Làm sao để bị bệnh: Hướng dẫn Phật giáo truyền cảm hứng cho người bị bệnh mãn tính và người chăm sóc họ
Tìm thấy niềm vui trong cuộc đời mà bạn không thể kiểm soát được nó
Tên tiếng Anh: How to Be Sick (Second Edition): A Buddhist-Inspired Guide for the Chronically Ill and Their Caregivers
Tên tạm dịch: Làm sao để bị bệnh: Hướng dẫn Phật giáo truyền cảm hứng cho người bị bệnh mãn tính và người chăm sóc họ
Tác giả: Toni Bernhard
Nội dung:
Cuốn sách truyền cảm hứng và định hướng tốt cho cuộc sống này là một cuốn sách cần phải đọc dành cho những ai đang bị bệnh -- hoặc một ngày nào đó có thể đổ bệnh. Và nó cũng có thể là một món quà hoàn hảo mang đến sự chỉ dẫn, động viên và truyền cảm hứng khích lệ tinh thần cho gia đình, bạn bè và những người thân yêu đang vật lộn với nhiều thay đổi đáng sợ hoặc khiến ta gục ngã trong cuộc sống, một chẩn đoán của bệnh mãn tính sắp ập đến hoặc thậm chí là một căn bệnh gây đe dọa tính mạng.
Tác giả là một giáo sư luật ở trường đại học, đổ bệnh khi đang ở giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp của bà, cho độc giả biết bà lâm bệnh như thế nào, và trước sự hoang mang của bà và chồng, căn bệnh vẫn không biến đi. Toni từng là một thiền giả lâu năm, tham gia các khóa tu tập dài ngày và dành nhiều giờ ngồi thiền, nhưng sớm nhận ra bà không còn khả năng tham gia những hoạt động khó khăn và nặng nhọc ấy nữa. Bà phải học cách biến tình trạng “đau ốm” trở thành trọng tâm của việc thực hành tâm linh của bà, và thông qua sự học hỏi đích thực làm thế nào để bị ốm, bà đã học được cách sống một cuộc đời bình thản, giàu lòng trắc ẩn và vui vẻ, ngay cả khi gặp nhiều hạn chế về sức khỏe và năng lượng. Cho dù hiện tại bản thân chúng ta có đang bị bệnh hay không, chúng ta vẫn có thể học hỏi những nghệ thuật thiết yếu để sống hạnh phúc từ cuốn sách How to Be Sick.
Phần này trích từ chương 6 của cuốn sách How to be sick
Tìm thấy niềm vui trong cuộc đời mà bạn không thể kiểm soát được nó
Nuôi dưỡng niềm vui thấu cảm (chủ đề của chương này; ba chương tiếp theo sẽ bàn về những trạng thái cao quý khác) là yếu tố cốt lõi để chấp nhận và thích nghi với cuộc sống mà tôi không còn kiểm soát được nữa. Nếu không có khả năng chia vui với người khác — dù chỉ là một chút thôi — tôi sẽ chìm đắm trong sự đố kỵ. Bởi vì những hoạt động của chúng ta bị giới hạn rất nhiều, nên những người bị bệnh mãn tính khó mà không cảm thấy lòng ngập tràn ganh tỵ đối với bao kẻ may mắn khác vì vẫn còn khả năng tiếp tục làm những việc mà họ đang làm. Nhiều người trong chúng ta phải quanh quẩn trong nhà, không thể tham gia cùng gia đình và bạn bè khi họ đi xem phim, hay đạp xe đạp, hoặc đi nghỉ mát, hay dự đám cưới hoặc những sự kiện trọng đại khác của cuộc đời.
Ngay cả những người không bị bệnh nặng tới mức phải trói mình ở nhà thì cũng phải cẩn thận điều chỉnh lối sống của bản thân họ và không phải lúc nào cũng có thể ngẫu hứng ghé thăm hoặc ra ngoài ăn uống với gia đình và bạn bè. Những hạn chế này thường cũng áp dụng cho cả người chăm sóc vì họ thường xuyên phải từ bỏ những hoạt động yêu thích vì người thân của họ cần được chăm sóc hoặc vì những hoạt động đó chẳng vui gì mấy nếu làm một mình. Tony không thích tham dự tiệc cưới và những sự kiện tương tự như thế mà không có tôi ở bên để chia vui cùng anh và sau đấy cùng nhau bàn luận về nó.
