Về lòng biết ơn – và nguồn động lực

ve-long-biet-on-va-nguon-dong-luc

Ở một số công ty, văn phòng trên khắp thế giới, người ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng mang tên “động lực”.

Ở một số công ty, văn phòng trên khắp thế giới, người ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng mang tên “động lực”. Bạn có thể dễ dàng hình dung: trong một buổi họp động não, một thành viên chủ chốt của nhóm bỗng lặng lẽ rút lui khỏi cuộc trò chuyện. Họ có một ý tưởng lưng chừng – có thể rất thú vị – nhưng lại không đủ hứng khởi để trình bày, thế là bỏ qua. Ở một bộ phận khác, có một nhân viên thường xuyên xin nghỉ bệnh; điều này hoàn toàn hợp lệ, có giấy tờ đầy đủ, nhưng người quản lý hiểu rằng, nếu là một người thật sự tận tâm, họ vẫn sẽ cố gắng có mặt. Trong cả tổ chức, dường như ai cũng chỉ sống vì cuối tuần. Mọi người đều ngó nghiêng tìm lối ra – nếu có được lời đề nghị hấp dẫn hơn. Ai nấy lướt LinkedIn như một thói quen. Một người đồng nghiệp tuyệt vời mới rời sang công ty đối thủ hồi tháng trước.

© Flickr/Baltic Development Forum

Có rất nhiều lý do khiến nhân viên đánh mất động lực, nhưng một trong những nguyên nhân then chốt – và thường bị bỏ qua – chính là cảm giác không được trân trọng. Lòng biết ơn nghe có vẻ là điều nhỏ nhặt, chỉ như một thứ phụ gia không mấy quan trọng đến sự thịnh vượng của một công ty. Thế nhưng, khi thiếu vắng nó trong mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, hậu quả có thể rất nghiêm trọng: năng suất lao động tụt dốc không phanh.

Khi con người cảm thấy mình không được ghi nhận, họ sẽ ngừng cố gắng hết mình. Họ không còn muốn vắt óc tìm ra phương án tối ưu hơn hay một thỏa thuận trọn vẹn hơn. Trong những buổi tiệc công ty, họ âm thầm trả đũa: thích thú lan truyền những lời đàm tiếu không mấy tốt đẹp về nơi mình làm việc. Những điều tưởng chừng nhỏ bé ấy, thật ra lại mang cái giá rất đắt.

Ngược lại, hiệu quả làm việc có thể tăng vọt nếu nhân viên thật sự cảm thấy công sức và đóng góp của mình được ghi nhận chân thành. Trong bức tranh Lời thề của nhà Horatii, họa sĩ người Pháp thế kỷ 18 – Jacques-Louis David – đã khắc họa sống động sức mạnh của lòng trung thành khi được thắp lên bởi tình yêu thương.

Khi nhân viên tràn đầy nhiệt huyết cho năm tài chính mới

Ba người anh em giơ tay thề sẽ hy sinh tính mạng – nếu cần – để bảo vệ thành Rome cổ đại, bởi họ biết cha mình (người đang trao kiếm ở trung tâm bức tranh) mong muốn điều đó, và họ yêu kính ông sâu sắc. Thật kỳ diệu những điều con người có thể làm được, khi họ thật lòng yêu quý ai đó và khao khát xứng đáng với lòng biết ơn của người ấy. Đó là điều mà nhiều lãnh đạo chưa hiểu thấu; họ đã nhận ra rằng nỗi sợ có thể khiến con người hành động. Nhưng họ chưa từng tưởng tượng được lòng biết ơn có thể khiến ta tiến xa hơn, nhanh hơn đến nhường nào.

Leander bơi qua biển Hellespont để gặp người thương của mình – Hero

Thế giới cổ đại từng say mê câu chuyện tình của Leander. Anh si mê người yêu có cái tên dễ gây nhầm lẫn – Hero – đến mức mỗi đêm đều bơi vài cây số qua làn sóng dữ dội của eo biển Hellespont – nay là Dardanelles – để được ở bên nàng. Câu chuyện kết thúc đầy bi kịch: một đêm nọ, Leander gặp bão và bị cuốn trôi. Nhưng sự dấn thân không ngừng nghỉ ấy thể hiện sức mạnh lớn lao của lòng tận tụy: con người có thể vượt qua mọi giới hạn vì tình yêu.

