Khi trái tim ta tan vỡ mà không ai rời bỏ
Nghe có vẻ nghịch lý: làm sao ta có thể đau khổ vì tan vỡ trái tim trong khi người yêu vẫn ở bên?
Nghe có vẻ nghịch lý: làm sao ta có thể đau khổ vì tan vỡ trái tim trong khi người yêu vẫn ở bên? Nhưng thật ra, điều này chẳng hề lạ lùng, bởi nguồn cơn của sự tan vỡ không hẳn là việc ai đó rời bỏ ta, mà chính là khoảnh khắc ta nhận ra rằng họ không còn yêu ta như trước nữa. Và điều ấy có thể xảy ra mà không cần bất kỳ ai phải thu dọn hành lý ra đi.
Nói cách khác, sự hiện diện thể chất của một người yêu không hề đảm bảo rằng trái tim ta sẽ không tan nát. Ta có thể vẫn ngủ chung giường, vẫn chia sẻ hóa đơn điện nước, nhưng tình yêu từng có giữa hai người có lẽ đã hoàn toàn biến mất. Không ai trong chúng ta rời đi, nhưng dần dà, ta nhận ra rằng có lẽ suốt quãng đời còn lại, ta sẽ phải tồn tại trong một mối quan hệ mà người kia không còn rộn ràng khi ta xuất hiện, không còn bị cuốn hút bởi con người ta, và không còn khao khát ôm ta vào lòng.
Ta có thể cô đơn đến tột cùng trong hoàn cảnh này. Khi ai đó bỏ đi, xã hội có sẵn vô vàn sự an ủi: những bài hát, những bộ phim, những câu châm ngôn gói gọn đầy khích lệ (kiểu như “ngoài kia vẫn còn nhiều người tốt hơn”), hay những cuốn sách xúc động để ta dựa vào. Ai cũng hiểu và cảm thông cho nỗi đau ấy.
Nhưng sự chết mòn của tình yêu trong một mối quan hệ vẫn đang tiếp diễn thì lại ít được đề cập. Thậm chí, nó còn bị bao bọc bởi sự thiếu cảm thông rõ rệt. Trong một nền văn hóa tôn thờ tình yêu lãng mạn, việc ở lại bên nhau vì những lý do thực dụng khi đam mê đã phai nhạt bị coi là thảm hại, đáng thương. Nếu tình yêu lãng mạn là tất cả, thì một mối quan hệ không còn khát khao trở thành điều đáng khinh miệt.
Thế nhưng, có rất nhiều lý do chính đáng và mạnh mẽ để ta chọn ở lại, dù trái tim ta đã âm thầm tan vỡ. Đó không phải là giấc mơ mà ta từng ấp ủ, nhưng thực tế, cuộc sống của ta và người ấy đã gắn bó quá nhiều khía cạnh: tài chính đan xen, những cam kết chung, có thể là con cái, những mối quan hệ bạn bè thân thiết hình thành qua năm tháng, hay những thói quen sống chung mà đôi khi mang lại sự tiện lợi cho ta và ích lợi cho người khác. Ngoài ra, cũng không dễ để tìm một người khác sẵn sàng bắt đầu lại từ đầu với ta. Vậy nên, dù mang trong lòng nỗi buồn sâu thẳm, dù cảm giác mất mát theo ta qua những buổi tối dài dằng dặc, việc ở lại có thể là một lựa chọn khôn ngoan.
Thứ mà ta thực sự cần là sự an ủi rằng, dù hoàn cảnh này đầy đau đớn và ít được nói đến, nó không hề lạ lùng hay đáng xấu hổ. Ngược lại, đây là một điều hết sức bình thường và thậm chí mang dáng vẻ của sự cao quý. Nếu ta rời đi để tìm kiếm một người khác, rất có thể vài năm sau, ta lại rơi vào đúng tình huống này. Bởi, xét ở một khía cạnh nào đó, tình yêu gần như luôn có hồi kết. Sự mãnh liệt trong tình yêu lãng mạn không phải là cách mà một mối quan hệ dài lâu vận hành.
Dĩ nhiên, vẫn có những ngoại lệ hiếm hoi – những cặp đôi yêu nhau sâu sắc qua nhiều năm. Nhưng sai lầm của ta là cho rằng vì có một vài trường hợp như vậy, điều này cũng có thể xảy ra với mình. Thực tế, ta nên nhìn nhận nó giống như một công việc đặc biệt: dĩ nhiên, có người kiếm được bộn tiền bằng nghề diễn hài độc thoại, nhưng đó chỉ là lựa chọn dành cho một số cá nhân vô cùng xuất chúng – điều này không nói lên gì về khả năng thực tế của phần lớn chúng ta.
Nếu ta đang ở trong một mối quan hệ mà tình yêu đã chết, điều đó không có nghĩa là ta đang bỏ lỡ điều gì to lớn, cũng chẳng phải ta đã thất bại. Ta chỉ đơn giản đang trải qua một số phận hết sức bình thường – một số phận mà, dù hiếm khi được mô tả, lại xảy ra với rất nhiều người.
Nguồn: HOW WE CAN HAVE OUR HEARTS BROKEN EVEN THOUGH NO ONE HAS LEFT US – The School Of Life