Bởi vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi sự ganh tỵ dễ dàng nảy sinh trong cuộc sống của những người bị bệnh mãn tính và những người chăm sóc cho họ. Cảm xúc này có thể mạnh mẽ đến mức khiến ta có cảm giác như nó đang nuốt chửng lấy mình — và thi thoảng tôi đã từng như vậy. Khi lòng ganh tỵ quá mãnh liệt, nó sẽ xua đuổi mọi cơ hội để sống bình yên và thanh thản. Ngoài ra, sự căng thẳng cảm xúc do đố kỵ gây ra có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng thể chất của chúng ta. Điều thứ hai không có gì đáng ngạc nhiên; Phật giáo coi một cảm xúc là một ý nghĩ cộng thêm với một phản ứng của cơ thể trước ý nghĩ đó.
Rất may là niềm vui thấu cảm có thể là một liều thuốc giải độc mạnh mẽ cho nỗi đau cảm xúc của sự ganh tỵ. Sau khi bị bệnh, phải mất một thời gian dài tôi mới có thể dễ dàng gợi lên được trạng thái cao thượng này. Thoạt đầu, cảm thấy vui mừng trước hạnh phúc của người khác chỉ là một hành động của ý chí. Khi tôi hay tin những người tôi quen biết sắp đi chơi ở vùng duyên hải Mendocino, đây từng là nơi mà Tony và tôi vô cùng yêu thích, và sự ganh tỵ sẽ bùng phát trở lại. Tôi nghĩ về kiểu thực hành này và cố gắng cảm thấy vui mừng cho họ, thầm nhủ trong lòng, “Thật là tuyệt khi họ sắp đi chơi biển,” nhưng tôi đã nghiến răng khi nói câu ấy. Tôi cảm thấy nó là thứ niềm vui giả tạo. Tôi vẫn bế tắc với bài thực tập này, nhưng dần dần, từng chút một, sự vui mừng giả tạo bắt đầu chuyển thành niềm vui chân thật.
Đây là một điểm quan trọng, và nó không chỉ áp dụng cho niềm vui thấu cảm—nó còn áp dụng cho cả bốn trạng thái cao quý. Sự vun bồi cho chúng không nên bị coi như một bài kiểm tra đậu/trượt. Chẳng hạn, với niềm vui thấu cảm, nếu bạn cảm thấy dù chỉ là một chút mừng vui giữa lúc ganh tỵ, bạn vẫn được xem là thành công rồi đó và có thể vun bồi cho hạt giống đó, biết rằng bạn đang đi đúng hướng.
Đó là lý do tại sao bạn phải kiên trì theo sát bài thực hành này ngay cả khi bạn cảm thấy mình thật giả tạo hoặc thiếu tự nhiên, để cho phép thói quen ấy đi vào trái tim bạn, tâm trí bạn và cơ thể bạn. Điều này bắt đầu thay đổi cách phản ứng có điều kiện của bạn. Với niềm vui thấu cảm, khi khả năng chia sẻ niềm vui với mọi người của bạn dần dần lớn mạnh lên, bạn sẽ cảm thấy hài lòng hơn với bản thân mình. Đối với tôi, thực hành trạng thái cao quý này là một phép màu nhiệm: cảm thấy vui cho người khiến bạn cảm thấy hạnh phúc vì khi bạn cảm nhận niềm vui sướng của người khác, cảm giác đó lại cộng hưởng trong bạn, khơi dậy niềm vui trong bạn.