Thật xốn xang khi nghĩ đến việc: nếu có thể thắp lên tinh thần ấy trong những khía cạnh khác của cuộc sống thì sao? Mỗi tối, Hero đều thắp đèn bên bờ bên kia để dẫn đường cho Leander. Biết đâu, trong thế giới công việc, cũng tồn tại những “ngọn đèn” tương tự – những tia sáng có thể soi đường, thắp lửa trí tưởng tượng và nâng bước con người tiến lên?

Sự thiếu vắng lòng biết ơn (và từ đó là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến mất động lực) có thể bắt nguồn từ một số niềm tin sai lầm đang tồn tại trong tư duy của những người quản lý. Dưới đây là một vài niềm tin như thế:

1. “Chỉ cần trả lương là đủ”

Quan điểm phổ biến cho rằng một người sẽ cảm thấy mình được trân trọng nếu mức lương của họ cao. Điều này, nghe có vẻ hợp lý, và cũng đúng phần nào. Nhưng chúng ta đều biết rằng, trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, tiền chỉ có thể đi đến một giới hạn nhất định. Dù tiền bạc – hay những món quà – luôn là điều dễ chịu, thì phần lớn chúng ta vẫn luôn khao khát được công nhận theo nhiều cách khác nữa. Chính suy nghĩ rằng: “Trả lương rồi là xong” lại khiến người nhận cảm thấy bị coi thường, chứ không phải được quý trọng. Bởi điều đó hàm ý rằng, ta chỉ được nhìn nhận như một cỗ máy tạo ra lợi nhuận, một thực thể vô tri sống bằng tiền – điều ấy, theo một cách nào đó, là một sự xúc phạm.

Người ta chỉ nghĩ rằng lòng trung thành có thể mua được bằng tiền, nếu người ta thật sự không quan tâm đến nhau. Trong gia đình, chúng ta hiểu điều này một cách tự nhiên. Một người cha mua cho con những món quà đắt tiền, nhưng lại chẳng bao giờ dành thời gian cho con, thì không thể xây dựng được một mối gắn kết sâu sắc. Khi lớn lên, đứa trẻ từng bị bỏ quên ấy sẽ nói: “Ba không bao giờ ở bên con. Ba mua cho con một chiếc xe đạp – đẹp tuyệt, giá cũng đắt – nhưng ba chẳng bao giờ dạy con cách đi xe. Ba không có mặt khi con té ngã, cũng chẳng thấy lúc con chạy một bánh trên con dốc ở đường Glenorchy. Có thể theo cách riêng của mình, ba yêu con – nhưng con không cảm nhận được điều đó. Giờ hai ba con hầu như không nói chuyện.” Nỗi tổn thương nằm ở chỗ: người cha ấy nghĩ rằng chiếc xe đạp – và bao món quà khác – là đủ. Ông không nhận ra con mình còn cần nhiều hơn thế.

© Alan Davidson/The Picture Library Ltd

Nghe có vẻ lạ khi nói rằng nhân viên cũng cần “được yêu thương”. Nhưng đây là một ý tưởng mà chúng ta đã dần thấu hiểu – ít nhất là trong lĩnh vực nuôi dạy con trẻ – suốt hơn nửa thế kỷ qua. Bức ảnh David Cameron dẫn cô con gái Florence đến trường giữa lòng London là minh chứng cho bước tiến ấy – ít nhất là trong cách làm cha mẹ – rằng sự hiện diện, sự chú tâm thực sự quan trọng đến nhường nào. Trước thế kỷ 21, cảnh tượng đó hẳn là điều không tưởng. Hình ảnh người đàn ông quyền lực nhất nước ôm theo búp bê của con gái mình – nếu xuất hiện vào năm 1873 hay 1961 – có thể đã đủ để chấm dứt sự nghiệp chính trị. Đơn giản là khi ấy, chưa ai công nhận: đó là một điều tuyệt vời. Người cha bận rộn ngày xưa có thể sẽ nói: “Tôi trả tiền học, tiền bác sĩ, tiền nhà, tiền kỳ nghỉ – còn gì nữa? Tại sao tôi phải ôm theo con búp bê?” Nhưng ngày nay, chúng ta hiểu: việc Cameron cùng con đi học mỗi sáng là một điều có ý nghĩa rất lớn với Florence. Đó là cách ông cho con thấy rằng, bên cạnh vai trò là một người lớn, ông vẫn hoàn toàn hiện diện trong thế giới tuổi thơ của con, lắng nghe và quan tâm đến những điều nhỏ bé với con mà lại vô cùng lớn lao với tình cảm. Con búp bê quan trọng với Florence, nên nó cũng quan trọng với ông.

