Làm sao để giữ gìn tình yêu: một công cụ hiệu quả

lam-sao-de-giu-gin-tinh-yeu-mot-cong-cu-hieu-qua

Có một nghịch lý luôn âm thầm hiện hữu trong hầu hết các mối quan hệ: chúng ta tìm đến tình yêu để cảm thấy gần gũi hơn, để thoát khỏi nỗi cô đơn, và cuối cùng có thể là chính mình một cách trọn vẹn.

Có một nghịch lý luôn âm thầm hiện hữu trong hầu hết các mối quan hệ: chúng ta tìm đến tình yêu để cảm thấy gần gũi hơn, để thoát khỏi nỗi cô đơn, và cuối cùng có thể là chính mình một cách trọn vẹn. Nhưng đồng thời, nếu muốn duy trì mối quan hệ ấy, chúng ta lại phải giấu đi rất nhiều cảm xúc thật sự bên trong mình.

Những điều phải giấu có thể khác nhau ở mỗi người, nhưng hãy thử hình dung một vài ví dụ điển hình mà ta thường xuyên phải “ém nhẹm” mỗi ngày:

– Một lần thoáng thấy rung động với cô thu ngân trong siêu thị, dù cô ấy thậm chí không thuộc gu mà bạn đời nghĩ bạn thích.
– Nghĩ rằng người bạn đời của mình đã kém hấp dẫn hơn xưa, nhưng họ lại rất nhạy cảm về ngoại hình.
– Có lúc mơ mộng về người yêu cũ và lén tìm kiếm hình ảnh của họ trên mạng.
– Vô tình tận hưởng một cuộc trò chuyện với đồng nghiệp, suýt chạm đến ranh giới của sự tán tỉnh.
– Trong một phút ngắn ngủi (dù chỉ là thoáng qua), bạn tự hỏi liệu mình có nên ở lại với mối quan hệ trước đó hay không.

The Kiss, Gustav Klimt, 1908, via Wikimedia Commons

Nếu nói ra những điều này, ít nhất sẽ dẫn đến một cuộc cãi vã căng thẳng hoặc sự hờn dỗi kéo dài. Người bạn đời sẽ buộc tội bạn vô tâm hoặc phản bội. Sau đó, bạn sẽ nhận lấy ánh mắt nghi ngờ, cảm giác yêu thương ít đi, và dĩ nhiên sẽ không còn được thông cảm cho những điều kỳ quặc của bản thân. Khi bạn cần nhờ cậy gì, sự bao dung cũng sẽ biến mất. Đương nhiên, chẳng ai muốn điều đó xảy ra, nên chúng ta chọn cách im lặng, hy vọng mối quan hệ sẽ không bị tổn hại. Nhưng liệu có thật sự như vậy không?

Bởi lẽ, dù không nói ra, lòng chân thành trong tình yêu của chúng ta vẫn âm thầm bị ảnh hưởng. Ta đến với người ấy để được thấu hiểu, không phải để phục tùng những chuẩn mực áp đặt hay làm hài lòng ai khác. Nhưng khi điều gì đó sâu thẳm trong ta không được nhìn nhận, chính ta cảm thấy hụt hẫng.

Đây không phải vấn đề mà ta có thể tự mình giải quyết. Ta cần sự trợ giúp từ bên ngoài để khai thông dòng chảy cảm xúc thật.

Hãy nói với người bạn đời rằng có một trò chơi đã được đề xuất bởi một Tổ Chức Rất Uy Tín (mà bạn không hề có liên quan), dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng về cách duy trì các mối quan hệ bền vững. Bạn giải thích rằng, theo khuyến nghị từ Tổ Chức này, các cặp đôi phải dành ra một khoảnh khắc yên tĩnh mỗi tuần, chẳng hạn khi đi dạo hoặc trong bữa ăn, để chơi một trò chơi.

Trò chơi này thoạt nghe có vẻ ngớ ngẩn và không ai thực sự muốn chơi, nhưng Tổ Chức đã chứng minh rằng nó có giá trị. Vậy thì sao ta dám nghi ngờ?

Luật chơi rất đơn giản: Cả hai lần lượt trả lời câu hỏi này:

“Những cảm xúc khó xử nào tôi đã trải qua trong mối quan hệ này gần đây?”

Điều quan trọng là phải nhấn mạnh với bạn đời rằng Tổ Chức Uy Tín đã đặc biệt lưu ý rằng ta không được trả lời một cách qua loa, nửa vời, hay tránh né. Ta không thể lấp liếm bằng những câu bông đùa hoặc lời sáo rỗng. Nếu muốn tình yêu tồn tại, chúng ta phải thẳng thắn và đi vào tận gốc rễ của vấn đề.

Ta cần giải thích thêm rằng Tổ Chức này đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng trên hàng loạt con người – bao gồm cả những cá nhân trưởng thành, tử tế, thông minh và đáng kính trọng nhất. Dựa trên nghiên cứu đó, Tổ Chức đã đưa ra một kết luận quan trọng mà cả hai cần cùng đọc to trước khi bắt đầu trả lời câu hỏi trên:

“Không một con người nào từng tồn tại mà không mang trong mình những khao khát và tính cách trái ngược với kỳ vọng của một mối quan hệ chung thủy. Những người tử tế nhất, tốt đẹp nhất cũng từng, vài lần trong ngày, đối mặt với những ham muốn kỳ lạ, cơn giận dữ dữ dội, ý nghĩ trả thù, giấc mơ không chung thủy, và đôi khi, những ý niệm mà ta có thể gọi thẳng là điên rồ.

Những điều này không hề bất thường; thực tế, điều ta cho là “không bình thường” lại chính là bản chất tự nhiên của con người. Nói cách khác, không ai là ‘bình thường’. Vì thế, bằng chứng cho sự trung thực và lòng tử tế của chúng ta chính là những câu trả lời có vẻ kỳ lạ hoặc gây sốc. Càng chân thực, càng kỳ lạ, ta càng chứng minh rằng mình đáng tin, đáng yêu và chân thành.

Lòng chân thành trong tình yêu nằm ở chỗ ta dám nói ra những điều tưởng chừng nguy hiểm và xa lạ.” 

Mỗi lần ta được thấu hiểu ở những góc khuất tưởng như không thể chấp nhận, lòng trung thành với người bạn đời sẽ lớn dần. Một cách nghịch lý, việc ta thú nhận những suy nghĩ tưởng như “không chung thủy” lại làm cho tình yêu thêm bền chặt.

Nếu nhìn từ góc độ đúng đắn, những điều tưởng như bất thường lại chính là chất keo kết dính tình yêu. Chúng không phá vỡ mối quan hệ, mà nuôi dưỡng và củng cố nó.

Tình yêu thật đau đớn và đầy trớ trêu. Ta cố gắng trở thành người bạn đời tốt nhất, nhưng cũng trải qua những cảm xúc mà ta tin sẽ hủy hoại mối quan hệ, nên ta che giấu tất cả, đến mức quên cả cách cảm nhận. Đáng buồn thay, cả hai đều làm vậy và đều nghĩ mình là người duy nhất phải chịu đựng.

Nhưng tin tốt lành là chúng ta có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn này ngay lúc này đây. Tất cả những gì ta cần là một công cụ phù hợp để dám bộc lộ bản thân an toàn hơn.

Nguồn: HOW TO SUSTAIN LOVE: A TOOL - The School Of Life

menu
menu