Hiệu ứng người thứ ba - Bạn không thông minh lắm đâu - 46 cách khác nhau bạn đang sử dụng để tự đánh lừa bản thân

hieu-ung-nguoi-thu-ba-ban-khong-thong-minh-lam-dau-46-cach-khac-nhau-ban-dang-su-dung-de-tu-danh-lua-ban-than

Bạn không thông minh lắm đâu - 46 cách khác nhau bạn đang sử dụng để tự đánh lừa bản thân

Hiệu ứng người thứ ba

Bạn Vẫn Tưởng

Quan điểm và quyết định của bản thân bạn là sản phẩm dựa trên kinh nghiệm thực tế và những kiến thức đã được kiểm định, còn những người phản đối bạn đang rơi vào bẫy của những lời nói dối và công tác tuyên truyền từ các nguồn mà bạn không tin tưởng.

Sự ThậT Là

Mọi người đều nghĩ người đang bất đồng ý kiến với mình là một người cả tin, còn bản thân mình thì là một người không dễ bị thuyết phục, trong khi thực tế thì lại rất khác.

“Mình có thể ngay lập tức nhận ra lời nói dối của chính khách kia. Mọi người thật là ngu ngốc. Họ cứ ngây ngô như bầy cừu vậy. Họ tin sái cổ vào bất kỳ điều gì mà ông ta nói. Mình thích được lãnh đạo hơn là chỉ làm một kẻ theo sau.”

Đã bao giờ bạn nghĩ như vậy chưa? Bạn có ngạc nhiên không khi biết rằng tất cả mọi người đều có suy nghĩ hệt như vậy?

Tất cả mọi người đều tin rằng bản thân mình là một người biết suy nghĩ, không cả tin và không dễ bị xoay chuyển bởi quảng cáo, bởi lời lẽ tuyên truyền chính trị đẹp đẽ, hay là bởi những kẻ lừa đảo đầy quyến rũ. Nếu vậy thì phải có ai đó đang bị ảo tưởng chứ. Và đôi khi đó chính là bạn.

Một lượng lớn trong vô số những thông điệp mà bạn gặp hàng ngày có thể bị coi là nguy hiểm bởi chúng có khả năng thay đổi ý kiến hoặc là xâm nhập vào tâm trí của người khác và dần dà ảnh hưởng tới hành vi của họ. Chúng có thể tới từ đủ mọi nguồn, từ những trò chơi điện tử bạo lực cho tới các chương trình thảo luận chính trị ban đêm. Mỗi một nguồn thông tin đều sẽ bị một số lượng người nào đó coi là nguy hiểm, không phải bởi vì chúng tác động lên họ, mà bởi chúng có thể ảnh hưởng lên suy nghĩ và quan điểm của một bên thứ ba tưởng tượng nào đó. Cảm giác về sự cảnh giác loại này được gọi là hiệu ứng người thứ ba (third person effect).

Sống trong thời hiện đại, bạn luôn bị tấn công bởi hàng loạt những thông điệp truyền thông mỗi ngày, nhưng lại luôn nghĩ rằng mình ít bị ảnh hưởng hơn so với những người khác. Bạn cho rằng bằng cách nào đó bạn đã miễn dịch trước những thông điệp này, bởi vậy không có gì đáng lo cả. Nhưng bạn lại không thể tin tưởng sức đề kháng của những người xung quanh, và bởi vậy, bạn tin rằng có một số nguồn thông tin cần phải được kiểm soát. Thậm chí có thể bạn còn nghĩ rằng một số thông điệp cần phải bị kiểm duyệt cắt bỏ, không phải vì lợi ích của bạn, mà là để chúng không gây ảnh hưởng lên những người khác.

Vậy ai là “những người khác”? Định nghĩa này sẽ thay đổi tùy vào tình huống cụ thể. Đó có thể là trẻ em, học sinh trung học, sinh viên đại học. Đó có thể là những người theo phe dân chủ hoặc bảo thủ. Đó có thể là những người già, người có thu nhập trung bình, những kẻ siêu giàu. Bất kỳ nhóm nào mà bạn không thuộc về đều có thể trở thành nhóm người dễ bị tác động bởi thông điệp mà bạn đang phản đối.

Hàng loạt nghiên cứu từ những ngày đầu của bộ môn tâm lý học cho tới nay đã hé lộ ra nhiều cách mà những lời thuyết phục ẩn thực sự tác động lên con người. Như bạn đã đọc trong những chương về mồi tiềm thức và sự tự nghiệm cảm xúc, gần như mọi thứ mà bạn được nghe hoặc thấy đều có tác động lên hành vi và suy nghĩ của bạn theo cách nào đó. Tuy nhiên bạn lại chỉ công nhận sự tồn tại của tác động này với người khác chứ không phải với bản thân.

Năm 1983, W. Phillips Davison đưa ra định nghĩa về hiệu ứng người thứ ba. Ông nhận thấy rằng một số người coi những thông điệp trên truyền thông như là mệnh lệnh hành động, không phải bởi ý nghĩa của nó, mà bởi những đối tượng có thể tiếp cận thông điệp đó. Ông nói hiệu ứng người thứ ba này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cơn cuồng nộ của các nhà lãnh đạo tôn giáo trước những “lời tuyên truyền phỉ báng” và sự khó chịu của các chính khách trước những bài phát biểu về “nỗi sợ bất đồng chính kiến”. Không chỉ có vậy, Davison còn coi việc kiểm duyệt thông tin xuất phát từ niềm tin cho rằng một số thông điệp có thể tác động xấu tới những “tâm hồn nhạy cảm”. Hai người xem lại và nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này sau Davison là Richard M. Perloff vào năm 1993 và Bryant Paul vào năm 2000. Perloff và Paul phát hiện ra rằng hiệu ứng người thứ ba sẽ càng được khuếch đại nếu bạn có sẵn thành kiến xấu về nguồn tin, hoặc cho rằng thông điệp đó là về thứ mà bạn không thực sự quan tâm. Tóm gọn lại là từ những nghiên cứu của họ, ta có thể rút ra rằng hầu hết mọi người đều tin mình không thuộc đa số.

