Hòa giải với nỗi đau… chia tay
Ai rồi cũng chia tay.
Nghe điều này có vẻ tiêu cực nhưng đừng vội đánh giá. Trong suốt hành trình của một con người, tôi dám nói rằng bất kỳ ai cũng từng trải qua cảm giác đớn đau hay buồn khổ vì phải dừng lại mối quan hệ với người mà trước đó đã từng thấy rằng sẽ gắn bó yêu thương suốt cuộc đời thậm chí có bao nhiêu kiếp cũng sẽ bên nhau. Cảm giác khổ đau đó tôi biết là không ai muốn hưởng, có điều tạo hóa không đáp ứng mọi mong đợi của một ai, đó là chưa kể nhờ những khổ đau do chia cắt đó mà con người trưởng thành hơn, vững chơi hơn, và sống có trách nhiệm với chính mình hơn.
Yêu ai đó là một điều rất tự nhiên của con người nhưng để có được sự an vui hay bình yên và phát triển hay trở nên khổ đau bế tắc là điều đòi hỏi nhiều nhận biết cũng như năng lực để hành động. Những mơ ước gặp một người và từ đó "hạnh phúc suốt đời” chỉ là mơ ước thôi. Cuối cùng thì ai cũng sẽ phải nhận ra nguyên tắc của cuộc đời, chính bản thân tôi và duy ⁰pnhất tôi mới là người chịu trách nhiệm cho nỗi buồn đau hay niềm vui thích của mình.
Ba ý sau hy vọng đủ để đối diện với chuyện... chia tay và đau khổ.
Nhận diện sự khỏe mạnh của cá nhân tôi
Yêu ai đó không phải để bù đắp cho sự thiếu hụt hay khiếm khuyết của bản thân, nhớ rằng khi chúng ta cảm nhận bản thân có thiếu sót hay khiếm khuyết hãy tập trung tìm giải pháp cho việc cải thiện hoặc chấp nhận những thiếu sót của mình thay vì đẩy chuyện đó thành trách nhiệm của người mình yêu.
Ví dụ đơn giản, khi thấy bản thân là một người rất hay từ bỏ những gì mình đã nói ra hay hứa hẹn, hãy tự mình hỏi điều gì làm cho mình như vậy và tìm kiếm những nguồn lực từ chính mình để cải thiện hoặc cân nhắc những lời mình nói hay hứa. Đừng tìm một người yêu và kỳ vọng rằng người đó sẽ là người thúc đẩy hay nhắc nhở mình làm hay làm thay cho mình.
Có rất nhiều chuyện tôi đã gặp đã thấy và đã trải nghiệm, những con người nói ra một cách thoải mái thậm chí tự hào rằng "mấy việc đó (việc của tôi) có anh người yêu hay cô người yêu của tôi lo cho chớ tôi thì chịu”. Chuyện của mình thì không để người khác chịu trách nhiệm. Lúc yêu đương có thể là những điểm lãng mạn thu hút nhau nhưng nếu là cuộc sống thường ngày hay nếu đó là những điều liên quan đến trách nhiệm xã hội của mình thì có vẻ bất ổn. Chịu trách nhiệm cho người khác là một việc nặng nề và nói chung thì chẳng có gì thú vị.
Bản thân mình muốn được chiều chuộng hay muốn được lo cho tồn tại rất nhiều nguy cơ vì sự thật sẽ có những lúc người yêu của mình không thể đáp ứng hoặc cảm thấy mệt mỏi với cái sự "lo cho” của họ. Tương tự có rất nhiều chuyện của riêng mỗi người mà chỉ có bản thân người đó mới có thể chịu trách nhiệm nhưng lại rất hay quy cho người yêu chịu. Bản thân tôi cũng không ít lần đã giận hờn hay đau khổ vì cho rằng người khác đã gây ra nhưng sau khi bình tâm hoặc sau một trận tranh cãi thì nhận ra chuyện đó là do mình kỳ vọng vào người khác và muốn người khác làm cho mình. Yêu đương và hôn nhân là những mối quan hệ rất dễ đẩy mình tới ảo tưởng rằng người khác (đối tác của mình) phải chịu trách nhiệm, nhưng sự thật thường không phải vậy.
Nghe có vẻ là quá lý tưởng hay hoàn hảo nhưng sự thật vô cùng trần trụi là chính tôi phải sống được cuộc đời của mình một cách khỏe mạnh. Để đạt được điều đó, cần biết rằng cả bốn chiều kích đều phải được lưu tâm, bao gồm: Thể lý của tôi, liên quan đến ăn uống, ngủ nghỉ, và vận động; Tâm lý của tôi, bao gồm nhận thức, cảm xúc, và hành động của tôi; Các mối quan hệ hay chiều kích xã hội của tôi; và Sau cùng là đời sống tâm linh của tôi. Trong bốn chiều kích này nếu tôi không đạt được sự khỏe mạnh đủ, khả năng gây phiền toái cho chính tôi và cho người trong mối quan hệ yêu đương hoặc hôn nhân của tôi là rất cao.
Cũng cần biết rằng, khỏe mạnh toàn diện không có nghĩa là hoàn hảo hay không bao giờ có sai lầm. Chính yếu là tôi chấp nhận những sai lầm của chính mình và có hướng nỗ lực để điều chỉnh thay vì đổ trách nhiệm cho người yêu của tôi.
