Lắng nghe trẻ nhỏ

lang-nghe-tre-nho

Gợi ý rằng cha mẹ có thể chưa lắng nghe con cái mình đủ sâu có thể khiến bất kỳ bậc làm cha làm mẹ nào cũng cảm thấy... ít nhất là bực bội, còn tệ hơn thì như bị tổn thương.

Gợi ý rằng cha mẹ có thể chưa lắng nghe con cái mình đủ sâu có thể khiến bất kỳ bậc làm cha làm mẹ nào cũng cảm thấy... ít nhất là bực bội, còn tệ hơn thì như bị tổn thương. Bởi lẽ, một phần không thể thiếu trong trải nghiệm làm cha mẹ — chính là tiếng ồn: âm thanh kéo dài bất tận của những tiếng khóc, tiếng la hét, đòi hỏi, thảng thốt, những câu hỏi dồn dập, những cơn cáu kỉnh vô chừng. Việc hoàn thành một câu nói trọn vẹn, chứ chưa nói đến cả đoạn văn, là điều gần như không tưởng trong suốt nhiều năm đầu đời của trẻ. Vậy nên, nếu ai đó còn nói rằng cha mẹ “không chịu lắng nghe”, thì lời ấy hẳn là một sự trêu ngươi — một cú huých chẳng khác gì muốn thổi bay những tàn dư cuối cùng của sự tỉnh táo.

Thế nhưng, có một khả năng khác lặng lẽ tồn tại: rằng giữa cơn ồn ào náo loạn ấy, ta vẫn có thể đang bỏ sót tín hiệu thật sự. Rằng chính vì không ai nghe thấy điều cốt lõi, nên tiếng ồn mới ngày càng dâng cao. Có thể, âm thanh hỗn tạp ấy chỉ là biểu hiện của một sự điếc lặng kéo dài — một khoảng trống mà cả người lớn lẫn trẻ con đều không sao lấp đầy.

Dĩ nhiên, chẳng phải lỗi của ai cả. Bởi trẻ em, từ thuở ban đầu, vốn không thể được kỳ vọng là sẽ biết cách nói rõ ràng và chính xác điều đang làm chúng khổ tâm. Ngay cả tâm trí của chính mình, chúng còn chưa hiểu được, nói gì đến việc truyền đạt cảm xúc ấy đến người lớn đang mỏi mệt hoặc tất bật. Ngôn ngữ của trẻ — nghèo nàn, bối rối, đôi khi là méo mó — thường khiến người nghe thấy vừa nản lòng, vừa hoảng hốt. Chúng có thể nói những điều:

Bạo liệt: Ước gì bà chết đi... Em bé nên bị quăng vào thùng rác...
Làm tổn thương: Ba/mẹ chỉ biết nghĩ đến bản thân... Ba/mẹ chán òm...
Ác ý: Julie bị khùng...
Chống đối: Con không bao giờ, không bao giờ muốn đi học nữa...
Vô lý: Con không quan tâm là mình đang ở Tây Ban Nha, con ghét chỗ này.
Phi lý đến ngớ ngẩn: Con chỉ muốn ba là người mở hũ sữa chua này thôi...

Nếu đôi lúc cha mẹ có bịt tai, quay lưng hoặc làm ngơ, thì không phải vì họ vô tâm, mà bởi những gì họ nghe được có vẻ như đi ngược hoàn toàn với mọi kỳ vọng, hy vọng và niềm tin của họ về con cái — và cả bản chất con người. Sau bao hy sinh thầm lặng, giờ đây họ phải đối mặt với một sinh linh bé bỏng… nhưng mang dáng hình của sự ích kỷ, khó chiều, vô ơn, dễ buồn, bất thường, và rất xa điều gọi là “dễ thương”. Vấn đề không hẳn là họ không nghe thấy, mà là họ đang sống trong hy vọng rằng những lời ấy không thật, rằng nếu bỏ qua thật nhanh, thật nhẹ nhàng, thì những điều “khó nghe” kia cũng sẽ tự tan biến.

Đó cũng là cách “điển hình” mà nhiều bậc cha mẹ không lắng nghe: trong vô vàn khoảnh khắc, họ rẽ sang một hướng khác, né tránh những tín hiệu kỳ lạ mà con đang gửi gắm, để thay vào đó là những lời nài nỉ con “hợp lý hơn”, hay nói trắng ra là “bình thường hơn”. Ví dụ như:

Trẻ: Con thấy buồn.
Cha/mẹ: Thôi nào, kỳ nghỉ mà, sao lại buồn được.

Trẻ: Con thấy lo lắng lắm.
Cha/mẹ: Cưng ơi, vô lý quá, ở đây thì làm gì có gì đáng sợ?

