Khi cặp đôi lo âu và né tránh cuốn vào vòng xoáy

khi-cap-doi-lo-au-va-ne-tranh-cuon-vao-vong-xoay

Một trong những bi kịch đau lòng nhất trong tình yêu xảy ra khi một người mang kiểu gắn bó lo âu và một người mang kiểu gắn bó né tránh – dù cả hai vẫn còn nhiều thiện chí và tình cảm – lại vô tình tạo nên một vòng xoáy hoảng loạn và sợ hãi không lối thoá

Một trong những bi kịch đau lòng nhất trong tình yêu xảy ra khi một người mang kiểu gắn bó lo âu và một người mang kiểu gắn bó né tránh – dù cả hai vẫn còn nhiều thiện chí và tình cảm – lại vô tình tạo nên một vòng xoáy hoảng loạn và sợ hãi không lối thoát. Họ không hề có ý làm tổn thương nhau, nhưng vẫn rơi vào hố sâu của hiểu lầm và nghi ngờ, nơi chẳng ai đủ tỉnh táo để dừng lại trước khi mọi thứ sụp đổ thành nỗi đau và mất niềm tin không thể vãn hồi. Nhiều năm sau, sau thêm vài cuộc tình tan vỡ, một hoặc cả hai người có thể ngoái nhìn lại trong cơn bối rối (và chút tiếc nuối), tự hỏi làm sao mọi chuyện lại trượt dốc đến thế. Đây là một lời lý giải.

Người lo âu và người né tránh đều mang trong mình một nỗi sợ cốt lõi – thường bắt nguồn từ tuổi thơ thiếu vắng sự kết nối và quan tâm đúng mực – cùng với phản ứng quá mức và chẳng mấy giúp ích cho chính họ. Với người lo âu, nỗi sợ ấy là: “Tôi sẽ bị bỏ rơi, và tôi sẽ không thể sống sót nổi khi mất người ấy. Cả con người tôi phụ thuộc vào người tôi yêu.” Và phản ứng đi kèm là: “Vậy thì tôi phải bám víu, phải kêu gào, phải tranh cãi đến cùng để không mất người ấy.”

Photo by Daniil Korbut on Unsplash

Còn với người né tránh, nỗi sợ cốt lõi là: “Người khác không đáng tin. Họ sẽ làm tổn thương, phản bội, thay đổi thất thường và chẳng hề thật lòng quan tâm tới mình.” Và phản ứng của họ là: “Vậy thì tôi phải dựng lên những bức tường dày, giữ im lặng và biến mất – nếu không tôi sẽ bị nuốt chửng. Tôi chỉ thực sự an toàn khi ở một mình.”

Khi hai kiểu tâm lý này vận hành âm thầm bên dưới bề mặt, sớm muộn gì cũng xảy ra chuyện: một người vô tình kích hoạt nỗi sợ lớn nhất của người kia – và rồi cả hai cuốn vào một vòng lặp độc hại, trong đó họ vừa kinh hoảng tột độ, vừa khiến người kia hoảng sợ không kém.

Hãy thử hình dung một tình huống: người lo âu chủ động nhắn tin hoặc gọi cho người né tránh, nhưng lại gặp phải sự im lặng hay xa cách bất thường. Có thể người kia đang đi công tác, bận việc, hoặc chỉ đơn giản là muốn có thêm không gian cho bạn bè hay bản thân. Thay vì phản ứng như một người có kiểu gắn bó an toàn (nghĩa là: “Tôi thích người ấy ở gần hơn, nhưng nếu không thì tôi vẫn ổn. Tôi không cần ai đó để sống sót.”), người lo âu rơi thẳng vào nỗi sợ nguyên thủy: rằng họ không thể sống thiếu người kia, rằng nếu người kia không hồi đáp, thì họ phải bám chặt hơn. Giống như tay lái non hoảng loạn đạp phanh giữa khúc cua – đúng lúc không nên làm thế – họ bắt đầu gọi mãi, nhắn mãi, nài nỉ, khóc lóc, để lại hàng chục tin nhắn. Họ đã đánh mất khả năng kiểm soát bản thân.

