Bạn thân khác giới – Không có chuyện “chỉ là bạn”
Bạn thân khác giới đã trở thành khái niệm rất quen thuộc – nam nữ cùng chung sống, làm việc, chơi đùa cùng nhau, luôn kề vai sát cánh bên nhau và có vẻ như giữa hai người không hề yếu tố tình dục hiện diện.
Trong một khảo sát, nhà nghiên cứu đã hỏi những người tham gia xem họ nghĩ gì về người bạn thân khác giới của mình và rất nhiều câu trả lời đa dạng đã được đưa ra Liệu có thể tồn tại một tình bạn đơn thuần giữa một người đàn ông và một người phụ nữ “thẳng” hay không? Câu hỏi này đã gây ra những cuộc tranh cãi nảy lửa, là tảng băng xen ngang trong bữa cơm gia đình, nó là yếu tố mang đến màu sắc một tác phẩm văn học hay khiến một bộ trở nên đáng nhớ.
Dù vậy, đây vẫn luôn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Bạn thân khác giới đã trở thành khái niệm rất quen thuộc – nam nữ cùng chung sống, làm việc, chơi đùa cùng nhau, luôn kề vai sát cánh bên nhau và có vẻ như giữa hai người không hề yếu tố tình dục hiện diện. Tuy nhiên, có nhiều khả năng danh nghĩa bạn bè thuần túy đó chỉ là vỏ bọc bên ngoài che đậy những xúc cảm mãnh liệt cùng với những ham muốn cháy bỏng đang nhảy nhót rộn ràng bên trong. Một nghiên cứu mới đã cho thấy nhận định này là hoàn toàn có cơ sở.
Chúng ta nghĩ rằng mình có thể “chỉ làm bạn” với một người khác giới, nhưng những yếu tố cảm xúc vẫn luôn lẩn khuất đâu đó, chỉ chờ đợi thời cơ thích hợp để chen vào giữa hai người.
Tình bạn khác giới xưa nay vẫn luôn là một chủ đề được đưa vào điện ảnh nhiều hơn khoa học. Lần này, để kiểm chứng về sự tồn tại tình bạn khác giới trong sáng, các nhà nghiên cứu đã khảo sát 88 cặp bạn thân trong một phòng thí nghiệm. Trong trường hợp này, bảo mật thông tin là điều tối quan trọng, tưởng tượng một trong hai người phát hiện ra tình cảm đơn phương mà người kia vẫn luôn dành cho mình suốt bấy lâu, khi ấy mọi thứ sẽ hỏng bét. Vậy nên, để đảm bảo thu được những câu trả lời trung thực nhất, các nhà nghiên cứu không chỉ tuân theo các quy định nghiêm ngặt về mặt bảo mật thông tin, mà còn yêu cầu hai người bạn hứa với nhau sẽ không thảo luận về nghiên cứu này ngay cả khi hoàn thành cuộc phỏng vấn. Sau đó, các cặp sẽ tách nhau ra và mỗi người đều phải trả lời loạt các câu hỏi liên quan đến cảm xúc lãng mạn mà họ dành cho người kia.
Image: Credit: Mike Harrington Getty Images
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học thấy rằng góc nhìn của nam và nữ trong mối quan hệ tình bạn khác giới là rất khác biệt. Đàn ông thường thích bạn thân khác giới của mình nhiều hơn là phụ nữ. Họ cũng có xu hướng nghĩ rằng người kia có tình cảm với mình – tuy nhiên đây là một niềm tin mù quáng. Phỏng đoán của nam giới về tình cảm của bạn nữ đều dựa trên cảm tính cá nhân mà không thực sự khách quan, họ còn ảo tưởng là bạn nữ đáp lại tình cảm của mình nhưng thực tế lại không phải vậy. Tương tự với phụ nữ, họ cũng chưa đánh giá đúng những mối quan hệ này. Họ thường không rung động trước bạn thân khác giới và nghĩ rằng người kia cũng thế. Kết quả là nam giới thì đánh giá quá cao mức độ tình cảm giữa hai người, còn nữ giới lại đánh giá nó quá thấp.
