Phân biệt sự khác nhau giữa trầm cảm và nỗi buồn

phan-biet-su-khac-nhau-giua-tram-cam-va-noi-buon

Trầm Cảm Và Nỗi Buồn Khác Nhau Ở Điểm Nào?

Trầm cảm và nỗi buồn là hai khái niệm cảm xúc riêng biệt. Nỗi buồn là một cảm xúc tự nhiên của con người xảy ra trong một tình huống cụ thể nào đó, ví dụ như khi bạn mất đi một người thân yêu hoặc cảm thấy thất vọng. Nó thường chỉ là cảm xúc tạm thời và có thể được xoa dịu bởi thời gian và sự giúp đỡ.

Mặt khác, trầm cảm là một tình trạng tâm lý kéo dài. Người ta thường cảm thấy chán nản hầu như mọi lúc, các hoạt động xã hội, khả năng làm việc và các chức năng cơ bản khác bị suy giảm đáng kể.

Thi thoảng, con người sẽ trải qua cảm giác buồn bã. Mọi người có thể tìm cách vượt qua nó bằng cách khóc, nói ra tâm sự của mình, hay cũng có thể khích lệ bản thân bằng những điều hài hước xung quanh.

Nếu bạn không thể vượt qua nỗi buồn hoặc cảm thấy quay trở lại với các hoạt động thường ngày thật khó khăn, đây có thể là một trong các dấu hiệu của trầm cảm.

Tôi Chỉ Đang Cảm Thấy Buồn Hay Đã Mắc Phải Trầm Cảm?

Theo Tiến sĩ Alex Korb, tác giả cuốn sách The Upward Spiral (Tạm dịch: Vòng Xoáy Tích Cực), cho biết:

“Trầm cảm không chỉ là nỗi buồn. Nó là một mớ hỗn độn phức tạp pha trộn giữa những cảm xúc và các thay đổi về mặt thể chất, bao gồm việc cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy, không có động lực để làm những điều mình yêu thích, cảm thấy tuyệt vọng và bất lực.”

Khi buồn bã, nỗi buồn có thể bao trùm lấy bạn, nhưng sẽ có những lúc chúng ta có thể cảm thấy được an ủi hoặc hạnh phúc ở các khía cạnh khác của cuộc sống.

Tuy nhiên, đối với trầm cảm, cảm giác u uất của họ sẽ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống và họ có thể khó, hoặc thậm chí không thể tìm thấy niềm vui trong bất cứ điều gì, kể cả những hoạt động mà họ từng yêu thích.

Trầm cảm không chỉ là một trạng thái cảm xúc, nó là một căn bệnh tâm lý.

Người mắc bệnh trầm cảm không chỉ trải qua cảm xúc đau buồn, họ còn có thể phải trải qua những cảm giác bất lực, vô vọng và cảm thấy bản thân mình vô dụng. Họ gọi đây là cảm giác “trống rỗng” bên trong và tin rằng cuộc sống này thật không đáng sống.

Trong khi đối với nỗi buồn, một người có thể cảm thấy hối tiếc hoặc hối hận về điều gì đó, nhưng họ sẽ không trải qua bất kỳ cảm giác vô vọng hay tội lỗi vĩnh viễn nào như khi bị trầm cảm. Một người cảm thấy buồn có thể khóc, dành thời gian ở một mình, sau đó trở lại bình thường trong một khoảng thời gian ngắn.

Người bị trầm cảm thì không như vậy, họ thường thấy cảm xúc của mình kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng liền.

Trầm cảm (lâm sàng) là một căn bệnh phổ biến trên toàn thế giới, ước tính khoảng 3,8% dân số đã mắc phải căn bệnh này (theo Tổ chức Y tế Thế giới).

Biểu hiện của trầm cảm đối với mỗi người có thể khác nhau. Đối với một số người, giai đoạn trầm cảm của họ có thể dẫn đến ý định t.ự t.ử, hành vi tự làm hại bản thân hoặc cố gắng t.ự t.ử. Những người khác có thể không có những dấu hiệu này nhưng vẫn cảm thấy cuộc sống hàng ngày rất khó khăn do các dấu hiệu trầm cảm của họ.