Chúng ta đã dần hiểu ra rằng, để nuôi dưỡng một đứa trẻ phát triển lành mạnh, ta cần sự dịu dàng, sự lắng nghe, kiên nhẫn và cả tinh thần chơi đùa hồn nhiên. Chúng ta biết rõ điều đó tạo ra sự khác biệt lớn như thế nào. Một đứa trẻ lớn lên trong vòng tay ấm áp và sự thấu cảm sẽ trở thành một con người rất khác so với một đứa trẻ suốt ngày bị quở trách, mắng mỏ. Trong việc nuôi dạy con cái, ta đã học được rằng: tình yêu thương có thể mở ra những tiềm năng phi thường nơi mỗi con người. Ngày nay, ai còn cho rằng những điều đó chỉ là “ủy mị, cảm tính” thì không còn được xem là người thực tế, mà là kẻ lạc hậu – lạc nhịp với thực tế thông minh và sâu sắc hơn về cách giúp một đứa trẻ lớn lên tử tế.

Và một cuộc cách mạng tương tự đang chờ đợi ở thế giới công sở. Những điều ta đã hiểu về cách nuôi dưỡng trẻ nhỏ vẫn chưa thực sự được đem vào môi trường làm việc. Ở đó, sự cứng rắn vẫn còn được xem là biểu tượng của hiệu quả. Còn trí tuệ cảm xúc thì thường bị coi là thứ xa xỉ không cần thiết. Nhưng đã đến lúc ta cần hiểu: chính sự thấu cảm, sự chân thành và lòng biết ơn mới là những yếu tố có thể làm bừng sáng động lực từ bên trong con người.

2. “Nỗi sợ hiệu quả hơn tình yêu trong quản lý con người”

Đây là một cuộc tranh luận xưa cũ, có từ thời La Mã cổ đại: rằng để dẫn dắt người khác, liệu nên dùng tình yêu hay nên gieo nỗi sợ? Điều đáng chú ý là cách đặt vấn đề theo kiểu “hoặc cái này, hoặc cái kia”.

Dĩ nhiên, có rất nhiều tình huống mà ta cần tỏ ra không hài lòng với kết quả hay nỗ lực của ai đó. Việc không bày tỏ sự biết ơn đôi khi lại chính là một cách hữu ích để cho thấy rằng điều gì đó vẫn chưa đạt. Nếu ta lúc nào cũng tỏ ra hài lòng, mọi thứ sẽ chẳng thể nào khá lên được. Khen ngợi quá nhiều – hay khen quá sớm, quá dễ dãi – có thể khiến ai đó nghĩ rằng họ đã đủ giỏi, dù thực tế thì chưa. Mà điều đó, suy cho cùng, cũng chẳng phải là cách yêu thương thực sự.

Niccolò Machiavelli – một viên chức người Florence và là tác giả cuốn Quân Vương viết năm 1513 – thường được nhắc đến trong những hoàn cảnh như thế này. Ông mạnh mẽ bảo vệ một sự thật có phần cay nghiệt: rằng bản chất con người vốn lười biếng và hèn nhát, nên để trở thành người lãnh đạo hiệu quả, ta cần để người khác sợ hơn là để họ yêu quý. Chỉ có nỗi khiếp sợ mới thật sự khiến họ hành động.

Tác phẩm chân dung Niccolò Machiavelli của Santi di Tito

Tuy nhiên, trong tư tưởng ấy vẫn tồn tại một sắc thái tranh biện cực đoan – kiểu “cãi cho vui” – khiến ta dễ bị che mờ bởi một sự thật đơn giản nhưng hay bị bỏ quên: đó là, người lãnh đạo thực sự cần biết chơi cả hai lá bài: lá bài của yêu thươnglá bài của nỗi sợ. Bàn về tầm quan trọng của yêu thương – của lòng biết ơn, sự ghi nhận, sự tử tế – không đồng nghĩa với việc gạt bỏ hoàn toàn sự nghiêm khắc. Và ngược lại, việc giữ nguyên tắc hay yêu cầu cao cũng không có nghĩa là ta thiếu đi sự trân trọng.

Nhiều nhà quản lý không giữ được sự tinh tế ấy. Họ cứ nghĩ rằng phải chọn một trong hai: hoặc lúc nào cũng dễ chịu, hoặc lúc nào cũng “cứng rắn như thép”. Thật ra, nghệ thuật nằm ở chỗ: phát triển một phong cách yêu thương có nền tảng vững chắc về giá trị – một tình yêu không mù quáng, mà rõ ràng, có điều kiện, và có lý do.

