Tại sao tôi không thể tìm được “Người ấy” hoàn hảo?
“Tình yêu không phải là một mối quan hệ với một người cụ thể: nó là một thái độ, một khuynh hướng của nhân cách.” Erich Fromm
“Tình yêu không phải là một mối quan hệ với một người cụ thể: nó là một thái độ, một khuynh hướng của nhân cách.”
Erich Fromm
Đây chắc chắn là một trong những câu hỏi phổ biến và chân thành nhất. Ta có cảm tưởng rằng việc tìm kiếm tình yêu lẽ ra phải đơn giản dễ dàng - thì chẳng phải trên mấy quảng cáo về hẹn hò trực tuyến, việc tìm kiếm tình yêu cũng giống như đi mua một căn nhà sao? “Xem mặt” càng nhiều càng tốt, đặc biệt là những đối tượng phù hợp với nhu cầu của bạn, và không chóng thì chầy, bạn sẽ tìm được một nửa hoàn hảo. Có vẻ như vấn đề chỉ nằm ở dữ liệu – xác định điều đang tìm kiếm, theo kịp đòi hỏi và mọi việc sẽ tốt đẹp thôi. Nếu lý thuyết ấy là đúng, thì phải chăng bạn chưa đủ nỗ lực?
Nhà phân tâm học Erich Fromm chắc sẽ hoảng hồn với cách tiếp cận này, mà ông ấy là chuyên gia về tình yêu hẳn hoi. Trong cuốn The Art of Loving (Nghệ thuật yêu), xuất bản năm 1957, ông nói rằng chúng ta đang nhìn nhận về tình yêu theo cách hoàn toàn sai lầm, chủ yếu vì “toàn bộ nền văn hóa của chúng ta được dựa trên sự ham thích mua sắm”. Điều này có nghĩa là chúng ta cho rằng nếu mình ngó nghiêng đủ các “món hàng” rồi thì ta sẽ tìm thấy một người hoàn hảo, và thế là xong. Theo ông, điều này đi kèm một số giả định kỳ lạ, đặc biệt khi người ấy bị coi là một “đối tượng” đáng khao khát. Chúng ta cứ cho rằng tình yêu đích thực nảy sinh khi cả hai người cùng tìm được đối tượng tốt nhất hiện có trên thị trường.
“Mẹo ở đây không phải là làm cách nào khiến người yêu chú ý đến mình nhiều hơn, mà làm sao để có thể khơi mở sự nhạy cảm và khả năng yêu thương của mình?”
Rollo May
Nếu điều này có vẻ khó nghe thì Fromm cũng cho rằng nó “thô mà thật”, vì ông cho rằng chúng ta đang mê muội bước vào nỗi cô đơn triền miên. Việc thương mại hóa các mối quan hệ không khiến thế giới tốt đẹp hơn hay làm cho mọi người hạnh phúc hơn. Chúng ta hành xử thật ái kỷ khi cho rằng vấn đề nằm ở chỗ được yêu thương, hơn là cho đi yêu thương. Thế cũng có nghĩa là chúng ta thấy có trách nhiệm phải biến bản thân thành đối tượng yêu đương phù hợp bằng cách tích lũy tiền bạc, địa vị và làm đẹp ngoại hình bằng mỹ phẩm hay phẫu thuật. Rồi chúng ta lại tự nhủ một cách lạ lùng rằng mọi thứ đều xoay quanh một đối tượng (tìm được “người ấy”) hơn là hoàn thiện khả năng yêu thương. Theo Fromm, mọi người nhầm rằng yêu thương là chuyện đơn giản, còn tìm được một đối tượng để yêu mới là khó, trong khi thực tế chúng ta cần làm ngược lại. Chứ tại sao có nhiều mối quan hệ tan vỡ như thế? Yêu thương là một nghệ thuật, đòi hỏi sự “tinh thông” như âm nhạc, hội họa hoặc nghề mộc, và nó còn đòi hỏi cả cống hiến nữa.
Tình yêu hẳn phải là một điều tự nhiên?
