Khi người mẹ đóng vai nạn nhân 

khi-nguoi-me-dong-vai-nan-nhan 

Hiểu được những hậu quả phức tạp khi có người mẹ đóng vai hy sinh.

Những điểm chính

  • Đóng vai nạn nhân là một hình thức kiểm soát khác của người mẹ và thường liên quan đến việc biến một đứa trẻ thành ‘dê tế thần’ trong gia đình, nhận lãnh mọi tội lỗi.
  • Việc người mẹ đóng vai nạn nhân có ảnh hưởng trực tiếp lên đứa trẻ, để lại tổn thương to lớn và lâu dài.
  • Những đứa trẻ có mẹ đóng vai nạn nhân thường cảm thấy bất lực, khiếm khuyết và khó duy trì ranh giới (lành mạnh), khó nhận ra hành vi bạo hành và nói ra nhu cầu của chúng.

Nguồn: fizkes/Shutterstock

"Celia" 52 tuổi, hiện là một người mẹ và người bà, nhưng mẹ cô 71 tuổi vẫn cứ kể mãi một câu chuyện đời bà. Theo lời Celia: “Tôi là nguyên nhân khiến mẹ không bao giờ thực hiện được ước mơ của bà, và niềm tin đó của bà chưa từng lung lay, mãi mãi. Tôi đã làm gì? Tôi được sinh ra khi đáng nhẽ bà phải hoàn thành xong năm hai đại học, nhưng thay vì vậy bà đã bỏ học. Và không bao giờ quay lại trường.”

Để tôi nhắc bạn nhé, mẹ của Celia chưa bao giờ cố gắng quay lại trường học mà thay vào đó, bà tiếp tục sinh thêm hai đứa con nữa, song bà vẫn tin chắc ai mới là người có lỗi: “Bạn sẽ nghĩ, sau ngần ấy năm, bà ấy sẽ nhận ra chuyện này thật ngớ ngẩn, nhưng không. Hồi còn nhỏ và lúc trẻ, tôi chấp nhận rằng cách đối xử của bà với tôi khác với anh chị em của mình và tôi biết đó là vì tôi đã phá hỏng cuộc đời bà ấy. Tôi tiếp nhận mọi điều bà ấy nói về tôi và tin chúng. Tôi đang phục hồi dần dần, nhưng khi gặp bà—việc này không thường xuyên—hiếm khi nào tôi thấy bà không vào vai nạn nhân. Tôi nghĩ mẹ thích nhận được sự cảm thông—từ cha tôi, từ các anh chị em của tôi và những người khác. Ôi, Celia xấu xa, Bà Mẹ tội nghiệp.”

Nhìn từ bên ngoài, một người trưởng thành có vẻ khá dễ dàng chặn đứng trò thao túng này, nhưng đối với một ai đó bị nói suốt nhiều năm rằng cô/anh ấy là nguyên nhân gây ra khổ đau cho mẹ mình, thì việc này hoàn toàn không thể. Trớ trêu thay, trong khi nguyên nhân được cho là thứ yếu, không quan trọng, thì những người còn lại trong gia đình được xích lại với nhau bởi một câu chuyện chung.

Đóng vai nạn nhân: một dạng hành vi độc hại khác của người mẹ   

Đóng vai nạn nhân thường bao gồm việc biến một (hay nhiều) đứa trẻ thành ‘con dê tế thần’ trong gia đình, song đôi lúc nó chủ yếu là một dạng đổ lỗi và là một cách để thu hút sự chú ý. Đó là trường hợp của gia đình "John", người mẹ bên ngoài trông hiền lành nhưng bên trong thì che đậy sự hung hăng. Khi người con trai 35 tuổi này lên tiếng: “Trong khi hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn khoe về con cái, thậm chí còn thổi phồng sự thật để khiến bọn trẻ trông tốt đẹp hơn thực tế, thì mẹ tôi làm ngược lại, hạ thấp và xem thường mọi điều chúng tôi đã làm và đạt được khi gặp gia đình và bạn bè. Tôi không hiểu nổi chuyện này, nhưng sau đó thì tin rằng mẹ mình thích nhận được sự cảm thương nhiều hơn là khiến người khác ngưỡng mộ hay ganh tỵ. Bản tính được che giấu của mẹ khiến bố tôi luôn muốn bảo vệ bà, và ông thường xem bà như nạn nhân bị mọi người bắt nạt.”

Trong gia đình này, người cha trở thành người thực thi của người mẹ nạn nhân. Không có gì ngạc nhiên khi John đã cố gắng rất nhiều để làm hài lòng mẹ và “sửa chữa mọi thứ” nhưng cũng hoài công vô ích. Khi một người mẹ đóng vai nạn nhân, một đứa trẻ thường bị ép vào vai người giải cứu, dù nó có muốn hay không.  

