bản thân, xa rời những khả năng cao quý nhất trong ta. Đáng sợ thay, kẻ xấu có thể xuất hiện với vẻ ngoài vô cùng tử tế và chân thành nhưng lại lặng lẽ hủy hoại cuộc đời ngắn ngủi của ta.

Theo cách định nghĩa ấy, “kẻ xấu” có thể là một trong những người sau đây: người giữ chìa khóa nhà bạn, người hiểu bạn rất rõ, người từng dịu dàng và tử tế với bạn, người tuyên bố yêu bạn chân thành, người chia sẻ cuộc đời cùng bạn, người có vẻ lý trí và chín chắn trong rất nhiều vấn đề, người bạn thân, cha mẹ bạn và – đáng sợ nhất – người tình của bạn...

Vậy những người này làm thế nào để “xứng đáng” với danh hiệu đó? Họ không đánh đập bạn hay lấy cắp tiền của bạn, không nói xấu bạn nơi công cộng hay phản bội bí mật của bạn. Thay vào đó, họ làm những điều như:
– Nói rằng họ yêu thương và quan tâm đến bạn, nhưng lại chẳng bao giờ thực sự lắng nghe nhu cầu hay để ý đến những vấn đề thực sự trong cuộc sống của bạn.
– Yêu cầu bạn dành trọn sự gần gũi cho họ, cắt đứt các mối quan hệ khác, nhưng lại không bao giờ thực sự mở lòng với bạn. Họ muốn bạn, nhưng khi đối diện thực tế, họ lại chẳng hề muốn bạn.
– Rất giỏi xin lỗi và hứa hẹn thay đổi, nhưng cuối cùng chẳng bao giờ làm được điều đó.
– Khéo léo dùng cái mác “hiểu rõ bạn” để gieo vào tâm trí bạn những điều sai lệch về ước mơ và lợi ích thực sự của bạn.
– Điều khiển bạn không bằng sự tức giận hay bạo lực, mà bằng ánh mắt buồn bã và vẻ mặt đau khổ, khiến bạn cảm thấy mình có lỗi và từ đó làm tổn thương bạn ngược lại.
– Phủ nhận một cách hoàn hảo mọi hành vi gây tổn thương của họ, luôn dùng tình yêu như một cái cớ để lẩn tránh trách nhiệm và đánh lạc hướng bạn.
– Khai thác điểm yếu và sự nghi ngờ bản thân của bạn như một thứ vũ khí, ngầm ám chỉ rằng bạn không đủ trưởng thành, không đủ tỉnh táo để biết điều gì tốt cho mình.
– Liên tục phủ nhận sự hoài nghi của bạn bằng giọng nói ngọt ngào: “Em nên tin anh nhiều hơn mới phải...”

Giống như những kẻ xấu trong phim hoạt hình, kẻ xấu ngoài đời thật cũng muốn lợi dụng bạn để đạt được điều họ muốn. Nhưng họ tinh vi và phức tạp đến mức không bao giờ cho phép mình bị vạch mặt là “kẻ phản diện”. Họ là người bạn, và bạn bè thì không bao giờ làm hại nhau, đúng không?

Đáng buồn thay, kẻ xấu đôi khi không hề ý thức rằng họ đang mang theo những ý định xấu xa. Nếu chúng ta đủ lòng trắc ẩn, có thể nói rằng: họ không xấu xa, họ chỉ sợ bị bỏ rơi. Họ không xấu, họ chỉ không chịu nổi sự bất đồng. Họ không xấu, họ chỉ từng có một tuổi thơ rất khó khăn và không muốn mình phải cô độc thêm một lần nào nữa. Họ không cố tình phá hủy ai cả, họ chỉ không đủ để ý đến sự tồn tại độc lập của người khác. Họ không cố tình làm bạn đau, chỉ là trong tâm trí họ, có những cánh cửa đã bị khóa chặt. Họ không hề nhận ra rằng bạn cũng có một thế giới riêng biệt, rằng bạn tồn tại như một thực thể tự do, độc lập. Họ không xấu xa, họ chỉ quá tổn thương và bệnh hoạn theo những cách mà chính họ cũng không dám đối mặt.

Điều đáng nói là chúng ta không phải ai cũng giỏi nhận ra kẻ xấu. Có những người được dạy rằng nếu họ không hạnh phúc trong một tình huống nào đó, họ có thể nhẹ nhàng nói lời từ chối và rời đi. Nhưng cũng có những người lớn lên cùng những kẻ xấu trong chính gia đình mình – những người từng hứa hẹn yêu thương nhưng lại không thực hiện, khiến khả năng nhận diện cảm xúc và bảo vệ bản thân của ta trở nên méo mó. Khi trưởng thành, ta trở thành những người không thể nào nhận ra mình đang bị tổn thương, hoặc lầm tưởng rằng nỗi đau này rồi sẽ chuyển hóa thành điều tốt đẹp, hoặc nghĩ rằng đó là sự trừng phạt xứng đáng cho những khiếm khuyết của ta.

Chúng ta học cách nhận diện kẻ xấu khi hiểu rằng: chẳng có gì trên đời này viết sẵn rằng ta xứng đáng với sự thiếu thốn tình cảm, bị kiểm soát hay trừng phạt. Chúng ta tìm thấy “điều xấu” khi tin vào một chân lý tưởng chừng như xa lạ: rằng ta, chính ta, đã đủ tốt đẹp rồi.

Nguồn: THE WRONG IDEA OF A BADDIE - The School Of Life

menu
menu