Học cách lắng nghe sự buồn chán của chính mình

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của trẻ nhỏ là chúng có một sự phản kháng mãnh liệt với cảm giác buồn chán.
Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của trẻ nhỏ là chúng có một sự phản kháng mãnh liệt với cảm giác buồn chán. Bằng một quyết tâm không khoan nhượng, chúng nhảy từ việc này sang việc khác, thay đổi bất cứ khi nào có điều gì đó dù chỉ hơi hấp dẫn hơn xuất hiện trước mắt. Một buổi sáng bình thường có thể là lôi tám trò chơi trên kệ ra thử, rồi vừa định chơi Rắn và Thang đã chuyển sang biến chiếc ghế sofa thành dốc trượt tuyết. Sau đó là thử sức với việc bứt đuôi thỏ đồ chơi, đập bánh quy sô-cô-la bằng búa để xem điều gì xảy ra, và cuối cùng là lật hết ghế trong bếp để giả vờ rằng chúng là những chiếc thuyền chiến đang tham gia một trận hải chiến huyền thoại.
Cái mà chúng ta gọi là giáo dục thực chất là một nỗ lực nhằm mang lại trật tự cho sự hỗn loạn ngẫu hứng đó, dạy trẻ cách phớt lờ những hứng thú bồng bột của mình và học cách chịu đựng cảm giác buồn chán vì một điều gì đó lâu dài và ý nghĩa hơn. Điều này có thể là ngồi nghe hiệu trưởng diễn thuyết về lòng nhân ái mà không hét lên, chịu đựng một tiết toán 45 phút mà không đứng dậy nhảy múa, hoặc cưỡng lại cám dỗ vẽ một thế giới tưởng tượng trong giờ học tiếng Pháp nhập môn. Để trở thành một đứa trẻ ngoan, ta phải học được cách đè nén sự buồn chán của mình – một bài học được coi là cột mốc trưởng thành.
Lý do đằng sau phương pháp giáo dục này rất vững chắc và đầy ý nghĩa. Rõ ràng, việc không chạy trốn khỏi cảm giác buồn chán mỗi khi nó xuất hiện mang lại nhiều lợi ích lớn lao. Nhưng vấn đề không nằm ở việc chúng ta không hiểu được logic này, mà là ở chỗ chúng ta quá giỏi trong việc phục tùng nó. Hầu hết chúng ta đã trở nên quá thành thạotrong việc chịu đựng sự buồn chán của chính mình.
Trên hành trình ấy, chúng ta quên mất rằng buồn chán thực ra có rất nhiều điều đáng dạy. Ở khía cạnh tốt nhất, nó là một tín hiệu bối rối, khó diễn đạt nhưng chân thực, phát ra từ một phần sâu thẳm trong tâm trí, rằng đang có điều gì đó rất sai lệch. Ta có thể không hiểu rõ ngay lập tức, nhưng cảm giác buồn chán thường chứa đựng (đặc biệt là đối với những người trưởng thành) một lời cảnh báo về nguy hiểm thực sự. Có những cuốn sách nhàm chán mà ta hoàn toàn có lý khi gạt sang một bên. Có những người nhàm chán mà ta nên từ chối gặp gỡ để không làm héo mòn tâm hồn mình. Có những bộ phim nhàm chán mà ta nên đủ dũng khí bước ra khỏi rạp.
Pablo Picasso, Study of a Torso, 1895 (he was 14)
Và điều sẽ tiếp thêm sức mạnh để ta làm được những điều đó chính là nhận thức rằng đơn vị cơ bản của cuộc đời chúng ta là thời gian – thứ mà ta luôn thiếu thốn một cách tuyệt vọng. Trung bình, mỗi người chỉ có khoảng 26.000 ngày trong đời.
Nhà tiểu luận người Mỹ Ralph Waldo Emerson từng nói: “Trong tâm trí của những thiên tài, ta sẽ tìm thấy – một lần nữa – những ý nghĩ bị bỏ quên của chính mình.” Điều này ngụ ý rằng hầu hết chúng ta trở nên tầm thường không phải vì ta thiếu sự rèn luyện nghiêm khắc với tri thức của thế giới, mà vì ta đã quá giỏi trong việc phớt lờ những ý tưởng và cảm hứng bẩm sinh. Chúng ta bóp nghẹt cảm giác buồn chán của mình để tuân theo những quyền uy lớn lao, và cái giá phải trả là rất đắt. Những người được gọi là thiên tài, từ góc nhìn này, không hẳn sở hữu loại trí tuệ bí truyền nào. Họ đơn giản chỉ là những người trung thành bất thường với các khía cạnh của thế giới nội tâm: họ giữ vững những điều mà phần còn lại trong chúng ta sẵn sàng từ bỏ chỉ vì nỗi sợ bị xem là kỳ quặc hoặc ngông cuồng.
