Khi ta khao khát được xoa dịu

Một trong những năng lực đẹp đẽ và sâu sắc nhất mà con người có thể sở hữu, chính là khả năng xoa dịu.
Một trong những năng lực đẹp đẽ và sâu sắc nhất mà con người có thể sở hữu, chính là khả năng xoa dịu. Trong một xã hội được sắp đặt tử tế hơn, ta sẽ không chỉ ca ngợi những vận động viên tài ba hay những doanh nhân lanh lợi, mà còn tôn vinh cả những tâm hồn dịu dàng – những người có thể trao tặng sự vỗ về nhẹ nhàng cho những sinh linh hoang mang giữa muôn vàn khổ đau thân xác lẫn tinh thần mà kiếp người luôn phải đối diện.
Trong các xã hội cổ xưa, nhu cầu được xoa dịu từng là điều mà cộng đồng thấu hiểu một cách sâu xa. Trong đạo Kitô, người tín hữu mỗi khi hoang mang thường hướng về một biểu tượng xoa dịu nguyên sơ: Đức Mẹ Đồng Trinh – đấng từng nếm trải khổ đau, biết lắng nghe nỗi lòng của con người, và luôn rộng lòng sẻ chia trong những giờ phút đầy sợ hãi, rối bời.
Tương tự, trong tinh thần nhà Phật, người ta tìm đến hình ảnh Quan Thế Âm – một nữ thần tượng trưng cho sự thấu hiểu tận cùng những khổ nhọc của kiếp sống, và luôn sẵn sàng ban phát từ bi, dịu dàng, an ủi.
Thế nhưng, khi nhân loại thay thế tôn giáo bằng y học, ta lại quá dễ dàng quên mất cách tìm về sự xoa dịu. Nghệ thuật ấy hiếm khi được giảng dạy trong các trường y – dù rằng, bên cạnh những viên thuốc, thì lòng dịu dàng và những lời khích lệ vẫn là phương thuốc không thể thiếu ở giường bệnh của người đang khổ sở, cả về thể xác lẫn tinh thần.
Trải nghiệm đầu đời về sự xoa dịu, lý tưởng nhất, nên được khởi đầu trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Thậm chí, có thể nói: không có điều gì quan trọng hơn mà một người cha, người mẹ cần làm cho con mình, ngoài việc biết cách xoa dịu. Bởi lẽ, mọi kỹ năng làm cha mẹ khác, suy cho cùng, đều dẫn về điều này.
Một người cha, người mẹ giỏi xoa dịu sẽ biết làm những điều như sau:
– Nhận ra khi nào một ai đó đang cần được vỗ về:
Không phải ai cần xoa dịu cũng tự biết điều đó, hay dễ dàng đón nhận khi được nhắc nhở. Có những người, lẽ ra đang rất cần được an ủi, lại mang vẻ giận dữ, bất cần, thậm chí dữ dằn. Nhìn vào, ta có thể nghĩ rằng điều cuối cùng họ muốn là sự vỗ về. Nhưng người biết xoa dịu sẽ không dừng lại ở những biểu hiện bề ngoài ấy. Họ kiên nhẫn, vẫn nhẹ nhàng đưa tay ra, vẫn mở lòng trao đi sự hiện diện ấm áp của mình. Họ hiểu rằng, đằng sau mọi biểu hiện của sự gai góc, chống đối, cay độc hay lạnh lùng, đều là một khát khao yêu thương đã bị che giấu, câm lặng, hoặc chính bản thân người đó cũng không còn nhớ cách gọi tên.
Người biết xoa dịu thật sự là người khéo léo và rộng lượng – họ vẫn trao đi sự dịu dàng, kể cả với những tâm hồn sứt mẻ đến nỗi đã quên cách đón nhận lòng tử tế.