Điều đó đúng đối với "Daniel," người con giữa, với một anh trai hơn 3 tuổi và một em gái nhỏ hơn 6 tuổi. Hiện tại anh ấy 45 tuổi, là cha của hai đứa con:

"Mẹ tôi không yêu cái vai nào hơn vai Cô bé Lọ lem trước khi hoàng tử xuất hiện. Nói chung, qua lời kể của bà thì bà ấy luôn bị cuộc đời ngáng trở và bà luôn thất vọng trước tất cả mọi người, ‘Dù tôi có cố gắng đến đâu.’ Tất cả mọi người bao gồm bạn bè, người thân, người lạ, hàng xóm, anh tôi, cha tôi, và tôi. Cái câu—‘Dù tôi có cố gắng đến đâu’—đã tổng kết lại hơn 20 năm mà tôi chịu đựng trong nhà với mẹ. Phải, Người mẹ tội nghiệp đáng thương.”

Daniel được chỉ định làm “người giải cứu” như anh ấy kể, người phải an ủi Mẹ, theo phe bà ấy, và “nâng đỡ bà” khi bà gặp chuyện thất vọng: “Trong con mắt của bà, anh tôi là đứa nghịch phá, gây rối, vì vậy tôi đổ lỗi cho anh mình vì nỗi bất hạnh của mẹ; tôi thậm chí còn chẳng hiểu thế nào là ‘dê tế thần’, tôi được nuôi dạy để đổ lỗi lên đầu anh ấy giống như cha mẹ tôi đã làm. Chuyện này lặp lại với Em gái bé nhỏ của tôi kể từ khi anh trai tôi đã rời khỏi nhà khi con bé mới 9 tuổi. Tôi không hiểu tất cả những chuyện này tệ hại ra sao cho đến khi gần tuổi đôi mươi và tôi nhận ra nhìn chung thì các cậu bé trai không có trách nhiệm phải chăm sóc cho mẹ chúng, hay cam kết trấn an mẹ và ‘sửa chữa’ mọi thứ.

"Rốt cuộc thì bố tôi và tôi phải trở thành người cứu giúp mẹ, trong khi đó, chẳng ai để tâm đến những lo lắng hay vấn đề của tôi. Tôi nghĩ mình chẳng đáng để được quan tâm chú ý. Nhờ may mắn mà người cố vấn cho sinh viên năm nhất đại học của tôi đủ sắc sảo để nhận ra vấn đề của tôi, tôi cũng vô cùng rối trí và không biết làm gì khác ngoại trừ làm một cậu con trai hiếu thảo ... Khi nhà trị liệu hỏi tôi mong muốn điều gì, tôi gần như á khẩu. Tôi không nghĩ ra. Tôi chỉ biết làm những gì mình được bảo để giữ hòa thuận và đảm bảo là mình không làm cho mẹ thất vọng.”

4 hậu quả lâu dài khi có mẹ đóng vai nạn nhân  

Mặc dù chưa đầy đủ, danh sách này là giai thoại, được rút ra từ hàng trăm cuộc phỏng vấn mà tôi đã thực hiện cho các cuốn sách của mình, gồm có cuốn Daughter Detox: Recovering from an Unloving Mother and Reclaiming Your Life và cuốn sách sắp phát hành của tôi về chủ đề bạo hành lời nói, cũng như những câu chuyện mà tôi chia sẻ trên Facebook của mình.

  1. Khó nhận ra ranh giới lành mạnh

Bằng cách đóng vai nạn nhân và bắt đứa trẻ phải chịu trách nhiệm về cuộc sống và hành động của mình, người mẹ đã làm cho hai danh tính này vướng mắc với nhau. Giao cho đứa trẻ vai trò người giải cứu—hoặc khuyến khích trẻ đảm nhận cái vai đó—cũng sẽ làm dính mắc và mất đi ranh giới lành mạnh lẽ ra cần có giữa cha mẹ và con cái. Vấn đề này có thể kéo dài đến tận khi trưởng thành.

  1. Tiếp thu sự đổ lỗi của mẹ và biến nó thành sự tự chỉ trích bản thân   

Than ôi, đó là lẽ hiển nhiên trong việc bạo hành trẻ em, ở đó đứa trẻ tiếp nhận những điều người ta nói với chúng và xem đó là sự thật bất khả xâm phạm; điều này thường tiếp thêm năng lượng cho quá trình tự chỉ trích bản thân như một vị thế mặc định trong vô thức dựa trên những thứ được gọi là tính xấu mà không thể thay đổi được.

