Khi ta cần cầu cứu

khi-ta-can-cau-cuu

Có những lúc ta nhận ra một cách đau đớn rằng dường như chẳng ai thực sự quan tâm đến mình.

Có những lúc ta nhận ra một cách đau đớn rằng dường như chẳng ai thực sự quan tâm đến mình. Họ hầu như không để ý đến sự hiện diện của ta, chẳng bận tâm nghe ta nói hết câu, chẳng để tâm đến những tín hiệu ta cố gắng gửi đi. Tất cả dường như đều mải mê với những dự án, những bộn bề của riêng họ.

Trước những dấu hiệu ấy, thật dễ để ta đi đến một kết luận vừa cay đắng vừa tan nát lòng: rằng ta cô đơn vô cùng, rằng không thể nào kết nối hay tìm được sự cảm thông nơi người khác.

Nhưng sự thật, dù giản dị hơn nhiều, lại mang đến hy vọng: hầu hết chúng ta rất sẵn lòng giúp đỡ người khác khi nhận ra họ đang thực sự cần mình. Chỉ là, trong vòng quay bận rộn của cuộc sống, ta thường không nhận ra điều đó – trừ khi vấn đề được nói ra một cách rõ ràng, dứt khoát. Khi ấy, và chỉ khi ấy, ta sẽ dồn toàn bộ trí lực và trái tim để xoa dịu nỗi đau của người đối diện. Nói cách khác, ta phản ứng rất tốt với những tiếng hét cầu cứu, nhưng lại chẳng mấy để tâm đến những lời gợi ý mơ hồ.

Điều này càng hiện rõ trong những bi kịch, khi ai đó mà ta quen biết tự tước đi mạng sống của chính mình. Ta chắc chắn rằng, nếu ta biết họ đau khổ đến mức ấy, ta sẽ làm mọi điều có thể để giúp họ. Nhưng đồng thời, ta cũng nhận ra mình đã không hỏi han đủ nhiều, không nhìn kỹ để hiểu được những tín hiệu mong manh mà họ cố gắng truyền tải. Ta bận rộn, ta xa cách – và điều đó khiến ta cảm thấy mình nhẫn tâm, tồi tệ.

Khi bản thân rơi vào những khoảnh khắc yếu đuối, tuyệt vọng nhất, có lẽ ta cần nhớ rằng sự thờ ơ của người khác thực chất chỉ là bề ngoài. Ta cần học cách “hét lên” – dù điều đó không dễ dàng.

Trớ trêu thay, ta thường mất đi lòng can đảm để lên tiếng đúng lúc ta cần làm điều đó nhất. Ta để nỗi xấu hổ nguyên thủy về việc mình cần được giúp đỡ xâm chiếm, như thể sống là một bài kiểm tra mà ta phải vượt qua hoàn toàn bằng sức mình. Thật khó để không cảm thấy nỗi đau của bản thân là “không chính đáng”, như thể việc ta yếu đuối, tuyệt vọng là một sai lầm.

Nhưng ta nên tự nhắc nhở mình rằng, dù vẻ ngoài có lạnh lùng đến đâu, ta luôn được bao quanh bởi những con người sẵn sàng nhảy xuống dòng sông băng giá để cứu một người xa lạ. Nếu biết chắc rằng ai đó – dù chỉ là một người quen – đang rất cần sự giúp đỡ của mình, hầu hết chúng ta đều sẽ sẵn sàng bỏ lại tất cả để chạy đến. Chỉ có điều, ta rất tệ trong việc đọc ý nghĩ hay nhận ra những tín hiệu mơ hồ.

Vì thế, lần tới nếu ta gặp khó khăn, hãy nhớ rằng: đừng ghét bỏ bản thân vì cần sự giúp đỡ. Hãy mạnh dạn lên tiếng, hãy hét lên – bởi hầu hết những người xung quanh ta sẽ đáp lại khi họ thực sự nghe thấy. Hãy hét lớn hơn một chút, và học cách yêu thương bản thân nhiều hơn một chút. Sự giúp đỡ luôn có ở đó, nếu ta đủ can đảm để gọi tên nó.

Nguồn: ON ASKING FOR HELP - The School Of Life

menu
menu