Khi hy vọng có thể là cảm xúc đáng sợ

khi-hy-vong-co-the-la-cam-xuc-dang-so

“Chúng ta phải chấp nhận thất vọng hữu hạn, nhưng không bao giờ đánh mất hy vọng vô hạn”.

Martin Luther King, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi từng phát biểu: “Chúng ta phải chấp nhận thất vọng hữu hạn, nhưng không bao giờ đánh mất hy vọng vô hạn”. Hy vọng có thể được xem như kim chỉ nam để mỗi chúng ta thay đổi cuộc sống và chính bản thân mình theo hướng tích cực hơn, nhờ vào tiềm năng sẵn có cộng với sự nỗ lực, quyết tâm.

Thế nhưng, đặt ở một trường hợp khác, nếu chúng ta đã kiên nhẫn hy vọng và chờ đợi nhưng “điều tốt đẹp” vẫn không xảy đến thì sao? Liệu lúc đó hy vọng có khiến chúng ta thấy tệ hơn cả tuyệt vọng, lo lắng hay hối tiếc?

Với một vài người, hy vọng có thể là một cảm xúc khá đáng sợ. Những người lo lắng thường đối phó với phong cách được gọi là bi quan phòng thủ. Dưới đây là một vài hành động thể hiện rõ phong cách này:

Thường suy nghĩ về những kết quả tiêu cực tiềm ẩn.

Tìm kiếm thông tin về khả năng xảy ra kết quả tiêu cực và cách ngăn chặn.

Luôn lập kế hoạch cho kế hoạch B nếu một lựa chọn mình đang theo đuổi không thành công. 

Dưới đây là 5 lý do vì sao đôi khi hy vọng có thể là một trải nghiệm không mấy tốt đẹp, không chỉ riêng với những người bi quan phòng thủ.

Source: Ron Smith/Unsplash

1. Tinh thần không đủ vững vàng để đối mặt với sự thay đổi cảm xúc

Với người bi quan, họ vẫn hy vọng, nhưng cũng có tâm thế chuẩn bị cho điều xấu nhất. Tuy nhiên, việc cân bằng hai cảm xúc cùng một lúc sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý.

Cách khắc phục: Hãy tự nhủ rằng hy vọng chỉ là cảm xúc chứ không phải thông tin. Bạn cần nhớ: Cảm thấy hy vọng không đồng nghĩa với việc có nhiều khả năng đạt được kết quả tích cực. Đồng thời, hy vọng giảm cũng không có nghĩa là ít có khả năng xảy ra kết quả tích cực hơn.

2. Khó đối diện với tin tức xấu nếu hy vọng quá mức

Thực tế cho thấy, mong đợi tin xấu có thể khiến bạn dễ dàng đối mặt với một kết cục tồi tệ hơn. Ví dụ, nếu bạn mua một tờ vé số và biết trước xác suất trúng không cao thì việc không trúng là tương đối dễ dàng để tiếp nhận.

Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp lại không xảy ra như vậy. Kể cả khi không mong đợi quá nhiều thì tin tức xấu vẫn có thể dễ dàng nhấn chìm cảm xúc của bạn. Và dù không mong muốn thì người bi quan phòng thủ vẫn có khả năng đoán được kết quả tiêu cực có thể xảy ra với mình.

Lời khuyên: Hãy tin tưởng vào năng lực của bạn để xử lý tin xấu nếu nó xảy ra.

3. Cơ chế “khóc than trước”

Những người bi quan thường có xu hướng chuẩn bị trước, tức họ sẽ suy nghĩ về các tình huống xấu có thể xảy ra và lựa chọn phương án để phản ứng với tin tức đó. Đây có thể xem như một cách để “khóc than trước” và khiến họ không bỡ ngỡ nếu tình huống xấu thật sự xảy ra.

Tuy nhiên, bạn không thể nào chuẩn bị cho tất cả mọi tình huống. Việc lo lắng hay đau buồn trước cũng có thể gây ra căng thẳng. Hãy tưởng tượng bạn sẽ nhận tin tức vào một ngày cụ thể. Nếu nó không tốt, bạn sẽ cần một vài ngày để “tiêu hóa” nỗi buồn. Nếu đang cố gắng giải tỏa nỗi buồn, bạn có thể mất tập trung trong công việc hoặc những hoạt động khác. 

