Hiệu ứng Dunning-Kruger (Dunning-Kruger Effect)

hieu-ung-dunning-kruger-dunning-kruger-effect

Khi đánh giá khả năng của mình, những người có năng lực kém có xu hướng đánh giá quá cao khả năng của họ, trong khi những người có năng lực tốt thường đánh giá thấp khả năng của họ.

Tác giả: 小伊Pluto

Người dịch: LinG

——————————————

Trong cuộc sống, bạn có thể đã từng gặp những người như thế này:

Họ vừa gia nhập công ty đã cảm thấy mình hoàn thành khá tốt công việc của mình và mong muốn được thăng chức để chấp nhận những thử thách lớn hơn;

Bản thân họ chơi bóng không tốt, nhưng họ luôn chỉ đạo các vận động viên chuyên nghiệp, huấn luyện viên kỹ thuật nên làm gì;

Khi họ xem một bản tin tức, họ luôn thể hiện như mình ở tại hiện trường và có cái nhìn sâu sắc về tình hình vụ việc;

Trong thời gian covid, họ vốn dĩ không có kinh nghiệm về y tế nhưng lại phổ biến một số phương pháp điều trị hoặc phòng chống, kiểm soát bằng “phương pháp thần kỳ”, thậm chí còn tin rằng có thể tiêm thuốc khử trùng …

Ngược lại, bạn cũng có thể gặp một số người thông thạo ở lĩnh vực nào đó, nhưng luôn biết nhìn nhận khuyết điểm của bản thân, khiêm tốn chấp nhận lời phê bình của người khác và cho rằng việc gì mình làm được thì nhiều người khác cũng có thể làm được.

Khi đánh giá khả năng của mình, những người có năng lực kém có xu hướng đánh giá quá cao khả năng của họ, trong khi những người có năng lực tốt thường đánh giá thấp khả năng của họ. Đây được gọi là “hiệu ứng Dunning-Kruger” (Dunning-Kruger Effect), gọi tắt là D-K effect.

Nguồn gốc của nghiên cứu này từ Dunning và Kruger rất thú vị. Trong những năm 1990. Một số lượng lớn các nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng khi tự đánh giá bản thân, trong con người thường xuất hiện hiệu ứng “hơn mức trung bình” (Better Than Average Effect), nghĩa là mọi người nghĩ rằng mình tốt hơn mức trung bình của đám đông trong một số phẩm chất và năng lực quan trọng. Tất nhiên, theo định nghĩa của mức trung bình, không thể ai cũng giỏi hơn mức trung bình và rõ ràng họ đánh giá bản thân quá cao. Nhưng có phải mọi người đều đánh giá cao bản thân ở cùng một mức độ không?

Có một vụ cướp ngân hàng ở Pittsburgh vào năm 1995. Tên cướp không hề ngụy trang mà thậm chí còn cười trước ống kính trước khi bước ra khỏi ngân hàng. Sau khi tên cướp bị bắt, cảnh sát tiến hành điều tra và đã không nói nên lời vì tên cướp khai rằng đã bôi nước chanh lên người, vì nghĩ rằng nước chanh làm hắn ta vô hình, vì nước chanh được dung làm mực vô hình và chỉ khi chiếu đèn UV hoặc làm nóng mới có thể thấy được. Tên cướp này không có vấn đề về thần kinh, hắn chỉ mắc sai lầm khi sử dụng nước chanh “vô hình” …

Sự việc đã thu hút sự chú ý của Dunning và Kruger, họ suy đoán rằng những người năng lực càng yếu kém thì họ càng đánh giá cao bản thân.

Trong nghiên cứu của Dunning và Kruger, họ đã so sánh sự tự đánh giá chủ quan của các cá nhân có năng lực khách quan khác nhau. Kết quả thu được cho thấy ¼ đối tượng có năng lực yếu kém cho rằng mình có khả năng hơn 60% xã hội, trong khi ¼ đối tượng có năng lực cao tự đánh giá bản thân thấp hơn một chút so với khả năng khách quan của họ. Dunning và Kruger đã kiểm tra logic, ngữ pháp, khiếu hài hước và các khả năng khác một cách riêng biệt, và họ nhận được kết quả tương tự.

