Kẻ ăn mày tình cảm - nhân tố tạo nên một tình bạn bất cân xứng

ke-an-may-tinh-cam-nhan-to-tao-nen-mot-tinh-ban-bat-can-xung

Có thể bạn đã từng chứng kiến hay tham gia vào một mối quan hệ bạn bè bất cân xứng, nơi một người luôn mong muốn, nài nỉ để có được sự quan tâm, chú ý từ bạn mình, và người còn lại thì không như thế.

Có thể bạn đã từng chứng kiến hay tham gia vào một mối quan hệ bạn bè bất cân xứng, nơi một người luôn mong muốn, nài nỉ để có được sự quan tâm, chú ý từ bạn mình, và người còn lại thì không như thế. Trong một số trường hợp, người phụ thuộc vào tình cảm của bạn mình còn vô tình khiến cho mối quan hệ hiện có ấy trở thành những cuộc tương tác giữa kẻ ăn xin và người ân nhân, khi họ chỉ cầu xin được nhận lấy mà không có gì để cho đi. Lẽ đương nhiên, biểu hiện này có vẻ rất thông thường, kể cả ở những tình bạn cân bằng nhất. Ví dụ như những ngày một người phải trải qua nhiều mất mát, cảm thấy buồn bã, ốm đau, kiệt sức, người còn lại sẽ trở thành “bờ vai”, sẵn sàng lắng nghe, nâng đỡ bạn mình. Tuy nhiên, với một tình bạn “có qua có lại”, sự mất đối xứng sẽ chỉ diễn ra vào những ngày nhất định, những hoàn cảnh nhất định. Sau tất cả, người cần được quan tâm, chăm sóc cũng sẽ sớm thay đổi, cán cân sẽ trở về vị trí thăng bằng vốn có.

Trong tình bạn “một chiều”, đó lại là một vấn đề đáng lo: Cho đi mãi nhưng chẳng khi nào nhận lại.

Có những trường hợp người nhận về tình cảm của bạn mình vẫn đền đáp, nhưng lại không đúng cách. Điển hình là thông qua quà cáp, giống như cách một nữ hoàng ban thưởng cho người có công vậy. Khi đó, ngoài mặt, họ có thể là người mang đến sự đáp nghĩa cho đối phương, nhưng giá trị vật chất không phải là hình thức trả ơn khiến người khác chấp nhận một cách tự nhiên nhất, và chính họ cũng không trở nên gần gũi hơn với người bạn tốt của mình. Như vậy, ở một góc độ sâu hơn, họ vẫn là kẻ ăn xin, dù cho thực tế họ có thể là người giàu sang và quyền lực nhất.

Source: Suzy Hazelwood/Pexels

Vậy con người có thực sự biết được mình đang ở trong một mối quan hệ bất cân xứng như thế không? Chúng ta nên làm gì khi trong hội bạn của mình thực sự có một người bạn đang đòi hỏi quá nhiều sự quan tâm từ người khác hoặc chợt nhận ra chính mình đang đóng vai một kẻ ăn xin?

Hãy tiếp cận vấn đề ở lăng kính của người “ăn mày tình cảm” trước. Người lệ thuộc vào sự quan tâm của bạn bè không nhận thấy được cái giá mà người khác phải trả để nuôi dưỡng một mối quan hệ. Một sự thật có thể giải thích cho điều này đó là những ai thường xuyên có tâm trạng ão não, buồn phiền thường hiểu nhầm người có tính cách vui vẻ luôn sở hữu một nguồn năng lượng tích cực vô tận sẵn sàng để ban phát. Điều đó về cơ bản là sai! Vì dù cho một người có tích cực và năng động đến đâu, cảm xúc của họ vẫn rất dễ bị kéo xuống khi cố gắng nâng đỡ tâm trạng của một ai đó khác. Hiểu đơn giản hơn, giả như có ai đó cứ liên tục nhảy vào bể bơi của bạn để làm dịu cơ thể, chẳng mấy chốc, nước trong bể cũng không còn mát mẻ nữa. Nên nhớ rằng, nếu việc cho đi cứ mãi tiếp diễn, người bạn “ân nhân” đến lúc nào đấy cũng sẽ cảm thấy bị đè nén bởi một áp lực vô hình luôn thúc ép họ phải cho đi: Cho đi thời gian và năng lượng của họ, sự tích cực, và bất cứ thứ gì mà người bạn kia đòi hỏi.