Lắng nghe sự buồn chán của mình là cách để ta quay về với những mối bận tâm thực sự. Nhờ đó, ta nhận ra gu sách vở của mình là gì, loại hình giải trí nào khiến ta hứng thú, và điều gì ở người khác thực sự khiến ta quan tâm. Buồn chán hoạt động như một lưỡi dao sắc bén, cắt bỏ những điều vô nghĩa và dư thừa trong cuộc sống. Sự can đảm để thừa nhận cảm giác buồn chán giúp ta dần dần phát triển cá tính, bởi buồn chán chính là tiếng nói không lời của một ý tưởng cốt lõi: rằng có những thứ đã bị đánh giá quá cao và cần được hạ giá.
Không phải ngẫu nhiên mà khi lớn tuổi, nhiều nghệ sĩ dường như giỏi hơn trong việc lắng nghe sự buồn chán của chính mình – và từ đó tạo ra những tác phẩm xuất sắc hơn, thứ mà các nhà phê bình thường gọi là “phong cách cuối đời”, mang đậm tính súc tích, táo bạo và sâu sắc. Người ta nghĩ đến những tác phẩm hợp xướng phi thường ở giai đoạn cuối đời của Bach, những truyện ngắn cuối cùng của Chekhov, hay những bức tranh cắt giấy đầy xúc cảm của Matisse khi ông cận kề cái chết.
Pablo Picasso, The Pigeons, 1957 (he was 76)
Một cách đầy chua xót, Picasso – khi ở tuổi xế chiều – từng thốt lên khi thăm một trường tiểu học: “Bằng tuổi chúng, tôi đã biết vẽ như Titian. Nhưng phải mất cả đời, tôi mới nhớ lại cách vẽ như một đứa trẻ.” Ý ông muốn nói rằng, phải mất hàng chục năm, ông mới thoát khỏi sự ràng buộc phải vẽ “đẹp” và “chuẩn mực,” để thay vào đó lắng nghe niềm vui của chính mình – điều không nên nhầm lẫn với sự phù phiếm tầm thường. Được cái chết thúc đẩy, Picasso đã học cách tôn trọng niềm vui cốt lõi của mình và vượt qua mọi dấu vết của lối vẽ gò bó thời trẻ, để thả hồn trên canvas bằng những nét cọ phóng khoáng, màu sắc rực rỡ và niềm hân hoan mà những bậc thầy nghệ thuật tự nhiên – trẻ em năm tuổi – đều biết rõ.
Tuy nhiên, bài học của Picasso không chỉ dành riêng cho những thiên tài nghệ thuật. Tất cả chúng ta đều cần học cách phát triển một “phong cách cuối đời” của chính mình – lý tưởng nhất là càng sớm càng tốt. Một cách sống giúp ta thoát khỏi thói quen cũ kỹ và nỗi sợ hãi xã hội, để lắng nghe điều thực sự làm ta say mê (và nhờ đó, có cơ hội làm hài lòng người khác theo cách chân thật nhất). Kết quả của bài học này không chỉ nằm trong những tác phẩm nghệ thuật trong bảo tàng, mà còn trong mọi khía cạnh của đời sống: cách ta chọn nghề nghiệp, tổ chức một bữa tiệc, đi du lịch, kể chuyện cười, yêu thương, hoặc cư xử với bạn bè. Ở đó, ta tìm thấy vô số cơ hội để đi thẳng vào cốt lõi, nói lên điều thực sự quan trọng, và bày tỏ những cảm xúc và mong muốn chân thật nhất – trong khi ta vẫn lịch sự nhưng đầy thách thức, ngáp dài trước những thứ đang âm thầm giết chết mình.
Nguồn: LEARNING TO LISTEN TO ONE’S OWN BOREDOM