Hướng dẫn “dỗi” trong tình yêu

huong-dan-doi-trong-tinh-yeu

Những cơn dỗi có khả năng tàn phá một khoảng thời gian đáng kể trong đời chúng ta.

Những cơn dỗi có khả năng tàn phá một khoảng thời gian đáng kể trong đời chúng ta. Chúng thường khởi nguồn từ những điều mà người ngoài nhìn vào sẽ thấy thật lố bịch, nhỏ nhặt: chiếc bồn rửa bát không để đúng cách, một lời bình vu vơ về thời điểm nên qua đường, hay một phản ứng hờ hững trước một câu nói tưởng chừng chẳng mấy quan trọng… Nhưng hậu quả của chúng thì thật lớn lao. Cơn dỗi có thể bùng lên không báo trước vào thứ Hai và kéo dài đến tận thứ Năm, có thể tồn tại giữa những đám cưới hay bữa tiệc gia đình, vượt qua sự hiện diện của trẻ nhỏ hay đồng nghiệp văn phòng, đeo bám các dịp kỷ niệm và sinh nhật, và đặc biệt hay xuất hiện ở những địa điểm lãng mạn – nơi mà ta đã tốn cả một gia tài để tận hưởng (những khách sạn sang trọng trên thế giới có thể là “ổ vi khuẩn” của những cơn dỗi, như nước ấm ô nhiễm là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi).

Dẫu vậy, thật lạ lùng khi những cơn dỗi lại ít được nhắc đến trong văn học hay triết học. Bởi một khi chúng qua đi, ta thậm chí còn khó lòng nhớ được chúng đã từng xảy ra, vì chúng làm ta cảm thấy mình thật phi lý và mất đi sự tự trọng. Có lẽ một cuốn sách về triết lý của sự dỗi vẫn đang chờ được viết.

Cốt lõi của một cơn dỗi là sự kết hợp giữa cơn giận dữ mãnh liệt và khao khát mãnh liệt không nói ra điều mình giận. Ta vừa tuyệt vọng muốn được thấu hiểu, lại vừa kiên quyết không giải thích lý do. Phải giải thích chính là vấn đề trung tâm: nếu người ấy cần ta giải thích, điều đó chứng tỏ họ không xứng đáng để ta phải giải thích. Và đây cũng chính là đặc quyền kỳ lạ của những người nhận được sự dỗi: ta chỉ dỗi những người mà ta tin rằng họ nên hiểu, tức những người ta tôn trọng. Đó chính là món quà kỳ lạ của tình yêu.

Vì thế, ta thường dỗi với những người mà ta cho rằng phải biết là hôm nay ta không muốn kể về ngày của mình; rằng ta đã buồn vì cuộc gọi vừa rồi, rằng ta không thích bức tranh mới hay cách bài trí sân vườn vừa thay đổi – mà không cần nói ra, như thể họ phải biết điều đó, không giống như những người khác. Những người có thể rất lưu loát cả ngày với đồng nghiệp ở công ty, với trẻ nhỏ hay họ hàng, bỗng nhiên trở nên bướng bỉnh và giận dữ không nói lời nào với bạn đời – chỉ vì họ, hơn ai hết, phải hiểu.

Một cơn dỗi là dấu hiệu của một niềm hy vọng sâu sắc. Ta sẽ chẳng bận tâm bỏ ra khỏi phòng, đóng sầm cửa, gọi người ấy là “đồ tồi”, rồi im lặng cả buổi tối trên tầng – trừ khi ta yêu người ấy rất, rất nhiều.

Những nhà thơ lãng mạn như Shelley chính là nguyên nhân lớn cho “đại dịch” dỗi đang tràn lan khắp thế giới hiện đại. Chính họ đã truyền bá tư tưởng rằng những người yêu nhau thật sự có thể nhìn thấu tâm hồn nhau mà không cần đến lời nói. Trong cách lý giải này, tình yêu chính là sự kết thúc của mọi cô đơn. Bằng chứng lớn nhất của tình yêu chân chính là hai người không cần nói với nhau mà vẫn hiểu nhau (vì thế ánh mắt lặng lẽ nhìn nhau luôn được ưu ái trong những khoảnh khắc lãng mạn). Sự dỗi, suy cho cùng, là một lời tôn vinh dành cho lý tưởng đẹp đẽ – nhưng trong thực tế lại tai hại – của tình yêu: sự thấu hiểu không cần lời nói.

Trước năm 1800, con người hiếm khi dỗi – vì họ không mong đợi được người khác thấu hiểu sâu sắc hay trực giác nhạy bén đến thế. Chính những nhà thơ lãng mạn như Shelley đã kích động việc dỗi, khi họ cổ xúy rằng các mối quan hệ phải dựa trên sự thấu hiểu đặc biệt về tính cách của nhau mà không cần đến đối thoại.

Ở một mức độ nào đó, cấu trúc của sự dỗi gắn liền với những năm tháng đầu đời. Trong bụng mẹ, ta không cần giải thích điều mình cần. Thức ăn và sự thoải mái cứ thế mà đến. Nếu ta may mắn có được sự nuôi dưỡng trọn vẹn, thì thiên đường ấy có thể kéo dài thêm vài năm đầu đời. Ta không cần bộc lộ mọi nhu cầu: ai đó sẽ đoán được thay ta. Họ nhìn thấu những giọt nước mắt, sự vụng về, bối rối của ta, và tìm ra câu trả lời khi ta chưa đủ khả năng diễn đạt. Đó là món quà tuyệt vời nhất, là biểu hiện của tình yêu. Nhưng rồi, ta phải học cách nói – một phần vì sự thất bại của người khác trong việc thấu hiểu ta. Ngôn ngữ được sinh ra từ nỗi thất vọng. Sự lưu loát là minh chứng cho cảm giác rằng ta luôn có nguy cơ bị hiểu lầm, và đó là lý do vì sao ta có thể không muốn sử dụng tài năng ấy trong tình yêu. Người giỏi ăn nói nhất cũng có thể từ chối giải thích bản thân trong mối quan hệ, vì điều đó dường như phản bội giấc mơ lãng mạn về việc được hiểu mà không cần lời.