Nghiên cứu sau đó của Dunning đã mở rộng sự ảnh hưởng của hiệu ứng này đến sự phát triển khả năng của một người. Tức là khi học một kỹ năng mới, người mới bắt đầu thường mở rộng một cách tự tin, sau đó sự tự tin sẽ giảm dần, rồi lại dần dần tăng lên lại. Chúng ta có thể tóm tắt một cách đại khái là nếu có thể tiếp tục cải thiện, chúng ta sẽ trải qua 4 giai đoạn khác nhau. Hãy lấy phần giới thiệu ngắn gọn về việc học một nhạc cụ làm ví dụ.

GIAI ĐOẠN 1: Leo lên ngọn núi của sự thiếu hiểu biết.

Ngay từ đầu, tôi đã học cách dùng nhạc cụ tạo ra âm thanh, chơi được từng nốt nhạc, từ vài tháng đến một hoặc hai năm, tôi đã có thể chơi một số giai điệu đơn giản. Lúc này, tôi cảm thấy cây đàn này cũng chỉ có vậy, tôi đã hoàn toàn làm chủ được nó và có thể biểu diễn cho người khác nghe. Tuy nhiên, thực ra lúc này tôi mới chỉ nắm được những kỹ năng cơ bản mà còn chưa thuần thục chứ đừng nói đến những kỹ thuật nâng cao, nhưng tôi không biết bản thân mình không giỏi như tôi nghĩ.

GIAI ĐOẠN 2: Rơi vào thung lũng tuyệt vọng.

Có thể tôi đã nhận phản hồi tiêu cực khi biểu diễn cho người khác nghe, cũng có thể tôi đang gặp phải một vấn đề rất khó khăn và không thể vượt qua khi luyện tập một bài nhạc khó. Tất nhiên, thung lũng tuyệt vọng không nhất thiết phải sâu hun hút, lòng tự tin cũng không nhất thiết phải rơi xuống đáy, đối với những nhiệm vụ khác nhau, mức độ sa sút cũng sẽ khác nhau.

GIAI ĐOẠN 3: Từng bước nâng cao.

Sau khi sự tự tin của tôi sụp đổ, nếu tôi không bỏ cuộc và tiếp tục kiên nhẫn luyện tập, khả năng chơi đàn của tôi sẽ dần được cải thiện theo năm tháng. Biết được kỹ thuật của bản thân đang dần dần được nâng cao, sự tự tin của tôi cũng dần dần tăng lên.

GIAI ĐOẠN 4: Ổn định và duy trì.

Tại thời điểm này, tôi đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật chơi nhạc cụ, và cá nhân hóa được kỹ thuật của bản thân dựa trên những hiểu biết về âm nhạc. Lúc này, lòng tin của tôi tương đối ổn định, người ta có thể khen tôi chơi đàn giỏi, tôi cũng không thể nói cho họ biết chỗ nào tốt, nhưng trong tim tôi tin rằng nó vẫn chưa hoàn hảo, vẫn có không gian để phát triển thêm.

Bốn giai đoạn trên mô tả một “con đường phát triển tổng thể” điển hình. Nhưng dù sao thì “bậc thầy” cũng chỉ có số ít, và cũng ko dễ để đi hết con đường này. Trên thực tế, từ “leo lên ngọn núi của sự thiếu hiểu biết” đến “rơi vào thung lũng tuyệt vọng” đã rất hiếm có, cần có cơ hội để giai đoạn 2 diễn ra, vì như Dunning và Kruger đã nói, đối với những người không đủ năng lực, họ không chỉ hiểu sai về mọi thứ, đưa ra sự lựa chọn sai lầm, thậm chí khả năng nhận ra sai lầm cũng bị tước đoạt. Không chỉ những kẻ “ngu” mới ở trên ngọn núi của sự thiếu hiểu biết, tất cả mọi người đều có thể bị mắc kẹt ở đó mà tất cả mọi người khi tiếp thu kiến thức mới đều có thể mắc phải. Thiếu hiểu biết khiến bạn duy trì tấm ngăn giữa bạn và sự thật, và sự thật khủng khiếp này là trọng tâm của hiệu ứng Drake.

