Review sách Bộ não của Phật

review-sach-bo-nao-cua-phat

Năm 2017, khi sư cô Pháp Hỷ (lúc đó đang sinh sống và hoằng Pháp tại Mỹ) về thăm Việt Nam, tôi có thỉnh sư cô giới thiệu một số đầu sách Phương Tây về tâm lý học có kết hợp với thiền tập. Đây là một đóng góp mới của Phương Tây đối với Phật Giáo và một tiế

Năm 2017, khi sư cô Pháp Hỷ (lúc đó đang sinh sống và hoằng Pháp tại Mỹ) về thăm Việt Nam, tôi có thỉnh sư cô giới thiệu một số đầu sách Phương Tây về tâm lý học có kết hợp với thiền tập. Đây là một đóng góp mới của Phương Tây đối với Phật Giáo và một tiến sĩ Phật học đã có nhiều năm hoằng Pháp tại Phương Tây như sư cô Pháp Hỷ chắc chắn sẽ có những thông tin giá trị. Cuốn sách đầu tiên và nổi bật nhất mà sư cô giới thiệu chính là cuốn Buddha’s Brain (Bộ não của Phật) của tiến sĩ Rick Hanson. Cuốn sách là sự kết hợp hài hòa giữa khoa học thần kinh hiện đại và truyền thống tâm linh cổ xưa của Đạo Phật nhằm đưa ra những kiến thức và bài thực hành phù hợp với con người hiện đại, vốn bận rộn và có hệ thần kinh cũng như nếp sống chứa nhiều yếu tố gây kích thích. Được xuất bản từ năm 2009, cuốn sách đã lọt vào danh mục sách bán chạy (best sellers) của New York Times và đã được dịch ra 28 thứ tiếng (bản tiếng Viêt là bản dịch thứ 29).

Chỉ mới nghe qua tiêu đề, trực giác đã mách bảo tôi rằng đây là một cuốn sách rất thú vị. Trước đây, khi mới tìm hiểu về Đạo Phật, tôi có được đọc cuốn Đạo của Vật Lý, một sự giao thoa giữa khoa học Phương Tây và đạo học Phương Đông. Trong cuốn sách, tác giả Fritjof Capra có trích dẫn câu nói của nhà vật lý lý thuyết lượng tử nổi tiếng J. Robert Oppenheimer: “Lịch sử khoa học trở nên phong phú nhờ sự giao thoa giữa hai xu hướng kỹ thuật, hai chiều hướng tư tưởng, được phát triển ở những bối cảnh khác nhau trong việc theo đuổi chân lý mới.” Tôi nghĩ cuốn Bộ não của Phật cũng là một giao thoa thú vị như vậy. Hơn thế nữa, cuốn sách này không chỉ là sự giao thoa về lý thuyết và tư tưởng đơn thuần, mà ở đây, tác giả Rick Hanson còn đưa ra những thực hành cụ thể, được thiết kế riêng cho con người hiện đại, nhất là những người tại gia bận rộn, chưa có thời gian tham dự các khóa thiền tích cực, nhằm đáp ứng những nhu cầu tuy nhỏ bé nhưng lại rất thiết thực và cấp bách của mọi người như giải tỏa tâm lý, phát triển tình yêu thương, sống quân bình và hạnh phúc hơn. 

Tuy cuốn sách nhấn mạnh vào việc cung cấp những khái niệm lý thuyết cơ bản và những bài thực hành cho người mới tìm hiểu, nhưng kể cả những người đã từng dành nhiều năm tìm hiểu và thực hành thiền cũng sẽ có thể tìm ra được nhiều điều thú vị từ cuốn sách, với góc nhìn mới mẻ và độc đáo từ khoa học thần kinh. Đó là bởi vì tiến sĩ Rick Hanson không chỉ diễn đạt khéo léo giáo lý Tứ Diệu Đế, tam tướng và các chủ đề quen thuộc khác của Đạo Phật bằng ngôn ngữ của khoa học thần kinh, mà ông còn thực sự đưa ra những kiến giải và góc nhìn mới giúp cho độc giả hiểu vấn đề sâu sắc và cụ thể hơn. Hơn nữa, trong khi tạm gác lại và tôn trọng những yếu tố siêu việt của sự giác ngộ giải thoát, cuốn sách đề cập đến rất nhiều giá trị của thiền tập và tất cả chúng đều là những gì khoa học có thể chứng minh được. Điều này sẽ giúp nhiều độc giả củng cố thêm niềm tin của mình vào thiền tập và Giáo Pháp, cũng như có thêm cơ sở lý luận và bằng chứng để giới thiệu chúng với bạn bè và người thân.

