8 cách phát triển khả năng quan sát

8-cach-phat-trien-kha-nang-quan-sat

“Anh nhìn, nhưng anh không quan sát.” - Sherlock Holmes trong chương “Vụ bê bối ở Bohemia”

“Anh nhìn, nhưng anh không quan sát.”

- Sherlock Holmes trong chương “Vụ bê bối ở Bohemia”

Có bao giờ bạn cảm thấy như thể mình đang sống trong “chiếc bong bóng” của riêng mình và hầu như không để tâm đến thế giới bên ngoài?

Tất cả chúng ta đều thỉnh thoảng đi lạc trong suy nghĩ của mình hoặc lướt qua những ngày sống trong trạng thái vô thức. Tuy nhiên, điều này khiến chúng ta đánh mất số lượng và chất lượng thông tin, cảm giác tò mò, khả năng tương tác với người, địa điểm và các tình huống quanh.

May mắn là việc phát triển khả năng quan sát không khó và chúng ta hãy tìm hiểu một số cách để thực hiện việc này dễ dàng.

Quan sát

Khi ở vai trò người quan sát, bạn sử dụng các giác quan của mình để kiểm tra điều bạn tò mò và đánh giá những gì bạn trải nghiệm.

“Quan sát” không giống với “nhìn”. Nhìn là ở thể bị động. Ví dụ, bạn nhìn mọi thứ xung quanh khi đi làm nhưng hiếm khi tìm kiếm bất cứ thứ gì cụ thể hoặc ghi chú lại thông tin để sử dụng sau này. Tuy nhiên, quan sát là một quá trình chú ý chăm chú và tích cực để thu thập thông tin cụ thể cho việc đánh giá.

Quan sát môi trường xung quanh là vấn đề sinh tử đối với tổ tiên thời tiền sử của chúng ta - sự sống còn của họ phụ thuộc vào điều này. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Đại học bang Ohio đã chỉ ra rằng kỹ năng quan sát hiện đang bị suy giảm.

Trong thời đại tương đối văn mình này thì thông thường, việc quan sát môi trường xung quanh sẽ không phải là vấn đề sống còn. Tuy nhiên, kỹ năng quan sát vẫn rất quan trọng vì nếu không có kỹ năng này, bạn có thể bỏ lỡ thông tin quan trọng và đưa ra các quyết định kém sáng suốt trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Các nhà tâm lý học Arien Mack và Irvin Rock gọi khuynh hướng bỏ sót các chi tiết quan trọng là "mù không chủ ý".

Tại sao kỹ năng quan sát lại quan trọng

Việc tập cho bộ não quan sát cho phép bạn học hỏi và ghi nhớ nhiều hơn về con người, nơi chốn, sự kiện và các tình huống xung quanh - nhằm nắm bắt các chi tiết bạn có thể bỏ lỡ. Đánh giá nghiêm túc các quan sát sẽ giúp bạn hiểu, đưa ra những kết luận đầy đủ thông tin và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.

Đổi lại, những khả năng này sẽ giúp bạn thúc đẩy kỹ năng làm việc và giao tiếp giữa các cá nhân, cải thiện cách bạn tương tác với mọi người và môi trường xung quanh.

8 cách trau dồi kỹ năng quan sát

Quan sát là một kỹ năng và cũng giống như bất cứ kỹ năng nào khác, bạn đều có thể học và phát triển được. Bằng cách luyện tập, bạn có thể rèn giũa trí óc của mình và tạo thói quen quan sát.

Dưới đây là 8 mẹo giúp bạn quan sát hiệu quả hơn.

Biết đâu là đối tượng quan sát

Cho dù đang quan sát cái gì thì bạn sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi biết rõ đối tượng của mình. Tích hợp những gì bạn thấy với những gì bạn biết là một phần quan trọng của quan sát và bạn chỉ có thể là người quan sát tinh tường khi biết cách hoạt động của một nhóm, một địa điểm hoặc một quy trình.

Chậm lại và nhìn ra bên ngoài

Thật khó để quan sát nếu bạn đang vội vã và cảm thấy căng thẳng. Buộc bản thân tạm dừng hoặc chậm lại và loại bỏ những lời nói huyên thiên trong đầu để rèn luyện hướng sự chú ý ra bên ngoài là điều cần thiết. Hãy thử dùng chánh niệm để giúp bản thân tập trung vào việc quan sát mọi người và môi trường xung quanh.

Thử những điều mới lạ

Bạn có thể phát triển khả năng quan sát của mình bằng cách đến một nơi nào đó mới lạ hoặc thử cái gì đó khác. Cách này sẽ giúp bạn nâng cao nhận thức một cách tự nhiên và khiến tâm trí tập trung. Điều này càng làm thường xuyên thì kỹ năng quan sát sẽ càng phát triển. Một mẹo hữu ích là hãy đến tham quan các viện bảo tàng hoặc phòng trưng bày - những nơi chủ động hấp dẫn bạn trải nghiệm những điều mới lạ và phải quan sát thật kỹ.