Những người hay dỗi là những người thầy tồi tệ nhất. Họ có bài học muốn truyền đạt, nhưng lại không sẵn lòng giải thích kiên nhẫn cho người nghe. Điều này dạy ta một điều gì đó về việc giảng dạy thành công: sự dửng dưng một chút có thể là tài sản quý giá của một người thầy. Nhưng vì ta quan tâm quá nhiều trong tình yêu đến việc được thấu hiểu (cả cuộc đời ta phụ thuộc vào người ấy), ta không thể phản ứng bình tĩnh trước một sự hiểu lầm nhỏ nhặt. Điều gì có thể tha thứ cho 99,9% nhân loại lại trở thành lý do để đóng sầm cửa và bỏ đi trong giận dữ. Đằng sau cơn dỗi là một nỗi hoảng sợ: rằng ta có thể đang lãng phí cuộc đời mình với một người không hề phù hợp để hiểu ta.

Giống như bao lần khác, liều thuốc chữa lành tốt nhất lại là một chút bi quan. Thời gian luôn có cách giúp chúng ta xoa dịu, bởi qua đó, ta nhận ra có biết bao người trên đời còn hiểu ta kém hơn cả người yêu mình: những sự hiểu lầm mang tính toàn cầu làm giảm đi sức nặng của những hiểu lầm cá nhân đầy đau đớn trong cuộc sống riêng tư. Trong một nền văn hóa lý tưởng hơn nền văn hóa hiện tại của chúng ta, mọi người sẽ nhắc nhở rằng bạn đời của chúng ta có thể rất đáng mến, nhưng đồng thời họ cũng sẽ – một cách vô tội – không hiểu nổi vô số tâm trạng của chúng ta. Kể cả khi họ đang ở trạng thái tốt nhất, họ vẫn có thể hiểu sai một loạt những nhu cầu cốt lõi trong ta.

Để làm dịu lòng mình giữa cơn dỗi, ta cần được nhắc nhở rằng: tình yêu không đồng nghĩa với việc mọi ngóc ngách trong tâm hồn ta đều phải được thấu hiểu mà không cần lời giải thích. Việc ta cần phải giải bày không phải là một sự xúc phạm. Và khi người yêu không hiểu được ta, điều đó không có nghĩa họ vô tâm hay máu lạnh. Đơn giản chỉ là, do bị ám ảnh bởi những định kiến lãng mạn, ta đã quá khăng khăng rằng họ nên tự biết mọi thứ về con người ta mà không cần ta phải dạy cho họ.

Trong một thế giới lý tưởng, khi ở trạng thái thấu cảm, ta sẽ dễ dàng nhận ra khía cạnh hài hước của việc dỗi – ngay cả khi chính ta là đối tượng đặc biệt của cơn giận dữ và oán trách ấy. Ta sẽ thấy một nghịch lý thật đáng yêu. Người dỗi có thể cao 1m85, làm việc tại một công ty luật lớn, nhưng thực chất, điều họ đang nói là: "Sâu thẳm bên trong, tôi vẫn là một đứa trẻ. Và ngay lúc này đây, tôi cần bạn làm cha mẹ của tôi. Tôi cần bạn đoán ra điều gì đang khiến tôi tổn thương, giống như cách mọi người từng làm khi tôi còn là em bé – khi những ý niệm đầu tiên của tôi về tình yêu được hình thành."

Cơn dỗi có thể được hóa giải khi tham vọng vừa điên rồ vừa đáng yêu ấy được nhìn qua lăng kính hài hước. Khi đó, ta sẽ có thể bật cười, không phải vì ta thờ ơ, mà bởi ta hiểu rằng cả người yêu ta lẫn loài người đều điên rồ theo cách ấy. Ta không phải là nạn nhân của một người nào đó đặc biệt “điên khùng”. Dù cho người yêu ta có buộc tội ta những điều kinh khủng hay cư xử đầy độc địa, thì khi nhìn nhận cơn giận dữ của họ như ta nhìn một cơn hờn dỗi của đứa trẻ một tuổi, đó là ân huệ lớn nhất mà ta có thể dành cho họ.

Chúng ta thường nhạy cảm với việc bị coi thường như thể mình trẻ con. Nhưng đôi khi, đó lại chính là một trong những đặc quyền lớn nhất. Ta nhìn xuyên qua những lời lạnh lùng, qua cánh cửa đóng sầm lại. Ta thấu cảm được nỗi đau thực sự ẩn sau vẻ ngoài gai góc, nhận ra rằng kẻ đối đầu mình không phải là người tàn nhẫn, mà là kẻ đang tổn thương. Một lần nữa, ta lại thấy kỳ lạ làm sao khi bản chất con người được sắp đặt như thế. Nhưng vì đã hiểu, ta không còn sợ hãi hay giận dữ đáp lại. Ta mỉm cười dịu dàng trước nỗi đau giận dữ đầy hy vọng và hoang tưởng của người ấy.

Và rồi, ta sẵn sàng gõ cửa, nhẹ nhàng hỏi xem liệu họ có cho ta vào nói chuyện không.

Nguồn: A LOVER’S GUIDE TO SULKING – The School Of Life

menu
menu