“Một trong những điều quan trọng nhất cần nhớ về bệnh trầm cảm rằng đó không phải là lỗi của bạn. Đó không phải là điều bạn phải chịu, không phải là khuyết điểm của tính cách và cũng không phải là biểu hiện của một nhân cách yếu đuối.” - Tiến sĩ Alex Korb.

Các Dấu Hiệu Của Bệnh Trầm Cảm

Dưới đây là một vài dấu hiệu mà một số người mắc trầm cảm có thể trải qua. Hãy nhớ rằng những dấu hiệu trầm cảm và mức độ nghiêm trọng của mỗi người là khác nhau, và không phải ai cũng sẽ trải qua tất cả những điều này:

  • Các dấu hiệu về mặt thể chất
  • Thay đổi khẩu vị
  • Rối loạn tiêu hóa
  • Ngoại hình thay đổi: vẻ ngoài trông buồn bã hoặc tiều tụy
  • Rối loạn chức năng tì.nh d.ục
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Cảm thấy mệt mỏi
  • Các dấu hiệu khác: khó tiêu, tim đập nhanh, nhức đầu, cảm giác căng cứng quanh ngực và đầu, tự gây tổn thương da, xoa vặn bàn tay không kiểm soát, đau nhức toàn thân.

Các Dấu Hiệu Về Mặt Tâm Lý

  • Cảm thấy buồn bã, thấp thỏm hoặc trống trãi.
  • Chán nản, thiếu quyết đoán, cảm thấy cơ thể bị đau nhức mà không rõ nguyên nhân, vô cảm.
  • Mất hứng thú và không muốn tham gia vào các hoạt động thường ngày hoặc các hoạt động xã hội.
  • Nói chậm và không có âm điệu trong lời nói.
  • Thường nói những lời tiêu cực.
  • Khó tập trung.
  • Có những suy nghĩ bệnh hoạn, không bình thường.
  • Luôn cảm thấy mình là kẻ thất bại.

Các Dạng Trầm Cảm

Trầm cảm có thể hình thành từ các trạng thái cảm xúc khác nhau dựa trên nguyên nhân và các dấu hiệu mà người bệnh đã trải qua:

  • Rối loạn trầm cảm nặng
  • Rối loạn cảm xúc theo mùa
  • Rối loạn điều hòa tâm trạng
  • Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
  • Rối loạn tâm trạng do sử dụng chất
  • Rối loạn trầm cảm kinh niên
  • Rối loạn trầm cảm do bệnh lý
  • Rối loạn trầm cảm sau sinh hoặc trong chu kỳ thai sản

Trầm cảm có thể có các đặc điểm khác, chẳng hạn như:

  • Căng thẳng lo âu - khi nỗi lo đi đôi với các cảm giác trầm cảm.
  • Các rối loạn trộn lẫn với nhau - khi trầm cảm và hưng cảm đều xuất hiện trên cùng một người.
  • Những biểu hiện bất thường - một người có thể đang cảm thấy rất tốt sau một sự kiện vui vẻ nào đó rồi đột nhiên họ thấy đói, cực kì buồn ngủ và rất nhạy cảm với sự từ chối.
  • Các biểu hiện tâm thần - các chứng hoang tưởng hoặc ảo tưởng có thể xuất hiện.
  • Hội chứng căng trương lực - bạn không thể chuyển động cơ thể của mình một cách bình thường được - cơ thể bất động và không phản ứng hoặc có những cử động không thể kiểm soát được.

