Khi một người phải yếu đuối để người kia cảm thấy mình bất khả xâm phạm

khi-mot-nguoi-phai-yeu-duoi-de-nguoi-kia-cam-thay-minh-bat-kha-xam-pham

Đôi khi, không cần lời nói, các cặp đôi vẫn âm thầm chấp nhận những “thỏa thuận” kỳ lạ và đầy mâu thuẫn trong mối quan hệ của mình.

Đôi khi, không cần lời nói, các cặp đôi vẫn âm thầm chấp nhận những “thỏa thuận” kỳ lạ và đầy mâu thuẫn trong mối quan hệ của mình. Một trong những thỏa thuận đau lòng nhất là khi một người ngầm gửi đến người kia một thông điệp như thế này:

"Em/anh có thể trở nên thật yếu đuối, thật bất an, để tôi có thể cảm thấy mình mạnh mẽ và vô tư được không? Em/anh có thể luôn tự hỏi tôi đang ở đâu, chúng ta sẽ đi đến đâu, để tôi cảm thấy mình được cần đến mà không phải chịu bất kỳ tổn thương nào không? Em/anh có thể – nói cách khác – gánh hết những rủi ro của tình yêu thay tôi không?"

Trong mối quan hệ như vậy, ngày qua ngày, người A thường lo lắng không biết khi nào người B sẽ về nhà, rồi lại bị trách móc rằng mình thật phiền phức, bởi B có bạn bè đến chơi và chẳng biết khi nào buổi tụ họp sẽ kết thúc. Người A có thể ngồi nhìn chằm chằm vào điện thoại, chờ mãi một tin nhắn hứa hẹn gửi trước 12 giờ trưa, nhưng đến chiều vẫn chẳng thấy đâu, và cảm giác như mình sắp phát điên. Hoặc, A bị ép phải tin rằng công việc của B quan trọng đến mức không có chỗ cho bất cứ ai khác, ngoại trừ… hội bạn của B, những người thường xuyên tổ chức tiệc tùng và luôn rủ B tham gia (nhưng chẳng mấy khi mời A). Ngày qua ngày, A như đang cố gắng đuổi theo B, còn B thì xa cách, hờ hững, lạnh nhạt.

Double Self-Portrait, Egon Schiele, 1915, Wikimedia Commons.

Thái độ của B thường có nguồn gốc từ những tổn thương thời thơ ấu. Khi còn nhỏ, B từng bị dạy rằng việc bộc lộ nhu cầu cá nhân là điều đáng xấu hổ. Họ buộc phải trở thành một đứa trẻ mạnh mẽ, độc lập – bởi tất cả sự khen ngợi họ nhận được đều gắn liền với việc không tỏ ra “yếu đuối.” Từ đó, B học được rằng việc cần đến tình yêu, sự quan tâm là điều không đáng chấp nhận, thậm chí kinh tởm.

Tuy nhiên, khát khao được yêu thương không biến mất, mà chỉ ẩn sâu và biến dạng. B chọn cách yêu “gián tiếp,” nhường phần “cần yêu” đó cho A. B khiến A phải khắc khoải, trông mong – để họ có thể giữ vững ảo tưởng rằng mình chẳng cần gì “ngớ ngẩn” như tình yêu.

Thỏa thuận này là một bi kịch đối với A. Trong một mối quan hệ khác, có lẽ A sẽ là người trưởng thành, điềm đạm và vui vẻ. Nhưng ở đây, A phải luôn nghi ngờ chính mình, liên tục tự hỏi: “Tại sao mình lại đòi hỏi nhiều thế này? Sao mình cứ kiểm tra điện thoại mãi, chờ một tin nhắn? Sao mình lại phải cầu xin họ dành thời gian cho mình như một đứa trẻ?”

A bắt đầu cảm thấy mình thật đáng thương, thậm chí tự đánh mất sự tự trọng. Trong khi đó, B đứng ngoài, lạnh lùng nói rằng họ cảm thấy bị “ràng buộc,” bị “theo dõi quá mức.” B thở dài: “Trời ơi, sao họ làm quá mọi chuyện lên thế? Thật phiền phức!” – những lời khiến A càng cảm thấy tội lỗi và bối rối hơn.

Tình trạng này không thể kéo dài mãi. Đến một lúc nào đó, B phải thôi trốn tránh cảm xúc của mình. Họ cần dũng cảm thừa nhận rằng, giống như A – và mọi con người khác – họ cũng có nhu cầu được yêu thương, một cách hoàn toàn chính đáng. Khát khao yêu không phải là yếu đuối, mà việc cứ cố tỏ ra “mạnh mẽ” mới thực sự là nỗi sợ.

B phải đối diện với nỗi ám ảnh rằng, nếu họ thừa nhận: “Tôi cần em/anh”, A sẽ bỏ rơi họ, chế nhạo hoặc khinh thường. Nhưng B cần nhận ra, đó chỉ là bóng ma của tuổi thơ, chứ không phải sự thật trong thế giới người lớn.

Và điều tuyệt đẹp là: ngay khi B dám thừa nhận mình cần A, đó cũng chính là lúc A có thể buông bỏ bất an và tìm được bình yên trong mối quan hệ. Không ai phải từ bỏ ai, nỗi sợ trên cả hai phía sẽ dần tan biến. Khi cả hai người dũng cảm chia sẻ phần dễ tổn thương của mình, tình yêu sẽ trở nên nhẹ nhàng và sâu sắc hơn bao giờ hết.

Nguồn: WHEN ONE PERSON HAS TO BE NEEDY SO THE OTHER CAN FEEL INVULNERABLE

menu
menu