Tất cả những điều đó, dĩ nhiên, là một cơn ác mộng – và vô cùng sốc – đối với người né tránh. Những yêu cầu và đòi hỏi này khiến họ nhớ lại cảm giác bị xâm phạm ranh giới và phản bội trong quá khứ, khiến họ không còn lựa chọn nào ngoài việc dựng lên bức tường im lặng. Họ có thể trông thật tàn nhẫn khi cố tình từ chối trấn an đúng lúc cần nhất, nhưng họ không làm vậy để hành hạ người kia. Họ chỉ đang sợ đến mức cảm thấy mình sẽ bị cuốn trôi nếu nhượng bộ. Lý trí của cả hai đã rời khỏi cuộc chơi. Với người lo âu, đây có lẽ là lần đầu tiên họ cho phép ai đó quan trọng đến vậy. Còn với người né tránh, đây có thể là lần đầu tiên ai đó thật sự cần họ nhiều đến thế. Nhưng cả hai đều không thấy dễ chịu gì.

Trong những khoảnh khắc căng thẳng ấy, điều cần thiết nhất chính là sự vững vàng từ cả hai phía. Người lo âu cần nhắc nhở bản thân rằng họ, dù có cảm thấy thế nào, không còn là đứa trẻ yếu đuối ngày xưa nữa, mà là một người trưởng thành đầy nội lực. Họ có thể vượt qua được mất mát này nếu nó xảy ra. Không ai mong muốn điều đó, nhưng nếu có, họ vẫn sẽ ổn. Họ mạnh mẽ hơn họ tưởng rất nhiều. Và người né tránh cũng cần nhớ rằng họ sẽ không còn bị nhấn chìm như xưa nữa. Họ không cần phải trốn chạy. Họ có thể thốt lên một vài lời. Họ cũng đã bước qua tuổi thơ rồi.

Tiếc thay, hai con người này – có lẽ rất thông minh, rất chín chắn trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống (và có thể rất đáng yêu nữa) – lại hoàn toàn không nhận ra chuyện gì đang diễn ra. Cuối cùng, cả hai đều rút lui, tự liếm vết thương lòng, trong khi tin vào những niềm tin sai lệch về tình yêu. Người lo âu thì kết luận: “Tôi biết ngay mà, họ cũng sẽ bỏ tôi thôi. Chẳng ai đáng tin cả.” Còn người né tránh thì cũng không kém phần cay nghiệt: “Tôi biết mà, họ quá đòi hỏi, tôi chỉ có thể sống yên ổn khi một mình.” Cả hai đều mang nỗi xấu hổ mà không biết phải đối diện thế nào: người thì xấu hổ vì đã van nài đến mức đánh mất cả phẩm giá, người thì xấu hổ vì sự lạnh lùng và tàn nhẫn của chính mình.

Và khi đã bị nhấn chìm trong cảm giác ấy, họ dễ bị cuốn theo ảo tưởng ngọt ngào rằng ngoài kia có một ai đó khiến mọi chuyện dễ dàng hơn. Họ không nhận ra rằng điều khôn ngoan hơn cả là cùng nhau chữa lành những méo mó từ tuổi thơ trong chính mối quan hệ hiện tại – thay vì chạy đi tìm kiếm rắc rối mới ở nơi khác. Nhưng đến lúc nhận ra, thường thì đã quá muộn. Người né tránh có thể đã đóng băng cảm xúc đến mức không thể xử lý được chuyện gì. Bạn bè – hay thậm chí là nhà trị liệu của họ – có thể đưa ra lời khuyên sai lầm: “Hãy tìm ai đó ít mãnh liệt hơn đi.” Trong khi người lo âu cũng lạc lối trong những ảo mộng tương tự: “Sẽ có người yêu mình hoàn hảo, không bao giờ khiến mình nghi ngờ.” Họ có thể đang tô vẽ những ánh hào quang của tình yêu mới – và tin vào điều đó, ít nhất là lúc này.

Một số ít người may mắn có thể yêu theo bản năng mà vẫn thành công. Còn lại, những ai xuất phát từ những mảnh ghép tuổi thơ đầy rạn vỡ – không còn cách nào khác ngoài việc phải tìm đường đi đến sự bình yên thông qua nội tâm, qua đọc sách, qua sự tự soi xét và rất nhiều công việc trị liệu bên trong. Chúng ta cố gắng, bằng tất cả sự thông minh mình có, để gỡ rối quá khứ khỏi hiện tại, để phân biệt giữa nỗi sợ và thực tại. Và có lẽ, đó chính là hành trình lớn nhất đời người.

Nguồn: WHEN ANXIOUS AND AVOIDANT COUPLES SPIRAL | The School Of Life

menu
menu