Hội chứng mệt mỏi mãn tính

hoi-chung-met-moi-man-tinh

Xã hội hiện đại không để cho con người ta được yên phút giây nào. Luôn tay luôn chân vì công việc đã đành một nhẽ, đằng này đến cả tâm hồn và đầu óc cũng chẳng bao giờ được thanh thản.

Gửi những người có nghỉ ngơi cũng như không

Hội chứng mệt mỏi mãn tính

Có những người cười mà như không cười, nghỉ ngơi mà như không hề nghỉ ngơi chút nào. Rõ ràng đang ngồi thoải mái trên sofa hoặc nằm dài trên giường, nhưng không hiểu sao đầu óc họ còn phức tạp và bận rộn hơn cả lúc đang làm việc. Dường như trong đầu họ luôn có một công xưởng làm việc liên tục suốt đêm ngày, không ngừng phát ra âm thanh ồn ã. Nếu đột nhiên nghĩ ra một công việc nào đó chưa giải quyết xong, họ sẽ sốt ruột đứng ngồi không yên, thậm chí bàn tay còn rịn mồ hôi ướt đẫm. Dù họ có cố gào lên quát nạt những suy nghĩ rối rắm trong đầu “dừng lại!”, thì chúng cũng chẳng dễ gì nghe lời. Nếu có thể, họ muốn được trốn đi thật xa khỏi mớ bùng nhùng đang lấp đầy đầu óc mình.

Xã hội hiện đại không để cho con người ta được yên phút giây nào. Luôn tay luôn chân vì công việc đã đành một nhẽ, đằng này đến cả tâm hồn và đầu óc cũng chẳng bao giờ được thanh thản. Sự kích thích liên tục trào lên như sóng biển khiến các dây thần kinh hiếm khi được nghỉ ngơi. Những lời cộc cằn gắt gỏng lỡ nói với bố mẹ trong cuộc điện thoại cuối tuần trước biến thành một khối nặng nề đeo đẳng mãi trong lồng ngực suốt cả tuần trời. Vài câu cãi vã với vợ vì mấy chuyện nhỏ nhặt tựa như viên thuốc nuốt mãi không trôi, cứ thế đắng ngắt cả vòm họng suốt quãng đường đi làm.

Mà đâu chỉ có thế. Dự án cả nhóm đang triển khai mãi không có tiến triển gì khiến ta áy náy như thể tất cả là do lỗi của mình. Sếp thì cứ hằm hè trên đe dưới búa không để cho nhân viên một phút giây nào bình yên. Chưa kể đến cuộc cạnh tranh ngấm ngầm nhưng vô cùng khốc liệt với đồng nghiệp, những thứ cảm xúc vặt vãnh khiến lòng khó chịu, những công việc lặt vặt chưa giải quyết xong... tất cả cùng hùa nhau dồn thành một đống trong đầu. Cơ thể mệt mỏi thì nghỉ ngơi chút là đỡ, nhưng những dây thần kinh nhạy cảm này biết đến khi nào mới giãn ra được một chút đây?

Cô Sun Young, đau đớn và mệt mỏi từ đầu đến chân

Sun Young - 35 tuổi, đang chăm sóc cô con gái 7 tuổi. Từ khoảng một năm trở lại đây, cô luôn cảm thấy mình dễ trở nên mệt mỏi. Ban đầu cô tưởng do cơ bắp trở nên yếu ớt nên quyết định đi tập thể dục. Nhưng thể dục cũng không khiến cảm giác nặng nề ê ẩm trong người vơi đi. Sau mỗi buổi cúng giỗ hay lễ tết, cô còn ốm đến mức nằm cả ngày không dậy được. Nhất là sau trận cảm cúm nặng sáu tháng trước, cô bắt đầu rơi vào cơn mệt mỏi cực điểm. Đến mức cả ngày không buồn nhấc người lên làm việc gì.

Mỗi khi tan sở về nhà, cơ thể cô nặng nề đến mức phải nằm ngay ra giường, không buồn cử động chân tay. Việc nhà cửa không ai động đến, cố gắng lắm cô mới trở dậy nấu bữa tối cho con gái rồi lại nằm xoài ra giường. Đôi vai cô luôn nặng nề như có khối đá đè xuống, khắp người đau nhức như bị ai lấy búa đập.