Trong văn hóa phương Tây, người ta phân biệt hai cách nhìn về tình yêu. Đầu tiên là tình yêu vô điều kiện, được thể hiện rõ nhất qua dụ ngôn “Người con hoang đàng” trong Kinh Thánh.

Tranh của Rembrandt: “Người con hoang đàng trở về”

Người con trai ấy từng sống hoang phí, tiêu sạch tiền cha mình cho rượu chè, phụ nữ và vui thú trần gian. Sau đó, anh ta rơi vào cảnh khốn cùng, rồi quyết định quay về nhà. Và người cha đã làm gì? Ông dang rộng vòng tay chào đón, giết bê béo để mở tiệc ăn mừng. Câu chuyện (trong Phúc âm Luca 15:29–30) truyền tải thông điệp về tình yêu vô điều kiện: “Dù con có làm gì, đi bao xa, cha vẫn luôn yêu con và chờ con trở về.” Đó là thứ tình cảm cha mẹ đôi lúc dành cho con – một tình yêu cảm động và đầy nhân tính. Nhưng rõ ràng, khi đưa vào bối cảnh doanh nghiệp, khái niệm ấy gần như vô nghĩa. Không có công ty nào trên đời lại có thể nói: “Vậy là cậu làm hỏng thương vụ đó, hợp đồng cậu soạn gây thiệt hại lớn, cậu làm ngược với chỉ đạo và khiến khách hàng bỏ đi – nhưng không sao cả, chúng tôi vẫn yêu cậu như ngày nào…”

May mắn thay, có một lý thuyết khác về tình yêu, thực tế và hữu ích hơn – một lý thuyết được gọi là triết lý tình yêu, bắt nguồn từ nhà triết học Hy Lạp Plato. Theo quan điểm này, yêu thương đích thực là yêu có điều kiện. Nó nói rằng: “Tình yêu là sự ngưỡng mộ dành cho cái tốt đẹp. Nó không phải – và không thể – là cảm xúc cá nhân đơn thuần. Nó gắn liền với phẩm chất và hành động. Tôi sẽ yêu bạn nếu bạn tốt – và chỉ khi bạn thực sự tốt.” Ở đây, tình yêu đi đôi với sự khâm phục. Ta yêu những gì xứng đáng ở người khác – và chính vì thế, ta cũng cảm thấy thất vọng khi họ không sống đúng với năng lực và giá trị của mình.

Tượng thần Apollo Belvedere, khoảng năm 120–140 CN

Vậy nên, lựa chọn không nhất thiết phải là giữa nỗi sợ kiểu Machiavellitình yêu kiểu Cơ Đốc. Câu trả lời nằm ở chỗ: ta duy trì một lý thuyết yêu thương có điều kiện – kiểu yêu thương mang tính triết lý, biết nhìn nhận đúng điều tốt đẹp và trao tặng phần thưởng tương xứng cho những điều ấy. Đó là một cách yêu giúp con người phát triển, vừa truyền cảm hứng, vừa gìn giữ sự công bằng – và có lẽ cũng là con đường bền vững nhất để dẫn dắt tập thể tiến về phía trước.

3. “Tôi không có thời gian để biết ơn”

Một trong những lý do phổ biến khiến con người ít khi bày tỏ lòng biết ơn chính là nỗi lo về thời gian – rằng để nói lời cảm ơn, có khi phải mất công mất sức đến không ngờ. Kèm theo đó là nỗi băn khoăn rằng, nếu mình tỏ ra nhẹ nhàng, chân thành quá mức, mối quan hệ sẽ đi xa đến đâu, và những kỳ vọng sau đó sẽ như thế nào. Trong mắt nhiều người quản lý, lòng biết ơn dường như mâu thuẫn với hiệu quả công việc. Họ e ngại rằng nếu quá tử tế, họ sẽ bị xem là bạn bè, chứ không còn là người dẫn dắt. Ban đầu có thể thấy dễ chịu, nhưng rồi sẽ đến lúc họ cần siết chặt kỷ luật, và phát hiện ra rằng “roi vọt” khi ấy chẳng còn hiệu lực nữa. Họ nghĩ: “Nếu tôi bày tỏ sự biết ơn, tức là tôi đang bước vào một mối quan hệ rắc rối – kiểu như được mời dự đám cưới của người em họ xa, rồi phải tìm cách từ chối sao cho khéo. Mà nếu đã lỡ hỏi thăm về đứa con của họ một lần, thì lần nào sau cũng phải hỏi tiếp. Cứ thế, mỗi lần một chút, cộng lại một năm biết đâu mất toi cả ba tiếng đồng hồ!”

