Xung quanh bạn có thật là toàn người xấu xa?
Theo Mark Manson, con người ta đa phần là tốt. Nhưng khi tiêu thụ quá nhiều nội dung tiêu cực, bạn dễ cho rằng thế giới này toàn kẻ khốn nạn.
Được chuyển ngữ từ bài viết “Why We Forget That Most People Are Good” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Có vẻ chúng ta đều nghĩ rằng, thế giới này toàn những người xấu xa, độc ác và chẳng có ai tốt đẹp. Và dù đúng là đi đến đâu bạn cũng có thể gặp những thành phần “khó đỡ”, tôi cho rằng cách nghĩ này bị thổi phồng hơi quá.
Thực tế con người ta đa phần là tốt, ngay cả khi chúng ta có những lúc đối xử tệ với nhau. Nhưng có vẻ trong xã hội hiện đại, có một số điều khiến ta luôn cho rằng, vây quanh mình chỉ toàn những kẻ khốn nạn. Tôi sẽ giải thích chúng sâu hơn trong bài viết dưới đây.
Một con sâu làm rầu cả nồi canh
Nếu bạn có công cụ hoặc cách thức nào để đo lường thì sẽ thấy, người ta càng dành nhiều thời gian online, thì họ càng trở nên hoài nghi hơn. Thường những người dán mắt vào lướt mạng mỗi ngày sẽ tin rằng nhân loại là một đống rác khổng lồ. Trong khi đó, những ai thực sự ra ngoài và làm các việc khác lại thấy rằng hầu hết mọi người đều ổn.
Tôi cho rằng một nguyên nhân dẫn đến việc này là vì internet quá rộng lớn, với quá nhiều người dùng ẩn danh. Thật khó để biết rằng bạn đang (thực sự) giao tiếp với ai.
Điều này dẫn đến cảm giác như bất cứ nơi nào trên internet bạn lướt vào - trang web, Facebook hay email - cũng đều có sẵn một cuộc tranh luận ngớ ngẩn đang chờ đợi bạn. Vậy là bạn nhận thức theo cách bóp méo rằng, cả hành tinh này toàn những kẻ ngu ngốc, đáng ghét luôn canh chừng bàn phím để khiêu chiến bất cứ lúc nào.
Một nguyên nhân khác là thiên kiến tiêu cực (negativity bias). Chúng ta luôn vô thức cho rằng, nhận xét tiêu cực có tác động lớn/quan trọng hơn nhận xét tích cực. Đã có nghiên cứu cho thấy, chúng ta chú ý tới những nhận xét tiêu cực nhiều hơn 3-5 lần so với nhận xét tích cực.
Những ý kiến tiêu cực bao giờ cũng khiến bạn để tâm hơn những bình luận tích cực. | Nguồn: Unsplash
Do đó, một bình luận kích đểu về bất kỳ điều gì luôn nhận được sự chú ý và ảnh hưởng gần như ngay lập tức. Đây là lý do dù hình đại diện mới của bạn trên Facebook có được 50 cái bình luận khen ngợi đi chăng nữa, chỉ cần bị ai chế giễu đôi tai, bạn sẽ muốn gỡ xuống cả bức ảnh.
Và một lý do nữa khiến chúng ta hoài nghi hơn trên mạng là câu tục ngữ kinh điển của các bậc tiền nhân: “Một con sâu làm rầu cả nồi canh”.
Các nhà khoa học dữ liệu tại Đại học Stanford (Mỹ) gần đây đã phát hiện ra rằng, 74% các cuộc tranh cãi trên Reddit được khơi mào bởi chỉ 1% số người dùng. Tệ hơn nữa, họ còn phát hiện đại đa số người khơi mào không trực tiếp tham gia các cuộc khẩu chiến này, mà là những người qua đường vô tội bị nội dung của chúng lôi cuốn vào.
Kiểu hành vi này không chỉ phổ biến trên internet, mà còn cả ngoài đời. Nghiên cứu trên cũng cho biết trong 63% các tội phạm bạo lực chỉ có 1% những người liên quan bị kết án, và chỉ có 3% các bác sĩ phải chịu trách nhiệm cho hơn một nửa các trường hợp sơ suất y tế.
Tương tự như vậy, nhiều nguồn tin cho rằng chỉ một thiểu số đàn ông gây ra đa số các cuộc xâm hại tình dục. Một nghiên cứu khác cũng cho biết, chỉ khoảng 5-20% dân số trong một cộng đồng gây ra hầu hết các vụ phân biệt chủng tộc công khai.