Tại sao những người năng lực không đủ lại không nhận ra sự yếu kém, mà lại đánh giá bản thân quá cao? Có một số lý do sau:

  1. Không biết những yếu tố của năng lực.

Lấy ví dụ về việc luyện tập nhạc cụ, người mới bắt đầu nghĩ rằng có thể làm nhạc cụ phát ra âm thanh đúng và chơi được giai điệu cơ bản nghĩa là họ đã thành thạo. Vì vậy họ thiếu cơ sở để đánh giá năng lực của bản thân.

  1. Hiếm khi nhận được phản hồi tiêu cực.

Chúng ta luôn quen nể mặt người khác trong các tình huống xã giao, và ngay cả khi đối phương cư xử không đúng mực, chúng ta thường không chỉ thẳng ra, nhiều nhất chỉ đề cập một cách khéo léo ẩn ý. Và mọi người quen chơi với những người phù hợp với khả năng của họ, ví dụ tôi chơi golf không tốt thì những người bạn tôi cũng ngang tầm với tôi. Thế nên những người không đủ năng lực không chỉ thiếu cơ sở đánh giá bản thân mình, mà còn thiếu sự đánh giá đến từ xã hội.

  1. Nhận thức thiên vị với những thất bại rõ ràng.

Nhìn chung, chúng ta thường hạn chế làm những việc chúng ta không đủ năng lực, ít nhất là không thường xuyên thể hiện khía cạnh đó trước mặt người khác. Và ngay cả khi làm và gặp những thất bại rõ ràng, thì vẫn có “quy chụp sai lệch căn bản” (Fundamental Attribution Error) trong nhận thức, chúng ta cho rằng thất bại là do các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như hoàn cảnh, may mắn, …

Những lý do này kết hợp với nhau đẩy chúng ta lên ngọn núi của sự thiếu hiểu biết. Vậy làm thế nào để thoát khỏi nơi đó? Nó có thể là điều chúng ta phải trải qua khi học kỹ năng và kiến thức mới. Điều chúng ta có thể làm là hạ thấp độ cao của ngọn núi xuống và cố gắng đạt được tiến bộ ổn định ngay từ đầu.

Đầu tiên, hãy luôn tự hỏi bản thân: Đâu là cơ sở để tôi đánh giá khả năng của mình?

Chúng ta luôn sống vội vã mà hiếm khi dừng lại để tự hỏi bản thân tại sao lại có những suy nghĩ như vậy. Hỏi về nguồn gốc và căn cứ của những suy nghĩ trong đầu chúng ta là “có sự tự nhận biết” (Self-awareness). Ví dụ, bạn luôn có thể tự hỏi mình, tiêu chuẩn của năng lực mạnh là gì? (có thể đàn được những giai điệu đơn giản có tính là năng lực mạnh hay không?), bản thân và chuyên gia có những khoảng cách khác biệt như thế nào? (giai điệu của những người chuyên nghiệp đàn ra giỏi hơn tôi đàn ra ở những điểm nào?)

Thứ hai, yêu cầu những người xung quanh không nên giữ thể diện mà đưa ra ý kiến và đề xuất một cách nghiêm khắc.

Nói với họ rằng điều đó không làm tổn thương đến lòng tự trọng của chúng ta, xét cho cùng, cải thiện khả năng và đạt được sự tự tin thật sự mới là những gì mà chúng ta mong muốn.

Hiểu rõ về hiệu ứng D-K là hiểu rõ hơn về con người và sự vật xung quanh bạn, cũng là để thoát khỏi hiệu ứng này – phấn đấu để có những bước tiến vững chắc mà không “leo núi” hay “tụt dốc”.

Nguồn: https://www.zhihu.com/topic/21339075/intro

Nguồn hình ảnh: Vietcetera

menu
menu