Học cách tự cười bản thân

hoc-cach-tu-cuoi-ban-than

Chúng ta thường nghe rằng, một người có thể tự cười chính mình là người có một phẩm chất đáng quý.

Chúng ta thường nghe rằng, một người có thể tự cười chính mình là người có một phẩm chất đáng quý. Ngược lại, một người luôn tỏ ra lạnh lùng, cứng nhắc lại thường gây cảm giác xa cách, khó gần.

Điều này không liên quan đến việc yêu thích hài hước hay chỉ đơn giản là tìm niềm vui. Thực ra, điều chúng ta mong muốn là một tín hiệu cho thấy người mà ta quan tâm thực sự hiểu rõ bản thân – đến mức họ có thể thấy được tất cả những điều có thể khiến họ trở nên khó ưa hoặc khiến những người xung quanh thất vọng. Bởi vì ai cũng có lúc trở nên “dễ ghét”, việc tự đùa về bản thân là cách thể hiện rằng họ ít nhiều có nhận thức về mình, biết cách tự mỉm cười, và đủ tò mò để hiểu tâm hồn mình hơn.

Francisco de Goya, Tío Paquete, 1819-20

Có sự khác biệt lớn giữa người làm ta thất vọng nhưng lại giận dữ chối bỏ điều đó, với người biết rằng họ có những điểm khó chịu và trong lúc nhẹ nhàng, hài hước, có thể thừa nhận những khuyết điểm của mình. Đây là kiểu người có thể gây phiền toái nhưng không cần phải tỏ ra cay cú, phòng thủ hay chối bỏ điều đó.

Dưới lớp vỏ của một câu đùa, người biết tự cười mình thực chất đang muốn nói rằng họ nhận thức rất rõ những điều khó chịu trong mình và họ, bằng cách nào đó, cảm thấy áy náy vì những phiền phức mà họ có thể đã gây ra. Họ có thể chạm đến những thiếu sót của mình một cách khéo léo. Ví dụ, họ có thể nói rằng nếu việc thất lạc đồ đạc là môn thi đấu Olympic thì có lẽ họ đã đánh mất luôn cả huy chương của mình. Hoặc họ có thể tự đùa về tính hay do dự của mình bằng cách nói rằng chỉ việc chọn trà hay cà phê thôi cũng mất cả năm và có khi cần đến vài buổi trị liệu để ra quyết định. Nó không nhất thiết phải là hài kịch đỉnh cao, chỉ cần một chút bóng gió, đủ để nhận ra rằng họ thấy rõ những điều phiền toái họ có thể mang lại.

Ngoài ra, người biết tự cười mình đôi khi cũng phóng đại khuyết điểm của bản thân để đón nhận chính mình một cách nhẹ nhàng. Họ có thể thừa nhận tính cách lạnh lùng của mình bằng cách nói rằng Liên Hiệp Quốc đã nhờ họ giúp ngăn chặn băng tan ở Nam Cực. Hoặc khi quá tập trung vào công việc đến mức tách biệt khỏi thế giới, họ có thể bước ra và nói đùa rằng tàu vũ trụ của họ và bộ đồ phi hành gia đang chờ sẵn trong vườn.

Để có thể cười chính mình dễ dàng hơn, ta không cần học kỹ năng hài hước. Chỉ cần ta lập ra một danh sách tất cả những điều ở mình có thể khiến người khác phát bực: cơn giận vô cớ, sự thụ động, lối suy nghĩ tiêu cực, tính lười biếng, thói sướt mướt hay những mối hận đời – chỉ vài ví dụ để khởi đầu… Rồi nhẹ nhàng ám chỉ đến những điều ấy bằng cách nói giảm nói tránh hay cường điệu hài hước.

Mục đích là để xóa tan căng thẳng – và thực tế là cả nỗi sợ – đối diện với những gì có thể đáng ngại nhất trong ta. Khi người nghe bật cười, họ không chỉ vì buồn cười mà là vì nhẹ nhõm. Họ yên tâm rằng người họ phải đối mặt không phải là một kẻ ngốc đơn thuần mà, may mắn thay, là một kẻ ngốc có nhận thức – một sự khác biệt cứu rỗi cả cuộc đời.

Ta không cần mọi người phải hoàn hảo; ta cần họ nhận ra mình không hoàn hảo và không đổ lỗi cho ta vì đã thấy phiền lòng khi nhận ra điều ấy. Ta muốn những kẻ dở hơi biết mình dở, những người khờ dại biết mình khờ, những kẻ vô ơn nhưng biết mình vô ơn. Ta muốn những người hiểu họ có khuyết điểm và, sâu thẳm trong họ, có một ý chí nho nhỏ quyết tâm trở thành một người tốt đẹp hơn.

Nguồn: LEARNING TO LAUGH AT OURSELVES - The School Of Life

menu
menu