– Bình thường hóa nhu cầu được xoa dịu:
Việc thừa nhận rằng mình đang cần được xoa dịu là một hành động đầy tổn thương, bởi nó đặt ta vào vị thế dễ bị tổn thương. Vì thế, người biết xoa dịu khéo léo gieo vào lòng người kia một cảm giác rằng mong muốn được vỗ về là điều hoàn toàn bình thường, đáng trân trọng, và không có gì phải ngại ngùng cả. Trong sâu thẳm tâm trí họ luôn mang một niềm tin rằng, cuộc sống có thể làm cho bất kỳ ai – dù mạnh mẽ đến đâu – trở nên kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần. Vậy nên, việc cần được giúp đỡ không phải là điều đáng xấu hổ.
Không thể gắng gượng nữa không cần một lý do đặc biệt – chuyện ấy có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào, bất kỳ ngày nào trong tuần. Người biết xoa dịu không hoạt động theo giờ hành chính như bác sĩ, họ luôn hiện diện khi ta cần một vòng tay, một lời vỗ về. Và điều khiến ta cần được xoa dịu cũng chẳng cần phải là chuyện gì quá to tát. Đôi khi, chỉ là một nỗi buồn vu vơ, một sự yếu lòng mơ hồ chẳng rõ nguyên do.
Sự vỗ về không chỉ dành cho những người đang vật lộn giữa ranh giới sinh – tử, mà nên là điều ta được trao khi đối mặt với bất kỳ thử thách nào – dù lớn, dù nhỏ. Ta không cần phải “kiệt quệ hoàn toàn” mới có quyền nói rằng mình không còn đủ sức.
Một người cha, người mẹ biết xoa dịu sẽ dạy cho con mình cách sống trung thực với sự mong manh của chính mình. Họ góp phần xoá đi những áp lực nam tính độc hại – thứ khiến người ta phải giả vờ mạnh mẽ hơn mức mình thực sự có, để rồi cuối cùng lại yếu đuối hơn, tổn thương hơn.
Với những người lo ngại rằng, việc xoa dịu quá nhiều sẽ khiến trẻ con trở nên ủy mị hay khát khao sự chú ý, ta có thể trả lời rằng: người tìm kiếm sự chú ý chưa bao giờ là kẻ nhận được quá nhiều quan tâm, mà là những tâm hồn từng bị thế giới quên lãng. Một đứa trẻ được yêu thương, được xoa dịu đúng cách và đều đặn, sẽ không phải lớn lên trong nỗi ám ảnh cần được nhìn thấy. Trái lại, đứa trẻ ấy rất có thể sẽ lớn lên để trở thành người biết xoa dịu người khác – một cách tự nhiên, và đầy nhân hậu.
– Ôm lấy nhau:
Một vũ khí giản dị nhưng mạnh mẽ nhất để chống lại nỗi đau chính là sự chạm vào. Khi nghe thấy dấu hiệu lo âu, người biết xoa dịu sẽ không ngần ngại dang tay ôm người kia vào lòng – để thân thể kia cảm nhận được rõ ràng rằng mình đang có một bức tường chở che, một người đang đứng về phía mình trước mọi điều đáng sợ.
Nhịp thở gấp gáp, tim đập cuống cuồng dần dần hòa nhịp với hơi thở chậm rãi, ấm áp của người kia. Khi còn bé, đó có thể là những phút được vỗ về trên vai, đôi tay dịu dàng xoa lên lưng, lên đầu. Lớn hơn một chút, là cái ôm trong lòng khi ngồi lên gối. Và khi trưởng thành, là một vòng tay đứng siết nhẹ, vững chãi. Nhưng dù hình thức ra sao, thông điệp vẫn luôn nguyên vẹn: “Con không phải chịu đựng một mình.”
– Hát ru:
Những bài hát ru cho ta thấy: không phải lúc nào lời nói cũng là điều làm dịu lòng ta. Một đứa trẻ dù chưa hiểu nghĩa của từng từ vẫn có thể cảm thấy yên bình nhờ một làn điệu vụng về nhưng chất chứa yêu thương. Điều ấy chứng minh rằng con người là sinh vật của âm thanh, của cảm xúc, trước cả khi là sinh vật của lý trí.
