Không có “cái tôi”

khong-co-cai-toi

Ý tưởng về bản ngã là một điều gây “xoắn não” rất nhiều người, từ các nhà khoa học đến các triết gia trong hàng thế kỉ. Bởi vì chẳng dễ như mô tả nó, hiểu tại sao và cách nó vận hành vẫn còn là một bức màn bí ẩn.

Dạo gần đây, khi ngồi xem lại những bức ảnh cũ, tôi thấy một bức ảnh khi mình còn bé tí. Tôi cầm nó lên, đưa sát mặt rồi đứng trước gương và tôi nhận ra…wow, mình chẳng giống thằng nhóc trong ảnh tẹo nào cả.

Chúng ta không có cùng dáng bên ngoài. Chúng ta có những suy nghĩ, tư tưởng và quan điểm khác nhau. Và chắc chắn chúng ta cũng không có cùng kí ức. Nhưng dù thế nào, tôi vẫn biết thằng nhóc đấy là tôi. Bộ não của tôi nhìn thấy bức ảnh và tạo ra một dòng thời gian mà tôi từng ở đó, tôi bây giờ và tôi sẽ ở đâu đó trong tương lai đang nhìn ngược về quá khứ thấy chính xác cùng một thứ.

Đó chính là ý tưởng về bản ngã, rằng có một điều gì đó ẩn sâu trong mỗi chúng ta duy trì nguyên vẹn dù cho mọi thứ có thay đổi thế nào chăng nữa. Dù chúng ta có lớn hơn, có thêm những kí ức mới, mất đi những kí ức cũ, hoặc suy nghĩ và quan điểm của chúng ta thay đổi thì luôn có một điều gì đó cốt lõi bên trong vẫn luôn ở đó.

Ý tưởng về bản ngã là một điều gây “xoắn não” rất nhiều người, từ các nhà khoa học đến các triết gia trong hàng thế kỉ. Bởi vì chẳng dễ như mô tả nó, hiểu tại sao và cách nó vận hành vẫn còn là một bức màn bí ẩn.

Là con người, chúng ta trải nghiệm thế giới qua nhiều giác quan khác nhau như xúc giác, thị giác, thính giác. Chúng ta có suy nghĩ, có cảm xúc và có khả năng học hỏi những điều mới mẻ. Nhưng tất cả những điều đó đều là trải nghiệm riêng lẻ. Liệu chúng có được tích hợp cùng nhau để tạo thành một thể nhất quán không? Và khi nào đặc tính của các giác quan này trở thành –bạn?

Khi tiếp tục lần dở lại những bức ảnh, tôi bắt gặp những tấm từ thời trung học, thời cấp ba, và mọi thứ sau đó. Chẳng có bức ảnh nào trong đó giống nhau cả. Khi tôi nghĩ lại quãng thời gian đó và những quyết định mà tôi đã thực hiện, có lẽ phần lớn trong số đó giờ đây tôi chẳng muốn làm. Vâng, và dĩ nhiên bộ não vẫn quả quyết đó chính là tôi !

Từ “tôi” không chỉ là một đại từ. Nó còn được sử dụng để mô tả về bản thân. Khi nói “tôi”, chúng ta đang nói về con người hoàn toàn nhận thức được thời điểm hiện tại. Chẳng hạn như “ bây giờ tôi đang đọc những dòng chữ này”. Bên cạnh đó, khi mô tả bản thân bằng cách sử dụng từ “tôi”, chúng ta thường đề cập đến danh tính cá nhân, con người mà chúng ta nghĩ mình là. “Tôi” thường phản chúng ta là ai thông qua lăng kính của quá khứ, hiện tại và những dự định cho tương lai. Thế nhưng chúng ta “tô vẽ” cho kí ức dựa trên con người mà chúng ta muốn là ở hiện tại, và hơn nữa dự định cho tương lai thì luôn thay đổi. Vậy làm thế nào có một thực thể thống nhất cơ chứ nếu mọi thứ tạo nên nó luôn thay đổi?

