Khi ta chịu tổn thương từ những lời chỉ trích vì tuổi thơ không hạnh phúc

khi-ta-chiu-ton-thuong-tu-nhung-loi-chi-trich-vi-tuoi-tho-khong-hanh-phuc

Lời chỉ trích chưa bao giờ là dễ chịu. Việc bị người khác đánh giá là ngu ngốc, khó ưa, xấu xí hay thậm chí tồi tệ là một trong những thử thách khắc nghiệt nhất của đời người.

Lời chỉ trích chưa bao giờ là dễ chịu. Việc bị người khác đánh giá là ngu ngốc, khó ưa, xấu xí hay thậm chí tồi tệ là một trong những thử thách khắc nghiệt nhất của đời người. Nhưng mức độ tổn thương mà ta phải chịu đựng trước lời chê bai lại rất khác nhau ở từng người – và điều đó phụ thuộc chủ yếu vào một chi tiết bất ngờ: tuổi thơ của ta đã trải qua như thế nào.

Chìa khóa để biết lời chỉ trích chỉ đơn thuần gây khó chịu hay mang đến sự sụp đổ hoàn toàn nằm ở điều đã xảy ra nhiều thập kỷ trước, trong tay những người đã chăm sóc ta từ thuở lọt lòng.

Điều gọi là một “tuổi thơ không hạnh phúc” ở đây đơn giản chỉ gói gọn trong một từ: tình yêu. Khi một đứa trẻ ra đời, nó chưa có khả năng chịu đựng chính sự tồn tại của mình. Chính lòng bao dung, sự nhiệt thành và tha thứ từ một người khác dần dần giúp nó quen với việc mình là ai. Cách mà người chăm sóc ta nhìn nhận về ta khi còn nhỏ sẽ trở thành cách mà ta nhìn nhận bản thân mình khi lớn lên. Chỉ khi được người khác yêu thương, ta mới học được cách nhìn mình với sự cảm thông, bất kể ta có nhiều vết nứt và khiếm khuyết thế nào.

Chúng ta không thể tự mình tin vào giá trị của bản thân. Tất cả đều phụ thuộc vào việc ta có một cảm giác sâu bên trong rằng mình đã từng được một người khác yêu thương vô điều kiện. Cảm giác này chính là tấm khiên giúp ta chống chọi trước sự thờ ơ, lạnh lùng của thế giới bên ngoài. Ta không cần tình yêu từ quá nhiều người – chỉ cần một người thôi, và chỉ cần mười hai năm là đủ, lý tưởng nhất là mười sáu năm. Nhưng nếu không có tình yêu ấy, thì dù cả triệu người ngưỡng mộ ta cũng không đủ để khiến ta tin rằng mình xứng đáng. Và ngược lại, khi đã có được tình yêu ấy, sự khinh miệt của cả triệu người cũng chẳng thể làm ta sụp đổ.

Những người có tuổi thơ bất hạnh thường bị thôi thúc tìm kiếm những tình huống mà họ hy vọng sẽ nhận được sự công nhận lớn lao từ người khác – điều này cũng đồng nghĩa với việc họ đối diện rủi ro cao hơn trong việc bị chối bỏ và chỉ trích. Những ai thiếu thốn tình cảm thường quay cuồng trong câu hỏi dằn vặt chưa bao giờ được trả lời trọn vẹn: “Mình có xứng đáng để tồn tại không?” Chính vì vậy, họ thường bỏ ra nỗ lực phi thường để trở nên nổi tiếng, được công nhận, hoặc đạt được thành công dễ thấy. Nhưng trớ trêu thay, thế giới ngoài kia chẳng bao giờ trao cho họ sự chấp nhận vô điều kiện mà họ mong mỏi. Lúc nào cũng sẽ có những người không hài lòng, những người tổn thương từ chính tuổi thơ của mình đến mức không thể tử tế với người khác. Và thật không may, những người từng có tuổi thơ đau buồn lại dễ bị thu hút bởi những giọng nói tiêu cực này, dù đám đông có ca ngợi họ thế nào đi nữa.

