Kẻ cắp thích gặp bà già
Thành ngữ "kẻ cắp gặp bà già" thường được dùng chỉ việc những kẻ gian xảo, ranh mãnh bị những người cao tay, dày dặn kinh nghiệm trừng trị.
Thành ngữ "kẻ cắp gặp bà già" thường được dùng chỉ việc những kẻ gian xảo, ranh mãnh bị những người cao tay, dày dặn kinh nghiệm trừng trị. Thực tế cuộc sống ngày nay, các cụ, cả ông lẫn bà, chắc chẳng muốn dây phải những đối tượng này.
Câu thành ngữ của người xưa ý nói "bà già" vốn bậc cao niên, thành thử kinh nghiệm đầy mình, biết cách cất tiền cẩn thận ở nơi an toàn, "kẻ cắp" đừng hòng lấy được của ngoại.
Thế nhưng, thời buổi hiện nay, mặc cho người già cất tiền trong két sắt hay ngân hàng, những kẻ gian xảo vẫn dễ dàng chiếm đoạt. Cũng bởi ngày nay có cái gọi là thao túng tâm lý, và bọn xấu đã mau chóng nhìn ra điểm yếu của những người cao tuổi, cô đơn giữa xã hội công nghệ nhiều lạc lõng.
Ảnh: 123rf.com
Gừng càng già càng... dễ bị lừa
Theo FBI, năm 2023, người Mỹ từ 60 tuổi trở lên mất hơn 3 tỉ USD vào tay những kẻ lừa đảo. Trong đó, số vụ lừa đảo được khiếu nại tới Trung tâm tố giác tội phạm Internet của FBI tăng 14% so với năm trước, ước tính tổn thất tài chính tăng khoảng 11%.
Số vụ lừa đảo thực hiện theo hình thức gọi đến từ trung tâm cuộc gọi (call center) chiếm 40% số vụ, gây thiệt hại ít nhất 770 triệu USD. Con số này vẫn chưa đầy đủ, bởi rất nhiều vụ không được trình báo.
Những mô típ phổ biến của kẻ lừa đảo có thể kể đến như: đóng giả con cháu cần chuyển tiền gấp; gửi sản phẩm tri ân, quà tặng miễn phí cần thanh toán phí vận chuyển; giả mạo công ty điện, nước hối thúc đóng phí, nếu không sẽ cắt dịch vụ; giả danh cơ quan nhà nước đe dọa kiện tụng, bắt giữ nếu không đóng tiền phạt; giả thông báo trúng số, yêu cầu đóng thuế, phí để được lãnh tiền thưởng; giả mạo cơ quan thuế yêu cầu đóng thuế thu nhập; giả danh cán bộ an sinh xã hội yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân…
FBI cho rằng người cao tuổi thường rơi vào tầm ngắm của bọn bất lương vì họ có những tố chất thích hợp hậu thuẫn cả quá trình lừa đảo từ A đến Z.
Đầu tiên phải kể đến tiềm lực tài chính. Với bao nhiêu thu nhập tích lũy theo năm tháng, người cao tuổi sở hữu nhiều tài sản giá trị như nhà cửa, tài khoản tiết kiệm, kèm theo lịch sử tín dụng tốt.
Không những có khả năng chi tiêu, người cao tuổi còn có nhu cầu. Ở tuổi xế chiều, họ thường quan tâm đến các sản phẩm hỗ trợ tinh thần và thể chất để giảm thiểu tác động của quá trình lão hóa. Họ sẵn sàng mở hầu bao bất cứ lúc nào cho những nhu cầu này.
Về tính cách, họ có những đặc điểm dễ bị lợi dụng: luôn lịch sự và ngại nói "không", thậm chí ngại cúp ngang điện thoại, giúp những cuộc gọi lừa đảo dễ dàng diễn ra suôn sẻ.
Sau khi bị lừa, người cao tuổi thường mất một thời gian mới nhận ra mọi chuyện. Lúc đó, tâm lý không muốn người thân lo lắng rằng mình đã già, kém minh mẫn khiến họ chần chừ tố giác hay kể với người thân. Đến lúc quyết định kể thì trí nhớ kém của tuổi già khiến cho thông tin cung cấp không còn đầy đủ.
Lời giải của khoa học
Trong một bài viết trên The Conversation ngày 11-6, hai nhà nghiên cứu từ Đại học Florida (Mỹ) cho biết khả năng để một người lớn tuổi phát hiện hành vi lừa đảo phụ thuộc vào năng lực nhận thức, năng lực xã hội, năng lực cảm xúc và sức khỏe não bộ.