“Bất kỳ khía cạnh nào không phải là siêu việt của tâm đều phải dựa vào các tiến trình vật chất của bộ não. Hoạt động tâm thức, cho dù thuộc ý thức hay vô thức, đều kết nối với hoạt động thần kinh, giống như hình ảnh hoàng hôn trên màn hình máy tính của bạn kết nối với một mẫu điện tích từ trên ổ cứng của bạn. Ngoài các yếu tố siêu thế tiềm tàng, bộ não là điều kiện cần và gần đủ cho tâm, nó chỉ là gần đủ bởi vì bộ não được lồng trong một mạng lưới lớn hơn gồm các nguyên nhân và điều kiện về sinh học và văn hóa, và bản thân nó bị ảnh hưởng bởi tâm.”


Bài học thú vị nhất mà tôi học hỏi được từ cuốn sách là sự giới thiệu của tác giả về hai hệ thần kinh: hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh đối giao cảm. Hệ thần kinh giao cảm hoạt động khi cơ thể và bộ não trong trạng thái hưng phấn, khi chúng ta cần nỗ lực trong thời gian ngắn hạn. Nó phù hợp khi bạn cần hoạt động nhanh, mạnh để tránh khỏi mối nguy hiểm, sự đe dọa, chiến đấu với kẻ thù hoặc đang nỗ lực để nắm bắt cơ hội, đạt được mục tiêu. Trong khi đó, hệ thần kinh đối giao cảm là hệ thần kinh của sự nghỉ ngơi, thư giãn, thiền và các thực hành tâm linh khác. Nó cũng hướng tới mục tiêu phát triển dài hạn về sức khỏe cho cơ thể. Một trong những vấn đề lớn lao của xã hội hiện đại chính là sự kích hoạt và lạm dụng quá mức hệ thần kinh giao cảm. Chúng ta luôn nỗ lực để đạt được hết mục tiêu này đến mục tiêu khác trong công việc, mối quan hệ, tình cảm, học tập … Không chỉ có vậy, hệ thần kinh giao cảm cũng bị kích hoạt trong khi chúng ta nghỉ ngơi, giải trí, với những hoạt động ngày càng có nhiều kích thích hơn từ thể thao, ca nhạc, phim ảnh, game, cho đến việc lướt facebook, tiktok … cùng vô vàn tin tức thời sự tràn ngập khắp nơi. Khi cơ thể luôn bị kích động và phải nỗ lực để đạt được các mục tiêu ngắn hạn như vậy, sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần sẽ bị suy giảm, hậu quả là chúng ta trở nên lo lắng, bất an, mất ngủ, sức khỏe giảm sút và cảm thấy không hạnh phúc. Giải pháp chính là giảm bớt sự hưng phấn của hệ thần kinh giao cảm, thông qua việc giảm bớt ham muốn trong việc liên tục đặt ra và theo đuổi các mục tiêu mới, nhất là những mục tiêu không thực tế và không thực sự cần thiết, cũng như giảm bớt sự phụ thuộc, nếu không muốn nói là sự nghiện ngập, vào các trò giải trí có quá nhiều yếu tố kích thích. Thêm vào đó chúng ta cần chú ý nhiều hơn vào hệ thần kinh đối giao cảm. Đây chính là hệ thần kinh hoạt động khi bạn nghỉ ngơi, thư giãn, cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện với cuộc sống, có một giấc ngủ ngon hay thực hành thiền cũng như các thực hành tâm linh khác.

Chủ đề này cũng rất hữu ích đối với những hành giả trên con đường tâm linh. Dù bạn đang hành thiền hay vươn tới những mục tiêu tâm linh cao cả, nếu như bạn cố gắng thái quá và mất quân bình, ham muốn nhanh chóng đạt được những mục tiêu tu tập của mình, thì rất có thể bạn đang vô tình kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, trong khi bạn cần phải sử dụng hệ thần kinh đối giao cảm để hành thiền và tu tập có hiệu quả. Cá nhân tôi cũng vướng phải vấn đề này một thời gian dài trong việc tu tập của chính mình. Mặc dù đã được nhắc nhở rằng cần phải “tinh tấn mà không tinh tấn” hay cân bằng giữa “mục tiêu, cố gắng và buông xả” nhưng thực sự tôi vẫn cảm thấy khó hiểu và không thực hành được, hoặc đôi khi hiểu nhầm đó là sự buông bỏ mục tiêu và nỗ lực, vốn là các yếu tố quan trọng đối với việc tu tập. Cách giải thích mới mẻ của khoa học thần kinh này rất rõ ràng và dễ hiểu, giúp cho tôi có thể tinh tấn một cách quân bình, từ đó việc tu tập trở nên hiệu quả hơn.

