Khi bạn yêu quá dễ dàng (Emophilia)
Bạn lại yêu, một lần nữa. Không phải chỉ là “một chút” tình yêu, mà là yêu kiểu “Tôi đã gặp tri kỷ của đời mình!” Cảm giác này có vẻ rất thật với bạn, nhưng bạn bè của bạn thì ngao ngán nhìn bạn.
Bạn lại yêu, một lần nữa. Không phải chỉ là “một chút” tình yêu, mà là yêu kiểu “Tôi đã gặp tri kỷ của đời mình!” Cảm giác này có vẻ rất thật với bạn, nhưng bạn bè của bạn thì ngao ngán nhìn bạn. Bạn có nên lo lắng không nếu bạn yêu một cách dễ dàng như thế?
Trong lúc một số người thận trọng khi mở lòng đón nhận tình yêu, số khác bước vào chuyện yêu đương một cách nhanh chóng. Có nhiều ích lợi của việc dám sống đúng với cảm xúc, nhưng sẽ ra sao nếu bạn không có nhiều tiêu chuẩn cần thiết khi trao gửi con tim?
Nảy sinh cảm giác yêu đương một cách nhanh chóng và thường xuyên có thể đặt bạn trước nguy cơ có những trải nghiệm yêu đương không lành mạnh.
Người yêu đương dễ dãi thường hăm hở bước vào các quan hệ yêu đương và “phải lòng” ai đó khá thường xuyên. Họ có thể có những nhận định như: “Tôi cảm thấy có sự kết nối tình cảm ngay lập tức” hoặc “Tôi có khuynh hướng lao vào các mối quan hệ.”
Thông thường, ngay từ những giai đoạn đầu của các mối quan hệ, những người dễ dãi đã có thể nhanh chóng dốc 100% sự đầu tư cảm xúc cho mối quan hệ.
Trong hành vi, những người yêu đương dễ dãi thường:
- Dành tất cả thời gian ở bên đối tượng mà họ mới gặp, trừ lúc họ ngủ
- Nói “Anh yêu em/Em yêu anh” ngay trong cuộc hẹn đầu tiên
- Cảm thấy như họ yêu sâu sắc nhiều người cùng một lúc
- Không tốn nhiều thời gian để phục hồi cảm xúc khi chuyển từ người yêu/bạn đời cũ sang người yêu/bạn đời mới
- Có tiêu chuẩn thấp khi lựa chọn đối tượng
Người dễ dãi khi yêu thường không nhìn ra được những dấu hiệu cảnh báo trong mối quan hệ, do đó họ dễ yêu phải những người độc hại, hết lần này đến lần khác.
Dù bạn bước vào tình yêu nhanh hay chậm, tình yêu luôn là một trải nghiệm tuyệt vời. Bạn không thể ngừng việc nghĩ về người mình yêu, bạn cảm thấy hồi hộp, vui vẻ, phấn chấn và tràn đầy năng lượng. Bạn thấy cuộc sống hàng ngày của mình thay đổi. Bạn điều chỉnh thế giới của mình xoay quanh “nửa kia”. Sự điều chỉnh này là một phần quan trọng của việc xây dựng một sự gắn bó mới và định hình những mối quan hệ dài hạn. Tóm lại, việc bước vào tình yêu sẽ khiến con người bạn thay đổi.
Do việc bước vào tình yêu khiến bạn thay đổi, nên những người dễ dàng yêu đương thường có sự nhận thức về bản thân biến đổi thường xuyên. Nhận thức về bản thân của chúng ta mở rộng khi chúng ta yêu: chúng ta trở nên giống “nửa kia” của mình hơn. Nhưng khi mối quan hệ đó chấm dứt, những nhận thức đó về bản thân của chúng ta sẽ thu hẹp lại. Chúng ta sẽ cảm thấy đời mình nhỏ bé lại và tự đặt những câu hỏi như: “Giờ đây tôi là ai?” Nếu chúng ta bước vào và bước ra tình yêu hết lần này đến lần khác, chúng ta có thể sẽ bắt đầu có cái nhìn không ổn định về chính mình.
Tài liệu tham khảo
Aron, A., & Aron, E. N. (1996). Self and self-expansion in relationships. Knowledge structures in close relationships: A social psychological approach, 325-344.
Jones, D. N., & Curtis, S. R. (2017). Emophilia, sociosexuality, and anxious attachment: Approach and inhibition differences. Personality and Individual Differences, 106, 325-328.
Lechuga, J., & Jones, D. N. (2021). Emophilia and other predictors of attraction to individuals with Dark Triad traits. Personality and Individual Differences, 168, Advanced online publication.
Slotter, E. B., Gardner, W. L., & Finkel, E. J. (2010). Who am I without you? The influence of romantic breakup on the self-concept. Personality and Social Psychology Bulletin, 36(2), 147-160.
Jones, D. N. (2019). Defining Emophilia Through the Emotional Promiscuity Scale. Handbook of Sexuality-Related Measures
Ngô Triệu Khánh Ngọc sưu tầm và dịch
Bài gốc: Psychology Today