Điều mà tôi muốn truyền đạt ở đây là KHÔNG NÊN CÓ SỰ ÉP BUỘC NÀO TRONG TÌNH BẠN cả! Bạn bè của bạn không phải là một nhà trị liệu, không phải là nhân viên công tác xã hội, lại càng không phải một vị cứu tinh của bạn. Chúng ta phải luôn thay phiên nhau thực hiện vai trò “người cho”, “người nhận”, và không ai nên đảm nhận cố định một trong hai vai trò ấy vĩnh viễn. Một nhà trị liệu hay một nhân viên công tác xã hội, suy cho cùng, chỉ thực hiện một công việc, mà tình bạn thì lại không nên mang cảm giác của một công việc như thế. Tương tự, việc trở thành ân nhân của người khác, trên những nguyên tắc ứng xử cơ bản nhất, cũng không phải nghĩa vụ của ai. Tất nhiên trong cuộc đời cũng sẽ có những người, đã từng giúp đỡ bạn trong quá khứ. Trong trường hợp ấy, bạn cần có thái độ cảm kích và sẵn sàng hỗ trợ khi có thể. Nhưng nếu người đó chẳng hề làm gì cho bạn, và lắm khi lại áp đặt bạn thì đây lại là sự nhầm lẫn giữa trách nhiệm phải làm và lòng tự nguyện nhân ái.

Cũng có những trường hợp, người cho đi lại không cảm thấy chút gánh nặng hay mệt mỏi nào. Trái lại, họ thầm tận hưởng một tình bạn không cân xứng vì những lý do mà người khác khó có thể chấp nhận. Ví dụ như trong tiểu thuyết Le Cousin Pons của Balzac, tình bạn giữa hai nhân vật chính trở nên gắn kết mạnh mẽ vì Schmucke tin rằng anh ấy hơn Pons về mọi mặt. Balzac viết rằng:

“Schmucke hiểu rằng Pons dở tệ về mọi thứ, và vì thế lại càng thương Pons bất hạnh hơn. Không có gì vun đắp cho một tình bạn kiên cố bằng thứ niềm tin rằng bản thân luôn ưu việt hơn bạn của mình.”

Nguyên tác: “Schmucke understood [that Pons is inferior] and loved poor Pons the better. Nothing so fortifies a friendship as a belief on the part of one friend that he is superior to the other.” [1]

Dù những người cho đi với tư duy như Schmucke không cảm thấy mệt mỏi với mối quan hệ như thế, động lực để tạo nên nó lại khiến chúng ta phải suy ngẫm. Nếu phát triển một mối quan hệ mà chỉ dựa trên một trụ cột duy nhất cùng với một sự so sánh khập khiễng, mối quan hệ ấy không thể xem là một tình bạn được. Nếu có, đó là một tình bạn mục ruỗng, không bền. Mặt khác, nếu như trong hội bạn thật sự có một người đã quá “vã” để màng đến những sự so bì, và sẵn sàng chấp nhận gọi đó là “tình bạn”, thì đây chỉ là loại quan hệ bị gắn mác “tình bạn” và chỉ có một bên có lòng tự trọng mà thôi. Dù là trường hợp nào đi nữa, kiểu quan hệ này rất khó để trở thành bằng chứng xác minh cho sự tồn tại lâu dài của một tình bạn bất cân xứng.