Tiến sĩ Rick Hanson cũng đưa ra một nếp sống lý tưởng dựa trên việc sử dụng hiệu quả và đúng mực cả hai hệ thần kinh: giao cảm và đối giao cảm. Nếp sống mà tiến sĩ đưa ra làm tôi liên tưởng đến nếp sống lý tưởng của bậc giác ngộ dựa trên sự tu tập thuần thục hai yếu tố chánh niệm và tỉnh giác mà trưởng lão Nyanaponika Thera đưa ra trong cuốn sách nổi tiếng “Cốt lõi Thiền Phật Giáo” (The Heart of Buddhist Meditaion).

“Hạnh phúc, tình yêu và trí tuệ không tăng thêm bằng cách tắt hệ thần kinh giao cảm (SNS), mà bằng cách giữ cho toàn bộ hệ thống thần kinh tự chủ ở trạng thái cân bằng tối ưu:

  • Sự kích thích hệ thần kinh đối giao cảm ở mức độ mạnh để có một nền tảng cơ bản là sự thư thái và yên bình.
  • Sự kích hoạt hệ thần kinh giao cảm (SNS) ở mức độ nhẹ cho lòng nhiệt huyết, sinh lực bền bỉ và những niềm đam mê lành mạnh.
  • Sự kích thích SNS thỉnh thoảng tăng đột biến để đối phó với các tình huống thách thức, từ một cơ hội tuyệt vời tại nơi làm việc cho đến một cuộc gọi vào đêm khuya của một thiếu niên cần đưa về nhà sau một bữa tiệc quậy phá.

Đây là liều thuốc tốt nhất cho bạn để có một cuộc sống hạnh phúc, hiệu quả và dài lâu. Tất nhiên, để có được nó cần có sự thực hành.”

 

***

 

Góc nhìn mới mẻ tiếp theo tôi học được từ tiến sĩ Rick Hanson là vòng tròn yêu thương hay sự phân biệt giữa “chúng ta” và “chúng nó.” Tác giả đã giải thích sự phát triển của tình yêu thương dưới góc nhìn của thuyết tiến hóa. Trong cuộc sống thời tiền sử, loài người sống theo bộ lạc và phát triển tình yêu thương trong bộ lạc của mình (chúng ta), đồng thời nghi ngờ, đề phòng thậm chí ghét bỏ, đánh nhau với những người bên ngoài (chúng nó). Sự phát triển của yêu thương và thù hận, sự phân biệt giữa chúng ta và chúng nó đã đồng hành cùng với sự tiến hóa của nhân loại. Tình yêu thương giúp mở rộng vòng tròn chúng ta, trong khi lòng thù hận thu hẹp nó lại. Đôi khi vòng tròn ấy mở rộng ôm trọn tất cả mọi người, mọi chúng sinh. Có khi nó thu hẹp lại chỉ còn mỗi cá nhân mình, thậm chí có người còn thù ghét cả một bộ phận hay một tính cách, thói quen nào đó của chính mình.

“Trong trái tim ta có hai con sói: một con sói của tình yêu thương và một con sói của lòng thù hận. Tất cả phụ thuộc vào mỗi ngày ta lựa chọn nuôi dưỡng con sói nào.”

“Ngay khi bạn đặt bất kỳ ai ra ngoài vòng kết nối của “chúng ta,” tâm/bộ não sẽ tự động bắt đầu đánh giá thấp người đó và biện minh cho việc đối xử tệ với anh ta (theo Efferson, Laive và Feh năm 2008). Điều này khiến con sói của lòng thù hận thức dậy và di chuyển, chỉ một cú vồ nhanh như cắt từ sự hung hăng chủ động. Hãy chú ý đến số lần trong một ngày bạn phân loại ai đó là “không giống tôi,” đặc biệt theo những cách vi tế: không giống nền tảng xã hội của tôi, không giống phong cách của tôi, v.v. Thật đáng sửng sốt vì dường như nó đã trở thành một thói quen. Hãy xem điều gì xảy ra với tâm của bạn khi bạn từ bỏ sự khác biệt này một cách có ý thức và thay vào đó, tập trung vào những điểm chung của bạn với người đó, vào điều giúp cả hai bạn đều thuộc nhóm “chúng ta.”