Trẻ: Con ước gì chẳng bao giờ phải đi học nữa.
Cha/mẹ: Đừng làm khó ba/mẹ. Con biết là ta phải rời nhà lúc tám giờ rồi mà.

Trẻ: Con không chịu nổi em Sam, em  ấy vừa béo, vừa ngốc, lại còn xấu nữa.
Cha/mẹ: Nói thế là không hay đâu! Sam là em trai của con đấy!

Xin nhắc lại: vấn đề không nằm ở chỗ không nghe thấy, mà ở chỗ sợ hãi — nỗi sợ rằng con mình đang nói ra những điều chẳng khớp với bất kỳ khuôn mẫu nào của sự bình thường hay tỉnh táo.

Người làm cha mẹ cảm thấy hoảng sợ khi chứng kiến con bộc lộ những cảm xúc hay hành vi có thể khiến tương lai của đứa trẻ trở nên thật khó khăn: rằng con có thể trở thành kẻ giết người, kẻ đốt nhà, người trầm cảm, lo âu, yếu đuối, hay thậm chí là một đứa trẻ nổi loạn. Họ lo rằng đứa con yêu dấu của mình sẽ trở thành một người không biết lễ phép với người lớn, không bao giờ có được một công việc tử tế, bị hủy hoại bởi những ám ảnh kỳ quặc và ghét bỏ vô cớ mọi thứ. Đó là lý do vì sao họ không đủ bình tĩnh để lắng nghe những kế hoạch “giết bà” hay “bỏ học vĩnh viễn”, không đủ can đảm để ngồi yên nghe con thất vọng đến xót xa chỉ vì lớp kem trên mặt bánh, hay run rẩy kể về một con thú rừng đang ẩn mình dưới gầm ghế sofa. Không phải vì họ không quan tâm — mà là vì họ đang hoang mang tột độ trước viễn cảnh con mình có thể đang trở thành một người xa lạ đến đáng sợ.

Vấn đề không chỉ là không chịu lắng nghe, mà sâu xa hơn, đó là mối quan hệ của cha mẹ với cái gọi là “sự bình thường”. Đó là việc mở rộng cái nhìn của ta về trạng thái ấy — để bao dung thêm nhiều sắc thái của hành vi con người hơn những gì ta từng nghĩ. Là nhận ra rằng, trong ranh giới của sự tỉnh táo, vẫn có chỗ cho những nét điên rồ. Rằng, nếu biết nhìn bằng trí tưởng tượng đủ rộng, ta sẽ thấy hoàn toàn “bình thường” khi ta tức giận đến mức muốn “giết” ai đó, hay vừa yêu thương ai đó tha thiết mà lại vừa muốn quẳng họ... vào thùng rác.

Lắng nghe, trước hết, là có đủ niềm tin bên trong để cho phép một đứa trẻ được là chính nó — dù kỳ quặc, trái ngược, phiền phức hay lạc lối — bao lâu cũng được. Bởi tất cả những điều ấy đều thuộc về sức khỏe và quá trình trưởng thành rất đỗi tự nhiên.

Một người cha hay mẹ biết chấp nhận “sự bất thường trong cái bình thường” sẽ đủ vững vàng để đón nhận những lời lẽ kỳ lạ phát ra từ thế hệ nhỏ tuổi. Họ sẽ cảm thấy mình có thể yên tĩnh lắng nghe những câu nói chẳng giống ai, mà không cần lo rằng nền móng văn minh sẽ sụp đổ vì điều đó. Họ có thể, trước những lời bộc bạch ấy, trả lời với lòng điềm tĩnh và dịu dàng:

“Có lẽ con rất mong bà sẽ đến dự sinh nhật của con. Mẹ nghĩ, ai trong nhà mình cũng mong bà có mặt ở đây…”

“Mẹ nghe thấy rằng con đang rất giận mẹ… mẹ chưa hiểu rõ vì sao, nhưng mẹ yêu con rất nhiều… Có thể chút nữa con sẽ nói với mẹ, khi con sẵn sàng.”

“Con rất bực mình vì có em bé và ai cũng quan tâm đến em. Mẹ từng cảm thấy như vậy khi dì Jane ra đời. Nhưng giờ mẹ với dì lại là bạn tốt của nhau. Có thể sau này con cũng sẽ như vậy với Sam. Nhưng mẹ biết, điều đó còn xa lắm…”

Càng lắng nghe những lời “kỳ quặc” mà trẻ con thốt ra, chúng ta sẽ càng thấy chúng bớt dữ dội. Càng được lắng nghe, trẻ sẽ càng nhẹ giọng hơn. Một đứa trẻ nói rằng nó muốn đốt cháy cả ngôi trường — thật ra không hề muốn làm điều đó. Nó chỉ đang cố gắng tuyệt vọng để được ai đó lắng nghe nỗi bức bối sâu xa mà trường học đang gây ra cho nó. Đứa trẻ ấy sẽ chỉ thực sự trở thành kẻ phóng hỏa nếu người lớn cứ tiếp tục làm ngơ — chứ không phải nếu ta dang rộng lòng, bình tĩnh và dịu dàng mà lắng nghe.

