Khi nào nên chia tay và khi nào nên cố gắng vượt qua
Việc quyết định chia tay một ai đó thật sự không dễ dàng.
Việc quyết định chia tay một ai đó thật sự không dễ dàng. Bạn không thể biết chắc liệu mối quan hệ của mình chỉ đang gặp chút trục trặc hay nó đã biến thành một "túi rác bốc cháy". Thật khó để dứt khoát bước đi mà vẫn thấy tự tin vào quyết định của mình.
Nhưng đừng lo, tôi sẽ phân tích mọi thứ và giúp bạn đưa ra lựa chọn tốt nhất cho bản thân trong dài hạn. Tôi sẽ cho bạn tất cả câu trả lời. Tôi sẽ giải quyết hết mọi vấn đề hẹn hò của bạn.
...À không, nói vậy hơi điêu rồi. Nhưng vẫn có một số nguyên tắc có thể giúp bạn nhận ra đâu là điều đúng đắn cho mình. Vậy thì cùng bắt đầu thôi!
XÁC ĐỊNH VẤN ĐỀ THỰC SỰ LÀ GÌ
Nhiều cặp đôi trong mối quan hệ tồi tệ thường xuyên cãi nhau về những chuyện vặt vãnh không đâu. Tôi nhớ có lần tôi và người yêu cũ từng cãi nhau om sòm chỉ vì... kem đánh răng. Kem đánh răng đấy! Hai đứa gần như gào vào mặt nhau như thể nó là vấn đề sống còn.
Thực tế là, chúng ta đâu có thực sự tức giận về kem đánh răng. Chúng ta tức vì cả đống thứ khác. Những thứ lộn xộn, rối ren chưa được giải quyết.
Chúng ta thường rất tệ trong việc xác định vấn đề cốt lõi. Ta khó chịu, bực bội với đối phương vì những điều mơ hồ sâu thẳm nào đó, nhưng lại không hiểu nổi tại sao mình cảm thấy như vậy. Mà đã không hiểu thì sao nói rõ được với đối phương?
Và thế là... lại cãi nhau vì kem đánh răng.
Bước đầu tiên để có một mối quan hệ lành mạnh là phải có một mối quan hệ lành mạnh với chính bản thân mình. Hãy hiểu vì sao bạn lại bức xúc hay thất vọng với người yêu. Đào sâu vào chính mình trước.
Tại sao việc họ dậy sớm lại khiến bạn phát điên? Tại sao mẹ của họ lại khiến bạn khó chịu? Hãy tìm kiếm lý do thật sự ẩn đằng sau cảm xúc đó, rồi bạn mới có thể đối diện và nói rõ vấn đề với đối phương.
GIAO TIẾP VẤN ĐỀ MỘT CÁCH TÍCH CỰC
Chìa khóa để giải quyết vấn đề là cả hai người phải sẵn sàng cùng nhau tìm cách vượt qua nó. Nhưng để làm được điều đó, bạn phải cho đối phương cơ hội để hiểu và cùng sửa chữa. Họ không thể giúp bạn nếu bạn không nói rõ ràng rằng mình đang không ổn ở điểm nào.
Dưới đây là hai nguyên tắc cơ bản khi bạn muốn nói chuyện một cách lành mạnh trong tình yêu:
1. YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI, CHỈ TRÁCH HÀNH ĐỘNG
Trong mối quan hệ, chúng ta rất dễ nhìn mọi thứ qua lăng kính cá nhân. Ta suy đoán hành vi của đối phương rồi gán ghép ý nghĩa tiêu cực lên tính cách của họ. Điều này rất tự nhiên, nhưng lại dễ khiến mọi thứ tệ hơn.
Sự thật là nhiều khi đối phương không hề có ý xấu hay thậm chí còn chẳng biết có gì sai cả. Vậy nên, hãy tập trung vào vấn đề cụ thể và tránh đổ lỗi hay xúc phạm đối phương. Ngay khi bạn bắt đầu công kích cá nhân, mọi thứ sẽ nhanh chóng trượt dốc và chẳng thể nào tìm ra được giải pháp thật sự.