“Yêu thương và thù hận: chúng tồn tại và đan xen với nhau trong mỗi trái tim, như bầy sói con rình mò, nhào lộn trong hang. Không có chuyện giết con sói của lòng hận thù; sự sân hận trong một nỗ lực như vậy sẽ thực sự tạo ra thứ mà bạn đang cố gắng phá hủy. Nhưng bạn có thể quan sát con sói đó một cách thận trọng, xích nó thật chặt và hạn chế sự báo động, tính chính đáng, sự bất bình, nỗi phẫn uất, sự cám dỗ và thành kiến của nó. Trong khi đó, hãy tiếp tục nuôi dưỡng và khuyến khích con sói của tình yêu thương.”

 

***

 

Chủ đề cuối cùng mà tôi muốn đề cập trong bài review này là sự trình bày giáo lý vô ngã theo ngôn ngữ của khoa học thần kinh. Vô ngã vẫn chủ đề then chốt và cần được nhận thức thấu đáo của Đạo Phật, nhưng rất nhiều người gặp khó khăn khi tìm hiểu về nó.  Điều kỳ diệu là khoa học thần kinh có thể chứng minh được bản ngã chỉ là một ảo tưởng do bộ não dựng lên vì những lý do và lợi ích chính đáng cho sự tồn tại. Khoa học cũng đã có thể liệt kê, đặt tên và nghiên cứu nhiều khía cạnh khác nhau của bản ngã như bản ngã phản tỉnh, bản ngã cảm xúc, bản ngã tự truyện …

“… từ quan điểm thần kinh học, cảm giác hàng ngày về sự tồn tại của một cái tôi thống nhất hoàn toàn là một ảo tưởng: cái “Tôi” nhìn bề ngoài dường như liền mạch và chắc đặc nhưng thực sự được xây dựng từ nhiều hệ thống con và những hệ thống con của hệ thống con trong quá trình phát triển, không có lõi cố định, và cảm giác cơ bản rằng có một chủ thể đang kinh nghiệm được ngụy tạo từ vô số khoảnh khắc của tính chủ quan không đồng nhất.”

“Một bản ngã quy ước mang lại một số ích lợi. Đó là một cách thuận tiện để phân biệt người này với người kia. Nó mang lại cảm giác về tính liên tục trong chiếc kính vạn hoa của cuộc sống về những trải nghiệm, được liên kết với nhau bằng cách dường như xảy ra với một “cái tôi” cụ thể. Nó làm tăng thêm sức mạnh và sự cam kết cho các mối quan hệ — “Anh yêu em” là một câu nói có trọng lượng hơn nhiều so với ‘Có tình yêu đang sinh khởi nơi đây.’”

“Vấn đề ở đây không phải là để bảo vệ hay biện minh cho bản ngã. Nhưng chúng ta cũng không nên hạ thấp hay trấn áp nó. Chỉ cần đừng làm cho bản ngã trở nên đặc biệt — nó chỉ đơn giản là một khuôn mẫu tâm thức đang phát sinh vốn hoàn toàn không khác biệt hoặc tốt hơn bất kỳ đối tượng tâm nào khác. Khi bạn sử dụng các phương pháp dưới đây, bạn không chống lại bản ngã hoặc biến nó trở thành một vấn đề rắc rối. Bạn chỉ đang hiểu thấu bản ngã và khuyến khích nó vơi bớt, giảm dần, rồi tan biến như sương mù buổi sáng tan dưới ánh mặt trời. Và những gì còn lại phía sau? Sự rộng lượng, trí tuệ, giá trị và đức hạnh, và một niềm an vui dịu ngọt.”

***

Đúng như câu nói của J. Robert Oppenheimer, sự giao thoa giữa khoa học thần kinh hiện đại và nền minh triết cổ xưa của Đạo Phật đã đem lại nhiều điều thú vị cả trên phương diện lý thuyết lẫn thực hành. Trên đây, tôi chỉ trình bày một vài bài học lý thú đối với bản thân mình mà tôi rút ra từ cuốn sách Bộ não của Phật của tiến sĩ Rick Hanson. Hy vọng các bạn đọc hữu duyên có thể tự tìm ra được những bài học, những thực hành cụ thể đem lại lợi ích thiết thực cho chính mình.

Chúc các bạn an vui.

Với Tâm Từ,

Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2024

Pháp Minh Trịnh Đức Vinh

TB: Bên cạnh cuốn sách Bộ não của Phật, tiến sĩ Rick Hanson còn có hai cuốn sách khác thiên về thực hành là cuốn Tích Tiểu Thành Đại và cuốn Kham Nhẫn. Thông tin chi tiết về các cuốn sách xin xem tại:  https://phuongquang.net/san-pham/combo-bo-nao-cua-phat/


menu
menu