Không chỉ có thế. Đầu cô nặng và đau như đang đội chiếc mũ sắt chật cứng, cổ họng thì khò khè như sắp cảm cúm đến nơi. Cô trở nên nhạy cảm với âm thanh đến mức không những ghét tiếng ti vi mà đôi khi còn cáu giận với cả tiếng gọi của cô con gái yêu thương. Ở chỗ làm, đầu óc cô lúc nào cũng mơ hồ thiếu tập trung như thể bên trong có một đám mây mù. Tính toán số liệu thì quên mất đáp án giữa chừng. Bệnh đãng trí nặng đến mức cô thường xuyên làm mất đồ đạc. Cơ thể nặng như chì, mệt mỏi đến vậy mà đêm xuống lại chập chờn hoài không thể ngủ tròn giấc. Mỗi sáng thức dậy, việc ra khỏi giường với cô khó khăn như thể chuẩn bị bước vào địa ngục. Rốt cuộc chỉ làm việc một chút là cô lại phải nghỉ. Dần dần đến cả việc mở miệng nói cũng khiến cô thấy phiền, nên nếu phải nói chuyện với ai đó khoảng một giờ đồng hồ trở lên là cô cảm thấy như bao nhiêu sinh lực trong người bị rút cạn sạch.

“Mọi người hỏi tôi liệu có phải công việc vất vả quá không và khuyên tôi nên nghỉ việc. Tôi cũng lo như vậy nên quyết định nghỉ ở nhà. Nhưng không hiểu vì sao không đi làm mà cả ngày tôi vẫn thấy mệt mỏi cực độ đến mức không buồn động đậy tay chân nữa.”

Sun Young lo mình có vấn đề với gan hay tuyến giáp nên đã đến bệnh viện khám, nhưng cũng không có dấu hiệu gì lạ. Bác sĩ nói vấn đề của cô là do lười vận động và tâm lý nên cô đã chăm chỉ tập thể dục theo lời khuyên của họ. Thế nhưng sự mệt mỏi ngày càng nặng nề hơn, và những cơn đau cũng không có dấu hiệu thuyên giảm. Sợ cơ thể ngày càng yếu ớt, cô còn mua cả thuốc bổ về uống nhưng cũng không thấy chút hiệu quả nào. Chồng cô thấy thế còn mỉa mai cho rằng cô đang giả bệnh, thậm chí còn cáu kỉnh với cô.

Trước đó Sun Young đang làm công việc tiếp dân tại một cơ quan nhà nước. Vốn tính hướng nội, lại nhút nhát nên hiếm khi cô từ chối ai điều gì, hễ ai nhờ vả là cô cũng làm đủ chuyện nọ chuyện kia để giúp họ giải quyết công việc. Nhờ vậy mà cô được đồng nghiệp cũng như nhân dân đánh giá cao là thân thiện và đáng tin cậy.

Khi đến bệnh viện, gương mặt cô trắng bệnh, gầy guộc và không có chút sức sống nào. Cô nói chuyện bằng giọng yếu ớt, thiếu tự tin, bản thân việc nói chuyện thôi đã khiến cô kiệt sức. “Suốt bao nhiêu năm cuộc đời chưa bao giờ tôi cảm thấy thoải mái, thư giãn. Nhưng từ năm ngoái đến giờ tôi thực sự quá mệt mỏi. Cả cơ thể và tâm hồn...”

Năm ngoái, vì chuyện thăng chức mà Sun Young lâm vào tình trạng cực kỳ căng thẳng, cuối cùng việc thăng chức bị hoãn lại khiến cô vô cùng thất vọng. Thêm vào đó, bà ngoại vốn vẫn đang trông con cho cô đi làm bỗng nhiên bị đau lưng nên bà nội đến thay. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tất cả mọi việc lớn nhỏ trong nhà bà đều can thiệp, khiến cô ngay cả khi tan sở trở về nhà cũng không thể ngừng căng thẳng. Cơ thể vốn đã yếu ớt, lại thêm tình trạng căng thẳng suốt cả ngày dài khiến mệt mỏi chất chồng, cuối cùng sau trận cảm nặng sáu tháng trước, cô bắt đầu cảm thấy nỗi mệt mỏi cực điểm đeo đẳng mình suốt ngày không rời.