Nguyên Nhân Và Các Yếu Tố Rủi Ro

Không phải lúc nào cũng có nguyên nhân rõ ràng hoặc trực tiếp khởi phát căn bệnh trầm cảm. Nó có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố gây ra trầm cảm, chẳng hạn như:

  • Di truyền - như những hội chứng rối loạn sức khỏe tâm thần khác, những hội chứng rối loạn cảm xúc như trầm cảm có xu hướng di truyền trong gia đình từ đời này sang đời khác.
  • Tổn thương - những sự kiện tiêu cực xảy ra khi còn nhỏ có thể gây ra những biến đổi về lâu dài trong cách não phản ứng với nỗi sợ và căng thẳng.
  • Hoàn cảnh sống - bao gồm những sự thay đổi trong mối quan hệ, các vấn đề kinh tế và nơi ở của người đó.
  • Các điều kiện y tế khác - những người có tiền sử rối loạn giấc ngủ, bệnh lý, các cơn đau mãn tính và lo âu có khả năng dễ mắc trầm cảm hơn những người khác. Một số loại thuốc cũng có thể gây ra một số dấu hiệu trầm cảm.

Các nghiên cứu cho thấy các nguyên do mà người trầm cảm tin rằng đó là căn nguyên của vấn đề, đã giúp xác định được nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh tr.ầm cảm (theo Khalsa và cộng sự, 2011).

Chúng bao gồm vấn đề giữa các cá nhân (như kỹ năng xã hội kém và sự ngược đãi từ những người khác), những hệ lụy từ quá khứ (như các vấn đề thời thơ ấu và các vấn đề gia đình chưa được giải quyết), các nguyên nhân về nhân cách hoặc nhận thức (như các mối bận tâm phi lý, cảm xúc khó chịu và những suy nghĩ mang tính trầm cảm), các yếu tố sinh học (ví dụ: mất cân bằng di truyền và sinh hóa) và các yếu tố môi trường (ví dụ: áp lực, các nỗi lo về bệnh tật của bản thân và người khác).

Các sự kiện trong đời

Một sự thay đổi trong cuộc sống cũng có thể là một nguyên nhân tiềm ẩn làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, chẳng hạn như các nỗi lo âu về vấn đề kinh tế hoặc những nỗi lo về tình trạng sức khỏe.

Với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, rất nhiều người bị cách ly trong một thời gian dài, đôi khi chính điều này đã tách họ ra khỏi mạng lưới hỗ trợ của mình hoặc ngăn cản họ tham gia các hoạt động họ yêu thích, họ luôn trong trạng thái lo âu về tình hình thế giới và sức khỏe của mọi người.

Hệ quả tất yếu, nghiên cứu cho thấy rất nhiều người đã mắc bệnh trầm cảm hoặc phải chịu đựng các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.

Các nguyên nhân về mặt sinh học

Một lý thuyết sinh học phổ biến về bệnh trầm cảm là sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh trong não.

Chất dẫn truyền thần kinh là các chất dẫn truyền hóa học di chuyển qua các tế bào thần kinh của não (còn gọi là neuron). Các tế bào thần kinh này giúp truyền các chất dẫn truyền đến các tế bào thần kinh tiếp theo bằng cách gắn vào các vị trí thụ cảm trên tế bào thần kinh nhận, do đó chúng có thể ảnh hưởng đến não, tâm trạng và hành vi của chúng ta.

Có ba chất dẫn truyền thần kinh chủ chốt mà các nhà khoa học tin là chúng có liên quan đến căn bệnh trầm cảm:

  • Serotonin - một loại hormone quan trọng giúp ổn định tâm trạng, cảm giác vui vẻ và hạnh phúc.
  • Dopamine -  được tiết ra khi bạn nhận được động lực, sự tiếp sức, niềm vui và khi được nhận thưởng.
  • Norepinephrine - đóng vai trò điều hòa sự kích thích, mức năng lượng, sự chú ý và điều chỉnh cảm xúc.     

Theo lý thuyết giải thích bệnh trầm cảm, nếu mức độ serotonin, dopamine và norepinephrine trong não thấp, chúng có thể góp phần gây ra các cảm xúc của trầm cảm.

Sử dụng công nghệ

Trong một cuộc nghiên cứu năm 2020 cho thấy trầm cảm, tự làm hại bản thân và cố ý tự tử ở trẻ vị thành niên của Mỹ tăng lên đáng kể tính từ năm 2011 đến năm 2018. Nguyên nhân của việc này được cho là do tỷ lệ sử dụng mạng xã hội và công nghệ tăng cao.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người sử dụng công nghệ nhiều có nguy cơ bị trầm cảm hoặc sức khỏe kém gấp đôi so với những người ít sử dụng công nghệ.

