Khi Thích Một Người Thì Có Nên Làm Sang?

khi-thich-mot-nguoi-thi-co-nen-lam-sang

Một trong những nghịch lý của cái trò chơi hẹn hò là việc ta biết rằng nếu ở những giai đoạn đầu mà ta đã tỏ ra quá hăng hái thì chúng ta tự đưa cho mình một rủi ro cao là ta đang làm đối phương, người mà ta rất muốn làm thân, chán ngấy ta.

Một trong những nghịch lý của cái trò chơi hẹn hò là việc ta biết rằng nếu ở những giai đoạn đầu mà ta đã tỏ ra quá hăng hái - như là ngay ngày hôm sau đã gọi lại cho họ, nói thẳng ra chúng ta thấy họ hấp dẫn như thế nào, chúng ta ngỏ ý hẹn gặp lại nhau quá sớm - thì chúng ta tự đưa cho mình một rủi ro cao là ta đang làm đối phương, người mà ta rất muốn làm thân, chán ngấy ta.

Để tránh được rủi ro này, từ thủa mới biết hẹn hò, chúng ta đã được chỉ bảo bởi những người bạn hiền rằng ta phải tỏ ra lãnh đạm, thờ ơ. Chúng ta rồi cũng trở thành chuyên gia trong lĩnh vực không nhắn tin, gọi điện, cư xử trong các cuộc hẹn thoải mái và rất tinh tế giả bộ rằng ta không quá bận tâm nếu đôi ta không bao giờ gặp lại nhau nữa, trong khi vẫn thầm thương nhớ, ngóng trông. Chúng ta được dạy rằng cách duy nhất khiến họ quan tâm đến ta là phải giả bộ không quan tâm đến họ. Và trong quá trình ấy chúng ta đã  phí hoài bao thời gian, thậm chí còn đánh mất đối phương, để sau cùng phải đối mặt với nỗi tủi nhục của việc phải phủ nhận niềm khao khát của bản thân, thứ mà ngay từ đầu không có liên quan gì đến hổ thẹn cả.

Nhưng chúng ta có thể tìm được lời giải cho câu đố hóc búa này bằng cách đào sâu vào cái triết lý nền móng cho việc quá háo hức thì có gì nguy hiểm. Tại sao mọi người lại hay khuyên người ta nên thờ ơ? Tại sao về căn bản, ta không nên gọi điện quá sớm?

Háo hức ở mức độ quá cao thường không được chào đón vì một lý do chính: nó đã trở thành đồng nghĩa với một một vấn đề tâm lý thực sự: tính phụ thuộc thất thường. Nói cách khác, gọi điện sớm quá đã trở thành dấu hiệu của sự yếu đuối, của sự tuyệt vọng, và sự bất lực trong việc đối phó với những thách thức trong cuộc đời mà không có một người yêu làm chỗ dựa. Những con người phụ thuộc thất thường kia căn bản không thực sự quá quan tâm đến danh tính của đối phương bởi suy cho cùng, ưu tiên số một của họ là đảm bảo rằng mình không bao giờ bị đơn độc, không có ai bên cạnh chứ không phải là muốn ở cùng một người cụ thể nào đó.

Nhưng chúng ta cần lưu ý một điều rằng tính phụ thuộc bất thường không đồng nghĩa với quá háo hức. Cái khó ở đây là xã hội đã bất công dính hai yếu tố này với nhau bằng một thứ chất dính nhất định không rời.

Ấy thế, về logic người ta phải có quyền lựa chọn tách hai bộ phận đó ra: tức là có thể bày tỏ niềm háo hức nhưng không đồng thời ám chỉ bản thân có tính phụ thuộc bất thường. Phải có một giải pháp để con người ta có thể thể hiện đam mê của bản thân, nhưng cũng rất đúng mực.

Cách làm được việc này phụ thuộc vào một nghệ thuật cảm xúc ít được biết đến do ta chưa được được giới thiệu nhiều: yếu mềm một cách mạnh mẽ. Một con người yếu mềm một cách mạnh mẽ là bậc thầy ngoại giao về cảm xúc, một người có thể khéo léo hội tụ một bên là tự tin và độc lập, một bên là thân mật, thật thà và để lộ bản thân mình. Đây là nghệ thuật của việc cân bằng. Một con người yếu mềm một cách mạnh mẽ biết thổ lộ một cách quyền uy về việc họ cảm thấy thật nhỏ bé. Họ vẫn đầy kiểm soát kể cả khi đang nói về việc họ cảm thấy lạc lối. Họ có thể giao tiếp như một người lớn về những khía cạnh trẻ con của họ. Họ vẫn thật can đảm khi thú nhận nỗi sợ của họ. Và họ có thể thổ lộ với ta khát khao mãnh liệt của họ cho ta trong khi khiến ta cảm nhận rằng họ hoàn toàn có thể chấp nhận một lời từ chối thẳng thừng. Họ để ngỏ ý rằng họ muốn xây dựng một tương lai với chúng ta nhưng họ cũng có thể khéo léo tìm một việc khác để làm nếu như ý tưởng đó không được ta chấp thuận.

Theo một cách nào đấy, khi một người yếu mềm một cách mạnh mẽ sẽ thổ lộ khát khao của họ dành cho ta, ta cảm nhận được một phong độ thật thà và độc lập. Họ không cần giả bộ làm sang vì họ đã tìm được cách bộc lộ niềm hào hứng mà không sợ mắc vào mối nguy hiểm vẫn thường đi kèm với nó. 

Cái làm ta không thoải mái không phải việc ai đó thích ta; điều làm ta lo sợ là việc họ không còn lựa chọn nào khác, hoặc họ không thể sống được nếu thiếu chúng ta. Tính phụ thuộc bất thường mới là vấn đề muôn thủa chứ không phải là sự háo hức quá đà. Khi đã biết phân biệt hai điều này, chúng ta nên nói với những người mà chúng ta thích rằng chúng ta rất muốn gặp lại họ, thậm chí là ngay tối nay, và ta thấy họ thật là tuyệt vời - nhưng cũng khiến họ không còn nghi ngờ gì về việc nếu họ nói không, thì ta cũng không có vấn đề gì và còn có thể là tìm được những con người hấp dẫn khác để khiến ta đắm say và ngưỡng mộ.

 

Người dịch: Hoàng Dương Spiderum  

Nguồn: Should we play it cool when we like someone 

menu
menu