Bạn không muốn tin rằng mình dễ bị thuyết phục, và một cách để giữ vững niềm tin này là cho rằng những lời thuyết phục đó đều nhắm tới những đối tượng khác chứ không phải là bạn. Nếu không thì làm sao mà chúng có thể có hiệu quả cơ chứ? Bạn nghĩ rằng mấy mẩu quảng cáo bánh burger phô mai là dành cho lũ béo phì không có khả năng tự kiềm chế, cho tới khi bản thân bạn đói cồn ruột và phải lựa chọn giữa hai nhà hàng đồ ăn nhanh. Bạn cho rằng mấy bảng quảng cáo rượu nhắm tới những tên hipster chỉ biết chạy theo mốt, cho tới khi anh chàng đứng quầy bar trong bữa tiệc Giáng sinh ở văn phòng hỏi bạn muốn uống gì. Bạn tin rằng những thông báo nhắc nhở về sự nguy hiểm của việc nhắn tin trong khi lái xe là dành cho những người khác chứ không phải bạn, cho tới khi bạn cảm thấy hơi xấu hổ lúc với tay lấy điện thoại để trả lời email trong lúc chờ đèn đỏ.

Khi bạn theo dõi tin tức từ kênh thời sự ưa thích, đọc tờ báo hay trang blog quen thuộc, bạn thường có xu hướng tin rằng mình biết suy nghĩ độc lập. Bạn có thể bất đồng ý kiến với người khác trong một số vấn đề, nhưng luôn tự cho rằng mình là một người có đầu óc cởi mở, là một người luôn xem xét thực tế và tìm hiểu thông tin khách quan trước khi phân tích và đưa ra kết luận. Trong khi đó, phía bên kia của màn hình TV, một đội quân hùng hậu bao gồm những nhà sản xuất, những nhà thiết kế chương trình hoạt động dựa trên những con số thống kê, những đánh giá nhân khẩu học vốn có khả năng nhìn xuyên thấu hiệu ứng người thứ ba. Tất cả đều nhằm mục đích khiến bạn tiếp tục tin rằng bản thân mình không giống như những người xem loại chương trình truyền hình đang được trình chiếu. Bạn thường tin rằng mình không giống với những người cùng sống trong thành phố, hay những người bạn cùng trường, hay đồng nghiệp cùng văn phòng, v.v. Bạn là độc nhất. Một mình bạn nhảy riêng một điệu. Tuy nhiên bạn lại không nhận ra rằng bằng việc sống trong thành phố đó, đi học trong trường đó, làm việc trong văn phòng đó, bạn chính là loại người mà bạn cho rằng mình không phải. Nếu thực sự không phải vậy, bạn đã là một con người khác, sống ở nơi khác, học ở trường khác, làm công việc khác. Có thể bạn đang tự nhủ: “Thực ra tôi buộc phải ở đó, tôi không có lựa chọn nào khác.” Nhưng bạn đang lờ đi sự thật là những người xung quanh cũng đang sử dụng lời bào chữa y hệt.

Hiệu ứng người thứ ba không chỉ xuất hiện khi bạn phải đối diện với các quảng cáo hay các vấn đề chính trị. Chắc chắn sẽ có rất nhiều người khi đọc hay nghe về những ảo tưởng hay thiên kiến nhận thức được đề cập đến trong cuốn sách này nghĩ rằng chúng chỉ tác động lên người khác thôi chứ bản thân họ thì miễn nhiễm.

Hiệu ứng người thứ ba là một phiên bản khác của thiên kiến tự đề cao. Bạn tự bào chữa cho những thất bại của mình, tự thấy mình là một con người thành công hơn, thông minh hơn và khéo léo hơn thực tế. Những nghiên cứu về thiên hướng tự đề cao cho thấy các đối tượng tham gia thường tự đánh giá rằng mình giỏi hơn đồng nghiệp, lái xe tốt hơn một người bình thường, hấp dẫn hơn một người cùng tuổi, và có khả năng sống lâu hơn những người đã lớn lên cùng họ. Và cứ như vậy, đa số mọi người cũng tự tin rằng mình khó bị mắc lừa hơn số đông. Nhưng hãy nhớ rằng bạn không thể thuộc thiểu số trong tất cả mọi mặt được.

Khi mà hiệu ứng người thứ ba khiến bạn coi thông tin nào đó là an toàn, hãy thử lui lại một bước và nghĩ về các thông điệp mà những người xung quanh cho là đang tẩy não bạn, và tự hỏi xem bạn có muốn những thứ đó cũng bị kiểm duyệt cắt bỏ không.

Trích từ cuốn sách sắp được phát hành "You are not so smart" (Bạn không thông minh lắm đâu - 46 cách khác nhau bạn đang sử dụng để tự đánh lừa bản thân). Tác giả: David McRaney. Người dịch: Voldy

 

menu
menu