Nỗi chạnh lòng: dạng tuyệt vọng đẹp nhất

Có vô số cách để con người đối diện với những nỗi buồn không thể tránh khỏi trong cuộc đời: ta có thể giận dữ hay tuyệt vọng, gào thét hay than van, ủ ê hay bật khóc.
Có vô số cách để con người đối diện với những nỗi buồn không thể tránh khỏi trong cuộc đời: ta có thể giận dữ hay tuyệt vọng, gào thét hay than van, ủ ê hay bật khóc. Nhưng có lẽ không có cách nào xoa dịu sự khổ đau và cảm giác dang dở của kiếp người tốt hơn việc đón nhận một trạng thái cảm xúc mà thế giới hiện đại, với nhịp sống hối hả và niềm vui giả tạo, thường bỏ quên: nỗi chạnh lòng.
Trước muôn vàn thử thách mà con người phải đối mặt, ta không nhất thiết lúc nào cũng phải kiếm tìm hy vọng hay vui tươi. Quan trọng không kém chính là học cách bước vào nỗi buồn một cách khôn ngoan và đầy ý nghĩa. Nếu có những cách đau khổ tốt hơn và tồi tệ hơn, thì nỗi chạnh lòng xứng đáng được trân trọng như một cách tối ưu để đối diện với bi kịch của kiếp nhân sinh.
Trước tiên, ta cần hiểu rằng nỗi chạnh lòng không phải là cay đắng. Người mang trong lòng nỗi chạnh lòng không còn giữ sự lạc quan ban đầu, cũng chẳng thấy cần phải đáp trả những thất vọng bằng sự hằn học hay tổn thương. Họ đã sớm hiểu rằng đời người phần nhiều là tẻ nhạt và khổ ải, và họ xây dựng thế giới quan của mình theo lẽ đó. Họ không lấy làm vui vẻ trước những hỗn độn, những lời xúc phạm, những điều tàn nhẫn hay gian nan, nhưng cũng không còn đủ sức để tin rằng cuộc đời đáng lẽ phải khác đi.
Nocturne: Blue and Silver – Chelsea 1871 James Abbott McNeill Whistler 1834-1903
Cũng vậy, nỗi chạnh lòng không phải là giận dữ. Có thể, thuở ban đầu, họ cũng đã từng muốn gào lên một lời nguyền rủa với thế giới, nhưng theo thời gian, cảm xúc ấy đã lắng xuống thành một trạng thái dịu dàng hơn, sâu sắc hơn, bao dung hơn với những khiếm khuyết của đời sống. Người mang nỗi chạnh lòng đón nhận những điều hiển nhiên đau đớn bằng một tiếng thở dài: tất nhiên. Tất nhiên người ấy muốn chia tay ngay khi ta vừa quen hơi ấm của họ. Tất nhiên công việc ta dày công vun đắp rồi cũng đến ngày đóng cửa. Tất nhiên bạn bè có khi cũng gian dối. Và tất nhiên bác sĩ sẽ khuyên ta đi khám chuyên khoa. Những điều kinh khủng này, suy cho cùng, cũng chỉ là những chương tất yếu trong hành trình làm người.
Người mang nỗi chạnh lòng không chìm đắm vào hoang tưởng. Họ hiểu rằng những điều xấu không xảy đến riêng với họ, cũng không phải vì họ đặc biệt đáng bị trừng phạt. Đây đơn giản là số phận chung của những con người bình thường, với những thiếu sót rất đỗi bình thường. Mọi người rồi cũng đến lúc phải đối mặt với vận rủi. Chỉ là họ đã chấp nhận điều đó từ rất lâu.
Thế nhưng, họ cũng không hoài nghi cay nghiệt. Họ không dùng sự bi quan như một lớp áo giáp để che chắn bản thân khỏi tổn thương. Họ không vội vàng khinh miệt mọi thứ chỉ để tránh bị thất vọng. Họ vẫn biết tận hưởng những niềm vui bé nhỏ và vẫn có thể hy vọng rằng đôi khi, một vài điều có thể suôn sẻ. Chỉ là họ không bao giờ xem điều đó là hiển nhiên.
Người mang nỗi chạnh lòng cũng không dễ dàng gục ngã trong tuyệt vọng. Họ đã quen với cơn cám dỗ muốn thu mình lại dưới lớp chăn dày, nức nở không dứt. Nhưng đó không phải là trạng thái thường trực của họ. Họ không phải không biết đau, chỉ là nỗi đau ấy đã thấm vào tâm hồn qua tháng năm dài, nên không còn ào ạt vỡ òa như trận lũ trong những thời khắc khốn cùng.
