Điều gì xảy ra khi bạn trì hoãn?

dieu-gi-xay-ra-khi-ban-tri-hoan

Mặc dù bạn có thể tin rằng sự trì hoãn chỉ tạo ra các khác biệt tạm thời - điểm kém trong bài thi cuối kỳ, phí phạt trả chậm thẻ tín dụng - nó thực sự tạo ra những hệ quả lâu dài tác động đến gần như mọi lĩnh vực trong đời sống của bạn.

Mặc dù bạn có thể tin rằng sự trì hoãn chỉ tạo ra các khác biệt tạm thời - điểm kém trong bài thi cuối kỳ, phí phạt trả chậm thẻ tín dụng - nó thực sự tạo ra những hệ quả lâu dài tác động đến gần như mọi lĩnh vực trong đời sống của bạn.

SUY GIẢM SỨC KHỎE THỂ CHẤT VÀ TINH THẦN

Đôi khi, chúng ta dùng trì hoãn như một cách thức để giảm thiểu căng thẳng, nghĩ rằng: “Nếu tôi trì hoãn việc ôn thi chút xíu, thì bây giờ tôi sẽ đỡ căng thẳng hơn.” Điều đó đúng đấy - chừng nào kỳ thi còn xa lơ xa lắc. Nhưng càng đến gần ngày thi, người trì hoãn thực sự cảm thấy căng thẳng nhiều hơn và có nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất hơn (nhức đầu, vấn đề tiêu hóa, cảm lạnh, mất ngủ,…) so với người không trì hoãn. Họ không chỉ đẩy mức căng thẳng hiện tại sang một thời điểm về sau; các nghiên cứu đã chứng minh họ thực sự tạo ra nhiều căng thẳng hơn về mặt tổng thể khi trì hoãn.

Sự trì hoãn tạo ra căng thẳng (chứ không phải ngược lại đâu nhé), và căng thẳng sau đó kích hoạt một loạt các tiến trình sinh hóa trong cơ thể của bạn. Các tiến trình này cuối cùng gây hại cho hệ miễn dịch và làm gián đoạn quá trình viêm của cơ thể. Điều này làm tăng nguy cơ về các vấn đề sức khỏe, bao gồm cả việc cao huyết áp và bệnh tim. Thêm nữa, sự căng thẳng đó khiến chúng ta nản lòng thoái chí trước những điều lành mạnh như tập thể dục, ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc.

BẠN MẤT TIỀN

Trì hoãn mãn tính không chỉ làm hại cơ thể và tâm trí của bạn; nó còn làm bạn “viêm màng túi”. Một nghiên cứu năm 2002 của H&R Block (Kasper, 2004) cho biết có tới 40% người Mỹ đợi đến tận tháng 4 mới báo cáo thuế. Trì hoãn báo cáo thuế khiến họ tốn thêm trung bình 400 đô la do bị phạt trễ hạn hoặc liên quan đến các sai sót gây ra do khai báo vội vàng. Chính phủ nhận hơn 473 triệu đô la tiền phạt thêm từ người Mỹ nhờ những sai sót này.

Khảo sát đó cũng cho biết nhiều người Mỹ trì hoãn việc tiết kiệm cho tương lai. Điều này có nghĩa là thay vì tận hưởng tuổi hưu đi trượt ván, nhảy Macarena và nhâm nhi cocktail trên một bãi biển tư nhân ở Mexico, bạn sẽ tiếp tục còng lưng với công việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều vì bạn không dành dụm cho tuổi về hưu.

Sự trì hoãn có thể gây tốn kém theo nhiều cách vụn vặt khác, như phí phạt trễ hạn thỉnh thoảng xảy ra vì bạn không trả hóa đơn kịp lúc, mắc kẹt với cái áo len trông không đẹp như hình quảng cáo vì bạn không kịp trả hàng đúng thời hạn, hay phải trả tiền taxi đến sân bay vì bạn không khởi hành đủ sớm để đi bằng phương tiện công cộng.

Bạn không làm đến mức tốt nhất của mình Bên cạnh việc gây hại sức khỏe tài chính, trì hoãn còn có nghĩa là chúng ta không thể làm đến mức tốt nhất có thể.

Thân chủ của tôi, Mason, trì hoãn việc viết một lá thư cho sếp của mình để trình bày việc đội ngũ của ông thấy ức chế vì những chính sách mới của công ty. Cuối cùng, ông chỉ còn có một giờ để viết toàn bộ bức thư. Quá vội vàng nên ông đã quên mất vài quan ngại trọng điểm, không có đủ thời gian để đội ngũ của ông duyệt lại bức thư và soát lỗi chính tả, điều này làm tổn hại nghiêm trọng về mức độ nghiêm túc mà sếp ông xem xét các phản hồi của đội ngũ.

Câu chuyện của Mason cho thấy rõ ràng việc trì hoãn thường tạo ra kết quả làm việc tồi tệ. Tại trường học, nó sẽ thể hiện dưới dạng điểm số thấp trong các bài luận và kỳ thi, điểm GPA thấp hơn, và tỷ lệ bỏ khóa học cao hơn. Nhưng kể cả sau khi tốt nghiệp, sự trì hoãn vẫn thường đi cùng kết quả làm việc tệ hại.

