Là tri kỷ của chính mình?
Trong bài trả lời phỏng vấn gần đây cho tạp chí British Vogue, nữ diễn viên Emma Watson đã khiến người ta ngạc nhiên khi cô mô tả bản thân là một kẻ “là tri kỷ của chính mình”.
Bradley B. Onishi là Phó giáo sư ngành Nghiên cứu Tôn giáo tại Skidmore College (Mỹ). Bài viết này của ông cố gắng phác họa lịch sử của một lối sống đang có khả năng trở thành xu hướng nổi trội hiện nay – tự mình là đối tác của chính mình. Có một số khái niệm tâm lý trong bài viết lần đầu tiên tôi được tiếp xúc nên khó có thể nói là dịch chính xác ngay. Nhưng tôi cho rằng đây không chỉ là một bài nói về một lối sống, một phác thảo về tâm lý con người hiện đại mà nó cho thấy sau mỗi lựa chọn sống thế nào đều có cả triết lý của nó.
*
Trong bài trả lời phỏng vấn gần đây cho tạp chí British Vogue, nữ diễn viên Emma Watson đã khiến người ta ngạc nhiên khi cô mô tả bản thân là một kẻ “là tri kỷ của chính mình”. Cô gần 30 tuổi, và theo Watson – một nhà hoạt động, một ngôi sao gặt hái nhiều giải thưởng từ series phim Harry Potter – phải rất khó khăn để nhận thấy việc sống một mình, không con cái không phải là dấu hiệu thất bại. Nó chỉ có nghĩa là cô đang đi một mình trên hành trình hiện thực hóa và khám phá bản ngã. Và điều này hoàn toàn O.K.
Watson không phải là người duy nhất nói về mình và tình trạng quan hệ của mình bằng những thuật ngữ như vậy. Lizzo, nữ rapper và nghệ sĩ flute, người từ địa vị một ngôi sao underground đi đến chỗ trở thành một hình tượng được yêu mến của âm nhạc mainstream mùa hè năm nay, đã tuyên ngôn trong bản hit “Soulmate” (“Bạn tâm giao”): “Tôi là bạn tâm giao của chính mình/ Tôi biết làm sao để yêu bản thân/ Tôi biết lúc nào tôi cũng phải ghìm cơn mửa của mình lại.” Mệt mỏi bởi việc kiếm tìm “Người Duy Nhất” (“The One”), Lizzo nhận ra cuối cùng lúc nào cô cũng chỉ có chính mình.
Nếu sự phổ biến của chương trình “Anh chàng độc thân (ngay kể cả những người tự nhận theo nữ quyền cũng hứng thú với nó) chưa đủ thuyết phục, thì theo một cuộc thăm dò vào năm 2017, 2/3 người Mỹ tin vào “bạn tâm giao”. Nhưng ở thời điểm 2019, việc tìm Người Duy Nhất có ý nghĩa gì? Và liệu rằng, như cô Watson và Lizzo tuyên bố, ta có thể là người duy nhất cho mình hay không?
Theo Stephanie Coontz, tác giả cuốn sách Marriage: A History (“Hôn nhân: Một lịch sử”, 2005), việc tìm Người Duy Nhất từng gắn với nhu cầu về tìm thấy sự hoàn thiện. Vào thế kỷ 19, sự trỗi dậy của kinh tế thị trường phân công các giới vào những vai trò khác nhau – đàn ông là lao động chính trong khi đó thì phụ nữ làm công việc nhà không được trả tiền. “Khi hai giới này được kết hợp lại trong hôn nhân,” Coontz viết, “họ tạo ra một chỉnh thể tròn trịa hoàn hảo.”
Cách tiếp cận về người bạn đời theo hướng này, theo đó, hai thành viên thuộc hai giới tính đối lập hoàn thiện lẫn nhau, về bản chất, có cội nguồn tôn giáo, tức từ “thuyết bổ sung” của nhà thần học vốn dĩ khá phổ biến – mà một ví dụ nổi tiếng chính là câu châm ngôn trong Kinh Thánh, “hai rồi sẽ thành một”. Nó cũng gợi nhớ đến tác phẩm Symposium (“Yến hội”) của Plato – một trong những tác giả sớm nhất đưa ra huyền thoại về bạn tâm giao – nơi thi sĩ trào phúng Aristophanes giải thích rằng con người đã từng thống nhất lại thành một cặp, song sau đó thì bị chia tách thành hai nửa bất hạnh bởi Zeus. Kể từ đó, nhà hài kịch này lý giải, mỗi chúng ta phải lang thang trên mặt đất này để tìm phần bị mất của mình.