Tương tự, một đứa trẻ được đưa đến Tây Ban Nha sau chuyến bay tốn kém, rồi ngay ngày đầu ra biển lại buột miệng rằng “con chẳng thích nơi này chút nào, ước gì được về nhà”… sẽ không trở thành một đứa trẻ vô ơn hay hư hỏng — nếu người lớn chịu khó hỏi xem vì sao con lại buồn, và nếu ta đủ vững vàng trong vai trò làm cha mẹ để quỳ xuống ngang tầm mắt con và dịu dàng nói: “Nói cho ba/mẹ nghe, vì sao con không muốn ở đây nhé…”

Đứa trẻ ấy đơn giản chỉ đang tìm một cơ hội để sẻ chia nỗi bối rối của mình — niềm háo hức xen lẫn sợ hãi, khi bất ngờ bị đưa ra khỏi không gian thân thuộc để đến với biển khơi xa lạ. Chúng chỉ đang chờ ai đó mà mình tin cậy xác nhận rằng: cảm giác ấy là có thật, và được hiểu. Mà một khi được thấu hiểu rồi, gần như chắc chắn, đứa trẻ ấy sẽ lao ra đón những con sóng, sẽ hứng thú với món churros và sôcôla nóng buổi sáng, sẽ để tâm đến hàng cọ xanh rì trước sảnh khách sạn, và cả những dây đèn lung linh bên hồ bơi.

Bởi lẽ, ta cần có cơ hội được buồn thì mới có thể hạnh phúc một cách trọn vẹn. Và ta cần có chỗ để được thốt ra câu: “Con ước gì cả thế giới này biến mất”, thì mới từng chút một học được cách trở thành người tử tế và biết yêu thương một cách sáng tạo.

Điều mà nhiều bậc cha mẹ "nghe không rõ" thường quên, là: cảm xúc – đặc biệt là những cảm xúc khó chịu – sẽ yếu dần đi khi được nói ra.

Nếu cha mẹ chịu khó lắng nghe khi con nói rằng con ghét cô giáo, có thể con sẽ không còn cư xử hỗn láo trong lớp nữa. Nếu được cho phép than phiền đôi chút về bà nội hay bà ngoại, có thể đứa trẻ sẽ bớt miễn cưỡng khi phải đến thăm người bà cáu bẳn ấy. Cảm xúc, một khi được nhận diện và thừa nhận, sẽ lắng xuống chứ không phải dâng lên. Người ta chỉ hét lên khi chẳng ai chịu lắng nghe — chứ không phải vì đã được nghe quá nhiều.

Ta có thể định nghĩa đó là thứ năng lượng giúp ta đi xuyên qua bề mặt của lời nói — dù nó có thô lỗ, lộn xộn hay gây sốc — để tìm đến tầng nghĩa sâu hơn, nơi gần như chắc chắn chứa đựng điều gì đó đáng cảm thông và nhân hậu. Điều này đúng không chỉ trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, mà còn trong tình yêu của người lớn.

Khi một người thốt ra rằng họ “ghét cay ghét đắng” người yêu mình, gần như chắc chắn rằng điều đó không hề đúng. Người ta hiếm khi nói những lời tàn nhẫn đến vậy — trừ khi họ yêu đối phương rất nhiều. Đó thường là dấu hiệu của một niềm hy vọng đã bị chao đảo. Ta không ghét người mình yêu, ta ghét cảm giác phải lệ thuộc vào họ. Ta sợ việc họ đang nắm trong tay chiếc chìa khóa dẫn đến hạnh phúc của mình. Điều ta thực sự muốn nói là: “Em/anh khiến tôi sợ, vì tôi yêu em/anh nhiều đến thế, và em/anh có thể khiến tôi tổn thương bất kỳ lúc nào.” Chỉ là, bộ não con người đôi khi kỳ lạ đến mức, cảm xúc ấy lại thoát ra ngoài thành một câu thô bạo như: “Biến đi và chết đi.”