“Hội chứng mệt mỏi mãn tính” khiến cơ thể và đầu óc nặng nề như đeo đá

Sự mệt mỏi có thể được chia thành hai phần chính: mệt mỏi cơ thể và mệt mỏi tâm hồn. Cảm giác “mệt mỏi vừa phải” có thể khiến ta hạnh phúc và sung mãn hơn. Cảm giác thành công khi hoàn thành một điều gì đó, ăn ngon miệng hơn, giấc ngủ sâu hơn, sự mong chờ đến khoảng thời gian nghỉ ngơi sắp tới... tất cả những điều đó khiến ta cảm nhận rõ mình đang sống và khuyến khích đam mê, hoài bão trong ta. Tuy nhiên nếu cơ thể mệt mỏi đến mức không thể chịu đựng nổi thì nó sẽ biến thành đau đớn, bệnh tật. Do vậy, ta cần lắng nghe những tín hiệu của cơ thể để biết khi nào cần nghỉ ngơi và không để cho mệt mỏi chất chồng.

Vấn đề nghiêm trọng hơn cả mệt mỏi về thể chất chính là mệt mỏi về tinh thần. Mệt mỏi về thể chất có thể được cải thiện sau một vài ngày nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, nhưng mệt mỏi về tinh thần không thể giải quyết được chỉ bằng việc nghỉ ngơi. Hơn nữa nếu mệt mỏi về tinh thần trở nên nghiêm trọng sẽ khiến cơ thể ngày càng mệt mỏi hơn. Những mối lo âu, thấp thỏm luôn bám chặt vào đầu óc khiến ta không những không thể thư thái nghỉ ngơi mà nhiều khi đang ngủ còn giật mình thức giấc. Nếu nỗi căng thẳng mãn tính này kéo dài liên tục, cơ thể ta sẽ lâm vào kiệt sức và mắc bệnh.

Cảm giác mệt mỏi không rõ lý do, không thể giải thích được về mặt lâm sàng, kéo dài từ sáu tháng trở lên hoặc liên tục tái phát có tên y học là “hội chứng mệt mỏi mãn tính”. Người mắc phải hội chứng này ngoài giảm mức độ hoạt động do mệt mỏi còn suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung, luôn cảm thấy cổ họng đau như bị sưng viêm. Họ còn cảm thấy đau cơ bắp, đau khớp, đau đầu và luôn thấy mơ hồ như có màn sương phủ trước mặt, ngủ không sâu giấc, làm gì cũng chỉ được một lát là cơn mệt mỏi kéo đến. Cứ 1.000 người sẽ có một người mắc phải chứng mệt mỏi mãn tính này. Hội chứng này chủ yếu xuất hiện trong độ tuổi 20~40 và số lượng ở nam giới cao gấp đôi nữ giới. Có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích về nguyên nhân căn bệnh này, như nhiễm virus, suy giảm hệ miễn dịch. Thời gian gần đây, tầm ảnh hưởng của sự căng thẳng lên chứng bệnh này dù vẫn chưa được xác định chính xác nhưng đang dần dần trở nên rõ ràng.

Nhiều bệnh nhân mắc chứng mệt mỏi mãn tính trải qua cảm giác bất an trong thời kỳ trước dậy thì. Vì lý do này mà phản ứng của họ trở nên nhạy cảm hơn trước mọi kích thích và tiết ra nhiều hơn các vật chất liên quan đến sự đau đớn. Điều đó khiến họ nhạy cảm hơn với những kích thích nhỏ nhặt mà người khác có thể vượt qua một cách dễ dàng, và khiến cơ thể trải qua cảm giác khổ sở về mặt thể chất.

Ngoài ra những người này cũng vô cùng mẫn cảm với căng thẳng. Sự căng thẳng vừa phải mang lại động lực giúp ta chuẩn bị công việc kĩ lưỡng để khởi đầu tốt hơn. Tuy nhiên bệnh nhân mắc chứng mệt mỏi mãn tính luôn sợ hãi mọi kích thích đến từ cuộc sống. Khi cảm giác bất lực không thể chống chọi với các kích thích ấy lớn dần lên thì mọi căng thẳng nhỏ nhặt cũng bị họ biến thành khổng lồ và cảm thấy khổ sở vì chúng. Đối với họ, thế giới là nơi quá đáng sợ và chứa đầy những thấp thỏm, lo âu. Vì thế nên họ luôn ở trong tình trạng căng như dây đàn, cường độ và thời gian căng thẳng giày vò họ cũng lớn hơn gấp nhiều lần so với người thông thường.

Nếu liên tục căng thẳng và đau đớn suốt một thời gian dài, cơ thể và tâm hồn sẽ không thể tránh khỏi tình trạng kiệt sức. Có thể ta sẽ nghĩ rằng nghỉ ngơi một chút chắc sẽ khá hơn, nhưng sự mệt mỏi mà người mắc phải hội chứng mệt mỏi mãn tính đang phải gánh chịu không đến từ việc lao động quá sức, nên dù có nghỉ ngơi cũng không thể cải thiện được.