Vì vậy hãy đặt ra giả thiết rằng, chỉ một số ít người là những kẻ khốn nạn, và thiên kiến tiêu cực khiến họ trở nên nổi trội hơn trong tâm trí ta. Như vậy, những kẻ này gây ảnh hưởng vô cùng lớn đến trải nghiệm xã hội của chúng ta, và sau cùng là cách ta nhận thức về nhân loại.
Tôi cho rằng không có điều gì trong số này đáng ngạc nhiên. Hầu hết mọi người đều tốt, chỉ là bạn được nghe về những kẻ khốn nạn trong hầu hết thời gian. Điều này luôn đúng và gần như không thay đổi ở mọi thời kỳ. Cái duy nhất thay đổi là mức độ tiếp xúc của chúng ta.
Hiệu ứng tiếp xúc (the exposure effect)
Để giải thích hiệu ứng này, tôi giả sử cứ 100 người thì có 1 kẻ khốn nạn, có khả năng làm bạn nhẹ thì tụt mood, nặng thì mất hết niềm tin vào nhân loại.
Khoảng 20-30 năm về trước, bạn chỉ tiếp xúc với 10, cùng lắm là 20 người mỗi ngày. Thế nên bạn có thể trải qua vài ngày liên tiếp mà không đụng trúng thằng khốn nạn nào. Nếu may mắn, bạn có được hẳn một tuần lễ sống trong yên bình mà không phải đối mặt với sự khốn nạn tột độ đến từ một con người khác.
Giờ thử nghĩ xem, hàng ngày bạn tiếp xúc với bao nhiêu người trên internet, mạng xã hội hay bản tin 24 giờ? Chắc phải đến hàng trăm.
Và chỉ cần dành vài tiếng trên mớ hỗn độn kỹ thuật số này, là bạn đã tiếp xúc với hàng nghìn người, quan điểm và hành vi mỗi ngày. Một cách đột ngột, bạn liên tục phải đối mặt với sự khủng khiếp của con người với tần suất lớn hơn nhiều so với trước đây.
Chúng ta tiếp xúc với hàng trăm nghìn người và luồng ý kiến trên internet mỗi ngày. | Nguồn: Pexels
Sự khủng khiếp này có phạm vi ảnh hưởng quá lớn, gây tác động tiêu cực tới tinh thần và cảm xúc của bạn. Nó tạo ra xung đột trực tuyến, thu hút những con người thiện chí và khiến họ nói những điều ghê tởm mà bình thường họ không bao giờ nói.
Chẳng bao lâu sau, nó khiến bạn cảm giác rằng hận thù có mặt ở khắp nơi, ngu dốt là phổ biến, cố chấp là quy luật và lòng trắc ẩn là ngoại lệ. Trên thực tế, chẳng có điều cơ bản nào của xã hội loài người thay đổi. Chỉ có nhận thức của chúng ta về nhau là đã bị bóp méo đến như vậy.
Đừng quên rằng đa số mọi người đều tốt
Đây là lý do vì sao tôi đã lên tiếng từ rất nhiều năm trước về quy tắc số 1 của internet: quản lý mức độ tiếp xúc của bạn.
Vì vậy mà bước đầu trong quá trình tôi “thanh lọc” mạng xã hội là chặn hoặc hủy theo dõi bất kỳ ai mang lại năng lượng độc hại trên mạng. Trong nhiều trường hợp, việc bớt đọc/xem tin tức cũng có thể giúp bạn làm việc này. Bằng cách cắt bỏ 1% số nội dung bạn tiêu thụ đó, bạn đã tránh được tới 74% lượng thông tin rác rưởi đang lưu truyền khắp nơi.
Những người độc hại có ảnh hưởng quá lớn đến nhận thức của chúng ta về thế giới. Vì vậy, chỉ cần làm vài việc đơn giản như bỏ theo dõi 5-10% số người bạn từng follow trên mạng xã hội, hoặc check tin tức 1 lần/tuần thay vì 1 lần/ngày, bạn đã tạo ra sự thay đổi lớn cho trải nghiệm và tâm trạng chung hàng ngày.
Và khi làm điều này, bạn sẽ nhớ lại điều mà bạn có thể đã quên từ lâu: đa số mọi người đều tốt, chỉ là họ không thể hiện ra nhiều. Tôi thường gọi nhóm này là “số đông im lặng”.
Ở bất kể khía cạnh nào từ tin tức, chính trị, kinh doanh, nghiên cứu khoa học hay văn hóa đại chúng, đều có một “số đông im lặng” bao gồm những người tử tế, thông minh và có thiện chí. Họ cũng đang chờ đợi, cảm thấy bực tức và hoảng sợ như bạn.
Và nếu chúng ta quên rằng họ vẫn đang ở đây, thì cuối cùng họ cũng sẽ thực sự biến mất.
Nguồn: Trang cá nhân của Mark Manson tại Vietcetera. | Vietcetera