Mặc dù việc sử dụng công nghệ không phải là nguyên nhân gây ra hầu hết các bệnh trầm cảm, nhưng việc dành nhiều thời gian cho công nghệ hơn có thể góp phần làm gia tăng số ca mắc trầm cảm (theo Giáo sư Twenge, 2020).

Một lý do tiềm ẩn khiến mạng xã hội có thể góp phần gây ra trầm cảm đó là vì thanh thiếu niên và thanh niên có xu hướng so sánh, phán xét về ngoại hình những người họ thấy trên mạng, điều này có thể góp phần làm tăng độ nhạy cảm (theo Hawes và cộng sự, 2020), đặc biệt là ở những người hay ghen tị và nghĩ nhiều (theo Zhu và cộng sự, 2023).

Dù vậy, có thể nói rằng thanh thiếu niên đang bị trầm cảm đã chọn sử dụng công nghệ nhiều hơn như một cách để thoát khỏi những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, hoặc họ cũng có thể bị thu hút bởi công nghệ nhiều hơn khi họ tự cô lập bản thân với những người xung quanh.

Cách Giải Quyết Các Nỗi Buồn

Mọi người thường khuyên nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia nếu ai đó đang phải vật lộn với cảm giác buồn bã không nguôi.

Nhưng không phải ai cũng luôn luôn sẵn sàng tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia, dù cho các phương pháp trị liệu có vẻ hữu ích. Vì lẽ đó, tìm kiếm sự trợ giúp từ nhiều nguồn khác nhau có thể khích lệ họ bước đầu đối mặt với nỗi buồn và trầm cảm.

Tuy nhiên, đối với những người đang trải qua cảm giác buồn bã, có nhiều cách thể hiện nỗi buồn một cách lành mạnh giúp họ vượt qua được cảm xúc này. Đây cũng có thể là phương pháp ngăn ngừa nỗi buồn chuyển sang trầm cảm:

Hãy để bản thân được phép buồn

Nỗi buồn là một cảm xúc tự nhiên của con người. Nhiều người thường cho rằng nỗi buồn không nên được chào đón và ta nên kìm nén/che đậy nó lại.

Tuy nhiên việc kìm nén hoặc không chấp nhận nỗi buồn có thể gây bất lợi, thậm chí khiến ta cảm thấy tồi tệ, tội lỗi hơn vì có những cảm xúc này. Đôi khi, chúng ta phải chấp nhận nỗi buồn, hãy để ta được cuốn trôi theo cảm xúc ấy.

Hãy nhớ rằng nỗi buồn, cùng với bất kì cảm xúc nào khác, đến cuối cùng  ta cũng sẽ vượt qua được thôi.

Đôi khi việc khóc rất hữu ích, hay việc thể hiện cảm xúc ra bên ngoài cũng là một cách hiệu quả nếu chúng ta cần vài sự hỗ trợ để chấp nhận nỗi buồn (ví dụ: thông qua việc viết nhật ký hoặc nói chuyện với một người bạn luôn ủng hộ bạn hết mình).

Lập kế hoạch cho một ngày để buồn

Nếu bạn đang phải trải qua quá nhiều nỗi buồn, việc chọn ra một ngày nghỉ để được ở một mình và suy ngẫm là rất hữu ích. Điều này có thể giúp mọi người vượt qua nỗi buồn để đến với tâm trạng vui vẻ hơn.

Suy nghĩ và/hoặc viết ra nguyên nhân gây ra nỗi buồn

Hãy dành thời gian để tìm hiểu “bức tranh” đằng sau nỗi buồn là gì và khám phá những cảm xúc đó có thể giúp mọi người cảm thấy tốt hơn.

Suy ngẫm trong lúc đi dạo

Hòa vào thiên nhiên với không khí trong lành cùng một vài khoảng thời gian tĩnh lặng, một số bài tập thể dục có thể giúp mọi người tìm ra hướng giải quyết vấn đề và thay đổi quan điểm của mình.

