Rốt cuộc, đâu là thứ giúp ta ở lại với nhau trong một cuộc hôn nhân?

rot-cuoc-dau-la-thu-giup-ta-o-lai-voi-nhau-trong-mot-cuoc-hon-nhan

Khi ta không còn bị ngây ngất bởi cảm giác điên tình, khi não ta ngừng tiết ra testosterone và estrogen - những hormone “tình ái” có vào giai đoạn đầu của mối quan hệ - ta bắt đầu nhìn mối quan hệ dưới một ánh sáng khác.

Nếu tất cả những gì ta cần là tình yêu, như lời một bài hát, người ta đã không ly hôn. Năm 2019, tỉ lệ ly hôn tại Mỹ là 50%, thậm chí còn cao hơn thế ở những cặp không phải kết hôn lần đầu. Ở Việt Nam hơn một thập kỷ trước, một nghiên cứu xã hội học tuyên bố tỉ lệ ly hôn lúc đấy đã là 31,4%. Vậy nếu cái-gọi-là tình yêu không đủ để giữ người ta ở lại với nhau, thì là gì?

Để trả lời câu hỏi ấy, trước hết có lẽ cần “vạch mặt” chủ nghĩa lãng mạn như “sát nhân” giấu mặt khiến các mối quan hệ tan vỡ, bất luận người trong cuộc đã tiến đến giai đoạn hôn nhân hay chưa (vì suy cho cùng, hôn nhân chỉ là một bước hợp thức hóa về mặt pháp lý mối quan hệ giữa người trong cuộc).

Từ thế kỷ 18, chủ nghĩa lãng mạn ra đời và phổ biến thông qua tác phẩm của bao thế hệ nhà thơ, nhà văn, triết gia và nghệ sĩ suốt từ bấy đến nay. Trong Romeo & Juliet, đôi trai gái vì tình yêu mà quyên sinh để được ở bên nhau mãi mãi. Trong các bài rap của mình, rapper Đen Vâu tuyên bố “Và anh chẳng cần gì nhiều ngoài em”. 

Trong chủ nghĩa lãng mạn, hôn nhân là cái kết có hậu cho một chuyện tình đẹp, nghĩa là yêu thì sớm muộn phải cưới. Nhưng chủ nghĩa lãng mạn không “dạy” ta biết sau khi cưới thì cần phải làm gì để duy trì tình yêu, nhất là với sự xuất hiện của con cái - những “quả ngọt” của tình yêu đó.

Và đây là lúc mọi vấn đề khởi sinh. Khi ta không còn bị ngây ngất bởi cảm giác điên tình, khi não ta ngừng tiết ra testosterone và estrogen - những hormone “tình ái” có vào giai đoạn đầu của mối quan hệ - ta bắt đầu nhìn mối quan hệ dưới một ánh sáng khác. Ta nhìn rõ hơn những thói hư tật xấu của đối tác. Ta dần đau đớn nhận ra lòng mình dâng lên nỗi thất vọng khó tả xiết khi thấy kỳ vọng của ta dành cho đối tác sẽ khó mà được họ đáp ứng. Ta cảm thấy mắc kẹt trong mối quan hệ. Ta dần băn khoăn không biết “lựa chọn” của mình có đúng hay không. 

Đây là lúc một số người sẽ chọn giải pháp chia tay nhau. Một số người khác - may mắn hơn (hoặc có lẽ không) - chấp nhận thực tế đó và ở lại với nhau, chiếm 50% số cặp đôi không ly dị.

Thật ra, tất cả những điều này vẫn là “tình yêu”, chính xác hơn là một phần không thể tách rời của một mối quan hệ luyến ái. Chỉ có điều, như ta thường nhận ra thật muộn màng, nó không giống chút nào với tất cả những câu chuyện tình đẹp như tranh ta thường nghe thấy trong những bài hát, đọc thấy trong những cuốn truyện ngôn tình và nhìn thấy trên phim ảnh. Và cái khác này khiến ta thất vọng.

