Lý lẽ ẩn sau những hành vi tưởng như vô lý

ly-le-an-sau-nhung-hanh-vi-tuong-nhu-vo-ly

Thế giới này đầy ắp những con người – và đôi khi chính là chúng ta – những người cứ mãi hành xử theo cách tưởng như hoàn toàn đi ngược lại với lợi ích của bản thân mình.

Thế giới này đầy ắp những con người – và đôi khi chính là chúng ta – những người cứ mãi hành xử theo cách tưởng như hoàn toàn đi ngược lại với lợi ích của bản thân mình.

Hãy cùng thử hình dung vài ví dụ:

— Một người luôn tìm cách rút lui khỏi các mối quan hệ tình cảm ngay khi sự thân mật và gắn bó bắt đầu hình thành – để rồi hết lần này đến lần khác, chính họ phá vỡ những mối quan hệ đó.

— Một người rất có năng lực, nhưng cứ hễ đối mặt với một thử thách quan trọng trong công việc là lại tự mình làm hỏng – và vì vậy mãi không thể tiến xa trên con đường sự nghiệp.

— Một người luôn miệng gọi mình là kẻ tệ hại, sống cùng mặc cảm sâu sắc và lòng tự trọng rơi xuống tận đáy, dù thực ra họ có rất nhiều điều đáng tự hào – nếu chỉ cần họ tự nhìn nhận bản thân một cách công bằng hơn.

— Một người cứ mãi vướng vào những cơn lo âu kiểu "giả bệnh", khiến cuộc sống tự do và hạnh phúc trở thành điều không thể.

— Một người ném mình điên cuồng vào công việc hay các việc nhà, như thể đó là cách duy nhất để tránh chạm đến cảm xúc bên trong hoặc nuôi dưỡng đời sống tinh thần.

— Một người liên tục cư xử theo kiểu gây chú ý, khiến người khác cảm thấy khó chịu – trong khi nếu họ chỉ biết chọn cách tiếp cận hợp lý hơn, hẳn đã nhận được sự quan tâm họ hằng mong muốn.

Ta có thể đứng lùi lại và thắc mắc: Tại sao họ – hoặc chính ta – lại hành xử trái ngang như thế? Vì sao những hành động ấy lại đi ngược với lý trí?

Escher, Bond of Union, 1956

Nhưng nếu nghĩ vậy, có lẽ ta đang hiểu sai cách tâm trí con người vận hành. Những hành vi tưởng như lệch lạc đó, thực chất không hề vô lý. Những điều có vẻ bất hợp lý ấy, nếu nhìn đúng cách, lại hoàn toàn hợp lý. Chúng chỉ đang... lạc nhịp. Chúng diễn ra không đúng thời điểm, không đúng hoàn cảnh, không đúng người. Đó là những chiến lược thích nghi từng vô cùng hợp lý – nhưng rồi trở nên lỗi thời. Chúng là tàn tích của những hành vi đã từng giúp ta sống sót, trong một thế giới tuổi thơ khắc nghiệt mà giờ đây không còn tồn tại nữa.

Hãy nhìn lại từng ví dụ:

— Nếu ngày bé, ta từng có một người cha hoặc mẹ luôn bất ổn trong tình cảm, nghiện ngập, hoặc từng nhiều lần tìm đến cái chết, thì khả năng rút lui lạnh lùng mỗi khi ai đó tiến lại gần ta về mặt cảm xúc... chẳng phải là một phản ứng vô cùng hợp lý hay sao? Đó không phải bệnh lý, không phải ngu ngốc – mà là một chiến thuật sinh tồn. Và đáng nể biết bao, khi ta nghĩ ra được nó từ lúc mới lên năm.

— Hoặc nếu ta từng sống cùng một người lớn luôn cảm thấy bị đe dọa bởi thành công của ta, thậm chí trả đũa mỗi lần ta toả sáng – thì việc tự rèn cho mình thói quen... thất bại, thực ra là một bước tính đầy khôn ngoan. Một chiến thắng im lặng nhưng sâu sắc: ta sớm hiểu rằng sống sót quan trọng hơn là thành công.

— Nếu người lớn bên ta từng đối xử rất tệ, thì lựa chọn... căm ghét bản thân thay vì giận dữ với họ có thể là cách duy nhất để ta giữ được ảo tưởng rằng cha mẹ mình vẫn là những người tốt. Chỉ cần ta cố gắng thêm một chút, mọi chuyện sẽ ổn – ảo tưởng ấy đôi khi cần thiết để ta tiếp tục tồn tại.