Ở khía cạnh này, lắng nghe một người thật sự không chỉ đơn thuần là dừng lại ở mặt chữ. Lắng nghe nghĩa là nghiêm túc đón nhận điều họ đang cố nói, dù lời họ thốt ra có thể không phải là sự thật toàn vẹn. Câu “Con ghét mẹ” đôi khi thực ra lại có nghĩa là “Con yêu mẹ”. “Con không quan tâm” có thể ẩn chứa nỗi sợ hãi đang cuộn xoáy bên trong. Một điều quan trọng nào đó có thể đang được truyền đi, nhưng ý nghĩa thật sự lại nằm ở bên rìa của những lời đã được nói ra. Vì thế, lắng nghe còn cần đi kèm với một chút phiên dịch.

Trong các ngôn ngữ nước ngoài, có rất nhiều từ mà giới dịch thuật gọi là “bạn giả” — những từ nghe thì tưởng như mang một nghĩa, nhưng thực ra lại hoàn toàn khác. Chẳng hạn như từ baldo trong tiếng Ý nghe giống như “hói” với người nói tiếng Anh, nhưng thật ra lại có nghĩa là “dũng cảm”. Hay từ monnaie trong tiếng Pháp có vẻ như là “tiền bạc”, nhưng thực chất chỉ là “tiền lẻ”.

Một trong những bước đầu tiên để học thành thạo một ngôn ngữ là làm quen với việc gạt bỏ những suy diễn “rõ ràng” quá mức, để ép mình phải đào sâu hơn, tìm đến nghĩa thật sự của từng từ. Và trong mối quan hệ với trẻ nhỏ, chúng ta cũng cần làm điều tương tự. Bởi ở đây cũng hiện diện một dạng “ngoại ngữ” đặc biệt, nơi đầy rẫy những “bạn giả” – những lời nói mà nghĩa không giống như ta tưởng, và ta thật sự cần một cuốn từ điển để giúp mình phiên dịch chúng cho đúng.

Ước gì trong tương lai, chúng ta có thể đeo một thiết bị nhỏ xíu trong tai — đủ thông minh để dịch lời trẻ con thành đúng ý mà chúng đang muốn truyền đạt. Chúng ta sẽ không còn chỉ nghe thấy điều trẻ con nói ra bằng miệng, mà sẽ được nghe điều chúng thực sự cố gắng gửi gắm từ tận bên trong. Và sẽ thật tuyệt nếu bọn trẻ cũng đeo một chiếc như vậy, bởi công việc phiên dịch này, xét cho cùng, luôn là chuyện hai chiều. Nhưng cho đến khi viễn cảnh ấy thành hiện thực, ta chỉ còn biết trông cậy vào sự cảnh giác từ chính trái tim mình.
Khi một đứa trẻ nói điều gì đó khiến ta cảm thấy bất an, lạ lẫm hay “không bình thường”, ta hãy cố dằn lòng lại, đừng vội ngắt lời. Hãy nói nhẹ nhàng: “Ồ… kể cho ba/mẹ nghe thêm chút nữa đi…” Khi nghe thấy một câu dữ dội đến choáng váng như “Con muốn chôn sống em bé!”, ta có thể bình tĩnh đáp lại: “Có lẽ điều con đang muốn nói là…” Và khi trẻ gào lên: “Con ghét tất cả mọi người!”, thay vì trách con hỗn hay nổi nóng, ta có thể điềm tĩnh nói: “Mẹ thấy chắc là con đang rất tức giận…”

Song song đó, ta cũng cần bắt đầu để ý xem: đã bao nhiêu lần, dù ở cạnh con mỗi ngày, ta vẫn chưa thật sự để con đi vào nhận thức của mình? Bao nhiêu lần, ta đã tiếp nhận một cảm xúc từ con — chỉ để rồi lập tức gán cho nó là sai, là không đúng, là không thể chấp nhận? Một trong những khát vọng sâu xa nhất của con người, là mong được người khác lắng nghe về việc: làm người – trong ta – là như thế nào. Ta không nhất thiết mong người khác phải đồng tình hay làm gì đó vì cảm xúc của mình. Cái mà ta khao khát, đôi khi, chỉ là ai đó dành chút thời gian để lắng nghe nó thôi. Và giống như trẻ nhỏ, càng được lắng nghe, ta lại càng nhẹ giọng đi. Hầu hết những hành vi được gắn mác “xấu” ở trẻ, thật ra không xấu như vậy. Đó chỉ là một cách thể hiện vụng về và bất lực — nhưng hoàn toàn dễ hiểu — của một sinh linh nhỏ bé chưa thể diễn đạt rõ ràng, chưa thể khéo léo để nói ra những gì đang chất chứa trong lòng. 

Nguồn: LISTENING TO CHILDREN | The School Of Life

menu
menu