Kiểu nói của người có EQ thấp

kieu-noi-cua-nguoi-co-eq-thap

Người có trí tuệ cảm xúc (EQ) thấp khó giành được tình cảm của người khác bởi dễ xúc phạm đối phương vô thức bằng lời nói.

EQ là viết tắt tiếng Anh của Emotional Quotient, được hiểu theo nghĩa là khả năng xác định, kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ của bản thân và người xung quanh.

Khi giao tiếp, nhiều người thường quá quan tâm đến nội dung mà quên đi cách thức biểu đạt cảm xúc, cụ thể hơn chính là ngữ khí, giọng điệu nói chuyện. Giọng điệu tích cực sẽ khiến đối phương cảm thấy được tôn trọng. Ngữ khí tiêu cực gây cảm giác mệt mỏi, áp bức, từ đó phá hủy mối quan hệ.

Những người EQ thấp có xu hướng nói chuyện bằng những giọng điệu dưới đây.

1. Giọng điệu nghi ngờ

Khi giao tiếp với người khác, người EQ thấp thường có giọng điệu hoài nghi, kiểu như: "Thật như vậy không?" hay "Tại sao lại như thế được".

Giọng điệu hoài nghi luôn hàm chứa ý nghĩa tiêu cực, thể hiện không tin tưởng người khác. Nếu thường xuyên sử dụng giọng điệu này trong giao tiếp sẽ khiến đối phương khó chịu, mất thiện cảm, tạo ra khoảng cách giữa người nói và người nghe.

Ảnh minh họa: istock

2. Giọng điệu hỏi ngược

"Không phải đã nói với bạn rồi sao?, "Việc đơn giản thế này mà bạn không làm tốt được hả?"... là một trong những giọng điệu chất vấn, hỏi ngược, với ẩn ý: "Tôi đúng và bạn sai".

Cách nói này thể hiện sự phủ định mạnh hơn cả giọng điệu nghi ngờ bởi còn hàm chứa sự không hài lòng, thậm chí khinh thường đối phương. Người thường xuyên sử dụng giọng điệu này coi mình là giỏi nhất nên không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Họ thuộc nhóm có trí tuệ cảm xúc thấp điển hình.

3. Giọng điệu thờ ơ

Khi cãi nhau, vì không muốn tiếp tục hoặc lười giải thích, nhiều người sẽ nói: "Nghĩ sao thì tùy". Giọng điệu thờ ơ này khiến đối phương cảm thấy người nói không quan tâm đến cảm xúc của mình, sự tức giận vốn có lại càng thêm bùng nổ.

Giao tiếp là cách trao đổi hai chiều, nhưng giọng điệu thờ ơ chỉ truyền tín hiệu người nói không muốn giao tiếp với đối phương. Giọng điệu này cũng thể hiện sự thiếu đồng cảm, khiến cho đối phương thấy rằng bạn không nỗ lực để hiểu hoàn cảnh và tình huống của họ. Nên tránh sử dụng giọng điệu này khi nói chuyện với người khác.

4. Giọng điệu ra lệnh

"Đưa tôi tập tài liệu", "Lấy hộ tôi cốc nước"... là một trong những giọng điệu ra lệnh khiến người nghe cảm thấy khó chịu, tức giận, thậm chí bất mãn. Giọng điệu này chứng tỏ người nói là kẻ mạnh, người nghe là kẻ yếu.

Nhiều người cho rằng lời nói ra lệnh là biểu hiện của sự mạnh mẽ, dứt khoát, thẳng thắn nên họ không cảm thấy tội lỗi. Điều này hoàn toàn sai lầm! Thực tế là không ai muốn sự bất bình đẳng và chèn ép cả. Cho dù quan hệ thân thiết đến mức nào, ra lệnh chính là thứ tối kỵ khiến tình nghĩa tàn phai, bạn bè xa lánh.

Trang Vy (Theo toutiao)

menu
menu