Hiểu về phân tích giao dịch để nhận diện những mối quan hệ độc hại – tại sao người ta lại thao túng và "chơi chiêu" trong các mối quan hệ?
Con người tìm kiếm sự tương tác với người khác vì nhiều lý do như kích thích về mặt thể chất và cảm xúc, kiểu như cần ai đó quan tâm, công nhận mình là số dzách.
Điểm chính
- Con người tìm kiếm sự tương tác với người khác vì nhiều lý do như kích thích về mặt thể chất và cảm xúc, kiểu như cần ai đó quan tâm, công nhận mình là số dzách.
- Lý tưởng nhất là người ta nên làm điều đó một cách trung thực, rõ ràng, từ đó mới có thể xây dựng một mối quan hệ thân mật thật sự.
- Nhưng nếu họ có suy nghĩ tiêu cực về bản thân hoặc về người khác, thì niềm tin bị lung lay, dẫn đến việc họ chọn chơi chiêu thay vì tin tưởng và thành thật.
Vậy tại sao người ta lại nói dối, lừa lọc, thao túng và chơi chiêu trong tình yêu và hẹn hò?
Ai mà chẳng từng gặp phải một buổi hẹn hò thảm họa hay mối quan hệ "cắm đầu xuống đất". Và rồi chúng ta đều tự hỏi: "Ủa, sao người ta không thể cứ thẳng thắn, nói rõ điều họ muốn cho rồi nhỉ?" Thực tế mà nói, để tìm thấy sự trung thực, thân mật và tin tưởng ở người khác không phải lúc nào cũng dễ. Đôi khi chính chúng ta cũng ngại rủi ro, không dám mở lòng. Nhưng tại sao lại vậy? Sao cứ thích "chơi chiêu" trong khi chúng ta đều biết sớm muộn gì cũng hỏng?
PHÂN TÍCH GIAO DỊCH LÀ GÌ? (TRANSACTIONAL ANALYSIS)
Tin tốt lành là câu hỏi này không mới. Từ cách đây hơn 60 năm, Eric Berne đã nghiên cứu và trả lời nó trong cuốn sách Games People Play (Những Trò mà Người Ta Chơi). Ông Berne là một bác sĩ, rất quan tâm đến phân tâm học của Freud và các tương tác xã hội. Ông đã kết hợp cả hai thành cái gọi là Phân tích giao dịch (Transactional Analysis), một cách nghiên cứu cả mặt tâm lý và xã hội trong các mối quan hệ con người.
Berne chỉ ra rằng có ba lý do chính khiến chúng ta cần phải tương tác với người khác.
– Đầu tiên là vì chúng ta cần được "vỗ về" và kích thích về mặt thể chất, kiểu như trẻ sơ sinh cần được ôm ấp để khỏe mạnh và phát triển.
– Thứ hai, chúng ta cần được công nhận, khen ngợi, để cảm thấy mình giá trị, không bị bỏ rơi.
– Thứ ba, chúng ta cần có cái gì đó để làm, để thời gian không trôi qua vô ích. Đây là những cái "lợi ích" mà chúng ta khao khát trong các mối quan hệ.
Trong một thế giới lý tưởng, những nhu cầu này sẽ được thỏa mãn thông qua các mối quan hệ trung thực và thân mật. Nhưng đời mà, đâu dễ vậy. Như Berne nói: "Sự thân mật thật sự thì hiếm, và khi có được thì thường chỉ là chuyện riêng tư. Phần lớn các mối quan hệ xã hội chỉ là những trò chơi...".
TRÒ CHƠI MÀ CON NGƯỜI CHƠI
Vậy nếu sự thân mật là cách tốt nhất để thỏa mãn nhu cầu, sao người ta lại chọn chơi trò? Berne lý giải rằng điều này liên quan đến vị thế tồn tại của mỗi người. Đơn giản mà nói, đây là cách mà mỗi người cảm nhận về bản thân và người khác – ổn hay không ổn.
Ban đầu, mọi người thường có vị thế " TÔI ỔN, BẠN CŨNG ỔN", giúp tạo ra sự thân mật. Nhưng những tương tác tiêu cực trong cuộc sống, nhất là thời thơ ấu, có thể khiến chúng ta cảm thấy "Tôi không ổn" hoặc "Người khác không ổn". Những niềm tin này sẽ theo chúng ta suốt đời và ảnh hưởng đến hành vi và các mối quan hệ sau này.
Vì vậy, khi một người không tin vào bản thân hoặc người khác, họ sẽ chơi chiêu thay vì xây dựng mối quan hệ thật sự. Họ vẫn muốn phần thưởng từ mối quan hệ, nhưng không tin tưởng đủ để làm điều đó một cách trung thực. Thế là họ dùng cách vòng vo, chơi chiêu để đạt được điều mình muốn mà không phải đối diện với rủi ro của sự thân mật. Và điều thú vị là, khi chơi chiêu thành công, họ còn có thể tự nhủ: "Thấy chưa, tôi thực sự không ổn mà" hoặc "Người khác đúng là không ổn thật".
VƯỢT QUA CÁC TRÒ CHƠI
Vậy làm sao để thoát khỏi việc chơi chiêu và có được mối quan hệ thật sự? Câu trả lời có hai phần. Thứ nhất, bạn cần tìm một đối tác có thể đáp ứng nhu cầu của bạn và bạn cũng có khả năng đáp ứng nhu cầu của họ một cách công bằng và trung thực. Thứ hai, cả hai cần phải xuất phát từ vị thế " TÔI ỔN, BẠN CŨNG ỔN". Nếu thiếu một trong hai yếu tố này, thì trò chơi lại bắt đầu.
Nói chung, để tránh chơi chiêu, bạn cần tìm được người có gì đó để trao đổi và bạn cũng cần có gì đó để cho đi. Khi những yếu tố này đủ, sự thân mật thực sự sẽ xuất hiện và mối quan hệ sẽ trở nên thỏa mãn.
Nguồn: Why People Manipulate and Play Games in Relationships | Psychology Today
Nếu bạn muốn tìm hiểu kĩ hơn về Phân tích giao dịch, Nếu bạn từng vật lộn với mặc cảm tự ti thấp kém hơn so với người khác thì nhất định phải đọc ngay cuốn sách này, 1 tượng đài trong dòng sách tâm lý học: I’m Ok, You’re Ok (tôi ổn, bạn ổn)