Kẻ bạo hành âm thầm

ke-bao-hanh-am-tham

Anh ta có thể công kích tâm lý của đối phương mà chẳng cần phải lên giọng. Anh ta thường tỏ ra bình tĩnh trong các cuộc cãi vã, dùng chính vẻ điềm đạm của mình làm vũ khí đẩy đối phương đến bờ vực.

Kẻ bạo hành âm thầm

Phong cách của Kẻ bạo hành âm thầm đã chứng minh nỗi tức giận không hẳn sẽ dẫn đến bạo hành. Anh ta có thể công kích tâm lý của đối phương mà chẳng cần phải lên giọng. Anh ta thường tỏ ra bình tĩnh trong các cuộc cãi vã, dùng chính vẻ điềm đạm của mình làm vũ khí đẩy đối phương đến bờ vực. Anh ta thường mang một nụ cười tự đắc hoặc khinh khỉnh trên mặt, chảnh chọe và tự cho mình là đúng. Anh ta sử dụng một danh mục các thủ thuật giao tiếp mang tính công kích, với một hàm lượng nhỏ, bao gồm châm biếm, chế nhạo – ví dụ như cười vào mặt đối phương – nhại lại cô, cùng với những câu phê bình gay gắt, cay nghiệt. Giống như Mr. Right, anh ta có khuynh hướng bẻ ngược những điều cô ấy nói thành một thứ hoàn toàn mới, để khiến cô ấy cảm thấy mình thật ngu ngốc, đặc biệt là trước mặt những người khác. Anh ta làm đối phương hóa điên bằng một luồng những cuộc tấn công tâm lý mức độ nhẹ, chậm mà chắc, và bằng một vài cái xô đẩy hoặc vài cái động chân động tay đủ nhẹ để không để lại những thương tích gây chú ý, nhưng có thể gây tổn hại lớn về mặt tâm lý. Anh ta không bao giờ ngừng nói móc và hành xử xấu tính.

Ảnh hưởng của những thủ đoạn tinh vi kiểu đó lên một người phụ nữ là: hoặc sẽ khiến cô sôi máu, hoặc cô ấy sẽ cảm thấy ngu ngốc và tự ti, hoặc là sự kết hợp của cả hai thứ trên. Trong cuộc tranh luận, cô ấy có thể sẽ bị đẩy vào thế phải gào thét trong thất vọng, khóc lóc chạy khỏi phòng, hoặc thu mình vào im lặng. Kẻ bạo hành âm thầm sau đó sẽ nói: “Thấy không, cô mới là kẻ bạo hành, không phải tôi. Cô mới là kẻ gào tướng lên và không chịu nói chuyện một cách lý trí. Tôi còn chưa lên giọng với cô nhé. Đúng là không thể nào nói lý với cô được mà.”

Những ảnh hưởng tâm lý của việc sống chung với một Kẻ bạo hành âm thầm là rất nghiêm trọng. Thủ đoạn của anh ta khó mà nhận ra, nên chúng mới dễ thẩm thấu sâu như vậy. Phụ nữ khó mà không tự đổ lỗi cho bản thân về những phản ứng của họ với việc anh ta đã làm, khi mà họ thậm chí còn không gọi tên được những việc đó là gì. Khi một ai đó tát vào mặt bạn, bạn biết mình vừa bị tát. Nhưng khi một phụ nữ cảm thấy bị tấn công tâm lý sau cuộc tranh cãi với Kẻ bạo hành âm thầm, mà chẳng hiểu tại sao, cô có thể thất vọng với chính mình. Giả sử bạn muốn tìm kiếm sự trợ giúp từ bạn bè, nhưng bạn không biết làm sao mô tả cho họ hiểu chuyện gì sai trái đang diễn ra?

