Hướng nội không phải là nhút nhát
Bill Gates trầm lặng và có vẻ mọt sách, nhưng không hề cảm thấy lo lắng hay bối rối vì ý kiến của người khác về mình: ông là một người hướng nội, nhưng không nhút nhát.
Bill Gates trầm lặng và có vẻ mọt sách, nhưng không hề cảm thấy lo lắng hay bối rối vì ý kiến của người khác về mình: ông là một người hướng nội, nhưng không nhút nhát.
Barbra Streisand có tính cách vui nhộn, hòa đồng, thu hút. Sự thật là bà cũng phải vật lộn với chứng sợ sân khấu đến mức tê liệt: bà là một người hướng ngoại nhút nhát.
Nhút nhát và hướng nội không phải là một. Nhút nhát là sợ bị phán xét tiêu cực, còn hướng nội là thích môi trường yên tĩnh, ít tác nhân kích thích từ môi trường. Một số nhà tâm lý thể hiện hai xu hướng này trên trục tung và trục hoành: phổ hướng nội-hướng ngoại trên trục hoành, và phổ lo lắng-ổn định trên trục tung. Với mô hình này, ta sẽ có bốn góc phần tư các loại tính cách: hướng ngoại bình tĩnh, hướng ngoại lo lắng (hay bốc đồng), hướng nội bình tĩnh, và hướng nội lo lắng.
Điều thú vị là, quan điểm về bản chất con người này đã có từ thời Hy Lạp cổ đại. Các bác sĩ như Hippocrates và Galen nổi tiếng với phát biểu rằng tính khí và số phận là một chức năng của các chất dịch cơ thể. Dư máu khiến người ta lạc quan (hướng ngoại bình tĩnh), mật vàng khiến họ hay tức giận (hướng ngoại bốc đồng), đờm khiến họ lạnh lùng (hướng nội bình tĩnh), và mật đen khiến họ buồn bã (hướng nội lo lắng).
Nhưng nếu tính nhút nhát và hướng nội quá khác nhau, tại sao chúng ta lại hay đánh đồng hai đặc trưng này, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông?
Câu trả lời quan trọng nhất là: xã hội có xu hướng không ưa cả hai tính cách này. Tâm trạng của một người hướng ngoại nhút nhát ngồi lặng lẽ trong một cuộc họp kinh doanh có thể rất khác với tâm trạng một người hướng nội bình tĩnh. Người nhút nhát thì sợ nói lên ý kiến của mình, trong khi người hướng nội chỉ đơn giản là bị kích thích quá độ, nhưng với mọi người, hai loại dường như giống nhau, và cả hai không được hoan nghênh. Nghiên cứu cho thấy rằng chúng ta xếp hạng người nói nhanh và hay nói là có năng lực hơn, đáng yêu hơn, và thậm chí là thông minh hơn những người nói chậm.
Không kể Galen, các nhà thơ và nhà triết học trong suốt thời kỳ lịch sử, như John Milton và Arthur Schopenhauer, đã đánh đồng sự nhút nhát với hướng nội. Nhà nhân chủng học C.A. Valentine đã từng viết:
Truyền thống văn hóa phương Tây có quan niệm khác lạc hậu nhưng lan truyền rộng rãi và tồn tại dai dẳng về cá tính. Người ta cho rằng người hành động, người thực tế, người hiện thực, hoặc người hòa đồng, trái ngược với người suy tư, người mơ mộng, người lý tưởng, hoặc người nhút nhát. Và hơn tất cả, họ “dán nhãn” con người gắn với hai nhóm tính cách bên trên thành người hướng ngoại và người hướng nội.
Các nhà hiền triết này có sai hoàn toàn không? Không. Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng sự nhút nhát và hướng nội có chồng chéo nhau (nghĩa là nhiều người nhút nhát là hướng nội, và ngược lại), mặc dù cũng còn có nhiều quan điểm khác. Có nhiều lý do cho sự chồng chéo này. Một mặt, một số người bẩm sinh có tính khí “quá nhạy cảm” khiến họ vừa nhút nhát vừa hướng nội. Ngoài ra, một người nhút nhát có thể trở thành hướng nội hơn theo thời gian; vì đời sống xã hội đau khổ, người ấy bị thôi thúc khám phá những niềm vui của sự cô đơn và môi trường ít tiếp xúc xã hội khác. Và một người hướng nội có thể trở nên nhút nhát sau khi liên tục nhận được thông điệp rằng mình có điều gì đó không ổn.
Nhưng sự nhút nhát và hướng nội không trùng nhau hoàn toàn, thậm chí là không trùng nhiều. Cách đây ít lâu, tôi có đăng bài trên tờ The New York Times về giá trị của hai tính cách kể trên. Bài viết chạm vào nhóm độc giả đang đói thông tin về chủ đề này. Nó nhanh chóng trở thành bài báo số một được chia sẻ email, và tôi nhận được hơn một ngàn thư cảm ơn chân thành.
Nhưng theo trong thư, một số người cảm thấy rằng bài báo đã gộp chung hướng nội với sự nhút nhát, và như vậy, đã nói không đúng về họ. Mặc dù tôi thực sự đã phân biệt rõ ràng hai tính cách trong bài viết, nhưng các thư phản hồi đã đúng: tôi đã chuyển chủ đề quá nhanh khỏi vấn đề nhút nhát và hướng nội. Tôi đã đi nhanh vì khuôn khổ bài báo không cho phép, bởi nếu quá đi sâu, tôi sẽ không nói được trọng tâm: tầm quan trọng của sự nhút nhát và hướng nội trong một xã hội không ưa cả hai tính cách này (sẽ được nói rõ hơn trong một bài viết khác).
Tuy nhiên, tôi hiểu tại sao những người có tính hướng nội bình tĩnh cảm thấy bực mình khi người ta xử sự như thể họ là người nhút nhát. Bị hiểu lầm, bị gán cho một tính cách trong khi mình không phải vậy thì dĩ nhiên là rất khó chịu. Đang đi bộ xuống phố, đầu óc chìm trong suy tư thì bỗng có một người lạ nào đó dạy cho mình cách mỉm cười, vì họ tưởng ta đang chán nản, thật tức điên lên được!
Ngoài ra, nhút nhát hay được hiểu là phục tùng. Và trong một nền văn hóa cạnh tranh, tôn thờ quyền lực, việc tỏ ra thua kém người khác có lẽ là tính cách tệ hại nhất trên đời.
Tuy nhiên, đây là nơi mà người nhút nhát và người hướng nội, dù là khác biệt, có một cái chung sâu sắc: Cả hai loại đều không được xã hội xem trọng, và điều này khiến cho cả hai thấy được xã hội này đánh giá quá cao quyền lực như thế nào, và sự tôn kính quyền lực làm chúng ta không thấy được những điều tốt đẹp, thông minh và minh triết. Vì những lý do rất khác nhau, người nhút nhát và hướng nội có thể chọn sống đằng sau hậu trường hay theo đuổi công việc “thầm lặng” như phát minh, nghiên cứu, hoặc cầm tay người sắp chết (chăm sóc người bệnh). Đó không phải là những công việc quyền lực, nhưng những người làm những công việc ấy luôn luôn là những hình mẫu đáng ngưỡng mộ trong xã hội này.
SOURCE: PsychologyToday
Nguồn dịch: Ecoblader