  1. Khó nhận ra việc đóng vai nạn nhân của người mẹ chính là hành vi bạo hành  

Trẻ em bình thường hóa hành vi và cách đối xử của cha mẹ chúng, và rất có thể đứa con khi trưởng thành phải mất nhiều năm để hiểu được đóng vai nạn nhân là một cách để giữ quyền lực và sự kiểm soát. Cần phải nói rằng đứa trẻ cũng có khả năng tin rằng mẹ nó không chỉ là người khốn khổ mà thật sự còn là nạn nhân. Người con (khi trưởng thành) có thể vẫn tiếp tục mang theo cảm giác tội lỗi hoặc đồng lõa.

  1. Không thể thừa nhận nhu cầu của mình hoặc bày tỏ chúng 

Hành vi của người mẹ đẩy đứa trẻ vào một vai trò được định nghĩa chặt chẽ—như là nguyên nhân gây ra khổ đau cho mẹ hoặc xoa dịu nó—do đó mà sự quan tâm chú ý bị chệch hướng khỏi nhu cầu và mong muốn của đứa trẻ. Trên thực tế, việc trẻ bộc lộ nhu cầu của mình có thể gặp phải sự phản đối hay thậm chí là trừng phạt. Đứa trẻ học cách đè chặt những suy nghĩ và cảm xúc của mình, và tách khỏi chúng; điều này tiếp tục đến tận khi lớn lên.

Những bà mẹ ghẻ lạnh miêu tả mình là nạn nhân của đứa con đã trưởng thành  

Điều này hoàn toàn khác với việc đóng vai thụ động-xung hấn của những bà mẹ năng nổ nuôi dạy con nhưng tôi thật tắc trách nếu không đề cập đến nó vì nó là chuyện thường hay xảy ra. Điều thú vị là trong khi hầu hết sự ghẻ lạnh giữa người con trưởng thành—bố mẹ thường do đứa con khởi xướng, việc người mẹ tự miêu tả về mình như một nạn nhân cũng diễn ra khi cô ấy bắt đầu ghẻ lạnh với con cái. Những huyền thoại văn hóa liên quan đến tình mẫu tử—rằng mọi phụ nữ đều biết chăm sóc con, rằng làm mẹ là bản năng, và mẹ nào cũng yêu con vô điều kiện—cùng với một điều răn trong Kinh thánh là tấm khiên che đỡ cho hành vi của người mẹ, được củng cố bởi một xã hội sẵn sàng chê trách con cái bất hiếu và vô ơn thay vì đối đầu với hành vi bạo hành của người mẹ.

Câu chuyện sau đây là điển hình nhưng đỡ hung hãn hơn so với một số người mẹ tự coi mình là nạn nhân. “Lara” là một góa phụ ngoài 70 tuổi, người mà tôi gần như không quen biết, giống như bất kỳ ai gặp bà lâu hơn 1 nano giây, tôi sớm nhận ra bà ấy là nạn nhân của hai người con vô ơn, chúng không chỉ cắt đứt liên lạc với bà mà còn không cho phép bà gặp cháu—“chẳng vì lý do nào cả” như cái cách mà bà sẽ nói đi nói lại với bạn. Theo quan điểm của bà thì bà là một người mẹ tốt, một người mẹ phi thường, đã mang đến “tất cả mọi thứ” cho gia đình và con cái. Diễn biến tiếp theo là một danh sách bắt đầu bằng những cái tên trường tư thục và kết thúc bằng những đối đãi và chuyến du lịch đắt đỏ cho mọi người. Quan trọng nhất là, bà “chẳng làm gì sai” để phải chịu đựng cách đối xử kinh khủng này từ hai đứa con mà lẽ ra chúng nên yêu thương bà. Bà khăng khăng cho rằng chúng thậm chí còn không cho bà biết lý do tại sao lại cắt đứt liên lạc.

Sự thật là hiếm có người trưởng thành nào lại muốn tự biến mình thành kẻ mồ côi mà không có lý do chính đáng. Nhưng than ôi, đóng vai nạn nhân thì dễ hơn là nhìn nhận những hành vi khiến con cái bạn muốn trốn thoát khỏi bạn ngay từ đầu.

 

Nguồn https://www.psychologytoday.com/intl/blog/tech-support/202107/when-mother-plays-the-victim

Tìm đọc cuốn Cha mẹ độc hại (Toxic parents) - Vượt qua di chứng tổn thương và giành lại cuộc đời bạn

menu
menu