Nhận diện những lý do không hợp nhau của tôi và đối tác
Tôi không thể trông đợi bất kỳ ai phải hợp với mình, hay nói cách khác cuộc sống của mỗi người là lựa chọn của chính họ, điều quan trọng trong sự hòa hợp là tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt chứ không phải thúc ép để người khác phải giống như tôi mong đợi. Sự vỡ mộng do "không hợp nhau” thường xuất hiện do bởi nguyên nhân "người khác” không đáp ứng điều "tôi mong đợi”.
Gottman, nhà tâm lý học về mối quan hệ yêu đương và hôn nhân chỉ ra sau rất nhiều năm nghiên cứu rằng các cặp đôi có tới 69% các mâu thuẫn không thể xử lý. Tìm hiểu nhiều hơn chúng ta biết rằng sở dĩ "không thể xử lý” là vì đó không phải là những mâu thuẫn về bản chất mà là những “khác biệt nhau”. Và khác biệt thì không thể làm cho giống nhau, khác biệt chỉ có thể được hòa giải khi chấp nhận nó.
Bất kỳ cặp đôi nào khi chia tay đều xuất phát từ ít nhất một điều khác biệt đó và căn bản là một trong hai hoặc cả hai người không thể chấp nhận được người kia. Có thể là sự thờ ơ lạnh lùng, có thể là lối hành xử khó chịu hay bạo lực, có thể là sự lừa dối hay phản bội, có thể là lối sống thiếu khỏe mạnh… và nhiều thứ có thể khác tương tự. Khi không thể chấp nhận được thì chia tay là điều đúng đắn và nên làm. Một khi đã chia tay thì cần tuyệt đối tránh thái độ tiếc nuối. Cũng không cần trách móc hay dằn vặt bản thân bởi khó ai có thể đảm bảo mọi sự lựa chọn của mình là đúng đắn từ đầu tới cuối.
Chấp nhận rằng hai người không hợp nhau vì một hoặc những lý do cụ thể. Chấp nhận và cho phép bản thân đau khổ vì phải dừng lại một mối quan hệ. Chấp nhận và cho phép bản thân bày tỏ sự đau khổ đó bằng tiếng khóc hoặc sự than vãn. Chấp nhận rằng bản thân phải bắt đầu lại, vì cuộc sống của tôi thì tôi phải có trách nhiệm và chỉ một mình tôi mới có thể làm được chuyện đó.
Nếu đã hợp nhau nếu đã tốt lành với nhau thì trục trặc có thể xử lý được. Nếu không thì tiếc nuối là không hữu ích và níu kéo cũng sẽ gây thêm thiệt hại.
Vượt qua trở ngại
Hết lần này đến lần khác tôi đã nói và còn nói lại nhiều lần nữa, chính bản thân mỗi người mới có đủ thẩm quyền quyết định có thể vượt qua được hay không. May mắn là nếu tôi thấy không đủ sức thì sẽ luôn có ai đó trợ giúp, có thể là một người nào đó thân tín trong mạng lưới của tôi hoặc có thể là một người làm chuyên môn trong việc trợ giúp người khác.
- Rà soát lại và tái hoạch định cho một cuộc sống khỏe mạnh của chính mình. Hãy bắt đầu bằng chuyện đơn giản, ăn uống khỏe mạnh, ngủ nghỉ đầy đủ, và vận động phù hợp. Kiên trì một thời gian và chính điều này sẽ cung cấp cho tôi một nền tảng tốt để tôi vượt qua những trải nghiệm tiêu cực.
- Điều chỉnh và cải thiện lối tư duy của tôi, làm cho nó trở nên lạc quan hơn, hy vọng hơn. Bản thân tôi có quyền lựa chọn nhìn cuộc đời của tôi theo hướng lạc quan hay bi quan. Càng theo lối bi quan (tư duy đóng) càng đẩy tôi vào lối bế tắc. Càng theo hướng lạc quan (tư duy phát triển) càng rộng đường cho tôi trưởng thành.
- Kiếm việc có ý nghĩa để làm. Giúp đỡ ai đó, tham gia một lớp học mà tôi muốn, gặp gỡ trò chuyện với ai đó tích cực, tham một khóa thiền, bước ra nhìn ngó và trải nghiệm với thiên nhiên rừng núi, hay đơn giản hơn là đi massage… Nói chung làm bất cứ điều gì mà bản thân đã muốn nhưng lâu nay bỏ quên.
- Với nhiều người, cầu nguyện hay bất kỳ một hình thức nào chú trọng đến đời sống tâm linh đều hữu ích. Đây là một trải nghiệm rất riêng tư của mỗi người để kết nối với vũ trụ rộng lớn hơn và tìm ra ý nghĩa của cuộc đời mình.
Logic của vấn đề là, khi tôi là một cá nhân khỏe mạnh có thể độc lập tự lo được cho mình một cuộc sống bình yên thì tôi có nhiều cơ hội để gắn kết hài hòa trong một mối quan hệ yêu đương hay hôn nhân. Bởi tình yêu được hiểu là tôi thấy một sự an lạc và thăng hoa và có thể vì người tôi yêu, và (rất quan trọng) tôi có thể “giữ lại chính mình” (Fromm). Bản chất khá tự nhiên nhưng thường dễ bỏ quên mà tôi nhắc lại là tôi phải có được chính mình do tôi xây dựng rồi tôi mới có thể giữ lại chính mình và kết nối với một người khác.
Tác giả: Ngô Minh Uy