Khả năng hùng biện (Eloquence) 

kha-nang-hung-bien-eloquence- 

Hùng biện là nỗ lực đưa những ý tưởng khó nhằn vào tâm trí người khác bằng cách sử dụng nghệ thuật quyến rũ thông qua ngôn từ.

Khả năng hùng biện (Eloquence) là năng lực diễn thuyết trước công chúng sao cho trôi chảy, sinh động, trang nhã và đủ sức thuyết phục, thể hiện sức mạnh biểu cảm được bộc lộ qua vẻ đẹp của ngôn từ, nhờ đó mà thu hút và thuyết phục người nghe. Khái niệm hùng biện xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại và Calliope được xem là nữ thần thi ca truyền cảm hứng cho các thiên sử thi và khả năng hùng biện. 

Như vậy, hùng biện là nỗ lực đưa những ý tưởng khó nhằn vào tâm trí người khác bằng cách sử dụng nghệ thuật quyến rũ thông qua ngôn từ. Quản lý nhân viên đòi hỏi phải có tài hùng biện; truyền đạt ý tưởng cho con trẻ đòi hỏi phải có tài hùng biện; và đặc biệt, lãnh đạo một quốc gia thì không thể không có tài hùng biện.

Khả năng hùng biện rất quan trọng đối với bất kỳ sứ mệnh giáo dục nào, bởi những ý tưởng mà ta cần tiếp thu nhất lại chính là những ý tưởng mà ta dễ dàng bỏ qua nhất – do đó ta cần được giúp đỡ tối đa để có được sự chú ý. Những bài học khó nhằn nhất nên được giảng giải bằng sự quyến rũ tinh tế và sáng tạo nhất. Ta cần một sự liên kết sáng tạo giữa giáo dục và khả năng hùng biện.

Ý tưởng về khả năng hùng biện đã được Triết gia Aristotle nghiên cứu ở Athens vào khoảng giữa thế kỷ thứ 4 TCN. Aristotle nhận thấy, dù cho một lập luận có yếu kém thế nào đi nữa nhưng với một mức độ thường xuyên nó vẫn có thể chiến thắng trong các cuộc tranh luận công khai, trong khi một ý tưởng hợp lẽ hơn nhiều có thể bị lấn lướt. Ông không nghĩ điều này là do sự ngu ngốc của khán giả mà chính là do cảm xúc đã đóng vai trò lớn trong việc xác định cách mọi người phản ứng với những gì được nghe và hơn nữa, ai là người nói điều đó.

Khi những cảm xúc sai trái bị kích thích, ta có một kẻ mị dân, sử dụng khả năng hùng biện để phục vụ một mục tiêu nham hiểm. Nhưng nếu ta thừa nhận – và sợ hãi – điều này mạnh mẽ đến mức nào, thì ta cũng đang ngầm nhận ra khả năng cần một giải pháp thay thế tốt hơn, một cách truyền đạt có thể thông minh như nhau về mặt cảm xúc, nhưng hướng đến điều tốt đẹp. Aristotle không muốn những người có tư tưởng cao quý ngừng cố gắng hùng biện, ông muốn cung cấp cho họ vũ khí mà những kẻ lươn lẹo vẫn thường sử dụng. Ông khiếp sợ một thế giới mà ở đó những kẻ ác ý luôn biết cách chạm đến các cảm quan, trong khi những người nghiêm túc, chu đáo lại mắc kẹt vào những sự thật nhạt nhẽo. Do đó, một số bài giảng của ông đã nghiên cứu nghệ thuật hùng biện – và khai sinh ra một trường phái triết học nghiên cứu cách truyền đạt tốt nhất để được thực sự lắng nghe.

Tiểu thuyết ‘Jude – Kẻ vô danh’ của Thomas Hardy (được The Guardian xếp thứ 29 trong số 100 tác phẩm tiếng Anh hay nhất mọi thời đại), là một ví dụ điển hình về việc thể hiện những điều có sức mạnh về mặt cảm xúc – khi nhắc nhở rằng sự đồng cảm của chúng ta sẽ được khơi dậy mãnh liệt hơn bởi những trường hợp cụ thể về những người mà ta cảm thấy gần gũi, hơn là chỉ đưa ra những lập luận trừu tượng. Ở đó, ta thấy Jude, một cậu bé mồ côi sống trong một làng cổ nước Anh thời đại Victoria, tình cờ được khai sáng về trường Đại học và khao khát tri thức cháy bỏng như là mục tiêu của cả cuộc đời mình.

Khả năng hùng biện là giải pháp cho một vấn đề cơ bản: tâm trí ta giống như cái sàng, giữ lại rất ít thông tin; dễ bị phân tâm, tình cảm dễ lấn át lý trí; nỗi ghen tỵ, sợ hãi và nghi ngờ khiến ta chống lại quan điểm của người khác; sự cảm thông của ta sẽ dễ dàng lay động bởi những trường hợp cụ thể, thân quen hơn là những vấn đề mang tính trừu tượng. Để một thông điệp được tiếp thu và lưu giữ đúng cách, ta phải thừa nhận những đặc thù trong tâm trí mình. Chính xác, ngắn gọn và hợp lẽ là chưa đủ. Ta cần làm điều đó theo cách tinh tế hơn: chạm vào các giai điệu của trái tim!

 

Tham khảo từ bài: https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/the-need-for-eloquence/

Thăm blog người dịch tại đây: https://leminh.io/2021/07/eloquence/

menu
menu