Thông thường, ta vẫn gắn lòng tử tế với một sự gắn bó lâu dài. Điều này có thể thấy rõ hơn qua một lát cắt trong lịch sử triết học. Người ta hay nghĩ rằng, để trình bày một tư tưởng nghiêm túc, phải viết một cuốn sách dày cộm. Nhưng thực tế không hẳn vậy.

Hãy nhớ tới triết gia Pháp La Rochefoucauld, sinh năm 1613 tại Paris. Ông chỉ viết một cuốn sách mỏng chưa đầy 60 trang, nhưng lại được coi là một trong những kiệt tác thực sự của triết học nhân sinh. Đó là tập hợp những nhận xét chua chát và u uẩn về bản chất con người, mỗi câu chỉ dài vỏn vẹn một đến hai dòng:
“Chúng ta ai cũng có đủ sức mạnh để chịu đựng bất hạnh… của người khác.”
“Có người sẽ chẳng bao giờ biết yêu, nếu không nghe nói rằng tình yêu tồn tại…”
Những viên ngọc ngôn từ ấy gói trọn điều người khác cần cả trăm trang để diễn đạt.

Điều này quan trọng, bởi nó chỉ cho ta thấy: cũng có những cách rút ngắn giao tiếp xã hội mà vẫn giữ được chiều sâu. Cốt lõi của sự giản lược tinh tế là sự chính xác về tâm lý. Ngắn gọn không có nghĩa là hời hợt hay lạnh lùng, miễn là lời khen của bạn chạm đúng vào điều thật sự đáng trân trọng – giống như những nhận xét ngắn ngủi nhưng thấu đáo của La Rochefoucauld không bao giờ thấy nhẹ ký.

Một lời khen hay là lời khen nhìn ra được cái tốt thật sự trong người khác, hay trong nỗ lực họ đã bỏ ra. Bí quyết của sự ngắn gọn nằm ở cái nhìn chính xác. Bạn cần tự hỏi kỹ: “Điều gì, thực sự, khiến mình hài lòng ở việc họ đã làm?” Điều gì thật sự xứng đáng được tôn vinh?

Bạn không cần phải kéo nhau ra quán, ngồi lai rai một tiếng rưỡi để thể hiện lòng biết ơn. Điều bạn cần là nghĩ thật nhanh, cảm thật sâu – và thốt ra một câu khen tặng đầy chân tình, sắc sảo như một nhát gươm nhẹ tay của bậc thầy ngôn ngữ xứ Pháp.

4. “Tôi lo quá đến mức không thể dừng lại để khen ngợi ai”

Sự thiếu hụt lòng biết ơn, đôi khi, lại bắt nguồn từ một nỗi lo thường trực. Là người quản lý, hiển nhiên ta phải trông coi nhiều công việc cùng lúc. Trong khi đó, mỗi nhân viên chỉ đảm trách một phần nhỏ – một mảnh ghép của bức tranh toàn cảnh mà có lẽ họ chẳng thể nhìn thấy hết. Với người lao động, nỗ lực của họ là cả một điều to tát. Nhưng với người lãnh đạo, nỗ lực ấy lại chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể những nhu cầu rộng lớn của cả tổ chức.

marie-guillemine benoist, madame philippe panon desbassayns de richemont and her son eugene (1802)

Ta có thể hiểu điều này một cách tự nhiên khi nghĩ về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Người làm cha làm mẹ mang trong mình biết bao nỗi lo mà đứa trẻ không bao giờ hình dung nổi – nhưng lại là những điều sống còn đối với cuộc sống của chính đứa trẻ ấy (có lẽ cũng vì thế mà tranh ảnh về mẹ và con luôn khiến lòng người thổn thức). Người mẹ, người cha phải bận tâm về chuyện: Làm sao để con được học hành đến nơi đến chốn? Nếu ngân hàng sụp đổ thì tiền dành dụm có mất hết không? Có nên ở lại căn nhà này hay chuyển sang nơi nhỏ hơn để tiết kiệm? Nếu tình hình chính trị xấu đi, có cần rời bỏ đất nước? Còn đứa trẻ thì sao? Nó chỉ đang quan tâm đến những điều rất đỗi ngây thơ và hồn nhiên: “Có ai thích bức vẽ của con không?”, “Con vừa được điểm cao môn địa lý, mẹ thấy con giỏi không?”, “Con không muốn viết thiệp cảm ơn đâu!”

