Hiểu về tiếng nói nội tâm để trò chuyện với chính mình

hieu-ve-tieng-noi-noi-tam-de-tro-chuyen-voi-chinh-minh

Lần cuối cùng bạn trò chuyện với chính mình là khi nào?

Mỗi ngày, có đến gần 6.200 suy nghĩ diễn ra bên trong não bộ của một người* như những luồng xe cộ chạy liên tục trên một giao lộ không có đèn giao thông. Khoảng 47% người dành thời gian của họ để suy nghĩ về những thứ khác ngoài những gì họ đang làm, và việc để tâm trí đi lạc như vậy thường khiến họ cảm thấy không vui vẻ**.

Khi đang ngồi làm việc, ta lan man nghĩ chuyện cuối tuần này đi chơi ở đâu, hay đang nói chuyện với đồng nghiệp thì lại nghĩ sang chuyện tối nay ăn gì, có khi đang ngồi trong rạp xem phim nhưng lại nghĩ tới chuyện nhà cửa đang bề bộn. Tâm trí của con người trong Phật giáo được ví như chú khỉ cứ liên tục chuyền từ cành này sang cành khác.

Không phải ai cũng ý thức được sự tồn tại của tiếng nói nội tâm diễn ra trong đầu mình. Người ý thức được thì đa phần lại có xu hướng loại trừ nó triệt để theo kiểu “sống trong tỉnh thức” hay “sống trong hiện tại”. Trong cuốn “Chatter”, ở góc độ của một nhà khoa học tâm lý, tác giả Ethan Kross đưa ra một góc nhìn phản biện rất thú vị khi cho rằng tuyên ngôn sống đó đi ngược lại với cơ chế sinh học tự nhiên của con người. Những suy nghĩ luẩn quẩn bên trong tâm trí vốn là trạng thái mặc định của tâm đã tồn tại qua hàng triệu năm tiến hóa của loài người, và con người sinh ra không phải để bám chặt vào hiện tại mọi lúc mọi nơi.

Theo Ethan Kross, chúng ta không nên tìm cách ngừng lại tiếng nói nội tâm đó, mà cần học cách sống chung với nó, sử dụng nó một cách hiệu quả và kiểm soát được nó. Và đó cũng là lúc chúng ta bắt đầu trò chuyện nghiêm túc với chính mình.

Bản thân mình từng đọc rất nhiều đầu sách về tiếng nói nội tâm hay làm chủ tư duy, đến khi đọc được cuốn “Chatter” thì có thể khẳng khái nói: Nếu muốn tìm hiểu về chủ đề tiếng nói nội tâm, bạn chỉ cần đọc một cuốn “Chatter” thôi là đủ. Vì sao? Vì Tiến sĩ Ethan Kross đã dày công tổng hợp, cập nhật các nghiên cứu khoa học mới nhất về thần kinh và não bộ để phác thảo ra một tấm bản đồ toàn diện dẫn dắt chúng ta trên con đường làm chủ tâm trí.

Có khá nhiều kỹ thuật làm chủ tiếng nói nội tâm thú vị mà độc giả sẽ tìm thấy qua từng trang sách. Như mình rất thích một kỹ thuật đầy tính hình tượng của tác giả: con ruồi đậu trên tường. Khi rạp chiếu phim trong tâm trí chiếu lại những cảnh tượng về trải nghiệm khó chịu trong quá khứ hoặc viễn cảnh đáng lo ngại trong tương lai, chúng ta có thể “nhập vai” trở thành con ruồi đậu trên tường để đưa ra lựa chọn của mình. Hoặc ta là “nhóm đắm mình” mắc kẹt trong cơn lũ tư duy và cảm xúc đó, hoặc ta là “nhóm tạo khoảng cách” đứng từ xa để nhìn mọi chuyện khách quan hơn. Hai vai trò này như nút bật-tắt mà ta có thể chuyển đổi linh hoạt để đắm mình vào suy nghĩ tích cực và tránh xa suy nghĩ tiêu cực, thay vì làm ngược lại khi chưa biết tới kỹ thuật này.

Một kỹ thuật khác cũng thú vị không kém là độc thoại tạo khoảng cách – đổi ngôi xưng hô khi trò chuyện với chính mình. Thay vì dùng ngôi thứ nhất (“tôi”), chúng ta có thể dùng đại từ ngôi thứ hai (“bạn”) và thứ ba (“anh ấy”, “cô ấy”) để nói chuyện với mình như thể bạn đang nói chuyện với một người khác. Kỹ thuật này sẽ giúp chúng ta tỉnh táo và lý tính hơn trong một số tình huống căng thẳng, xung đột nội tâm hay lúc ta bị mất bình tĩnh.

Không chỉ hướng dẫn người đọc cách làm chủ những suy nghĩ luẩn quẩn bên trong, tác giả Ethan Kross còn đưa ra những chỉ dẫn hết sức thiết thực để chúng ta làm chủ thế giới bên ngoài, từ việc trở về gần gũi với thiên nhiên đến việc sắp xếp lại môi trường xung quanh, mục đích là để nâng cao sức mạnh tập trung chú ý của mỗi người.

Sau tất cả, người chúng ta dành nhiều thời gian nhất để sống cùng không phải là cha mẹ, không phải là vợ/chồng hay con cái, mà đó là chính mình. Nếu bây giờ bạn không để tâm đến việc trò chuyện với chính mình thì còn phải đợi đến bao giờ? Và “Chatter – Trò chuyện với chính mình” sẽ là bạn đường hợp ý trên hành trình trưởng thành trong đời sống nội tâm của mỗi người.

* Nghiên cứu của Tiến sĩ Jordan Poppenk, ĐH Queen (Canada).

** Nghiên cứu của Matthew A. Killingsworth và Daniel T. Gilbert, ĐH Harvard, Tạp chí Science.

Xem sách ở Tiki

menu
menu