Một dấu hiệu rõ ràng của việc bạn đã là một bậc cha mẹ tốt chính là con bạn không hề bận tâm đến việc được người lạ yêu thích.

Không phải ai cũng nghe thấy cùng một điều khi bị chỉ trích. Một số người, những người may mắn, chỉ nghe được thông điệp ở bề nổi: rằng công việc của họ không đạt yêu cầu, rằng họ cần cố gắng hơn, rằng cuốn sách, bộ phim hay bài hát của họ chưa thật sự xuất sắc. Điều này có thể chấp nhận được. Nhưng những người mang vết thương tâm hồn sâu nặng lại nghe thấy nhiều hơn thế. Lời chỉ trích đưa họ quay trở lại vết thương nguyên thủy trong quá khứ. Một sự công kích ở hiện tại hòa lẫn với những tổn thương ngày xưa, trở nên khổng lồ và không thể kiểm soát. Vị sếp khó tính hay đồng nghiệp thô lỗ bỗng hóa thành hình bóng của người cha, người mẹ từng làm họ thất vọng. Mọi thứ sụp đổ. Công việc không chỉ chưa đạt, mà họ cảm thấy mình là kẻ tệ hại, vô dụng, chẳng đáng tồn tại – bởi đó chính là cách họ đã từng cảm nhận khi còn nhỏ, trong tâm trí non nớt và dễ tổn thương.

Hiểu về tuổi thơ đau buồn của mình mang lại cho ta một chiếc chìa khóa quan trọng để bảo vệ bản thân trước những lời chỉ trích. Nó giúp ta giữ tỉnh táo và tránh nâng cao mức độ nghiêm trọng của vấn đề một cách không cần thiết. Ta học cách phân biệt giữa những lời chê bai ở hiện tại và cảm giác tổn thương mà ta đã mang theo suốt đời, luôn tìm cách khẳng định lại thông qua các sự kiện xảy ra trong hiện tại.

Ta có thể nhận ra rằng, dù lời chỉ trích hôm nay có buồn đến đâu, nó vẫn chẳng thể so sánh với nỗi đau thực sự và nguyên nhân gốc rễ của sự buồn bã: những tổn thương đã xảy ra trong quá khứ. Khi ấy, ta biết hướng sự chú ý của mình đến nơi cần thiết: không phải về phía những kẻ chỉ trích hôm nay, mà về phía cha mẹ ta – những người ngày xưa đã không thể yêu thương và thấu hiểu ta đủ đầy.

Ta có thể tha thứ cho chính mình vì đã quá nhạy cảm trong lĩnh vực này – bởi lẽ, đó không phải là lỗi của ta. Đó là số phận đã khiến ta tổn thương, và, ở một góc độ nào đó, là một dạng bất ổn tâm lý mà ta không hề mong muốn.

Dù không thể ngăn thế giới ngoài kia tiếp tục công kích, ta vẫn có thể thay đổi cách bản thân đón nhận những điều đó – thông qua việc khám phá và thấu hiểu quá khứ của mình.

Điều quan trọng hơn nữa là ta có cơ hội làm lại lần hai. Ta có thể tìm cách sửa chữa những đánh giá sai lệch mà thế giới từng dành cho mình. Ta có thể mở lòng với bạn bè hoặc – lý tưởng hơn – tìm đến một nhà trị liệu tài năng, người sẽ soi chiếu một tấm gương dịu dàng hơn để giúp ta học được một bài học lẽ ra ta phải nhận được từ đầu: rằng, cũng như mọi con người khác, dù ta có nhiều sai sót đến đâu, ta vẫn xứng đáng được hiện diện trên thế gian này.

Nguồn: CRITICISM WHEN YOU’VE HAD A BAD CHILDHOOD – The School Of Life

menu
menu