Lý tưởng về sự hoàn thiện này gợi liên hệ đến một thời đại nơi đàn bà phụ thuộc cả về kinh tế lẫn địa vị xã hội vào đàn ông và hôn nhân chỉ dành cho các cặp dị giới. Ngày nay, thay vì một mối quan hệ được xác định cả đời, nhiều người trong chúng ta coi bạn đời chỉ là một phần của bài toán rắc rối bao gồm cả sự nghiệp (vốn thường đỏi hỏi sự di chuyển về địa lý), gia đình, đời sống xã hội, tình trạng thể chất và tinh thần của cá nhân, công việc tình nguyện, nhu cầu giải tỏa năng lượng sáng tạo và tái tạo. Một mối quan hệ không phải là nền tảng của đời sống cá nhân, mà chỉ như một thành phần của nó.
Điều này không có nghĩa coi mình như tri kỷ của chính mình tương đương với việc cô độc. Mặc dù cô độc như một bênh dịch ở nhiều nước phát triển, trong đó có nước Mỹ, việc “tự cặp đôi” mà Watson hay Lizzo nói tới không giống với sự cô lập về xã hội. Nó không ngăn chặn những mối quan hệ có ý nghĩa với nhiều hình thức khác nhau.
Trong cuốn sách xuất bản năm 2017 The All or Nothing Marriage (Hôn nhân: Hoặc tất cả, hoặc không gì cả”, nhà tâm lý học Eli Finkel đã sử dụng thuyết của Abraham Maslow về thứ bậc của các nhu cầu để kiến giải hiện tượng này. Theo Maslow, loài người cần được thỏa mãn những nhu cầu tồn tại nhất định để có thể quan tâm đến kẻ khác. Những nhu cầu về thể chất (thức ăn, nước uống, chỗ ở) làm thành hàng đáy của kim tự tháp, rồi dần dần nâng lên nhu cầu về sự an toàn, sự gắn kết xã hội và sự tự tôn (nghĩa là nhu cầu về địa vị và giá trị). Tiến sĩ Finkel khẳng định hôn nhân không còn là một nhu cầu cần được đáp ứng để thỏa mãn bất kỳ những chiều kích ở bậc “thấp hơn” của sự tồn tại của con người. Cách mạng tình dục, khả năng tránh thai và việc xã hội chấp nhận tình trạng đơn thân hay ly dị khiến người ta có thể thỏa mãn những nhu cầu nền tảng của mình thông qua công việc, gia đình, bạn bè, sở thích và những phương cách giúp người ta giải tỏa năng lượng sáng tạo.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là tình yêu và quan hệ đối tác giờ có thể định vị ở hàng cao nhất trong thứ bậc của các nhu cầu theo lý thuyết Maslow: nó là sự hiện thực hóa bản ngã. Trong một bài báo học thuật về tình yêu và hôn nhân công bố vào năm 2014, Finkel và những cộng sự cả mình đã lập luận rằng, kể từ 1965, các cuộc hôn nhân ở nước Mỹ đã được hình thành xung quanh lý tưởng về một thứ “chủ nghĩa cá nhân biểu hiện” vốn tập trung vào sự sáng tạo bản sắc cá nhân và phác họa một lối đi cho sự phát triển của cá nhân.
Trong thời kỳ này, người Mỹ bắt đầu xem hôn nhân là thứ không tất yếu và giờ thì còn muốn “nhìn nó như một phương tiện để đạt đến sự hiện thực hóa bản ngã – một lựa chọn về lối sống bên cạnh nhiều lối sống khác. Finkel và những đồng tác giả trong bài báo của mình đã phân tích nhân vật Carrie Bradshaw từ bộ phim truyền hình Sex and the City (“Tình dục và thành phố”) như là nguyên mẫu của cách ứng xử với đối tác thiên về tự biểu hiện bản thân. “Carrie không quan tâm đến việc thiết lập mối ràng buộc với bất kỳ đối tác cụ thể nào,” họ viết “mà cô quan tâm hơn đến việc đạt được một trải nghiệm về cảm xúc mang tính chất tự biểu hiện.” Nói gọn lại, hôn nhân giờ đây là một trong vài con đường để người ta có thể trở thành “bản ngã tốt nhất của mình”.
Điều này dẫn đến sự thay đổi trong nhãn quan về Người Duy Nhất. Nhiều người trong chúng ta không còn cần đến tình yêu nữa, lại càng ít cần đến bạn tâm giao hơn, để thỏa mãn những nhu cầu sơ đẳng của bản thân. Quan hệ đối tác giờ đây được nhìn như một lối đi hướng đến sự phát triển bản thân không ngừng.