Vì nhận thức sai lầm đó mà nam giới bao giờ cũng chủ động hơn. Cả hai giới đều bị hấp dẫn bởi những bạn thân của mình ở mức độ như nhau, bất kể người kia đang ở tình trạng quan hệ nào, đang độc thân hay đã hẹn hò. Tuy nhiên, họ khác biệt trong suy nghĩ về giả thuyết hai người sẽ thành đôi. Tình trạng quan hệ không phải là yếu tố mà nam giới quan tâm khi khi nghĩ đến việc hẹn hò với bạn thân của mình, cô gái có bạn trai hay chưa không làm suy chuyển quyết định của họ, tuy nhiên, phụ nữ lại nhạy cảm trong vấn đề này và không hề muốn dính líu đến tình cảm với người bạn mà đã có người yêu.
Kết quả cho thấy cả hai phía đều đang cố gắng để duy trì ranh giới bạn bè trong mối quan hệ. Khảo sát đặc biệt thú vị ở chỗ, các câu trả lời đều được lấy từ những đôi bạn thân khác giới cụ thể (Mọi câu hỏi đều chỉ hướng về người bạn đang cùng tham gia khảo sát). Đây không chỉ là lời xác nhận những định kiến xưa nay về khao khát tình dục của đàn ông cùng sự ngây thơ của phụ nữ mà nó còn là bằng chứng trực tiếp cho thấy cảm nhận của hai giới trong mối quan hệ hoàn toàn khác nhau. Trong khi nam giới hình dung nhiều đến viễn cảnh thành đôi giữa hai người thì nữ giới lại chỉ coi họ là bạn bè hoàn toàn trong sáng.
Người trong và ngoài cuộc đều nhận thấy được nguy cơ xảy ra nhiều chuyện phức tạp từ những nhận thức sai lệch này. Nghiên cứu tiếp theo được mở ra để điều tra về 249 người trưởng thành (nhiều người trong số họ đã kết hôn). Người tham gia được yêu cầu liệt kê những mặt tích cực và tiêu cực của việc có một người bạn thân khác giới. Số người liệt kê việc “nảy sinh tình cảm” vào mục tiêu cực cao hơn gấp 5 lần so với số người liệt kê điều này vào mục tích cực. Tuy nhiên, sự khác biệt trong quan điểm của hai giới một lần nữa lại xuất hiện ở đây. Tỷ lệ nam giới coi yếu tố tình cảm như một điều tốt của mối quan hệ cao hơn nhiều so với nữ giới,khác biệt này ngày càng trở nên rõ ràng ở những nhóm tuổi cao hơn. Ở nhóm trẻ tuổi, số lượng đàn coi tình cảm là điều tốt cao gấp 4 lần so với phụ nữ, trong khi đó, ở nhóm lớn tuổi hơn, con số này lên đến 10 lần.
Tựu chung lại, những nghiên cứu này cho thấy nam và nữ định nghĩa rất khác nhau về khái niệm “chỉ là bạn” và điều này có thể dẫn đến những rắc rối và phức tạp không mong muốn. Mặc dù phụ nữ có vẻ khăng khăng tình bạn khác giới là trong sáng, thì đàn ông dường như không thể ngừng nghĩ về những điều xa hơn thế. Và mặc dù nhìn chung thì mọi người đồng tình với việc nảy sinh tình cảm trong mối quan hệ là tiêu cực hơn tích cực nhưng có vẻ như nam giới khó giữ vững lập trường này hơn là nữ giới.Tóm lại, đàn ông và phụ nữ có thể “chỉ là bạn” hay không? Nếu tất cả chúng ta đều nghĩ như phụ nữ thì điều này là có thể. Nhưng nếu tất cả chúng ta đều suy nghĩ như đàn ông thì có lẽ thế giới này sẽ sớm phải đối mặt với cuộc bùng nổ dân số nghiêm trọng.
Nguồn: https://www.scientificamerican.com/article/men-and-women-cant-be-just-friends/
Người dịch: Epiphyllum – A Crazy Mind