Tại sao những điều ngọt ngào lại khiến ta rơi lệ?

tai-sao-nhung-dieu-ngot-ngao-lai-khien-ta-roi-le

Có thể ta từng nghĩ mình là người mạnh mẽ, tỉnh táo và tập trung vào những mục tiêu lớn lao của người trưởng thành.

Có thể ta từng nghĩ mình là người mạnh mẽ, tỉnh táo và tập trung vào những mục tiêu lớn lao của người trưởng thành. Thế nhưng, theo thời gian, ta dần nhận ra điều kỳ lạ: ta dễ xúc động hơn trước những điều rất đỗi nhỏ bé và dịu dàng. Như cảnh ai đó tưới vườn lúc hoàng hôn, chậm rãi và ân cần chăm sóc từng nhành cây. Hoặc một người hiền lành đang nhẹ nhàng hỏi thăm đối tác xem đầu gối họ có còn đau không, liệu họ đã uống đủ nước chưa. Hay câu chuyện trong cuốn sách ta đọc cho trẻ nhỏ, nơi mẹ thỏ ôm chặt con vào lòng và thì thầm rằng mẹ sẽ yêu con đến suốt đời. Hoặc một chiếc đĩa cổ được làm ở Thụy Điển vào thế kỷ 18 với hoa văn men xanh tinh tế trên viền đĩa.

Vì sao những điều nhỏ bé ấy lại khiến ta động lòng đến vậy? Và tại sao hôm qua, ta lại gần như rơi nước mắt khi thấy một phụ huynh cẩn thận cài áo cho đứa con trong công viên, rồi trao cho nó một nụ hôn nhẹ lên trán?

Không phải vì ta bất thường. Đôi mắt ta dễ dàng ngấn lệ hơn là bởi ta ngày càng thấm thía sự khắc nghiệt của cuộc đời: thấy rõ con người có thể ích kỷ đến mức nào, xã hội phán xét khắt khe ra sao, sức khỏe có thể suy tàn nhanh chóng như thế nào, sự bất công trong cuộc sống và cả những thất bại của chính bản thân ta.

Chính những điều ngọt ngào nhỏ bé ấy, giữa cuộc đời đầy khó khăn, như nhắc ta rằng dù bão giông thế nào, vẫn còn tồn tại những khoảnh khắc dịu dàng và đẹp đẽ, khiến ta rung động tận sâu trong tim.

Trên nền cảnh đời sống như thế, những điều nhỏ bé, trong sáng, đẹp đẽ, tử tế không còn là thứ vô nghĩa hay sự phân tâm khỏi một định mệnh hùng mạnh và bất khả xâm phạm. Chúng hiện lên như những ngọn đèn của lòng tốt còn sót lại, tỏa sáng rực rỡ hơn trong màn tối u ám. Thật là nghịch lý khi ta chỉ hiểu giá trị của sự ngọt ngào khi xung quanh ta ít ngọt ngào nhất. Những người thực sự trân quý cái đẹp không phải là người thấy đời hoàn hảo, mà là những ai đã nếm trải đủ mọi nỗi đau và đắng cay, những người lặng lẽ khắc khoải, nhớ tiếc sự ngây thơ đã đánh mất. Chính sự không hoàn hảo, sự khắc nghiệt của đời sống đã làm nổi bật hơn cái đẹp, lòng nhân ái.

Vậy nên, nếu chúng ta nhận được nhiệm vụ kỳ lạ là tạo ra một robot có thể rơi lệ khi thấy những chiếc đĩa xinh xắn hay đọc truyện cho trẻ con, ta sẽ phải làm một việc tưởng chừng tàn nhẫn: phải dạy nó hiểu về nỗi đau, sự ghét bỏ bản thân, sự nhục nhã và thất bại. Bởi chỉ trên nền của khổ đau, những cảnh đẹp mới trở nên sâu sắc, chạm đến tận cùng cảm xúc, chứ không chỉ đơn thuần là dễ thương.

Những giọt nước mắt ấy nói lên một điều quan trọng: cuộc sống của chúng ta đã trở nên gian nan hơn so với khi ta còn trẻ, và khát khao những điều tử tế, thuần khiết lại càng mãnh liệt hơn.

Nguồn: WHY SWEET THINGS MAKE US CRY - The School Of Life

menu
menu