Theo Finkel, điều này khiến tình yêu và các mối quan hệ trở nên không kiên định. Không phải ai cũng tìm được Người Duy Nhất và có lẽ họ hạnh phúc hơn khi như vậy – sống với mức độ kinh tế ở bậc cao, tự do trong các mối quan hệ xã hội và tình dục mà không có một quan hệ đối tác ràng buộc hay có thể có hại nào. Điều này có thể lý giải sự suy giảm của hôn nhân trong hơn hai thập niên qua. Những ai phải tìm một đối tác để lấp đầy những nhu cầu ở bậc cao nhất của mình chính là những người chơi xổ số. “Hôn nhân – có tất cả hoặc không có gì”có nghĩa những ai nuôi dưỡng một mối quan hệ thiên về cảm xúc và tâm lý với đối tác sẽ thích những hình thức thân mật hơn của mối quan hệ giữa người với người.
Có thể dễ nhận ra hôn nhân như phương thức tự biểu hiện mình là hệ quả của một động hướng ái kỷ trong văn hóa Mỹ. Roy Baumeister và Michael MacKenzie, hai nhà tâm lý học ở Đại học Bang Florida, đã đưa ra một dự báo u ám về hôn nhân, về việc làm cha mẹ, thậm chí cả sự can dự vào đời sống với tinh thần công dân bởi cái mà họ nhìn thấy như là chủ nghĩa tự yêu mình và tự ý thức về quyền bản thân của thế hệ X và Millenials. Nếu hạnh phúc của bản thân tôi giờ đây là giá trị cao nhất thì việc tìm kiếm Người Duy Nhất dường như lại là cuộc tìm kiếm người sẽ làm tôi trở thành Người Duy Nhất mà tôi đã luôn đeo đẳng.
Bất chấp sức cám dỗ thường trực của việc gắn cho những thế hệ trẻ hơn những nhãn hiệu mang tính chất vị kỷ, câu chuyện này có nhiều điều hơn để suy ngẫm. Hai nhà tâm lý học Brooke Feeney và Nancy Collins đã đưa ra một bức tranh mở rộng về sự hiện thực hóa bản ngã như một cách cân bằng giữa việc cho và nhận sự chăm sóc và ủng hộ. Họ cho rằng sự chăm sóc và hy sinh, mà đối với nhiều người chỉ xảy ra trong những mối quan hệ dài lâu lãng mạn, chính là những con đường dẫn đến sự hiện thực hóa bản ngã. Theo quan điểm của họ, những hình thức lành mạnh của sự tương thuộc chính là chìa khóa cho sự độc lập.
“Bởi sự phụ thuộc vào những mối quan hệ thân thiết, nhất là lúc ta cần đến, là một phần nội tại của bản chất người,” tiến sĩ Feeney và Collins viết, “những đối tác mà ta duy trì quan hệ – những người nhạy cảm và tinh tế đối với hành vi ứng xử như thế này – thực sự giúp cho việc thúc đẩy sự độc lập và sự tự đủ của mỗi người.”
Điều này có nghĩa là đối với nhiều người trong chúng ta, sự hiện thực hóa bản ngã đến thông qua hành động quên mình đi. Một mối quan hệ đối tác dựa trên hai cá nhân truy cầu sự hiện thực hóa bản ngã không nhất thiết là sự co kéo không có hồi kết giữa hai kẻ yêu mình cạnh tranh lẫn nhau. Nó có thể là một sự cân bằng giữa xa cách và thân mật, giữa ủng hộ – cho đi và ủng hộ-nhận về, giữa hy sinh và tự chăm sóc. Nói khác đi, con đường để trở thành “bản ngã tốt nhất của mình” có thể đạt đến một cách tốt nhất thông qua những mối quan hệ dài lâu được xây dựng dựa trên việc cộng hưởng qua lại, tin tưởng và thỏa hiệp.
Có lẽ việc tìm kiếm Người Duy Nhất không còn là việc tìm người duy nhất có thể khiến đời bạn trở nên như mong muốn. Đúng hơn nó là sự kiếm tìm ai đó sẽ cùng bạn đi trên hành trình phát triển bản thân suốt cả cuộc đời.
Dù đôi khi, người đồng hành duy nhất phù hợp với bạn chỉ có thể là chính bạn mà thôi.
Hải Ngọc dịch
Nguồn: Bradley B. Onishi, “Could I Be My Own Soulmate”, https://www.nytimes.com/2019/12/02/opinion/emma-watson-self-partnering-marriage.html