Hội chứng mệt mỏi mãn tính là căn bệnh đáng sợ. Dù có khám xét kỹ lưỡng đến đâu cũng không phát hiện ra điểm nào lạ thường, dù có dùng thuốc tốt đến thế nào cũng sẽ không mấy hiệu quả, thậm chí đến cả những người xung quanh còn không buồn thông cảm, thấu hiểu cho chứng bệnh này. Nhưng triệu chứng của người bệnh không phải do tưởng tượng, mà chúng thật sự tồn tại. Bước chữa trị đầu tiên chính là sự công nhận của những người xung quanh về nỗi đau, sự mệt mỏi mà người bệnh đang phải gánh chịu.

Để xoa dịu nỗi đau đớn và mệt mỏi trong cơ thể, trước tiên phải kê thuốc giảm đau cơ bắp và xương khớp cho người bệnh và giảm bớt số lượng công việc cho phù hợp với khả năng của họ. Ngoài ra, cần hướng dẫn người bệnh tập thể dục nhẹ nhàng để tăng cường thể lực, hỗ trợ cơ thể hồi phục và giảm thiểu căng thẳng.

80% ý kiến chuyên môn cho rằng người mắc chứng mệt mỏi mãn tính đều có dấu hiệu trầm cảm, nhưng chưa ai chứng minh được đây có phải là tác dụng phụ của hội chứng mệt mỏi mãn tính hay không. Điều quan trọng hơn cả là họ đều đang phải đối diện với chứng trầm cảm, dù có thể bản thân không nhận ra được điều đó, và nguồn gốc của vấn đề chính là thời thơ ấu chìm đắm trong trầm uất của người bệnh.

Trường hợp có dấu hiệu trầm cảm, ta có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo lắng, nhưng hiệu quả của các loại thuốc này không kéo dài, nên buộc phải kết hợp với trị liệu tâm lý để cải thiện triệu chứng. Ngoài ra, việc tập hợp các bệnh nhân thành một nhóm để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, cùng khích lệ và trao hy vọng cho nhau cũng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích trong quá trình cải thiện tình trạng bệnh.

“Tâm sự ra được nỗi u uất trong lòng, tôi thấy người nhẹ nhàng hơn.”

“Tôi đau đớn, mệt mỏi đến mức tưởng như sắp chết đến nơi rồi mà tại sao mọi người cứ nghĩ rằng tôi đang giả vờ làm nũng?” Vì gia đình, bạn bè không hiểu được mình, cho rằng mình đang giả vờ, đang cố thổi phồng bệnh tật của bản thân lên nên Sun Young cảm thấy vô cùng giận dữ và tuyệt vọng. Cô còn bực bội vì bệnh viện không tìm ra được lý do rõ ràng bèn lập tức đổ cho thần kinh của cô có vấn đề.

Bệnh tình của Sun Young rất cần đến sự thông cảm và hợp tác từ gia đình, nên tôi đã thực hiện một buổi tư vấn với người nhà của cô. Tôi giải thích với gia đình cô rằng triệu chứng của cô không phải do tưởng tượng, mà là cảm giác đau đớn có thực, và giải thích cặn kẽ để họ hiểu hơn về tình trạng của cô. Tôi cũng nói với họ rằng cô cần tập thể dục nhẹ nhàng và được nghỉ ngơi theo đúng lịch.

Sau buổi tư vấn đó, thái độ của chồng cô đã có chút thay đổi. Anh không còn mỉa mai chê cô nhõng nhẽo giả bệnh nữa và bắt đầu giúp cô làm việc nhà. Chỉ một chút thay đổi nhỏ nhoi này đã khiến nỗi đau đớn trong cô trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. “Không hẳn là u sầu, nhưng tôi cũng không thấy vui vẻ. Chỉ là cuộc sống này không mang lại cho tôi chút cảm giác nào cả.”

Tôi vừa hướng dẫn người nhà thông cảm và hợp tác, vừa kê cho Sun Young một vài đơn thuốc. Trong các buổi tư vấn, cô không phàn nàn một cách rõ ràng về cảm giác trầm uất của mình. Tuy nhiên cô không có chút động lực làm bất cứ điều gì, cũng không cảm thấy vui vẻ bao giờ. Sự tự tin trong cô đã mất hẳn, không có chút hy vọng nào về tương lai và mông lung không biết sau này mình sẽ sống như thế nào.