Nói về chuyện khiến bạn khó chịu và cùng nhau tìm cách khắc phục. Để lại những lời chỉ trích cá nhân ở ngoài cuộc nói chuyện.
2. BỎ QUA "BẢNG ĐIỂM HẸN HÒ"
Đừng cố gắng đổ lỗi hay tính toán xem ai "có lỗi" nhiều hơn. Trong mọi vấn đề, cả hai đều có trách nhiệm theo cách này hay cách khác. Kể cả khi có lừa dối hay phản bội, khả năng cao là người đó cũng đã không hài lòng về điều gì đó từ lâu.
Việc "chấm điểm" ai là người tệ hơn trong mối quan hệ chẳng giúp bạn tiến triển được chút nào. Chẳng ai trong chúng ta tính toán mà tự nhận mình là kẻ sai cả – bộ não con người luôn muốn tin rằng mình đúng. Vậy nên, hãy bỏ qua chuyện ai "lớn tội" hơn và tập trung lắng nghe nhau thay vì đổ lỗi.
NÊN Ở LẠI HAY BƯỚC ĐI?
Nếu bạn đã xác định được vấn đề thật sự, đã nói chuyện với đối phương một cách rõ ràng, chín chắn và họ cũng sẵn sàng cùng bạn giải quyết – thì hãy cho mối quan hệ thêm cơ hội.
Nhiều người bỏ cuộc quá dễ dàng ở giai đoạn này. Sự thật là, mối quan hệ nào cũng có lúc thăng trầm, nhưng một người xứng đáng để bạn ở lại là người sẵn lòng cùng bạn đối mặt và xử lý những rắc rối, ngay cả khi cả hai đang phát điên vì nhau.
Nhưng nếu đối phương chỉ làm cho có, hời hợt và chẳng mặn mà giải quyết những vấn đề quan trọng với bạn – thì đã đến lúc bạn cần đặt ra ranh giới rõ ràng.
BẠN CÓ CHẤP NHẬN ĐƯỢC SỰ THỎA HIỆP?
Mâu thuẫn trong tình yêu thường có thể chia thành hai loại: mâu thuẫn về sở thích và mâu thuẫn về giá trị sống.
Mâu thuẫn về sở thích là khi hai người đơn giản là thích những thứ khác nhau. Có thể bạn và người ấy khác nhau về khẩu vị ăn uống, gu âm nhạc hay thể loại phim yêu thích.
Những mâu thuẫn kiểu này đôi khi khá phiền phức. Đúng vậy, nếu có quá nhiều khác biệt như thế, chúng có thể cộng dồn và trở thành một vấn đề lớn. Nhưng sự thật là, trong bất kỳ mối quan hệ nào – dù là tình yêu hay tình bạn – cũng không thể tránh được một vài khác biệt như thế. Và khi nhìn nhận chúng một cách nhẹ nhàng, bạn sẽ thấy chúng cũng chẳng quá nghiêm trọng đâu.
Cô ấy không thích đi ăn ở quán bạn mê tít, điều đó làm bạn bực mình. Nhưng khoan, đây có thực sự là dấu hiệu của sự không hợp nhau không? Hay bạn hoàn toàn có thể sống ổn với điều đó? Liệu quán ăn này có định nghĩa con người bạn không, hay nó chỉ là một nơi bạn thích đến, và bạn có thể hiểu tại sao người khác lại không hào hứng như bạn? Có thể bạn chỉ cần rủ một người bạn thân đến đó trong khi cô ấy làm việc gì đó cô ấy thích, và hai bạn sẽ có thêm thời gian riêng tư cho mình.
Thậm chí, có thể nói rằng một vài mâu thuẫn về sở thích lại có lợi cho mối quan hệ. Những sở thích này suy cho cùng đều mang tính bề nổi và không quá quan trọng. Chính vì vậy, nếu ai đó không chia sẻ gu của bạn nhưng vẫn chọn ở bên bạn, điều đó chứng tỏ họ yêu thương con người bạn, chứ không phải vì những gì bạn mang lại cho họ.