Trong cơn thất vọng này, chúng ta quên mất rằng có lẽ ta đã kỳ vọng quá cao so với năng lực đáp ứng của đối phương, vì suy cho cùng chắc gì ta đã đáp ứng được những kỳ vọng mà đối phương dành cho ta? Khi cả hai cùng thất vọng khi thấy đối phương không đáp ứng được kỳ vọng của mình, chia tay là không thể tránh khỏi.

Một lần nữa, chủ nghĩa lãng mạn và những đứa con tinh thần của nó đã đặt ra những tiêu chuẩn quá cao cho những mối quan hệ, “đầu độc” người tham gia những mối quan hệ đó bằng việc bảo họ phải yêu làm sao - một cách sai bét. Tình yêu của Ngạn dành cho Hà Lan trong Mắt biếc là thứ tình yêu cao đẹp hay chỉ là nỗi ám ảnh mà ta sẽ không muốn con cái mình vướng phải?

Nói cách khác, chủ nghĩa lãng mạn khiến ta hiểu sai về bản chất của tình yêu và bản chất của một mối quan hệ. Nó cổ xúy cho thứ tình yêu “chết đi sống lại”, thứ tình yêu “quên mình và lăn xả”, thứ tình yêu mà chữ “lý trí” nghe thật thô thiển và không đúng chỗ. Nó thuyết phục ta tin rằng “cứ yêu đi, rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy”.

Không phải thế. Những cặp đôi đã ly hôn đều nghĩ vậy, và họ ly hôn. Tình yêu đơn giản là không đủ để giữ người ta lại với nhau. Mà là sự kính trọng. Một khái niệm không mang màu sắc nào của cảm xúc nữa, mà đòi hỏi hai bên một mức độ lý trí và tỉnh táo nhất định. 

Người Trung Hoa xưa đã hiểu về điều này, thông qua đúc kết “vợ chồng tương kính như tân”. Vợ chồng kính trọng nhau như lúc mới quen. Nghe thì thật vô lý, nhưng càng yêu nhau và càng muốn duy trì mối quan hệ, có lẽ ta cần phải học cách đối xử với nhau giống người lạ.

Thay đồ thì vào phòng riêng mà thay, đừng tồng ngồng trước mặt nhau. Ta không tồng ngồng trước mặt người lạ, vậy cớ gì làm thế với người mình yêu?

Trừ khi bần cùng bất đắc dĩ, những vấn đề cá nhân thì tự mình giải quyết, đừng than vãn với đối phương, nghĩa là đừng lôi chuyện tiêu cực từ ngoài xã hội về cửa nhà. Ta không than phiền vấn đề cá nhân ta với người lạ, vậy cớ gì làm thế với người mình yêu? Đừng nài ép, năn nỉ, dọa dẫm… bất cứ chuyện gì với nhau. Đừng tìm cách xem trộm điện thoại, tin nhắn, thư tín của nhau. Đừng cho mình quyền xâm phạm vào không gian riêng tư của nhau. Ta không có quyền làm thế với người lạ, vậy cớ gì làm thế với người mình yêu?

Trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, hạn chế văng tục chửi thề, đá thúng đụng nia hay bạo lực với nhau. Ta không có quyền bày tỏ sự tức giận hay bạo lực với người lạ, vậy cớ gì làm thế với người mình yêu?

“Xa thơm mà gần thối”, nhiều cặp đôi phải rời xa nhau vì trong cuộc sống chung hằng ngày, họ đã tạo điều kiện để chính họ lẫn đối phương “nhờn mặt” nhau, không còn lý do để tôn kính nhau. Ái tình hay “men say tình ái” (những phản ứng sinh học diễn ra trong não trong một thời gian nhất định) là thứ mang hai con người lại với nhau, nhưng thứ giúp họ ở lại với nhau dài lâu lại không phải những phản ứng sinh học ban đầu ấy, mà là sự kính trọng lẫn nhau. 

Tác giả: Đỗ Trí Vương  

Theo Tuổi trẻ Cuối tuần

menu
menu