Phỏng đoán rằng trầm cảm chính là căn nguyên gây ra chứng mệt mỏi mãn tính của cô, tôi đã kê cho cô thuốc chống trầm cảm. Thêm vào đó, suốt nhiều năm trời sống miễn cưỡng như vậy, hẳn bên trong cô cũng nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn, vì vậy tôi bắt đầu trị liệu tâm thần cho cô. “Cuộc sống của tôi không có vấn đề gì lớn. So với người khác, tôi không hề vất vả đến mức phải cảm thấy mệt mỏi đến vậy. Cũng giống như mọi cặp vợ chồng lứa tuổi 30 khác, chúng tôi cùng đi làm kiếm tiền và cùng nhau chăm sóc gia đình. Tôi kiệt sức đến mức độ này có lẽ do bản thân cơ thể tôi có vấn đề, hoặc do thể lực tôi quá yếu ớt.”

Thời gian đầu điều trị tâm thần, trong suốt mấy tuần liền Sun Young chỉ phàn nàn về vấn đề thể lực của mình. Thế rồi trong quá trình tư vấn, Sun Young dần dần tâm sự về những nỗi buồn cất giấu trong lòng. Cảm giác áp lực, cô đơn do chồng vô tâm, những vất vả khi vừa đi làm kiếm tiền vừa phải chăm sóc gia đình... những câu chuyện cứ thế thi nhau ùa ra như dòng nước lũ. Và rồi cô dần dần bắt đầu thừa nhận chính những điều này đã khiến cô lâm vào khủng hoảng suốt thời gian qua.

Sun Young cũng dần dần bắt đầu nói về ký ức thuở nhỏ của mình. Cô nhớ về người mẹ hễ mở miệng ra là kêu mệt, cùng cách nuôi dạy con cái hết sức tiêu cực. Mẹ cô là người hướng nội và tiêu cực. Công việc nhà cửa luôn khiến bà mệt mỏi. Bố thì coi thường mẹ, và trực tiếp quản lý mọi việc trong nhà.

Sun Young là con gái cả trong một gia đình có ba chị em, hai gái, một trai. Mẹ cô luôn hờ hững với các cô con gái nhưng lại hết mực chiều chuộng cậu con trai út. Từ bé Sun Young đã thường xuyên ốm vặt, nhưng cô chưa bao giờ được mẹ yêu thương săn sóc. Con gái có ốm bà cũng chỉ cáu kỉnh, khó chịu. Bà chẳng bao giờ quan tâm đến việc học hành của cô, dẫu có làm sai bà cũng không buồn mắng mỏ. Cảm xúc yêu ghét lẫn lộn cùng những ký ức về mẹ ùa lên khiến lần đầu tiên Sun Young bật khóc trong buổi tư vấn.

Ngược lại với mẹ, bố cô lại luôn phản ứng thái quá và muốn kiểm soát mọi vấn đề liên quan đến con cái. Sun Young chỉ có thể dựa dẫm vào bố và luôn cố gắng chăm chỉ học hành, cố gắng giữ thứ hạng cao nhất để được bố quan tâm và công nhận. Vì thế nên cô luôn lo lắng sợ rằng đến một lúc nào đó mình không còn giữ được thứ hạng ấy nữa.

“Tôi ghét mẹ và luôn muốn chứng minh bản thân mình với bố, nhưng càng cố gắng bao nhiêu thì tôi càng cảm thấy trống trải, vô nghĩa bấy nhiêu.”

Trong quá trình trò chuyện, Sun Young nhận ra bố chính là người ngăn cản tình cảm giữa mẹ và các con. Cô cũng thừa nhận rằng mình nhớ mẹ vô cùng.

Thông qua những hồi tưởng về quá khứ này, gương mặt vô cảm và mệt mỏi của Sun Young bắt đầu xuất hiện cảm xúc.

Những khó khăn, cô đơn, giận dữ trong quá khứ ùa về khiến Sun Young bật khóc và đối diện với cơn trầm uất sâu sắc trong nội tâm mình. Những cảm xúc này càng được thể hiện ra thì những triệu chứng về mặt thể chất ngược lại dần dần càng trở nên nhẹ nhõm.

