Khi nào và vì sao chúng ta cầm điện thoại?

khi-nao-va-vi-sao-chung-ta-cam-dien-thoai

Có những câu trả lời rất tiêu chuẩn và nghe qua thì hợp lý: chúng ta kiểm tra điện thoại để xem có tin nhắn mới nào không

Có những câu trả lời rất tiêu chuẩn và nghe qua thì hợp lý: chúng ta kiểm tra điện thoại để xem có tin nhắn mới nào không, ai đó có chia sẻ bộ phim thú vị nào không, hay thế giới xa xôi kia có xảy ra chuyện gì kinh khủng không.

Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, lý do này nghe có vẻ… quá bình thường và hơi “nhẹ nhàng” với chính chúng ta. Sự thật thì đen tối hơn và cũng khiến ta phải ngẫm lại nhiều hơn. Chúng ta không cầm điện thoại để tìm hiểu thế giới bên ngoài. Chúng ta cầm nó lên vì muốn chắc chắn rằng mình sẽ không phải đối diện với thế giới bên trong chính mình.

Patrick Wack, Out West, 2012

Hãy thử quan sát thật kỹ những khoảnh khắc chúng ta bị cuốn vào chiếc điện thoại. Đó gần như luôn là lúc một nỗi lo lắng nào đó đang gõ cửa tâm trí – một nỗi lo mà nếu chịu khó phân tích, hiểu rõ, ta có thể tìm ra con đường đúng đắn cho cuộc đời. Nhưng thay vì đối diện, ta chọn cách lẩn tránh. Chúng ta biến chiếc điện thoại thành bức tường chắn, để chặn đứng dòng suy nghĩ, để tạm thời quên đi những điều rắc rối nhưng đầy hứa hẹn trong tâm hồn mình.

Có thể những suy nghĩ ấy liên quan đến câu nói kỳ lạ và khó hiểu của mẹ lúc ăn trưa. Hay là cảm giác mình nên tận dụng tốt hơn khả năng của bản thân, sau cuộc gặp gỡ với một người bạn cũ. Hoặc có lẽ là lời nói lạnh lùng của người bạn đời sáng nay, làm rung chuyển mối quan hệ vốn đã không mấy yên ổn.

Vậy mà, thật "may mắn" làm sao, chúng ta lại phát minh ra một thiết bị giúp mình không bao giờ phải đối diện với chính mình nữa. Trớ trêu thay, chúng ta gọi nó là thiết bị giao tiếp!

Chúng ta tự hào về thời gian tiết kiệm được, về việc không cần tra từ điển, không cần giở bản đồ, hay hàng tá thứ lạ lùng, vui nhộn mà mình phát hiện. Nhưng lại lờ đi những khoảng thời gian “chán chết” nhưng đầy tiềm năng, những giấc mơ vu vơ bị bóp nghẹt, những ý tưởng chưa thành hình, những cuốn tiểu thuyết không được viết, những dự án kinh doanh bị bỏ qua, những cảm xúc chưa gọi thành tên, và cả sự tự nhận thức đang dần bị đánh mất.

Nhưng câu chuyện này không nhất thiết phải kết thúc trong buồn bã. Chính lúc tay ta khao khát cầm lấy chiếc điện thoại nhất, hãy thử làm điều gì đó thật khác lạ: dừng lại và tự hỏi mình một câu táo bạo: Nếu giờ tôi không được phép chạm vào điện thoại, liệu tôi cần nghĩ về điều gì?

Câu trả lời sẽ dẫn ta bước vào những góc khuất chưa từng được khám phá trong chính cuộc đời mình. Thay vì dùng điện thoại để chặn đứng suy nghĩ, ta có thể xem cơn thèm khát này như một dấu hiệu cho thấy ta cần soi chiếu nội tâm, cần ở lại và đối mặt thay vì bỏ chạy.

Khi cơn “ngứa ngáy” tìm kiếm sự xao lãng lên đến đỉnh điểm, hãy tự hỏi:

  • Tôi đang cố gắng làm gì với cuộc đời mình?
  • Tôi nên tập trung vào điều gì?
  • Điều gì đang khiến tôi buồn?
  • Điều gì làm tôi giận dữ?
  • Tôi cần nói gì với chính mình?

Những câu trả lời đã luôn ở đó, nửa van xin ta lắng nghe, nửa sợ rằng ta sẽ lại tìm cách xua chúng đi bằng những tiếng ồn mới. Và biết đâu, thiết bị "phi giao tiếp" này, cuối cùng, lại trở thành cánh cửa dẫn ta đến sự thấu hiểu chính mình.

Nguồn: WHEN, AND WHY, DO WE PICK UP OUR PHONES? 

menu
menu