Trò chuyện cùng người bạn thân hoặc thành viên trong gia đình

Việc có một mạng lưới hỗ trợ hay thậm chí bạn chỉ có một người để tâm sự mỗi khi buồn cũng có thể giúp chúng ta vượt qua những cảm xúc của bản thân và cảm thấy được giúp đỡ.

Tử tế với chính mình

Khi bạn cảm thấy buồn, hãy tham gia các hoạt động có thể khiến bản thân cảm thấy vui vẻ chẳng hạn như ngâm mình trong bồn nước nóng, ngủ trưa hoặc ăn món ăn yêu thích. Chúng có thể giúp ích cho bạn rất nhiều.

Ghi lại cảm xúc của bản thân

Nhiều người thấy rằng việc viết nhật ký để bày tỏ cảm xúc của họ thật sự rất hiệu quả.

Điều này có thể được sử dụng để viết ra những điều tích cực mà mọi người cảm thấy biết ơn, nhằm giúp họ chuyển quan điểm tiêu cực sang quan điểm tích cực hoặc thực tế hơn.

Việc viết nhật ký cũng có thể hữu ích khi viết về các mục tiêu cuộc sống và các bước cần thực hiện để đạt được mục tiêu ấy, từ đó họ sẽ có mục tiêu để tập trung và hướng tới.

Kiểm Soát Chứng Trầm Cảm

Dưới đây là một số cách mà bạn có thể áp dụng để quản lý căn bệnh trầm cảm của bản thân. Hãy nhớ rằng đây chỉ là thông tin chung và không thể thay thế cho lời khuyên chuyên môn. Nếu bạn hoặc ai đó bạn biết đang phải vật lộn với cảm giác trầm cảm cản trở cuộc sống hàng ngày, bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia.

Liệu pháp nhận thức - hành vi

Có nhiều loại trị liệu tâm lý khác nhau có thể giúp kiểm soát các dấu hiệu trầm cảm. Một loại trị liệu phổ biến đã được chứng minh có tác dụng tích cực đáng kể đó chính là CBT.

CBT là một phương pháp trị liệu phổ biến và thậm chí còn được chứng minh là hiệu quả hơn cả sử dụng thuốc trong một số trường hợp.

CBT có tác dụng giải quyết những suy nghĩ tiêu cực của một người về bản thân họ và quản lý những suy nghĩ ấy bằng điều gì đó thực tế và hữu ích hơn.

Với nhà trị liệu, những kiểu suy nghĩ tiêu cực tự động có thể được giải quyết. Những suy nghĩ tiêu cực tự động có thể bao gồm việc tự nói chuyện tiêu cực với bản thân, có thể xâm nhập tâm trí một cách bất thình lình mà ta không nhận thức được chúng. Tương tự như vậy trong CBT, các mục tiêu có thể được đặt ra cho khách hàng, những gì họ muốn đạt được sau khi hoàn thành các buổi trị liệu.

Hoàn thành các hoạt động trong các buổi trị liệu với mục đích giải quyết những mối bận tâm cụ thể của khách hàng. Các 'bài tập về nhà' cũng được giao, chẳng hạn như hoàn thành bài luyện tập hoặc thực hành các bài tập thư giãn để có thể áp dụng các kỹ thuật này sau giờ trị liệu chính.

Nghiên cứu cho thấy rằng CBT có thể có tác dụng lâu dài sau khi hoàn thành các buổi tập, và những tác động này thường có thể ngăn ngừa các dấu hiệu trầm cảm tái phát.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng CBT không dành cho tất cả mọi người, một số người có thể tái phát sau một khoảng thời gian, và có thể có các liệu pháp thay thế có hiệu quả tương đương hoặc hơn thế.

Sử dụng thuốc

Đối với trầm cảm, có rất nhiều lựa chọn cho việc điều trị. Bác sĩ có thể kê đơn điều trị bằng thuốc, thường sẽ ảnh hưởng đến chất dẫn truyền thần kinh của não. Thuốc chống trầm cảm là loại thuốc phổ biến dành cho những người bị trầm cảm và chúng có nhiều loại khác nhau.

Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) là một loại thuốc chống trầm cảm, đúng như tên gọi, ảnh hưởng đến chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Chúng hoạt động bằng cách ngăn chặn sự tái hấp thu serotonin của tế bào thần kinh tiền synap đã giải phóng nó.

Điều này có nghĩa rằng sẽ có nhiều serotonin lưu thông qua khớp thần kinh hơn, khiến hóa chất này có nhiều khả năng tiếp cận các thụ thể của tế bào thần kinh tiếp theo hơn. SSRI thường mất vài tuần mới phát huy tác dụng, nhưng chúng được kê đơn rộng rãi để đánh giá mức độ chấp nhận của mọi người, cũng như hiệu quả của chúng trong việc cải thiện tâm trạng và giảm các dấu hiệu trầm cảm.

Tuy nhiên, chúng có thể gây ra các tác dụng phụ như đau đầu, khô miệng và buồn nôn.

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI) là một loại thuốc chống trầm cảm khác hoạt động tương tự như SSRI ở chỗ chúng ngăn chặn sự tái hấp thu serotonin. Tuy nhiên, chúng cũng ngăn chặn sự tái hấp thu của chất hóa học norepinephrine.

Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều chất hóa học lưu thông trong não hơn và có tác động tích cực đến tâm trạng cũng như các dấu hiệu trầm cảm. Trong một số trường hợp, SNRI dường như có hiệu quả điều trị trầm cảm hơn SSRI. Tuy nhiên, SNRI có xu hướng gây ra nhiều tác dụng phụ hơn và có thể không được dung nạp tốt như SSRI.

Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs) là một nhóm thuốc chống tr.ầm cả.m cũ hơn, hoạt động bằng cách ngăn chặn chức năng của các enzyme phá vỡ chất dẫn truyền thần kinh gọi là monoamine oxidase.

Nếu các enzym bị chặn bởi MAOIs, sẽ có nhiều serotonin, dopamine và norepinephrine lưu thông quanh não hơn.

Ngày nay, MAOIs thường không được kê đơn nữa vì chúng có tác dụng phụ rất nhiều và mạnh đối với cơ thể, cũng như phải tuân thủ các hạn chế về ăn uống nếu dùng thuốc này.

Mặc dù việc sử dụng thuốc chống trầm cảm rất được ủng hộ, nhưng cần lưu ý rằng các loại thuốc có tác dụng khác nhau đối với mỗi người. Do đó, chúng không phải là lựa chọn thích hợp để sử dụng rộng rãi.

Liệu pháp kích thích não

Trong trường hợp các loại trị liệu khác không có tác dụng, những người có dấu hiệu trầm cảm nặng có thể được khuyên nên thử các liệu pháp kích thích não. Một loại trong số đó là liệu pháp sốc điện (ECT) bao gồm việc truyền các xung điện ngắn vào não.

Trong khi các phương pháp điều trị khác không đáp ứng được người bệnh, ECT đã mang lại kết quả khả quan cho những người bị trầm cảm nặng.

Hầu hết mọi người đều báo cáo lại rằng có sự cải thiện sau khoảng 4 đến 6 lần điều trị, mỗi lần kéo dài khoảng 10 phút. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi trị liệu ECT bao gồm đau đầu, buồn nôn và mất trí nhớ.

Một liệu pháp kích thích não khác là kích thích từ trường xuyên sọ (TMS). TMS tạo ra từ trường để kích thích tế bào thần kinh trong não giúp cải thiện các dấu hiệu bệnh trầm cảm.

Khi trị liệu bằng TMS, một cuộn dây điện từ cỡ lớn được đặt trên đầu người bệnh và các xung điện ngắn được truyền vào vùng não nơi được cho là kiểm soát cảm xúc. Thông thường, sẽ có rất nhiều phiên điều trị bằng TMS, mỗi phiên kéo dài khoảng 40 phút trong khoảng thời gian vài tuần.