Tất nhiên sau buổi tư vấn, Sun Young vẫn phàn nàn về cảm giác mệt mỏi mãn tính và những cơn đau nhức trong cơ bắp. Nhưng nỗi khổ sở ấy không còn khiến cô yếu ớt, không có sinh khí nữa. Biến đổi đáng kể nhất là Sun Young không còn sợ hãi những triệu chứng về mặt thể chất ấy nữa. Ngược lại, cô bắt đầu thích nghi với các triệu chứng trên cơ thể và điều chỉnh mức độ sinh hoạt sao cho phù hợp. Điều đó khiến cô hồi phục lòng tin rằng các triệu chứng ấy rồi sẽ thuyên giảm. Sun Young cũng bắt đầu từng bước học cách chăm sóc cơ thể và tinh thần mình. Niềm hy vọng tìm lại sự tự tin, tìm lại những điều mình muốn làm cũng dần dần nảy sinh trong lòng cô.

Dù thế nào thì trái đất vẫn quay

Dù có phải đối diện với nỗi buồn đau, khổ sở ghê gớm đến mức nào thì con người vẫn có đủ sức mạnh vượt qua. Lòng tin vào bản thân mình chính là nền móng cơ bản để vượt qua mọi bệnh tật. Hội chứng mệt mỏi mãn tính cũng vậy. Sự đồng cảm, hỗ trợ của gia đình và mọi người xung quanh cùng ý chí của bản thân vô cùng quan trọng.

Vấn đề lớn nhất đối với bệnh nhân mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính là cảm giác sợ hãi, khủng hoảng vì những việc xảy ra xung quanh mình. Chính những nỗi sợ hãi ấy sẽ trở thành nguồn gốc của mọi sự mệt mỏi về thể chất. Tuy nhiên nếu dành thời gian suy nghĩ kĩ lưỡng, ta sẽ nhận ra đó không phải là điều đáng sợ. Không xử lý công việc kĩ lưỡng khiến cấp trên giận dữ không phải là việc khiến ta phải chết hay thế giới sụp đổ. Vài ba việc lặt vặt ấy không thể khiến cấp trên đuổi việc ta. Một chiếc tủ lạnh trống rỗng cùng căn nhà bừa bãi không thể khiến mẹ chồng lấy đó mà đuổi ta ra khỏi nhà, hay bắt ta phải ly hôn. Những tình huống khiến ta sợ hãi đến run rẩy ấy thực chất chẳng thể nào dễ dàng xảy ra như ta nghĩ.

Hơn nữa, lo lắng đâu có giúp ta giải quyết vấn đề. Khi phải đối diện với khó khăn nào đó, lo lắng quá nhiều thậm chí còn khiến vấn đề trở nên khó giải quyết hơn. Điều quan trọng là ta chỉ nên nghĩ đến giới hạn của từng vấn đề, cố gắng giải quyết chúng trong giới hạn đó và cố gắng đừng liên kết việc đó với những vấn đề khác để làm cho mọi thứ phức tạp hơn. Giả sử ta vẫn chưa thể giải quyết xong vấn đề trước khi về nhà, thì cũng hãy cố quên chúng đi, đừng dành thời gian nghỉ ngơi để cân nhắc cách xử lý.

Chuyện đã xảy ra ở công ty không thể làm khác được, về đến nhà ngồi trên sofa rồi, có nghĩ mãi cũng chẳng ra được kế sách nào hơn. Tốt hơn hết ta nên gửi cả cơ thể và tâm hồn cho sự êm ái của chiếc ghế sofa và hoàn toàn tập trung ngơi nghỉ. Lo lắng khiến ta không thể nghỉ ngơi, cũng không thể có được giấc ngủ sâu chất lượng. Tốt hơn hết ta nên chặt đứt những chiếc đuôi dài lòng thòng của suy nghĩ, lo lắng, để cơ thể hoàn toàn nghỉ ngơi. Hôm sau, khi đầu óc đã sáng sủa và hoạt bát hơn, ta sẽ thấy việc giải quyết vấn đề trở nên dễ dàng hơn nhiều. Đôi khi ta cũng cần dũng cảm tự nhủ “Không làm xong việc thì trời sập được chắc?”. Thái độ đó sẽ giúp ta buông bỏ công việc để cơ thể được nghỉ ngơi. Đừng để cho chứng mệt mỏi mãn tính có cơ hội tích tụ lại trong cơ thể và tâm hồn ta. Đây chính là cách để ta bảo vệ mình khỏi chứng bệnh khó chịu này.

 

Trích từ cuốn sách TÔI TỪNG NGHĨ MỌI THỨ SẼ ỔN KHI TRỞ THÀNH NGƯỜI LỚN

menu
menu