Chính xác. Vấn đề là quan điểm về tình yêu của chúng ta bị bóp méo bởi nền văn hóa tiêu dùng và những điều hoang đường về “ ý trung nhân” đang đợi để được ta tìm thấy. Có một truyền thuyết cổ nổi tiếng, được nói đến trong tác phẩm Symposium của Plato, rằng loài người từng rất hạnh phúc trong cơ thể hình cầu với tám chi và hai bộ phận sinh dục, nhưng một ngày nọ, họ làm các vị thần phật lòng và thần Dớt cắt họ làm đôi, kết quả là mọi người vẫn đang tìm kiếm nửa kia của mình. Huyền thoại về việc tìm kiếm “một nửa hoàn hảo” đó sẽ đảm bảo cho một cái kết có hậu mà truyện cổ tích trên khắp thế giới vẫn kể, từ đó khắc sâu niềm tin này vào tâm lý của chúng ta. Nhưng Fromm, vốn luôn là người sống thực tế, cho rằng đây là một tư tưởng rất kỳ lạ. Nó cũng giống như một họa sĩ không lo học vẽ, vì cô ta chắc mẩm rằng khi đối tượng hay người mẫu hoàn mỹ xuất hiện thì cô ta sẽ tự khắc vẽ đẹp. Không chỉ trong thói quen mua sắm, hãy tự hỏi: điều gì đã xảy ra với ý thức tự chủ lựa chọn của mỗi người?
“Một cuộc sống tuyệt vời bên cạnh nhau là hoàn toàn trong tầm tay, nếu hai người biết yêu lấy khoảng cách giữa họ, thứ giúp họ nhìn thấy trọn vẹn con người của đối phương trong một phông nền đời sống rộng lớn.”
R M Rilke
Tôi chỉ lo thân tôi thôi
Theo Fromm, chúng ta cần chấm dứt tính ái kỷ, chỉ biết yêu mỗi bản thân (“nhìn này, trông tôi đẹp chưa?”) và nặng về vật chất (“anh ấy đã đáp ứng đủ các tiêu chí - ý là đạt mọi điều kiện - mình phải có được anh ấy”), đồng thời cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu yêu thương này đến từ đâu. Bởi vì, về cơ bản, nó nói lên rất nhiều về nỗi cô đơn sâu sắc của thân phận con người. Chúng ta được sinh ra một mình, sẽ chết một mình, và bạn bè và những người thân yêu của chúng ta cũng sẽ chết trước hoặc chết sau ta. Chúng ta không chỉ tách biệt với mọi cá thể khác, mà còn ý thức được điều đó, và về phương diện này, chúng ta là loài độc nhất vô nhị trong số các loài động vật trên Trái đất.
Vì vậy, theo ông, chúng ta nên làm như sau. Tình yêu là sức mạnh duy nhất có thể vượt qua những rào cản giữa chúng ta, nhưng để ta đạt được sự thân mật thực sự thì tâm trí, linh hồn và thể xác phải thực sự gặp được nhau. Sự kết hợp này phải đến từ hai bản ngã trưởng thành (hoặc bản ngã Hiệu quả). Đối với Fromm, đây là hình thái cao nhất của phân loại tính cách. Ông đã xác định được 6 khuynh hướng tính cách, mà 5 trong số đó chỉ đưa đến bất hạnh. Ông cảnh báo rằng nếu bạn muốn trải nghiệm tình yêu đích thực, thì đừng là kiểu Người tiếp nhận, đừng mong đợi mọi thứ được chuẩn bị sẵn và muốn người khác chịu trách nhiệm thay. Đây là nguyên do dẫn đến một mối quan hệ mà chỉ mình chịu khổ sở. Hãy chống lại thôi thúc trở thành Người tích trữ và coi mọi thứ - thậm chí cả con người và các ý tưởng - là vật sở hữu. Đừng là Người lợi dụng khi tiếp cận người khác, kiểu này chỉ bước vào các mối quan hệ khi nó cho phép chủ thể thao túng người khác nhằm đạt được mục đích cuối cùng (con đường này dẫn tới sự tàn ác). Hãy tránh khuynh hướng Người tiếp thị vốn quá phổ biến, khi chủ thể nghĩ “những thứ mới mẻ đều đẹp đẽ” và toàn bộ vấn đề chỉ đơn giản là những biểu hiện của thị trường. Người bạn đời không tồn tại chỉ với mục đích làm bạn mát mặt. Cuối cùng, đừng rơi vào tình trạng Ái tử thi, đừng bị cuốn hút bởi cái chết và những thứ vô hồn trong thế giới công nghệ chỉ biết mô phỏng sự sống. Tình yêu đòi hỏi một sự cam kết sống theo ý nghĩa trọn vẹn nhất.