Giải pháp: Hãy lập danh sách những cách thiết thực nhất mà bạn có thể làm để đối diện với nỗi buồn như đi dạo, nghe nhạc, tâm sự với ai đó… Bạn cũng có thể hỏi bản thân những câu hỏi như làm thế nào bạn có thể giảm nhẹ khối lượng công việc của mình nếu cần không gian để giải tỏa cảm xúc. Bằng cách này, bạn vẫn cho mình đủ thời gian để tiếp nhận nỗi buồn nhưng sẽ có phương pháp đối diện khoa học hơn.

4. Cảm thấy không đáng để hy vọng

Hãy tưởng tượng bạn đang mong đợi có thể nhận được một cơ hội việc làm tuyệt vời. Nếu cảm thấy hy vọng và cuối cùng không đạt được điều đó, bạn lo sợ rằng bộ não sẽ dùng điều này làm bằng chứng cho việc mình không đủ năng lực. Bạn có thể nghĩ “Nếu tôi không có được nó, tôi không tài năng như những người khác”.

Hy vọng khiến bạn cảm thấy như đang nói với chính mình rằng “Tôi xứng đáng. Tôi tài năng. Tôi có khả năng”. Tuy nhiên, nếu hy vọng quá nhiều và sau đó không nhận được cơ hội, bạn sợ hãi và cho rằng mình chưa đủ tốt.

Giải pháp: Đừng vội vàng đưa ra kết luận này. Không nắm bắt được cơ hội không có nghĩa là bạn không đủ năng lực và tài năng. Thay vào đó, hãy nghĩ rằng việc được cân nhắc cho cơ hội có nghĩa là bạn hoàn toàn đủ tiềm năng để phát triển.

5. Lo sợ hy vọng có thể làm mất cân bằng cuộc sống

Nhiều người lo sợ hy vọng và lạc quan sẽ khiến họ chấp nhận rủi ro về mặt cảm xúc, như khi rời bỏ hoặc bắt đầu một mối quan hệ, thay đổi công việc hoặc nơi ở… Họ nghĩ hy vọng có thể dẫn đến việc chấp nhận rủi ro quá mức và thiếu khôn ngoan, nhiều khả năng dẫn đến cảm giác hối tiếc hoặc xấu hổ.

Hướng giải quyết: Bạn cần hiểu chính suy nghĩ này khiến hy vọng trở nên đáng sợ. Bạn nên cân bằng rủi ro cảm xúc giữa việc làm và không làm một thứ gì đó. Hãy tin rằng với bất kỳ quyết định nào mình đưa ra, bạn vẫn sẽ học được những bài học quý giá.

Chúng ta thường có xu hướng phân chia cảm xúc thành 2 nhóm tiêu cực và tích cực dù trên thực tế, cảm xúc phức tạp hơn như vậy rất nhiều. Kể cả một cảm xúc được dán nhãn “tích cực” như hy vọng vẫn có thể khiến vài người không thoải mái. Trong khi đó, ghen tị, một cảm xúc thường được xem là xấu, lại có thể thúc đẩy bạn hoàn thiện bản thân mình hơn. 

Càng tìm hiểu nhiều về cách thức hoạt động của cảm xúc, bạn sẽ càng hiểu rõ hơn về bản thân cũng như suy nghĩ của mình. Không quan trọng là cảm xúc “tốt” hay “xấu”, chỉ cần biết cách cân bằng, bạn sẽ tìm được niềm vui trong cuộc sống. Bộc lộ những cung bậc cảm xúc riêng là một quá trình tuyệt vời để hoàn thiện và yêu thương chính mình cũng như những người xung quanh bạn đấy!

Nguồn tham khảo: https://www.psychologytoday.com/us/blog/in-practice/202103/5-surprising-reasons-hope-can-be-the-scariest-emotion

Nội dung được dịch và biên tập bởi Team Trần Đăng Khoa. 

menu
menu