Vì sao chúng ta “phân tách” người yêu
Một trong những phát hiện kỳ lạ nhưng sâu sắc của liệu pháp tâm lý là: một đứa trẻ sơ sinh trung bình tin rằng mình có hai người mẹ.
Mẹ 1 là người dịu dàng, ân cần. Bà xuất hiện ngay khi em bé cất tiếng khóc, mang đến dòng sữa ngọt ngào đúng lúc, luôn vui vẻ, hào phóng và xứng đáng với tình yêu vô bờ. Nhưng rồi lại có Mẹ 2 – một hình bóng hoàn toàn khác, khó đoán và đáng sợ hơn. Mẹ 2 không phải lúc nào cũng mang sữa đến khi em bé cần, đôi khi không hiểu được nhu cầu của nó, có thể pha nước tắm sai nhiệt độ, hoặc bị phân tâm bởi những người bạn ghé chơi, hay một cuộc điện thoại kéo bà đi xa. Nói tóm lại, bà cũng có lúc làm sai.
Trẻ sơ sinh là những sinh vật của cảm xúc mãnh liệt. Với Mẹ 1, bé dành trọn tình yêu thương sâu sắc và vô điều kiện. Nhưng với Mẹ 2, bé chỉ có sự ghét bỏ thuần túy, tuyệt đối. Nó muốn hét lên, nhai ngấu nghiến rồi quẳng bà vào thùng rác mãi mãi.
Nhưng theo thời gian – khi bé dần lớn lên, có thể đã thành một đứa trẻ chập chững biết đi – một phát hiện kinh hoàng xuất hiện: Mẹ 1 và Mẹ 2 thực ra là cùng một người. Người mẹ có thể hoàn toàn tuyệt vời và khiến bé vui sướng trong khoảnh khắc này, lại chính là người mẹ khiến bé giận dữ và thất vọng tột độ ở một khoảnh khắc khác. Đây không phải là điều dễ dàng để chấp nhận, và có lẽ cần rất lâu để bé tiêu hóa được sự thật phũ phàng này. Thực tế, liệu pháp tâm lý cho rằng nhiều người trong chúng ta vẫn không thực sự hiểu được điều này cho đến khi trưởng thành, sau khi đã tự làm tổn thương mình và người khác quá nhiều lần.
Photo by Houcine Ncib on Unsplash
Trong nhiều năm, chúng ta thường sống như những kẻ chia rẽ bẩm sinh. Giống như những đứa trẻ, chúng ta phân định rõ ràng giữa cái tốt và cái xấu, sự hài lòng và sự thất vọng, và tin rằng chúng không thể cùng tồn tại trong một con người.
Những ngày đầu của một mối quan hệ, chúng ta tin chắc mình đã gặp được Người Yêu 1: một tâm hồn đáng yêu, người nói những lời ngọt ngào trong buổi hẹn đầu, cùng ta dạo chơi Venice, hoàn toàn thấu hiểu ta, người mà ta muốn cưới và xây dựng một tổ ấm. Nhưng không lâu sau đó, người này dường như sinh ra một “bản sao” – một Người Yêu 2, có dáng vẻ giống hệt, nhưng với một tính cách hoàn toàn khác. Người này để khăn tắm ướt trên sàn phòng tắm, có ba người bạn vô cùng phiền phức, chẳng mấy quan tâm đến sở thích của ta, và nói từ “thật sao?” một cách quá mức.
Giống như đứa trẻ tức giận với Mẹ 2, chúng ta cảm thấy Người Yêu 2 chỉ đáng bị quăng vào đáy thùng rác – nhưng điều đó cũng đồng nghĩa phải từ bỏ cả Người Yêu 1. Và rồi, trên đường định nói lời chia tay, một suy nghĩ phức tạp nhưng khả dĩ hơn nảy ra trong đầu: Người Yêu 1 và Người Yêu 2, bất chấp mọi dấu hiệu phản bác, thực chất là cùng một người. Người ấy thay đổi theo tâm trạng và hoàn cảnh, và tốt – xấu không phải là hai cực tách biệt, mà luôn đan xen phức tạp trong mỗi con người. Quan trọng hơn cả, hóa ra, không ai hoàn hảo cả.
Đây là một sự thật buồn, thậm chí có phần bi kịch. Ta có thể kháng cự lại điều này trong một khoảng thời gian dài, nhảy từ mối quan hệ này sang mối quan hệ khác, nuôi hy vọng tìm thấy người yêu lý tưởng. Nhưng cuối cùng, ta sẽ học được cách đối xử với người khác bằng một sự rộng lượng có pha chút bi quan – thứ ta vẫn dành cho chính mình. Ta sẽ chấp nhận rằng, dù rất muốn tin điều ngược lại, những người ta yêu thương cũng có lúc vụng về, đáng trách, thất vọng và ngớ ngẩn, y như chính ta vậy.
Đến một lúc nào đó, ta nhận ra rằng có một điều còn quan trọng hơn việc tìm kiếm một người yêu không bao giờ làm ta tổn thương: đó là tìm một người yêu tồn tại – một người yêu thực sự.
Nguồn: WHY WE ‘SPLIT’ OUR PARTNERS - The School Of Life