Trong môi trường công việc cũng tồn tại những khoảng cách tương tự. Người quản lý – tất yếu – luôn dõi theo bức tranh lớn, một góc nhìn mà phần lớn nhân viên không thể có được. Vì thế, họ thường cảm thấy quá tải, đến mức chẳng còn dư tâm trí để nhận ra và trân trọng những điều nhỏ bé nơi người khác. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng có những con người độ lượng thật sự – họ có thể gác lại những nỗi lo nặng nề của riêng mình trong chốc lát, để dịu dàng và nhân hậu với người khác.

Một minh chứng đáng ngạc nhiên cho phẩm chất ấy lại đến từ cuộc đời của Margaret Thatcher.

Dù bạn có đồng tình với quan điểm chính trị của bà hay không, thì cũng khó mà không khâm phục khả năng “gác lo âu” của vị nữ Thủ tướng.

Năm 1979, không lâu sau khi nhậm chức, bà tổ chức một bữa tiệc tối tại dinh thự Chequers. Trong bữa ăn, một cô phục vụ vụng về đã lỡ tay làm đổ cả bát súp lên đùi Bộ trưởng Tài chính. Ai cũng nghĩ rằng, vị nữ thủ tướng vốn nổi tiếng quyết đoán, cầu toàn và nghiêm khắc sẽ nổi trận lôi đình với cô gái tội nghiệp kia. Nhưng không, bà Thatcher đứng dậy, bước tới và vỗ về người phục vụ đang tái mặt vì hoảng loạn: “Không sao đâu, không sao đâu cháu à, đừng lo quá…” Từ đỉnh cao quyền lực, bà đã cúi xuống, chạm vào nỗi xấu hổ, lo lắng và mong manh của một người chẳng hề có địa vị gì trong xã hội, người mà tên tuổi sẽ không bao giờ xuất hiện trên mặt báo.

Đó chính là một năng lực quý giá: biết gác lại nỗi lo của bản thân để thấu hiểu một tâm trạng khác.
Rõ ràng lúc đó, bà Thatcher có hàng ngàn điều hệ trọng trong đầu: cải tổ quan hệ lao động, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đối phó với những kẻ chỉ trích ngay trong nội bộ đảng của mình – chỉ để kể vài điều.
Trong hoàn cảnh như vậy, bất kỳ ai cũng có thể được tha thứ nếu mất bình tĩnh, giống như phần lớn chúng ta thường phản ứng khi bị stress ở chỗ làm rồi có ai đó bật nhầm chuông báo cháy – lúc ấy chỉ muốn lôi cổ người đó ra mắng một trận nên thân!

Những người trông có vẻ lạnh nhạt, vô ơn… thật ra, đôi khi chỉ là những người đang quá lo lắng. Họ cảm thấy mình không có thời gian để dừng lại, không đủ sức để bước vào cuộc sống của ai đó khác. Họ nghĩ mình không thể tử tế vào lúc này.

Nhưng thực ra… họ có thể. Và chúng ta – cũng có thể.

  1. “Tôi chẳng thấy có điều gì đặc biệt để biết ơn cả…”

Thật dễ để ta quên mất những nỗi đau – và cả những nỗ lực – của người khác. Điều này hiện rõ nhất trong cách ta tiếp nhận thông tin từ các bản tin thời sự. Cuộc sống của người khác rất dễ trở thành những điều mơ hồ, xa lạ. Chẳng hạn, ta vẫn “biết” rằng ở Trung Quốc có tình trạng nghèo đói. Ta cũng hiểu rằng ở bất kỳ quốc gia nào, vẫn có những đứa trẻ sống một đời rất cực khổ. Nhưng, nếu thật lòng mà nói, thì ta phải thừa nhận rằng… phần lớn thời gian, ta chẳng hề xúc động trước những điều ấy. Ta không thật sự cảm nhận được.

Vì thế mà thứ gọi là “nghệ thuật” lại trở nên đặc biệt hữu ích. Nghệ thuật có thể đưa ta bước vào cuộc đời của người khác – và biến một con số vô cảm thành một điều có sức lay động. Hãy nhìn những bức ảnh này, kể về hành trình chật vật của một người cha đơn thân nghèo khó, đang xoay xở để nuôi con trai bé nhỏ tại Ôn Châu, Trung Quốc.