Nỗi chạnh lòng sinh ra từ sự thấu hiểu về tính bất toàn của vạn vật—không phải chỉ là một ngày xui rủi, không phải chỉ là một vài con người tệ bạc, mà là khoảng cách mênh mông và không thể lấp đầy giữa những gì đáng lẽ ra phải có và những gì thực sự hiện hữu, giữa điều ta khao khát và điều ta buộc phải chấp nhận. Nỗi chạnh lòng là một sự nhạy cảm đặc biệt trước phần tối, phần khuất của đời sống; ngay cả trong một ngày nắng đẹp, một bữa tiệc sinh nhật, hay một nụ hôn đầu. Người mang nỗi chạnh lòng giống như không có một lớp da che chắn, họ cảm nhận rõ từng cơn gió lạnh của sự vô tâm, từng điềm báo mơ hồ về những khó khăn sắp tới. Họ không bao giờ quên được khoảng cách giữa thực tế và hy vọng.
Họ khát khao được thấu hiểu, nhưng lại nhận ra quá rõ những dối trá vụn vặt, những câu né tránh, những lời chẳng ai thật sự lắng nghe, những mong mỏi chẳng bao giờ được hồi đáp. Họ bị ám ảnh bởi quỹ thời gian ngắn ngủi so với những điều còn muốn làm, những cảnh sắc còn chưa kịp ngắm, những trải nghiệm còn dang dở. Họ ý thức sâu sắc về những tài năng mình đang lãng phí, và bao nhiêu điều quý giá nơi họ có lẽ sẽ mãi mãi không được ai nhận ra. Nhưng cũng chính nhờ nét khí chất này mà họ trở nên nhạy cảm đặc biệt với những khoảnh khắc đẹp đẽ hiếm hoi trong một thế giới vốn dĩ đầy đổ vỡ. Họ có thể lặng người trước một nhành hoa bé nhỏ, một khoảnh khắc dịu dàng trong một cuốn sách thiếu nhi, một cử chỉ ân cần từ một người xa lạ, hay chỉ đơn giản là ánh hoàng hôn hắt lên bức tường cũ.
Nỗi chạnh lòng của họ thường tìm được nơi trú ngụ trong nghệ thuật: có những bức tranh thấm đẫm nỗi chạnh lòng, những khúc nhạc, những bài thơ, những công trình kiến trúc mang đầy sắc thái ấy. Với họ, nghệ thuật không chỉ là một thú vui tiêu khiển, mà là tấm lá chắn bảo vệ họ khỏi nỗi cô đơn có thể nhấn chìm cả tâm hồn. Và dù khát khao được kết nối với người khác, họ vẫn yêu quý những khoảng thời gian ở một mình hơn bất kỳ ai—bởi đó là lúc họ được tránh xa những giả tạo và hời hợt trong các cuộc giao tiếp xã hội.
Những người mang nỗi chạnh lòng đặc biệt đau đớn khi bị buộc phải tỏ ra vui vẻ, lạc quan, và đầy quyết tâm. Văn hóa công sở có thể trở thành một sự gò bó, nhịp sống tiêu dùng có thể khiến họ bức bối. Có những vùng đất, những thành phố ôm lấy nỗi chạnh lòng một cách tự nhiên hơn những nơi khác—Hà Nội và Bremen là nơi nó tìm được chỗ đứng, nhưng ở Los Angeles, nó gần như không có chốn dung thân.
Điều ta cần làm là phục hồi vị thế xứng đáng cho nỗi chạnh lòng, để nó có một vai trò rõ nét hơn trong cách ta hiểu về chính mình và sẻ chia cảm xúc với nhau. Một xã hội chỉ thực sự văn minh khi nó sẵn sàng đón nhận nỗi chạnh lòng như một phần quan trọng của tâm hồn con người — khi nó có thể chấp nhận một chuyện tình mang màu sắc chạnh lòng, một đứa trẻ chạnh lòng, một kỳ nghỉ chạnh lòng, hay thậm chí là một nét văn hóa doanh nghiệp đượm nỗi chạnh lòng. Đã có những thời kỳ mà con người rộng lòng hơn với trạng thái cảm xúc này — như nước Ý thế kỷ 15, Nhật Bản thời Edo, hay nước Đức cuối thế kỷ 19 — nơi nỗi chạnh lòng không bị xem là lạc lõng hay đáng xấu hổ, mà được tôn vinh như một góc sâu thẳm và chân thực của tâm hồn. Mục tiêu của chúng ta nên là kiến tạo một thế giới hiểu biết hơn, bao dung hơn với những tâm hồn mang nỗi chạnh lòng.
Và khi nỗi chạnh lòng được trả về vị trí vốn có của nó, ta sẽ hiểu rằng, để thực sự hiểu một con người, ta không cần phải hỏi về công việc hay tiểu sử của họ, không cần tìm hiểu về gia đình hay quan điểm chính trị của họ. Câu hỏi chân thành nhất, ấm áp nhất mà ta có thể trao nhau, đơn giản chỉ là: "Điều gì khiến bạn chạnh lòng?"
Nguồn: MELANCHOLY: THE BEST KIND OF DESPAIR | The School Of Life