Kẻ bạo hành âm thầm thường thực sự tin rằng chẳng có thứ gì bất bình thường trong hành vi của anh ta hết. Khi cô ấy bắt đầu đối chất về tính bạo hành của anh ta – điều mà cô ấy sẽ làm, không sớm thì muộn – thì anh ta nhìn cô như thể cô ấy bị điên vậy, và nói: “Cô đang nói cái quái gì vậy? Tôi có làm gì cô đâu?” Bạn bè hay họ hàng từng chứng kiến mối quan hệ của hai người có thể sẽ ủng hộ anh ta. Họ lắc đầu nói với nhau: “Chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra với cô ta nữa. Thỉnh thoảng cô ta cứ gào lên với anh ấy, trong khi anh ấy rất biết kiềm chế.” Con cái họ có thể hình thành một ấn tượng rằng mẹ của chúng toàn “nổi xung vô cớ”. Và rồi cô ấy sẽ tự vấn bản thân liệu có phải cô đang có vấn đề về thần kinh không.

Kẻ bạo hành âm thầm cũng là kẻ bị định hướng bởi động cơ trả đũa như hầu hết những kẻ bạo hành khác, nhưng họ giỏi che đậy hơn. Nếu anh ta có động chân động tay, thì sự bạo hành của anh ta sẽ được truyền tải dưới dạng những cái tát lạnh lùng “vì muốn tốt cho cô thôi” hoặc “để cho cô tỉnh ra”, chứ không phải một cơn thịnh nộ nảy lửa. Từng hành động của anh ta đều đã được tính toán kĩ, và anh ta hiếm khi phạm phải lỗi nào quá rõ ràng – như để lộ ra tính ưa bạo hành ở nơi công cộng – vì điều đó có thể khiến mọi người quay lung lại với anh ta, hoặc dẫn đến những rắc rối về pháp lý.

Nếu bạn từng dính đến một Kẻ bạo hành âm thầm , bạn sẽ phải mất hàng năm trời để hiểu chuyện gì đang diễn ra. Bạn sẽ cảm thấy mình đang phản ứng thái quá với hành vi của anh ta, trong khi anh ta thì không quá tệ đến mức ấy. Nhưng những tác động từ sự kiểm soát và khinh miệt của anh ta với bạn thì đã len lỏi vào sâu trong bạn nhiều năm rồi. Nếu bạn rốt cuộc cũng rời bỏ anh ta, bạn sẽ trải qua những giai đoạn mãnh liệt của sự phẫn nộ muộn màng, bởi vì bạn chợt ý thức được rằng sự đàn áp của anh ta dẫu lặng lẽ nhưng có thể gây chết người ra sao.

Kiểu đàn ông này thường không trụ lại ở các chương trình dành cho người bạo hành lâu, trừ phi anh ta bị triệu tập bởi án lệnh của thẩm phán. Anh ta đã quá quen với việc đạt được mục tiêu bằng những mánh khóe trên, nên anh ta không thể chịu nổi việc tham gia vào một môi trường mà trong đó, các tham vấn viên nhận ra và gọi tên những thủ đoạn của anh ta và khiến anh ta không thể chối bỏ chúng. Anh ta thường sẽ nhanh chóng quả quyết rằng trưởng nhóm của anh ta cũng mất trí y như cô bạn tình của anh ta, rồi bỏ về.

Những thái độ chính điều khiển Kẻ bạo hành âm thầm là:

+ Cô điên rồi. Cô nổi khùng quá vô cớ.

+ Tôi có thể dễ dàng thuyết phục người khác tin rằng cô mới chính là người đang làm mọi thứ rối tung lên.

+ Miễn là tôi còn bình tĩnh, cô không thể gọi những việc tôi làm là bạo hành, dù cho chúng có nhẫn tâm đến đâu.

+ Tôi biết chính xác cách chọc tức cô.

 

Trích từ cuốn sách “Tại sao anh ta làm thế - Giải mã tâm lý kẻ bạo hành” -- Lundy Bancroft

Link đặt sách: https://tiki.vn/tai-sao-anh-ta-lam-the-p39173483.html

menu
menu