Vậy người ta có biết rằng mình đang ở trong một tình bạn bất cân xứng không? Thường thì người cho đi sẽ cảm nhận được điều đó. Nếu một người thường xuyên ban phát lòng tốt mà không nhận lại gì, người ấy dễ mang cảm giác mình đã cho vay một khoản nợ không ai trả. Trái lại, người nhận thì lại có xu hướng chẳng mảy may nhớ đến món nợ ấy. Hay nói một cách đơn giản, một người thì luôn có thể nhấc máy để nghe điện thoại, người kia thì luôn “số máy vừa gọi hiện không liên lạc được”. Người luôn thụ hưởng và lệ thuộc tình cảm của bạn bè chính là bên thụ động, thiếu tự nguyện và hầu như không có thời gian cho người kia. Điều này dẫn đến kết luận không mấy bất ngờ: Những ai chỉ luôn nhận điều mình cần thì hiếm khi nghĩ đến việc tự hỏi: “Liệu điều đó có vui vẻ gì với bạn mình không?” 

Thỉnh thoảng, người sắm vai kẻ nhận cũng có những lần “sáng mắt” khi họ trở thành người cho đi trong một mối quan hệ bất cân xứng khác. Điều này cho thấy rằng nếu bạn đang là “kẻ ăn xin” của một người, không có nghĩa là ai đó không thể trở thành “kẻ ăn xin” của bạn. Sự đảo ngược vai trò ấy có thể mang lại cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc hơn: Có lẽ người đã luôn giúp đỡ mình đang nhìn mình với đôi mắt mà mình đang dùng để nhìn người bạn luôn đòi hỏi kia. Cũng nhờ vậy, người thường xuyên nhận cũng sẽ có lúc muốn giúp đỡ, nhưng cũng hiểu rõ rằng mối quan hệ ấy sẽ thật bất công khi phía bên kia liên tục yêu cầu mình phải làm điều họ muốn.

Điều cuối cùng tôi muốn chỉ ra, đó là một tình bạn bất cân xứng KHÔNG PHẢI LÀ BẤT ĐỒNG ĐẲNG CẤP trong quan hệ bạn bè. Một mặt, bạn thực sự rất khó để duy trì quan hệ bạn bè với một người luôn tỏ ra mình ở đẳng cấp cao vời. Lấy trường hợp của nhà báo Neil Drumming với tác giả Ta-Nehisi Coates. Drumming từng là người bạn rất thân thiết với Coates trước khi Coates thành công với một tác phẩm nằm trong danh sách bán chạy nhất của The New York Times.

“Tôi biết Ta-Nehisi vẫn thế, một anh chàng ấm áp, hài hước, tò mò và đam mê truyện tranh. Nhưng giờ anh ấy đã trở thành một tác giả nổi tiếng ở Paris, nhận những giải thưởng danh giá trong bộ áo vest đuôi tôm lịch lãm, trang trọng, và được nhắc đến bởi Tom Morrison và Jay Z. Anh ấy đã hoàn toàn lột xác theo cách mà tôi không thể. Và khi con người đổi thay, họ dần xa cách. Điều này khiến tôi lo ngại về tình bạn của mình.

Điển hình là khi chúng tôi lên kế hoạch. Vài tháng trước, Ta-Nehisi cùng một người bạn thân khác của tôi tên là Rick và tôi đã dự định sẽ đi ăn trưa tại quán rượu Half King quen thuộc ở quê nhà phía Đông. Đó thực sự là một quán rượu nổi tiếng với dịch vụ tốt, bia ngon và đồ ăn khá đàng hoàng. Thế mà sáng ngày hẹn, anh ấy nhắn và bảo chúng tôi nên gặp nhau ở khách sạn Marlton xa xỉ. Lời giải thích của anh ta? “Tôi sắp trở thành anh bạn này rồi!” (Ý nói đến Rick)

Rick có vẻ hiểu ngay. Kể từ khi được ăn ở Paris về, anh ta cứ đùa cợt rằng thức ăn ở quê nhà như “cẩu lương” vậy. Ta-Nehisi cũng phản hồi: “Đúng là gần giống rồi đấy!””