Chúng ta thích nghĩ về kí ức như một cuốn phim tua ngược trong đầu về những điều đã xảy ra trong quá khứ, nhưng đó không phải là kí ức. Kí ức là sự tái hiện lại những trải nghiêm quá khứ bởi bộ não. Và chúng ta “tạo” nên những kí ức đó sao cho thật vừa vặn với câu chuyện của hiện tại dựa trên điều chúng ta biết, cách chúng ta mô tả bản thân cũng như cái mà chúng ta cần và muốn đạt được. Nếu bạn nghĩ bản thân mình là một người tốt, thì có lẽ bạn sẽ nhớ về quãng thời gian bạn đối xử tử tế với mọi người nhiều hơn là những lúc không phải như vậy. Chúng ta tạo ra câu chuyện của chính mình xunh quanh cái mà chúng ta muốn mọi người nhìn nhận. Chúng ta tự thuyết phục bản thân rằng chúng ta sẽ hành xử theo cách thức nhất định để thật khớp với câu chuyện đó, thậm chí dù việc đó chúng ta thường làm không được tốt lắm.

Nếu điều đó đúng và chúng ta không thể tin tưởng vào kí ức để có một mô tả chính xác chúng ta là ai trong quá khứ, thì bằng cách nào mà chúng ta vẫn có “một bản ngã” tồn tại theo suốt thời gian? Liệu chúng ta có tạo ra “những bản ngã” mới mỗi khi câu chuyện này thay đổi không? Hãy nghĩ về điều này! Không phải là câu chuyện tiếp tục đi theo một hướng mới mà nó thay đổi hoàn toàn theo cách mà những thứ từng ở đó đã biến mất. Và nếu những thứ từng ở đó đã biến mất, thì chúng ta có thể nói rằng có một bản ngã tồn tại suốt theo thời gian!

Trái ngược với điều có thể bạn đang nghĩ, điều đó không có nghĩa là chúng ta không có một “bản ngã”. Chỉ đơn giản là nó không tồn tại theo cách mà chúng ta nghĩ nó phải như vậy.

Chúng ta là tổng hòa của nhận thức, cảm giác và suy nghĩ. Bộ não cố gắng hợp lý hóa bản chất ngẫu nhiên sự tồn tại của chúng ta bằng cách thêu dệt nên một mạch truyện tuyến tính. Bạn đã từng ở đó. Và giờ bạn đang ở đây. Đó là câu chuyện mà chúng ta kể về bản ngã của mình. Đó chỉ là cách thức bộ não hợp lý hóa sự ngẫu nhiên về sự tồn tại của con người. Và là lý do tại sao ý tưởng về bản ngã mà chúng ta tưởng bấy lâu là không đúng.

Khi nghĩ về bản ngã, hầu hết mọi người nghĩ về thứ gì đó tồn tại bên ngoài bộ não. Nhưng điều đó là không thể. “Bản ngã” là cảm nhận liên tục và duy nhất của chúng ta được tạo nên bởi bộ não! Không có nó, thì cũng không có bản ngã! Bất cứ điều gì khác ngoài điều này chỉ là ảo vọng rằng con người không chỉ là một nhóm phân tử có tri giác. Sâu xa hơn chúng ta còn có một linh hồn, bản chất phi vật chất, một động lực của sự tồn tại cá nhân. Và điều đó đúng trong hầu hết các tôn giáo, trừ Phật giáo. Anatta là một học thuyết Phật giáo phủ nhận ý tưởng về bản ngã. Nó cho rằng chẳng có gì ẩn dưới vật chất vĩnh viễn, cũng chẳng có linh hồn. Mà mọi thứ mà chúng ta trải nghiệm đơn thuần được cảm nhận thông qua các giác quan, chứ không phải qua “cái tôi”. Vì không có “cái tôi” nên thế giới vật chất chẳng thuộc về tôi được. Vì thế chúng ta không nên thèm muốn những thứ như vậy, hoặc giữ khư khư lấy chúng như thể chúng đáng giá hơn một vài cảm giác dễ chịu vậy.

Tôi đặt những bức ảnh mà tôi đang xem xuống và nhặt lại bức khi tôi còn bé. Tôi lại đưa lên sát mặt và nhìn chằm chằm vào gương một lần nữa. Rồi cảm giác khủng hoảng hiện sinh như tuôn trào trong tâm trí khiến tôi không thể ngừng hỏi. Nếu tôi nói rằng đó không phải là tôi, vậy làm sao tôi biết? Nếu tôi tình cờ nhìn bức ảnh này mà chẳng có một bối cảnh nào cả, tôi vẫn có thể nói rằng đó là tôi chứ? Chắc là không rồi! Thế thì bằng cách nào mà tôi có thể nói có một bản ngã tồn tại trong đứa trẻ đó mà giờ vẫn còn trong tôi? Tôi căn cứ vào đâu mà nói trải nghiệm là tuyến tính? Rằng đó vẫn cùng một người chứ?