Sự phát triển của bản ngã Hiệu quả theo Fromm
Tình yêu đủ đầy
Kiểu người duy nhất có khả năng làm chủ nghệ thuật yêu thương, theo Fromm, là người Hiệu quả--người sống “mà không đeo mặt nạ”. Người này không bị bó buộc bởi các phong tục và sự ép buộc phù phiếm của xã hội, và còn phản ứng một cách cởi mở, linh hoạt và đầy thích thú trước những thách thức. Người Hiệu quả không sợ chấp nhận con người thật của người khác và còn chấp nhận họ một cách trọn vẹn. Trong tình yêu, người này cho đi toàn bộ, nhưng không thấy đây là một sự hy sinh. Theo Fromm, cho đi là biểu hiện cao nhất của sự mạnh mẽ: chính trong hành động cho đi mà chúng ta trải nghiệm được sức mạnh, sự giàu có của ta và quyền lực của mình.
Chính mong muốn cho đi và chia sẻ này – chia sẻ niềm vui, sự quan tâm, sự hiểu biết, kiến thức, khiếu hài hước và nỗi buồn – cũng là động lực đích thực của tình yêu. Chúng ta sẽ đối xử với người khác bằng sự quan tâm, đáp ứng nhu cầu của họ và luôn luôn tôn trọng họ. “Tôn trọng” (respect trong tiếng Anh) trong ngữ cảnh này lại càng gần gũi hơn với từ gốc Latin của nó là respicere, nghĩa là “nhìn vào”, vì chúng ta cần nhìn được chính xác con người của đối tượng, chứ không phải như mong muốn của ta về người ấy, và giúp người ấy “trưởng thành và bộc lộ bản thân” theo cách riêng. Cuối cùng, chúng ta sẽ phải sẵn sàng để hiểu người khác ở mức độ sâu sắc nhất, để khi người ấy đang tức giận, chúng ta cũng thấy được cảm xúc lo lắng và cô đơn ở họ. Như vậy, chúng ta có thể nhìn được nỗi khổ của người khác, thay vì chỉ đối phó với sự tức giận ở bề ngoài.
Để được như thế này, chúng ta phải phát triển thành một con người thực sự độc lập, có khả năng “ bước đi mà không cần nạng, không cần phải thống trị và bóc lột, lợi dụng bất cứ ai”. Đừng mất công tìm kiếm Người ấy Hoàn hảo. Việc tìm kiếm tình yêu bắt nguồn từ một ý thức mãnh liệt về sự cô đơn, tuy nhiên, Fromm cho rằng, ngược đời thay, khả năng sống một mình là điều kiện tiên quyết để có thể yêu thương.
Vậy tôi có nên ngừng tìm kiếm?
Fromm sẽ khuyên bạn nên ngừng tìm kiếm Người ấy Hoàn hảo cho đến khi nhận ra rằng mình không còn cần phải tìm kiếm một ai đó nữa – nghĩa là bạn chỉ có một mình mà vẫn ổn. Chỉ khi đó bạn mới có thể sẵn sàng để yêu thương một ai đó. Ông đã viết, “Tình yêu trưởng thành là sự kết hợp, với điều kiện cả hai vẫn bảo vệ được tính toàn vẹn, tính cá nhân của một người...Nghịch lý của tình yêu nằm ở chỗ hai người trở thành một, nhưng vẫn là hai.” Nếu điều đó khiến bạn ngập ngừng giây lát, thì ông có nói thêm là “Về cơ bản, trị liệu phân tâm là nỗ lực để giúp bệnh nhân đạt được hoặc khôi phục lại khả năng yêu thương của mình…” Với một nụ cười ân cần, Fromm lại dẫn bạn đến bên trường kỷ.
“Sự hấp dẫn tình dục tạo ra ảo tưởng hòa hợp trong giây lát, nhưng nếu thiếu tình yêu thì ‘sự kết hợp’ này chỉ tạo ra những con người xa lạ y hệt khi trước.”
Erich Fromm
Bài viết trích từ cuốn Ơn giời, Freud trả lời - Lời khuyên từ những nhà tâm lý trị liệu hàng đầu- tác giả Sarah Tomley sắp phát hành vào ngày 3/8. Nếu bạn đọc thấy hay thì mong bạn tìm mua nhé.