CÁC MỐI QUAN HỆ BỊ TỔN HẠI

Một trong những thân chủ thông minh nhất mà tôi từng làm việc cùng tìm đến tôi vì ông đã trì hoãn nhiều đến mức cuộc hôn nhân của ông tan vỡ. Michael, 42 tuổi, là một chủ doanh nghiệp thành công lẫy lừng có một cuộc hôn nhân bền vững, ứng cử viên “Ông bố của năm” trong mắt bất kỳ ai. Trong nhiều năm, ông đã thất bại trong việc theo dõi khía cạnh tài chính của công ty mình - nó có vẻ chẳng bao giờ đủ khẩn cấp. Nhưng các lỗi lầm sổ sách nho nhỏ cứ chất chồng lên đến khi công ty gặp phải nguy cơ nghiêm trọng.

Điều đó dĩ nhiên cũng kéo theo cả phúc lợi, an toàn của gia đình và các mối quan hệ vào vòng xoáy nguy hiểm. Doanh nghiệp sa sút, họ không đủ tài chính để trả tiền nhà, trả cho các chuyến du lịch Disney hay thậm chí cả lớp học khiêu vũ cho con gái 5 tuổi của họ.

Câu chuyện của Michael là một trong số những câu chuyện tôi thường xuyên nghe từ các thân chủ của mình. Họ chật vật trong chuyện tạo động lực đến mức các mối quan hệ của họ tan vỡ. Thật lòng mà nói, các mối quan hệ tan vỡ là điều mang thân chủ đến phòng khám của tôi nhiều hơn bất cứ thứ gì khác trên đời. Chúng ta có thể giả vờ rằng mọi thứ vẫn ổn cho đến khi người chúng ta yêu thương bị ảnh hưởng.

Chúng ta hay nghĩ về sự trì hoãn như một vấn đề của riêng mình. Ai quan tâm chuyện tôi thức cả đêm hoàn thành một dự án hay trì hoãn việc gấp quần áo cơ chứ? Nó chẳng làm hại ai trừ chính bản thân tôi. Nhưng trong nhiều trường hợp, sự trì hoãn thực ra chính là vấn đề “của chúng ta”. Michael đã chậm trễ việc thanh toán hóa đơn và khai báo thuế, kết quả là vợ ông cảm thấy bị phản bội, lừa dối và xúc phạm. Bà không còn có thể tin tưởng ông trong công việc được nữa, bà không còn có thể nhờ cậy sự giúp đỡ của ông khi cần và luôn lo sợ ông còn che giấu nhiều thứ khác. Ảnh hưởng tài chính lâu dài từ sự trì hoãn của ông khiến bà cảm thấy dễ tổn thương, sợ hãi và giận dữ.

Bạn không cần phải làm cha làm mẹ hay chủ doanh nghiệp để sự trì hoãn của bạn gây hại đến các mối quan hệ. Khi chúng ta không trả lời email hay điện thoại của đồng nghiệp kịp lúc, khi chúng ta né tránh việc thảo luận các vấn đề trong mối quan hệ với bạn đời, khi chúng ta chần chừ việc lên kế hoạch với bạn bè, chúng ta tạo ra thêm các rắc rối cho những người chung quanh. Nói ngắn gọn thì, chúng ta biến sự trì hoãn “của tôi” thành sự khó chịu, bực bội và cáu kỉnh “của chúng ta”. 

BẠN THẤY ỔN... CHO TỚI KHI KHÔNG ỔN

Trì hoãn gây ra vài vấn đề, nhưng nó cũng mang lại cảm giác khá tuyệt. Rõ ràng chuyện thức đêm nghiền Netflix, lướt Instagram hay mua sắm online nghe đã hơn nhiều so với gấp quần áo, lập ngân sách và cập nhật CV.

Ít ra là trong thoáng chốc. Nhưng sau đó, dĩ nhiên chúng ta sẽ phải trả giá cho sự trì hoãn các công việc quan trọng. “Trả giá” ở đây có thể là cảm thấy căng thẳng khi chúng ta cuống cuồng hoàn thành công việc vào phút chót, cảm thấy mất tinh thần vì những mục tiêu không đạt được, cảm thấy thất bại với hàng đống công việc dang dở và thấy xấu hổ với cách chúng ta để sự trì hoãn ảnh hưởng đến những người chúng ta yêu thương.

Cuối cùng, cảm giác tội lỗi chúng ta chịu đựng khi tiếp diễn vòng lặp và liên tục khiến bản thân thất vọng (… lần nữa) sẽ đè nát sự thỏa mãn từ các hành vi chúng ta dùng để trì hoãn.

TÂM LÝ HỌC VỀ SỰ TRÌ HOÃN – Cuốn sách giúp bạn CHIẾN THẮNG sự trì hoãn.

Link sách:

Fahasa: https://shorten.asia/3Jymj3bK

Shopee: https://shope.ee/6pU31B3wix

 

menu
menu