Trường hợp của Drumming và Coates không phải là một tình bạn bất cân xứng, mà thực sự là mối quan hệ mà một bên không thể chịu nổi “bệnh sao” của bên còn lại. Sự bất đồng trong trường hợp này đòi hỏi một cuộc bàn luận khác. Ở đây, loại tình bạn bất cân xứng khiến tôi quan tâm chính là những trường hợp mà một thành viên sở hữu điều gì đó và mang điều đó cho một người khác đang rất cần. Như vậy, kiểu quan hệ này dễ gây nhầm lẫn nếu chúng ta xét nó dựa trên nhận thức về nghĩa vụ, về sự bất mãn của một phía, hoặc tệ hơn: Sự phân biệt đẳng cấp giữa một người với một người khác trong hội bạn. 

Mặt khác, với một tình bạn thật sự, vấn đề đơn giản chỉ là một người có khả năng kết thân với người khác thì đó là tình bạn. Vì thế, một tình bạn có thể trở nên cân xứng dù cho những thành viên trong nó khác biệt với nhau về đẳng cấp, địa vị hay tuổi tác, miễn là mỗi người đều là người cho đi, đều là kẻ nhận lại, ai cũng có thể đạt được lợi ích gì đó cho bản thân từ việc dành thời gian cho người khác.

Một mối quan hệ giữa các nhóm người khác biệt đẳng cấp có thể tạo cảm giác bất cân xứng cho người ngoài. Nhiều năm trước, tôi có biết hai người phụ nữ trẻ là bạn của nhau. Với cương vị là một người ngoài cuộc, tôi cho rằng đây là một tình bạn bất cân xứng. Một người thì rất nổi tiếng và được biết đến là một cô gái khôn ngoan trong mọi việc. Người còn lại thì trông ốm yếu thảm hại và có vẻ như cô mắc phải một số vấn đề thần kinh. Tuy không đủ rõ để kết luận rằng cô không ổn, nhưng đủ nghiêm trọng để mọi người nghi vấn tình trạng của cô. Cô ấy có một gia đình rất yêu thương mình, nhưng đời sống bên ngoài thì hầu như chẳng có bạn.

Một số người bắt đầu đặt câu hỏi người phụ nữ trẻ tốt đẹp kia nhận được gì từ cô gái không bình thường này, và mẹ của cô cũng thế. Đến một thời điểm, mẹ cô ấy nhờ sự giúp đỡ của tôi để tìm hiểu xem cô gái quyến rũ, nổi tiếng có đang che giấu điều gì không. Bà ấy là một người bảo bọc con rất kĩ lưỡng, và luôn lo ngại rằng tình bạn có thể khiến con bà bị hụt hẫng, thậm chí đau đớn, nhất là khi cô gái ấy là người bạn duy nhất của con bà.

Tôi đã đồng ý và tiến hành quan sát họ trong một thời gian. Với tất cả lòng thành, tôi có thể nói bọn họ có một tình bạn thật đẹp! Cô gái trẻ ốm yếu bỗng trở thành một người bạn tốt. Trông cô ta thật sự tràn đầy sức sống và luôn vui vẻ mỗi khi ở bên cô bạn nổi tiếng. Hầu như mọi người điều quý mến và muốn được kết thân với cô ấy trong những lúc như vậy!

Câu chuyện cho chúng ta thấy khả năng cho đi của con người thực sự quyền lực khi người nhận biết cách phát triển những điều đó thành những giá trị tốt đẹp. Vì thế, chúng ta cũng có những tiêu chuẩn chọn bạn đáng cân nhắc: 

Chỉ làm bạn với những ai không tạo cho chúng ta cảm giác trở thành người chăm lo cho họ dài lâu, và những ai không đòi hỏi chúng ta phải trở thành nhà trị liệu hay một ân nhân của họ. Một người có thể tìm kiếm nhà trị liệu hay vị cứu tinh riêng nếu cần, nhưng không phải trong quan hệ bạn bè. 

Chú thích:

[1] Balzac, H. (1899). Cousin Betty, Cousin Pons, and Other Stories. Philadelphia, PA: The Gebbie Publishing Company, 110

--------------------------------------------

Dịch giả: Lê Chấn Thịnh

Nguồn: psychologytoday.com

Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

menu
menu