© HAP/Quirky China News/REX

Anh Yuan Zhouming mưu sinh bằng nghề đánh giày ngoài đường suốt mười hai tiếng mỗi ngày, giữa lòng một thành phố lớn miền đông nam Trung Quốc. Vài năm trước, vợ anh bỏ đi. Kể từ đó, anh vừa làm việc vừa mang theo cậu con trai bốn tuổi bên mình.
Đứa bé từng phải đi xin ăn, chạy băng qua đường, đôi khi còn tìm cách móc túi người qua lại. Cuối cùng, người cha buộc lòng phải lấy dây buộc con lại – không phải vì tàn nhẫn, mà vì cùng cực. Anh chẳng thể nào vừa đánh giày, vừa chăm sóc con một cách toàn vẹn. Tuổi thơ của cậu bé trôi qua trên một vỉa hè chật hẹp. Đêm về, hai cha con trở lại căn phòng ẩm thấp dưới tầng hầm. Cậu bé có một con gấu bông – món đồ chơi duy nhất, và có lẽ cũng là sự an ủi duy nhất của em.

© HAP/Quirky China News/REX

Bài học từ câu chuyện này – dù thường nhẹ nhàng hơn – lại có thể áp dụng ngay trong công việc hàng ngày. Ta vẫn làm việc cạnh nhau mỗi ngày, nhưng lại chỉ thấy được một phần rất nhỏ trong con người của người khác. Họ bị rút gọn thành vài nét đặc trưng đơn giản: “Cô gái tóc đẹp ở Croydon, người từng khiến tôi quê mặt trong cuộc họp tuần trước”, hoặc “Anh chàng bên bộ phận bán hàng có đôi tai buồn cười”. Những điều sâu sắc hơn trong con người họ thì bị che khuất: sự kiên nhẫn của họ với cậu em trai đang gặp rối loạn tâm lý, trái tim vẫn chưa lành lặn sau cuộc chia tay bốn tháng trước, bộ sưu tập nồi đồng mà họ nâng niu, hay ký ức ám ảnh về những buổi chiều tàn bên bãi biển Playa Ancha, khi mặt trời lặn chậm rãi xuống vịnh Valparaíso...

Đó không phải là những chuyện nhỏ nhặt. Bởi muốn khơi dậy những điều tốt đẹp nhất nơi một người, ta cần hiểu điều gì khiến họ rung động, điều gì nuôi dưỡng ước mơ và trí tưởng tượng của họ. Được nhìn nhận đúng với con người thật của mình – đó là một điều vô cùng lớn lao.

Vậy ta có thể làm gì? Lòng biết ơn – cũng như óc hài hước – vốn không phải điều ta thường nghĩ đến như một kỹ năng có thể học một cách có hệ thống và chủ đích. Ta có xu hướng xem nó là thứ trời cho – ai có thì có, ai không có thì đành chịu. Thế nhưng, thực tế – như ta đang dần nhận ra – những kỹ năng thuộc lĩnh vực này không đơn thuần là chuyện may rủi. Chúng phụ thuộc vào một “cơ bắp” lạ lẫm, có thể sẽ khá ngượng ngập khi ta lần đầu chủ động “vận dụng” nó, nhưng nếu rèn luyện đều đặn, cơ bắp ấy sẽ ngày một dẻo dai.

Để khởi động cho cơ bắp biết ơn ấy, ta có thể bắt đầu từ một nơi hoàn toàn tách biệt với thế giới bận rộn của công việc. Ta hãy chạm vào một khái niệm biết ơn mang tính bản nguyên – từng được gợi mở bởi thiền sư, thi sĩ người Nhật thế kỷ 17: Matsuo Bashō. Bashō dành tâm huyết chỉ dạy cách nuôi dưỡng khả năng cảm nhận vẻ đẹp lặng lẽ quanh mình. Có những khoảnh khắc – khi đọc một bài thơ hay chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật – ta như tạm quên cái tôi nhỏ hẹp, quên đi những lo toan đời thường, và nhìn thế giới bằng một cái nhìn rất khác: như thể ta không còn là chính mình. Ta buông rơi những âu lo, và bắt đầu đồng cảm với những điều vốn dĩ vẫn bị ta bỏ quên. Ta để ý đến làn gió thoảng qua, cảm nhận sự mềm mại của cỏ dưới chân, giọt nước trong không khí, hơi thở nhẹ nhàng, tiếng chuông xa xa, một chú chim nhỏ đậu ngoài cửa sổ… Ta có thể tưởng tượng mình là một tảng đá, một giọt nước, hay một vì sao – rồi từ đó chạm đến một trạng thái sáng tỏ của tâm trí, gọi là muga – nơi ta không còn bị giới hạn trong bản ngã chật hẹp.