Mâu thuẫn về giá trị sống, ngược lại, xuất phát từ sự khác biệt sâu sắc bên trong mỗi người. Đây không còn là những sở thích vặt vãnh nữa.
Tôi đang nói đến những niềm tin cốt lõi như quan điểm tôn giáo, ý thức hệ, việc có con hay không và cách nuôi dạy con cái, nơi bạn muốn sinh sống, tham vọng sự nghiệp, chuyện tiền bạc, v.v. Mâu thuẫn trong những niềm tin và giá trị này vô cùng phức tạp và rắc rối.
Bạn cần tự hỏi bản thân: Liệu con người bạn có đang mâu thuẫn với con người của họ hay không? Nếu câu trả lời là “có,” thì việc duy trì một mối quan hệ lành mạnh và lâu dài với người đó sẽ gần như là bất khả thi. Và không ai có lỗi trong chuyện này cả. Đơn giản là hai bạn không phù hợp. Đôi khi, điều tốt nhất là học cách chấp nhận và buông tay.
ĐẶT RA GIỚI HẠN VÀ SẴN SÀNG BƯỚC ĐI
Nếu bạn đã cho họ cơ hội công bằng để giải quyết vấn đề, và mâu thuẫn đó không phải là vấn đề cốt lõi về giá trị sống, nhưng họ vẫn tiếp tục phớt lờ những gì bạn quan tâm... thì đã đến lúc bạn nên bước đi.
Nói thì dễ, làm mới khó.
Rất nhiều người nói ra giới hạn của mình một cách rõ ràng, nhưng rất ít người sẵn sàng hành động khi giới hạn ấy bị xâm phạm. Và một giới hạn chỉ thực sự là giới hạn khi bạn đủ can đảm để bảo vệ nó bằng hành động.
Nếu bạn nói bạn không chấp nhận sự dối trá, thiếu tôn trọng hay lừa dối, nhưng bạn vẫn ở lại bên một người liên tục làm những điều ấy, thì thực tế là bạn đang chấp nhận nó. Hành động của bạn (ở lại) nói lên nhiều điều hơn tất cả những gì bạn từng nói (“đừng lừa dối tôi”) cộng lại.
Con người có thể thay đổi không? Có chứ. Nhưng quan trọng là họ có muốn thay đổi hay không. Đến một lúc nào đó, hành động của họ sẽ cho bạn câu trả lời rõ ràng. Và bạn cũng phải đủ mạnh mẽ để bảo vệ giới hạn của mình bằng chính hành động của mình.
NẾU BẠN MUỐN CHẤM DỨT MỌI CHUYỆN...
Việc kết thúc một mối quan hệ xét trên lý thuyết thì rất đơn giản: Bạn chỉ cần nói với họ rằng bạn không muốn tiếp tục nữa, rồi… bước đi.
Nhưng trên phương diện cảm xúc, nó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Chúng ta phải đối mặt với rất nhiều băn khoăn và dằn vặt. Chẳng hạn, bạn tự gắn mình với hình ảnh một “người tử tế,” và người tử tế thì không “bỏ rơi” ai như thế này, đúng không? Hay bạn cứ loay hoay tìm một cách chia tay thật nhẹ nhàng để “giảm bớt tổn thương” cho họ.
Tin xấu là: Chia tay sẽ luôn tệ, dù bạn có làm gì đi nữa. Không có cách nào khiến nó trở nên “dễ chịu” hoàn toàn cả. Bạn sẽ phải học cách sống chung với điều đó.
Nhưng tin tốt là: Bạn vẫn có thể chủ động khiến mọi thứ trở nên gọn gàng và đỡ đau lòng nhất có thể. Tôi đã viết riêng về điều này rồi: “Làm Thế Nào Để Chia Tay Một Cách Tử Tế”.
Chúc bạn may mắn trên hành trình này.
Dịch từ bài When to Break Up With Someone and When to Stick It Out của Mark Manson