Sự thật là bạn chẳng là con người giống trước kia nữa, và cũng chẳng phải cùng một người sẽ ở đó trong tương lai…hoặc ít nhất không có bằng chứng nào cho điều đó. Suy nghĩ kiểu này vừa kinh khủng vừa thú vị. Nó kinh khủng bởi vì về cơ bản nó chống lại mọi thứ chúng ta biết về bản ngã của mình. Nếu không có bản ngã thì không có tự do ý chí, và nếu không có tự do ý chí  thì sẽ chẳng có trách nhiệm đạo đức. Chẳng có đúng và sai, thiện và ác, chỉ có một tập hợp các phân tử phản ứng với các kích thích mà chúng gặp mà thôi.

Nhưng mặt khác, nó thú vị bởi vì nó giải phóng bạn. Giờ đây bạn không phải nghĩ rằng “mình tôi đương đầu với thế giới” nữa, bởi vì làm gì có bạn ở đó để mà đương đầu. Bạn cũng không cần phải cảm thấy cuộc sống thật bất công bởi những điều tồi tệ xảy đến. Bạn sẽ thấy “những điều tồi tệ xảy đến với bạn” đơn giản là nó xảy ra thôi. Việc nó tốt hay xấu đâu thực sự quan trọng, phải không? Bạn cũng không cần phải sợ hãi trước cái chết nữa, bởi vì chẳng có gì có thể chết nếu như nó chưa từng có cả. Bạn sẽ hiểu rằng cái chết đơn giản là một điều tự nhiên mà thôi. (bạn có thể đọc thêm: http://zeally.net/dung-soc-nhe-nhung-ai-roi-cung-phai-chet-ma-thoi/)

Ảo tưởng về bản ngã là một trong những ảo tưởng mạnh mẽ nhất và dai dẳng nhất mà chúng ta trải nghiệm. Nó đeo bám kể từ khi chúng ta còn là một đứa trẻ chập chững tập đi cho đến khi chúng ta chết. Nếu nó không có thực thì tại sao bộ não của chúng ta lại tạo nên những mạch truyện như thế? Tại sao ảo tưởng này tồn tại?

Là một thực thể sống, mục đích của chúng ta là phải sống sót và phát triển. Chúng ta học tập, thích nghi và lớn lên. Và một trong những điều quan trọng nhất của cuộc chạy đua sinh tồn đó chính là sự cạnh tranh. Không có cạnh tranh, chúng ta sẽ cảm thấy thỏa mãn với những gì ta có và chẳng có động lực phấn đấu vì điều gì cả. Không có ảo tưởng về bản ngã thì không có cạnh tranh. Sự cạnh tranh được xây dựng dựa trên ý tưởng rằng mỗi thực thể riêng rẽ cần phải vượt trội hơn thực thể khác. Nếu như không có thực thể riêng rẽ mà chỉ là những phản ứng hóa học mang tới tri giác, thì sẽ không có sự cạnh tranh, và không có sự cạnh tranh, thì quả thực mọi thứ sẽ chẳng vận hành theo cách như nó đang có cả.

Nếu bạn vẫn chưa tin rằng nhu cầu cạnh tranh riêng lẻ là lý do khiến bộ não tạo ra một thực thể thống nhất và dai dẳng trong mỗi chúng ta, thì bạn không lẻ loi đâu. Hầu hết chẳng ai tin vào ý tưởng không có bản ngã cả.

Một vài người hành thiền đôi khi có thể đạt đến trạng thái yên tĩnh và trống rỗng hoàn toàn, được mô tả như “sự kiện ý thức thuần khiết” hay trạng thái hoàn toàn không có ý thức. Không có suy nghĩ, không có quá trình tinh thần nào đang diễn ra, chỉ có sự nhận thức sâu sắc về “cái tôi”. Một thực thể độc lập. Nhiều người sử dụng trạng thái này như một bằng chứng cho sự tồn tại của bản ngã. Thế nhưng có hai lỗ hổng trong cách suy nghĩ như thế. Thứ nhất, không có bằng chứng khoa học ủng hộ cho điều đó. Chúng ta không thể định nghĩa một thứ đơn thuần chỉ dựa vào trải nghiệm cá nhân của người khác. Thứ hai, cảm giác trống rỗng cũng là một trạng thái tinh thần. Chính trong trạng thái đó bộ não nói với chúng ta rằng chúng ta hoàn toàn tự do trong suy nghĩ. Nó vẫn là một hoạt động não mà.