— Nếu người chăm sóc ta chỉ tỏ ra yêu thương khi ta ốm đau, thì việc ta tự tạo ra một chuỗi những chứng bệnh mơ hồ – dù có khiến bác sĩ khó chịu – lại chính là con đường dẫn đến sự dịu dàng mà ta khao khát.

— Nếu cha mẹ ly hôn và nỗi đau từ sự chia ly ấy quá lớn để có thể chịu đựng, thì việc ta đẩy mình vào một guồng quay bận rộn đến mức không còn thời gian để cảm nhận điều gì – lại là một lựa chọn khôn ngoan để sống sót.

— Và nếu cha mẹ quá bận rộn, tâm trí họ ở nơi khác, thì đáng phục thay là khả năng ta nghĩ ra đủ cách – từ gây rối, làm mình làm mẩy, đến gây ra những "drama" – chỉ để giành lấy một chút chú ý mà ta cần biết bao.

Tất cả những hành vi tưởng như vô bổ, tự hủy hay phản tác dụng nhất ở tuổi trưởng thành – nếu ta thôi tìm kiếm lý do trong hiện tại – sẽ dần bộc lộ một logic sâu xa của riêng chúng.

Mỗi khi đối diện với một biểu hiện mà ta thường gán mác là “rối loạn tâm lý”, điều đầu tiên nên tự hỏi là: Liệu có khi nào, ở một thời điểm nào đó, hành vi ấy từng có lý? Liệu nó từng là một phản ứng cần thiết để sinh tồn? Từng là con đường đưa ta đến gần hơn với tình yêu, sự quan tâm, và cảm giác an toàn?

Nếu nhìn nhận theo cách ấy, ta có thể bắt đầu đối xử với chính mình bằng sự bao dung – thậm chí là khâm phục – cho cái cách ta đã từng sáng tạo ra những phản ứng ấy để vượt qua khó khăn. Nhưng đồng thời, ta cũng có cơ hội thay thế những hành vi cũ bằng những lựa chọn mới, phù hợp hơn với hiện tại và với hình hài con người mà ta đang khao khát trở thành:

— Đã từng, việc xây tường và giữ khoảng cách là điều khôn ngoan. Còn bây giờ, nó khiến ta có nguy cơ chết trong cô độc.

— Đã từng, thất bại là cách duy nhất để được yên thân. Còn bây giờ, đó là con đường đưa ta đến chỗ trắng tay.

— Đã từng, lòng tự ti là áo giáp giúp ta sống sót. Còn bây giờ, nó chối bỏ bản chất thật sự của ta.

— Đã từng, bệnh tật – dù có khi là tưởng tượng – là cách duy nhất để được yêu thương. Còn bây giờ, nó ngăn ta sống trọn vẹn một cuộc đời.

— Đã từng, né tránh mọi cuộc đối thoại nội tâm giúp ta cảm thấy an toàn. Còn bây giờ, nó khiến ta xa lạ với chính mình.

— Đã từng, những cơn bộc phát kịch tính mang về sự chú ý. Còn bây giờ, nó khiến người thương ta dần lùi xa.

Chúng ta có thể hình dung mình như một “ngôi nhà chung” nơi vẫn còn đó nhiều đứa trẻ nhỏ – những phần tâm hồn non nớt trong ta – vẫn đang hành xử theo những kịch bản cũ kỹ từng giúp chúng sống sót. Hãy dịu dàng với chúng. Chúng đang làm hết sức. Điều chúng làm không phải là “điên rồ” – chỉ là không còn phù hợp với thời điểm này nữa.

Chúng ta cần học cách nhìn thấy trong từng nỗi rối loạn ấy một chiến lược sống còn. Rồi từ đó, nhẹ nhàng chấp nhận rằng giờ đây, ta không còn cần đến chúng nữa. Ta có thể – và nên – buông bỏ, với tất cả sự biết ơn dành cho sự sáng tạo mà chúng từng chứa đựng, và cho cảm giác an toàn mà chúng từng mang lại.

Ta không nên vội vàng gạt bỏ những hành vi tự hủy của mình như thể chúng vô nghĩa. Ta cần học cách lần theo dấu vết, tìm ra mục đích sâu xa của chúng – rồi đủ tử tế với chính mình để dứt bỏ chúng, vì người mà ta đang nỗ lực trở thành, vì cuộc đời mà ta xứng đáng được sống.

Nguồn: THE HIDDEN LOGIC OF ILLOGICAL BEHAVIOUR | The School Of Life

menu
menu