Khen con gái “Ngoan” – Lợi và Hại cho ai
Cuốn sách Lời Nguyền về Con Gái Ngoan: Nuôi dạy những cô gái đích thực với lòng dũng cảm và sự tự tin
Cuốn sách Lời Nguyền về Con Gái Ngoan: Nuôi dạy những cô gái đích thực với lòng dũng cảm và sự tự tin
"Con gái phải ngoan! Không ngoan mẹ không yêu đâu."
"Không ngoan sau này ma nó lấy!"
"Con trai nó hư đã đành, con gái con lứa có mỗi việc ngoan ngoãn cũng không làm xong à?"
"Con thấy bạn Bảo Anh có ngoan không, mẹ bạn ấy nói gì bạn ấy cũng nghe, chẳng chống đối như con!"
"Năm mới chúc con gái mạnh khỏe, ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ!"
--
Từ bao giờ từ "ngoan" đã trở thành một từ đáng sợ, một từ mang đầy quyền lực đối với trẻ con Việt Nam, đặc biệt là với trẻ em nữ. "Ngoan" trở thành một diễn ngôn quyền lực của người lớn - những người cho mình một quyền - đó là quyền được phán xét và đánh giá trẻ em dựa theo tiêu chuẩn người lớn đặt ra.
Nếu phải giải thích cho đứa trẻ hiểu thì thật mất thời gian và không có người lớn nào đủ kiên nhẫn, năng lượng cũng như kỹ năng để làm điều đó, vì vậy mà để nhanh và hiệu quả nhất thì cứ đính kèm với chữ "ngoan" 2 thứ sau:
- Một lời dọa nạt (sẽ bị đánh, sẽ không được đọc truyện, sẽ "bị công an bắt", sẽ không ai yêu, sẽ không lấy được chồng sau này - dù con gái mới 5 tuổi...)
- Lời nói gây cảm giác tội lỗi (mẹ sẽ buồn, ông bà sẽ không vui, hàng xóm cười cho - dường như rất liên quan...).
--
Trong cuốn “Lời Nguyền về Con gái Ngoan”, Rachael Simmons lập luận rằng con gái đã luôn phải chịu áp lực phải theo đuổi một hình mẫu tước đi của họ nội lực và tiềm năng.
Luôn luôn phải tốt bụng, lịch sự, khiêm tốn và vị tha, định nghĩa về Con Gái Ngoan quả là quá hạn hẹp đến mức không thể đạt được. Khi các cô gái không thể đạt được những chuẩn mực rỗng tuếch này –bất đồng với bạn đồng trang lứa, mắc lỗi trong lớp hay trên sân chơi – sự tự phê phán bản thân khiến họ tê liệt, và chặn đứng sự phát triển của những kỹ năng và thói quen sống còn. Lần theo dấu những hiểm hoạ của áp lực Con Gái Ngoan, Simmons đồng thời vạch ra chiến lược để lật ngược tình thế. “Lời Nguyền về Con gái Ngoan” vì thế là cuốn sách gối đầu giường của các cô gái đương thời và là lời tổng động viên từ chiến tuyến mới trên bình diện giải phóng nữ quyền.
Từ những câu chuyện chia sẻ bởi những người phụ nữ và những cô gái tham gia những buổi hội thảo do cô tổ chức, Simmons chỉ ra rằng áp lực từ phụ huynh, giáo viên, huấn luyện viên, truyền thông và bạn đồng trang lứa đã dựng lên rào cản tâm lý vô hình, giam hãm họ từ thời con gái cho đến tận sau đó. Lời nguyền này bào mòn khả năng thấu hiểu, biểu đạt và quản lý những cảm xúc khác nhau của các cô gái. Nó đặt ra kỳ vọng rằng con gái phải vị tha và nên bớt thể hiện những nhu cầu cá nhân. Khi đòi hỏi sự khiêm tốn, nó cũng tước đi quyền để các cô gái thể hiện điểm mạnh cũng như mục tiêu cá nhân. Nó làm lu mờ ngôn ngữ cơ thể thể hiện sự quyết đoán, chèn ép những tiếng nói và làm yếu đuối những cái bắt tay. Nó còn ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác trong cuộc sống của các cô gái, và đến tận khi họ trưởng thành, nó vẫn tiếp tục giới hạn những tiềm năng cá nhân và chuyên môn của họ.
Đã từ lâu chúng ta than vãn về sự tự ti của các cô gái mới lớn, khi những cánh cửa cơ hội đã mở ra cho những cô gái Mỹ thế kỷ 21 thì rất nhiều trong số họ không đủ tự tin bước qua cánh cửa. Trong cuốn “Lời Nguyền về Con gái Ngoan”, Simmons đưa ra kế hoạch hành động toàn diện để áp chế lời nguyền này và thúc đẩy tính cá nhân. Cô đã mang đến một thông điệp đầy cảm hứng: sự tự do ý nghĩa nhất chúng ta có thể trao cho con gái chúng ta, không chỉ là sự tự do được nghe theo tiếng nói trong tâm hồn chúng, mà còn là tự do được hành động theo tiếng gọi con tim.
Dịch từ bài viết gốc: https://www.rachelsimmons.com/books/the-curse-of-the-good-girl/
Bởi Thảo Nguyễn