Một số người vẫn cố viện cớ rằng nếu không có bản ngã, thì làm sao chúng ta có thể tin vào những phán xét của người khác? Bây giờ một con ma đến và nói với bạn rằng trên đời này không có ma đâu thì bạn có tin không? Để có thể dùng ý thức vượt qua sự phán xét, bạn cần có một cái nhìn khách quan. Thế nhưng để có một cái nhìn khách quan thì bạn cần có một bản ngã để quan sát tất cả, giống như bạn là một vị thần hay một thứ gì đó, để có thể phủ nhận mọi lý lẽ mà bạn đang cố gắng bảo vệ.  

Nhưng sự thật thì, ảo tưởng về bản ngã không chỉ là việc một con ma nói với chúng ta rằng không có con ma nào cả. Mà con ma đó còn có một dáng vẻ để có thể cảm nhận, chạm và ngửi mọi xung quanh. Nó có thể tương tác với những vật sống khác, vì thế nó không thể nào là ma được. Không còn là giả định về sự vắng mặt của bản ngã, trong thực tế các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra sự vắng mặt của nó. Chúng ta không cần bản ngã nói với chúng ta rằng không có bản ngã. Cái chúng ta cần là bằng chứng.

Và bằng chứng rõ ràng nhất chính là khi tôi đưa bức ảnh lúc tôi còn bé tí lên sát mặt mình. Quả thật mọi thứ đã thay đổi. Tôi biết rằng tôi có quan hệ nhân quả với thằng bé đấy, nhưng chẳng có bằng chứng nào cho thấy có điều gì đó trong thằng bé vẫn còn trong tôi suốt quãng thời gian.

Thời điểm đó tôi có một cuộc khủng hoảng hiện sinh, tôi liền đặt bức ảnh đó xuống và cầm lấy một bức của bà ngoại. Bà bây giờ trông già hơn rất nhiều. Bà vẫn có thể nói nhưng thực sự chẳng thể nhiều. Bà vẫn còn nhớ thế giới từng như nào khi bà còn trẻ. Thế nhưng những người bằng tuổi bà bị mắc Alzheimer’s thì sao? Những người chẳng thể nào nhận ra được những người thân yêu của mình, chẳng thể nhớ được điều gì trong quá khứ. Liệu họ vẫn có bản ngã chứ?

Khi nào thì một người không còn bản ngã nữa? Nếu bạn không có bất kì kí ức nào về quá khứ hay dự định nào cho tương lai, thì bản ngã sẽ là gì? Từ “cái tôi” phản ánh điều gì? Nếu như mọi cấu phần tạo nên bản ngã có thể dễ dàng thay đổi hoặc bị xóa bỏ hoàn toàn, thì ý tưởng về sự tồn tại dai dẳng theo thời gian là không thể !

Chỉ khi chúng ta không đếm xỉa ý tưởng về bản ngã, chúng ta mới có thể hiểu được tại sao con người dường như đi ngược lại hoàn toàn những gì đã dự định. Chúng ta thường phán xét người khác dựa trên những ý tưởng về họ mà ta vẽ ra trong đầu. Và trong thực tế thì chúng ta chỉ là một đống những xung động cạnh tranh và thôi thúc, khiến chúng ta lắc lư theo hết cách này đến cách khác. Việc không có một bản ngã nào tồn tại xuyên suốt thời gian giải thích tại sao chúng ta thường hành động theo vô thức với câu chuyện mà chúng ta tự kể cho chính mình và cho người khác nghe.

Sự thật là ảo tưởng về bản ngã đơn thuần là một tập hợp những mảng kí ức của quá khứ, những mong ước hiện tại và những dự định cho tương lai. Nó là một dạng tiểu sử tâm lý. Nó không phải là một thực thể siêu nhiên nào tồn tại một cách độc lập. Nó không thoát khỏi được cái chết. Nó không tồn tại mãi theo thời gian.

Chúng ta không còn là con người đó và cũng sẽ không trở thành là một ai. Đơn giản chúng ta chỉ là chúng ta của bây giờ!

 

Dịch bởi Trần Trung Hiếu

Nguồn

https://aperture.gg/blogs/the-universe/there-is-no-i

menu
menu