Liệu pháp này không được khuyến khích sử dụng với những người bị trầm cảm kèm theo rối loạn tâm thần hoặc những người có nguy cơ tự tử cao. TMS có thể có tác dụng phụ như co cơ ở mặt và đau đầu.

Phong cách sống

Những cách điều trị trầm cảm khác có thể bao gồm tập thể dục, chẳng hạn như tập thể dục nhịp điệu. Một cuộc đánh giá có hệ thống cho thấy tập thể dục nhịp điệu đã cải thiện các dấu hiệu của những người được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm một cách đáng kể so với sử dụng thuốc chống trầm cảm hoặc các phương pháp điều trị khác (theo Morres và cộng sự, 2019).

Tương tự như vậy, các bài tập thư giãn như yoga, hít thở sâu hoặc thiền cũng có thể giúp giảm bớt các dấu hiệu trầm cảm.

Cuối cùng là một chế độ ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc cũng có thể góp phần làm giảm cảm giác buồn bã hoặc trầm cảm.

Chánh niệm

Chánh niệm là thực hành tập trung sự chú ý vào thời điểm hiện tại mà không để bị xao nhãng. Điều này có thể được thực hiện thông qua thiền định hoặc thậm chí thông qua việc hoàn thành các công việc hàng ngày có thể giúp họ hiểu thấu vấn đề hơn (ví dụ: khi gấp quần áo, đi dạo hoặc pha một tách trà).

Khi sử dụng chánh niệm để tập trung vào hiện tại, chúng ta ít tập trung vào những suy nghĩ tiêu cực, suy nghĩ vẩn vơ hoặc cảm giác lo lắng về tương lai hơn. Vì vậy, chánh niệm có thể giúp xoa dịu tâm trạng.

Chánh niệm và giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (MBSR) đã được chứng minh là phương pháp đặc biệt hữu ích và tiết kiệm chi phí, được dùng để điều trị chứng trầ.m cả.m trong đại dịch COVID-19 (theo Behan, 2020).

Một nghiên cứu dựa trên việc trả lời bảng câu hỏi cũng cho thấy việc thực hành chánh niệm làm giảm cảm giác trầm cảm thông qua việc giảm mức độ lo lắng và suy nghĩ nhiều (theo Parmentier và cộng sự, 2019).

Liệu Nỗi Buồn Có Ích Lợi Gì Không?

Mặc dù nỗi buồn có thể là một cảm xúc không mấy dễ chịu, nhưng nó cũng giúp ích cho cuộc sống của chúng ta. Nỗi buồn có thể hữu ích theo nhiều cách:

  1. Tạo bước đệm cho quá trình giải quyết vấn đề và chữa lành: Nỗi buồn có thể giúp chúng ta xử lý, vượt qua những cảm xúc, trải nghiệm khó khăn và cho phép chúng ta chữa lành, tiến về phía trước.
  1. Nuôi dưỡng sự đồng cảm và gắn kết: Nỗi buồn cũng có thể giúp chúng ta kết nối với người khác và xây dựng sự đồng cảm bằng cách cho phép chúng ta hiểu và liên hệ bản thân với trải nghiệm của họ.
  1. Thúc đẩy sự thay đổi: Nỗi buồn có thể thúc đẩy chúng ta thay đổi cuộc sống hoặc hành động để giải quyết vấn đề gốc rễ.
  1. Nhận ra các giá trị: Nỗi buồn có thể dạy ai đó về các giá trị bằng cách nêu bật những điều quan trọng đối với ta, cũng như những điều ta cần phải bảo vệ hoặc ưu tiên trong cuộc sống.     

Tóm lại, mặc dù nỗi buồn có thể gây khó chịu nhưng nó cũng có thể đóng một vài trò quan trọng nào đó và là một cảm xúc quý giá trong đời sống tình cảm của chúng ta.

Tác giả: Olivia Guy-Evans, MSC

Dịch giả: Ngọc My - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

Bài gốc: Depression Vs. Sadness: Understanding The Differences

menu
menu