Tôi phải mất một thời gian cùng sự nhẫn nại với bài thực tập này để cảm thấy vui mừng cùng mọi người. Lúc đầu, khi Tony gọi điện cho tôi trong lúc anh ấy và cháu nội của chúng tôi Malia đang ngao du ở Los Angeles—ở Trung tâm khoa học California, bến tàu Santa Monica, La Brea Tar Pits—sự đố kỵ sẽ trỗi dậy trong tâm trí tôi và giữ chặt tôi giống như hồ nhựa đường. Tôi căm ghét vì mình không được ở đó. Tôi căm ghét vì không thể thực hiện được ước mơ trở thành bà nội năng động của mình, chỉ cho Malia thấy thành phố nơi tôi sinh ra.
Đặc biệt tôi vẫn nhớ như in một chuyện mà tôi không chỉ cảm thấy ganh tỵ với một trong những chuyến đi thăm cháu gái Malia của Tony mà tôi còn hết sức bực bội. Sự ganh tỵ nổi lên khi chúng ta muốn những thứ người khác có hoặc có thể làm. Sự tức giận cũng hiện diện nếu chúng ta tin rằng mình không lấy được thứ đó chỉ vì một số điều có vẻ bất công trong đời.
Tony đã mua vé cho cả hai ông cháu đi xem vở nhạc kịch Fiddler on the Roof khi anh ấy đến Los Angeles. Vở nhạc kịch này có ý nghĩa đặc biệt đối với tôi vì nó là câu chuyện kể về cách mà gia đình của cha tôi di cư từ Ukraine thời hiện đại đến Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1900; họ bỏ quê hương vì các cuộc thảm sát người Do Thái. Fiddler on the Roof là câu chuyện về cuộc đời tôi, và tôi muốn mình là người dẫn Malia đi xem nó. Kết quả là, thay vì vui mừng trước kế hoạch đi chơi của hai ông cháu, tôi lại cảm thấy đố kỵ và tức tối — tôi cảm thấy mình là nạn nhân của sự bất công khủng khiếp chỉ vì tôi đau ốm đến mức không đi du lịch được. “Ông trời thật không công bằng!” Tôi tự phản kháng với chính mình.
Nhờ nỗ lực cố gắng, tôi có thể thay đổi cuộc đời khốn khổ của mình.Tôi bắt đầu bằng cách gợi ra lòng từ bi với bản thân về chuyện không thể đưa Malia đi xem Fiddler khó khăn biết nhường nào đối với tôi. Đối xử tử tế với bản thân theo cách này giúp tôi buông bỏ được những câu chuyện bi thương mà tôi cứ quay mòng mòng trong đầu rằng cuộc đời sao mà bất công thế. Nó cũng giúp tôi dễ dàng nhìn vào kế hoạch của họ thông qua góc nhìn của họ rằng họ sẽ không hề muốn buổi tối của họ ở Fiddler khiến tôi mất vui.
Sau đó tôi chuyển hướng chú ý đến niềm vui thấu cảm. Một lần nữa, lúc đầu tôi buộc phải giả bộ, nhưng không sao cả. Chẳng bao lâu sau niềm vui giả vờ đã biến thành niềm vui chân thực khi tôi cảm thấy hạnh phúc khi biết Malia sắp đi xem vở nhạc kịch từng là một phần quan trọng của cuộc đời tôi. Rồi sau đó một điều đặc biệt xảy ra. Niềm vui mà tôi cảm nhận làm tôi cảm thấy kết nối với hai ông cháu họ đến nỗi tôi có cảm giác như mình cũng là một phần của buổi tối hôm đó, như thể cả hai ông cháu đã ở đó để mang lại niềm vui cho cả ba người chúng tôi.
Vun bồi trạng thái niềm vui thấu cảm cao quý này có thể là một thách thức dai dẳng, nhưng đối với tôi, nó lại là một món quà tuyệt vời khác từ Đức Phật. Để giải thích cho câu nói của Shunryu Suzuki ở phần đầu của chương này: niềm vui thấu cảm đã cho phép tôi tìm thấy sự hiện hữu hoàn hảo, dẫu cho sức khỏe của tôi còn lâu mới được hoàn hảo.