Trong thần thoại Hy Lạp cổ, có câu chuyện về nhạc sĩ Orpheus – người xuống âm phủ để cứu vợ mình. Canh giữ lối vào cõi chết là Cerberus – con chó ba đầu hung tợn. Orpheus không dùng lời lẽ để thuyết phục, không cố giải thích vì sao mình cần đi qua, cũng không van nài về tình yêu dành cho vợ.
Thay vì vậy, anh cất lên một khúc nhạc ngọt ngào đến nỗi con quái thú dữ tợn ấy trở nên hiền hòa, ngoan ngoãn lặng yên.
Người Hy Lạp ngày ấy đang nhắc chính mình – và cả chúng ta hôm nay – rằng, âm nhạc có thể đi sâu vào những tầng sâu nhất của tâm hồn, nơi mà lý trí không thể chạm đến. Khi tổn thương, khi hoảng loạn, chúng ta – cũng như Cerberus – chẳng thể nghe lọt những lời giải thích. Nhưng vẫn còn có một con đường dẫn vào tim: con đường của giai điệu, của tiếng hát – một thứ có thể khiến lòng người lặng lại, dịu đi, sống chậm lại, và được cứu rỗi.
– Sự quan tâm:
Chỉ cần vừa nghe nhắc đến một cơn mệt nhẹ hay triệu chứng nhỏ, người biết xoa dịu liền khởi động những phản ứng thân quen đã thành bản năng: trước hết là đề nghị nằm xuống ghế sofa – vì những thử thách của đời sống không nên bị đối mặt trong tư thế thẳng đứng. Rồi đến chiếc chăn – thường là một cái chăn to sụ, dày ấm, có phần cũ kỹ nhưng êm ái đến lạ. Kế đó là bàn tay đặt nhẹ lên trán để kiểm tra xem có sốt không. Và không lâu sau, sẽ đến lúc khay đồ ăn được mang ra.
– Món ăn:
Cơn đói không phải điều cốt yếu. Thứ thực sự quan trọng là ý nghĩa của sự nuôi dưỡng, là việc người kia sẵn lòng vào bếp, làm một món gì đó để ăn hoặc uống. Người biết xoa dịu luôn sẵn lòng đề xuất đủ loại món: chắc chắn sẽ có ca sô-cô-la nóng, vài lát bánh mì nướng, một miếng bánh chanh mềm thơm, và gần như không thể thiếu – một quả trứng lòng đào.
Những nghi thức trong lúc chuẩn bị là điều then chốt. Từ căn bếp sẽ thoảng lên mùi thơm quen thuộc, vang nhẹ tiếng xoong nồi và bát đĩa va chạm, như thể từng âm thanh ấy là biểu tượng sống động của một tình thương đang được chăm chút.
Trong một trong những bức tranh dịu dàng nhất thế giới, họa sĩ người Pháp thế kỷ 18 – Chardin – vẽ cảnh một người phụ nữ trong căn bếp giản dị đang nhẹ nhàng lột vỏ quả trứng luộc. Tên bức tranh là Người đang hồi phục, cho ta biết món ăn ấy dành cho người bệnh – nhưng khéo léo thay, Chardin không vẽ người bệnh ấy. Ông muốn tôn vinh người chăm sóc, chứ không phải người được chăm sóc. Ông mời ta ngắm nhìn sự kiên nhẫn, tập trung và ân cần trong hành động của người phụ nữ. Qua đó, ông nhắc ta nhớ: tình yêu là như thế. Và chúng ta – những người đang sống trong tỉnh táo và bình an – đều mang trong mình món nợ sâu đậm với những ai từng xoa dịu ta như thế.
– Vật dụng nhỏ:
Người biết xoa dịu hiểu rõ: đây không phải lúc để đọc Heidegger. Vì vậy, họ sẽ mang tới cho ta những tấm tranh tô màu, bộ ghép hình, bút vẽ, những cuốn sách hoặc tạp chí vừa ngốc nghếch vừa cuốn hút một cách kỳ lạ.