Loại bỏ sự xao nhãng

Khả năng quan sát phụ thuộc vào mức độ bạn tập trung và chú ý. Trong cuốn sách xuất bản năm 1987, Peopleware, Tom DeMarco và Timothy Lister nói rằng cần 15 phút để lấy lại sự tập trung sau một lần mất tập trung. Do đó, điều cần thiết là phải giảm thiểu sự phân tâm hoặc loại bỏ hoàn toàn.

Hãy thử các kỹ thuật như lắng nghe chủ động và đưa mình vào trạng thái dòng chảy, điều này có thể giúp bạn tập trung và giảm sự phân tâm đến mức tối thiểu.

Chơi Game

Một bài tập rèn luyện não bộ hiệu quả có thể giúp não tập thể dục và trở nên nhạy bén hơn. Những thử thách như mật mã, câu đố logic cũng như các trò chơi sẽ kích thích não bộ suy nghĩ mạnh mẽ, tăng cường khả năng logic và suy luận. Một bộ não thông minh, nhanh nhẹn hơn giúp bạn quan sát với cái nhìn sâu sắc hơn và suy luận những thông tin không rõ ràng một cách nhanh chóng.

Kiểm tra bộ nhớ

Trí nhớ là khía cạnh quan trọng của quan sát. Một chiến lược hiệu quả để phát triển trí nhớ dài hạn là chọn một ngày hoặc sự kiện trong quá khứ, sau đó viết ra những gì bạn có thể nhớ và viết càng nhiều, càng chi tiết càng tốt.

Để cải thiện trí nhớ ngắn hạn, hãy thử trò Kim’s Game, một kỹ thuật xuất phát từ cuốn tiểu thuyết năm 1901 của Rudyard Kipling, Kim. Yêu cầu ai đó thu thập 15 hoặc 20 món đồ ngẫu nhiên cho bạn. Nghiên cứu tất cả món đồ trong một phút, sau đó quay mặt lại và viết ra hết những vật bạn có thể nhớ được. Đừng chỉ viết tên, hãy mô tả màu sắc, hình dạng, kích thước, v.v. Khi kỹ năng tiến bộ, hãy tăng độ khó của thử thách. Ví dụ, thêm các món đồ có mùi hoặc tạo ra tiếng ồn để kích thích các giác quan khác nhưng giảm thời gian quan sát lại. Bạn cũng có thể chờ vài giờ rồi mới liệt kê những gì mình thấy.

Nghiên cứu các bức ảnh và mô tả lại, chọn các vật ngẫu nhiên và tìm kiếm những vật này ở bất cứ nơi đâu bạn đến và cố gắng liệt kê mọi thứ trong phòng khách là những cách hiệu quả khác nhằm giúp bạn cải thiện khả năng quan sát.

Viết nhật ký

Chọn nơi nào đó ngồi xuống, quan sát và viết chi tiết về những người và những điều bạn gặp. Nhớ là đừng chỉ nhìn mà hãy sử dụng tất cả các giác quan của bạn.

Hãy thử lấy một cuốn sổ phác thảo để bạn cũng có thể vẽ tranh minh họa những gì quan sát được. Đừng lo lắng nếu bức vẽ của bạn không đẹp - bạn không cần phải là một Picasso đời sau! Ngay cả những tác phẩm nghệ thuật cơ bản cũng buộc bạn phải quan sát môi trường xung quanh và đánh giá trước khi đặt bút lên giấy vẽ.

Phát triển kỹ năng tư duy phản biện

Khả năng tư duy phản biện là trọng tâm của việc quan sát. Cách bạn đặt câu hỏi, lập luận và phân tích những gì quan sát được có thể tạo ra hoặc phá hỏng giá trị công việc của bạn.

Tư duy phản biện là một kỹ năng và có nhiều công cụ, kỹ thuật khác nhau để phát triển kỹ năng này. Hãy xem bài viết của chúng tôi về chủ đề này để biết cách thực hiện.

Kết luận

Quan sát là quá trình tập trung vào một sự vật hoặc một người nào đó để thu thập thông tin cho việc đánh giá phê bình. Hành động này không chỉ đơn giản là nhìn một cách thụ động mà còn đòi hỏi phải sử dụng tất cả các giác quan. Khả năng quan sát tốt giúp bạn nắm bắt thông tin tốt và làm việc hiệu quả hơn.

Để cải thiện cách quan sát con người, địa điểm, sự kiện và các tình huống xung quanh, hãy xây dựng nền tảng bằng cách hiểu rõ chủ thể, quan sát chậm lại, loại bỏ sự phân tâm và thử những điều mới. Rèn giũa trí óc bằng cách chơi các trò chơi mang tính thử thách, kiểm tra trí nhớ, viết hoặc vẽ ra những gì bạn quan sát được và trau dồi kỹ năng tư duy phản biện.

Nguồn: mindtools.com

Nội dung được dịch và biên tập bởi Team Trần Đăng Khoa. 

menu
menu