Các nghiên cứu của họ cho thấy chức năng nhận thức - chẳng hạn như tốc độ xử lý thông tin của não và khả năng ghi nhớ thông tin đó - suy giảm theo độ tuổi, từ đó ảnh hưởng đến việc ra quyết định.
Ví dụ, ở những người khoảng 70 tuổi trở lên, sự suy giảm khả năng tư duy phân tích có liên quan đến việc giảm khả năng phát hiện thông tin sai sự thật. Nghiên cứu cho thấy những người có nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer dễ bị lừa đảo qua email hơn. Ở chiều ngược lại, dễ bị lừa cũng là dấu hiệu sớm của những bệnh liên quan đến suy giảm nhận thức.
Năng lực xã hội và cảm xúc cũng rất quan trọng. Tâm trạng tiêu cực có thể nâng cao khả năng phát hiện lời nói dối, trong khi tâm trạng tích cực ở tuổi già có thể làm giảm khả năng phát hiện thông tin giả.
Phản ứng của não và cơ thể cũng quyết định việc một cá nhân có dễ bị lừa hay không. Trong đó, nhận thức nội cảm - hay khả năng đọc chính xác các tín hiệu của cơ thể - chính là yếu tố quan trọng.
Nghiên cứu cho thấy những người lớn tuổi từng bị lừa có kích thước vùng não tích hợp các tín hiệu cơ thể với các tín hiệu môi trường nhỏ hơn đáng kể so với bạn đồng niên từng tránh được những cú lừa. Thùy não giảm hoạt động cũng liên quan đến việc khó nhận ra những tín hiệu phân biệt người kém tin cậy hơn.
Thiếu sự hỗ trợ và nỗi cô đơn làm trầm trọng thêm khả năng bị lừa. Đối với nhiều người cao tuổi, hình thức liên hệ xã hội duy nhất đến từ việc giao tiếp với những tổng đài viên tiếp thị qua điện thoại mà rất có thể là bọn lừa đảo. Đang là "tỉ phú thời gian", họ xem việc trả lời điện thoại và email như một thứ có chút ý nghĩa, trong một ngày dài không có gì làm.
Cô đơn còn tăng phụ thuộc vào các nền tảng trực tuyến - "thiên đường" của tội phạm lừa đảo - trong khi người cao tuổi thường ít am hiểu về kỹ thuật số.
Laurie Archbald-Pannone, phó giáo sư y khoa và lão khoa tại Đại học Virginia, ví lừa đảo như "dịch bệnh", và "học cách xác định trước những kịch bản lừa đảo có thể xảy ra" là công cụ chống lây nhiễm tốt nhất cho người lớn tuổi.
Người cao tuổi nên thận trọng với các cuộc điện thoại, thư từ và dịch vụ tận nhà mà bản thân không hề yêu cầu. Nếu người lạ từ đâu gọi tới và bắt ta phải nói dối ngân hàng, gia đình, người thân về lý do cần chuyển tiền hoặc rút tiền thì chắc chắn là lừa đảo.
"Chậm lại một nhịp để suy nghĩ thấu đáo khi bị hối thúc đưa ra quyết định" - Archbald-Pannone khuyên.
Một nghiên cứu trên 1.177 người Anh từ 75 tuổi trở lên do tổ chức từ thiện Re-engage thực hiện cho thấy 80% người tham gia sống một mình và 25% không được ai hướng dẫn cách tránh bị lừa đảo.
"Tôi thường cảm thấy rất bất an khi có điện thoại hoặc tin nhắn. Dù đã cố gắng phớt lờ nhưng chúng khiến tôi cảm thấy không an toàn trong chính ngôi nhà của mình" - một cụ bà 80 tuổi chia sẻ với Re-engage.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều người. Theo nghiên cứu mới của Tổ chức Age UK, gần 20% số người trên 50 tuổi ở Anh - tương đương 4,9 triệu người - sợ trả lời điện thoại vì bị lừa đảo, và 2,8 triệu người trên 50 tuổi sợ mở cửa vì lý do tương tự.
Một cụ bị khuyết tật cho biết: "Có những ngày tôi nhận được nhiều cuộc gọi lừa đảo đến mức muốn hét lên".
Trong trường hợp khác, một cụ ông bị một người phụ nữ quen qua mạng lừa mất số tiền 15.000 bảng Anh ngậm ngùi nói: "Tôi rất đau buồn và tổn thương. Mất số tiền này, tôi không còn đủ để trang trải, đặc biệt khi mà bây giờ lương hưu chỉ là một khoản nhỏ".
PHAN BẢO -- theo Tuổi trẻ Cuối tuần