– Biệt danh:
Khi người thân yêu rơi vào hoạn nạn, người biết xoa dịu sẽ đặt cho họ một cái tên mới – như thể họ là bệnh nhân nhập viện được gắn vòng nhận diện. Tên gọi ấy nên gợi ra cả sự bé nhỏ lẫn dũng cảm, mong manh mà vẫn mạnh mẽ: “chiến binh ngọt ngào”, “nấm dũng cảm”, “nút gan lì” hay “bé nồi nho nhỏ” chẳng hạn (những biệt danh vần điệu thường đặc biệt hiệu quả).
Đôi khi tên gọi ấy được thêm chữ “bé” hoặc “của mẹ/của ba”, như thể để nói rằng: chúng ta đang cùng nhau chiến đấu – dù đó là virus hay cơn buồn bất chợt.
– Sự giản dị:
Người biết xoa dịu thường không quá hấp dẫn hay nổi bật – và đó là điều tốt đẹp. Khi ta đang buồn bã, ta không cần ai đó phải khiến ta ngưỡng mộ hay giải trí. Ta chỉ cần họ ở gần bên, lặng lẽ làm vài việc nhỏ – sắp lại giá sách, ngắm nghía mấy bức ảnh cũ – rồi kể cho ta nghe vài chuyện vụn vặt của làng xóm: chuyện con thỏ nhà hàng xóm, chuyện cô bưu tá khoe điểm thi của con trai mình…
Đây không phải lúc để nói về những hoài bão lớn hay lý thuyết cao siêu. Ta đang co mình lại, tìm chút ấm áp từ những điều nhỏ bé – một vòng dạo quanh công viên, hay lọ hoa mùa xuân đặt giữa bàn.
Khi ấy, những đường chân trời tham vọng dường như mờ nhạt hẳn đi. Ta sống chậm lại – từng ngày, thậm chí từng giờ một.
– Sự trung thành:
Người biết xoa dịu không để ta nghi ngờ phút nào về việc họ đang đứng về phía ai. Ta chưa cần kể xong chuyện bị đối xử tệ bạc, họ đã sẵn sàng nổi giận thay ta: “Quá quắt thật!”, “Không hiểu họ nghĩ gì!”, “Đúng là đồ tồi!”, “Nếu họ dám động vào con/em/anh, thì…”
Một tâm hồn vốn hiền lành bỗng hiện ra khí chất thép – họ sẵn sàng đấu tranh đến cùng để bảo vệ ta. Lúc ấy, điều họ sẵn lòng hy sinh chính là vì ta.
Họ không cần ta hoàn hảo, ta có thể cũng sai, nhưng ngay lúc này – họ về phe ta. Vì đó là bản chất của họ.
Họ có thể kính trọng pháp luật – trên lý thuyết, nhưng trên thực tế, họ sẽ làm bất cứ điều gì để giúp ta thoát khỏi rắc rối. Và đó chính là điều người ta gọi là một tuổi thơ “được yêu thương”.
Một mái nhà nơi sự xoa dịu hiện diện – theo những cách lặng lẽ như thế – sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho cả đời một đứa trẻ.
Về sau, dù có gặp khó khăn gì, chúng cũng sẽ được trang bị đầy đủ “vũ khí tinh thần” để đối mặt. Và điều tuyệt vời nhất: giọng nói xoa dịu ấy rồi sẽ không còn là từ người khác, mà trở thành chính giọng nói bên trong chúng.
Nhiều năm sau, khi người cha, người mẹ từng vỗ về đã không còn, khi thời gian đã điểm bạc mái tóc và làm nhăn làn da, đứa trẻ năm xưa vẫn có thể chăm sóc chính mình bằng sự dịu dàng đã từng học được trong ký ức xa xưa. Chúng sẽ biết rằng: cơn bão nào rồi cũng qua – đặc biệt là nếu có thể nằm nghỉ một lát, và ăn một quả trứng lòng đào.
Nguồn: HOW WE CRAVE TO BE SOOTHED | The School Of Life