‘Hoa dâm bụt và haiku’ – Bashō

Bashō không chỉ muốn giúp ta thoát khỏi gánh nặng của cái tôi – mà còn muốn mở ra một trạng thái tinh thần nơi lòng biết ơn trở nên dễ dàng hơn, nơi lòng tử tế và sự đồng cảm có thể tự nhiên sinh sôi. Nhờ phép tu tâm ấy, ta có thể thấy lòng mình dịu lại trước những điều nhỏ bé nhưng chân thực: mưa rơi, bóng cây, mây trôi, một bát cơm, hay bàn tay giúp đỡ lặng thầm của đồng nghiệp.

Những giây phút cảm nhận sâu sắc như thế giúp ta thấy rằng “chiếc máy đo lòng biết ơn” của mình không cố định – mà có thể điều chỉnh, lúc tăng lúc giảm. Có khi ta thấy biết ơn chỉ vì sự tồn tại của một cái cây nhỏ, nhưng rồi lại dễ dàng bực bội chỉ vì mạng wifi chập chờn trong một buổi dã ngoại ở công viên quốc gia Dartmouth.

Học cách trân trọng những điều ta vẫn thường xem là hiển nhiên – đó chính là một chủ đề lớn của nghệ thuật.

Adriaen Coorte, Dâu tây (1696)

Về lý thuyết, ai cũng nghĩ rằng trái dâu là một thứ dễ thương. Nhưng hoạ sĩ người Hà Lan thế kỷ 17 – Adriaen Coorte – đã dành cả một tác phẩm để tôn vinh nó. Ông muốn đánh thức lại trong ta cảm giác kỳ diệu khi nhìn thấy vẻ đẹp nhỏ bé ấy. Ông nhắc nhở ta rằng: ta yêu thế giới này nhiều hơn ta tưởng – chỉ là ta quên mất thôi. Ông nhìn trái dâu như thể là một sinh vật ngoài hành tinh lần đầu khám phá trái đất – đầy ngạc nhiên, đầy tò mò, và đầy biết ơn. Coorte hiểu một điều sâu sắc: rằng sự quen thuộc làm tê liệt khả năng cảm nhận. Và ông mời ta – chỉ trong một vài phút ngắn ngủi – tập trung lại, và làm mới lại sự gắn bó của ta với cuộc sống.

Và ta nên làm điều tương tự với rất nhiều thứ khác trong đời – như Coorte đã làm với trái dâu. Bắt đầu từ những đồng nghiệp quanh ta. Trong tinh thần của Coorte và Bashō, ta có thể thử vài “bài tập cho cơ bắp biết ơn”: Hãy tưởng tượng một ngày của một chiếc ghế văn phòng. Rồi, đặt cái tôi của mình sang một bên, ta thử tưởng tượng một ngày trong cuộc đời của một đồng nghiệp – người mà ta không mấy ưa. Ta sẽ tưởng tượng họ đang đánh răng, hay đang trò chuyện với mẹ qua điện thoại trên đường ra bến xe buýt…

Tựu trung lại, lòng biết ơn là một điều vô cùng quan trọng – nhưng hiện giờ nó vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Người ta có thể nói: “Tôi không có thời gian để viết báo cáo hay đi họp.” Nhưng hiếm ai nói: “Tôi không có thời gian để ngồi trò chuyện với nhân viên, hay để khiến họ cảm thấy được trân trọng.” Bởi vì trong đầu ta, ta biết rất rõ báo cáo và cuộc họp góp phần vào hiệu quả kinh tế của công ty như thế nào. Nhưng ta lại chưa thực sự nhận ra vai trò to lớn của lòng biết ơn trong sự thành công chung. Ta chưa nhìn thấy rằng: lòng biết ơn chính là chìa khóa để mở ra động lực và hiệu suất tuyệt vời. Biết trao gửi lòng biết ơn một cách đúng đắn – đó xứng đáng được xem là một nghệ thuật lớn trong quản trị. Một nghệ thuật có thể khiến người ta vì ta mà bơi qua cả eo biển Hellespont.  

Nguồn: ON GRATITUDE – AND MOTIVATION | The School Of Life

menu
menu